Tối 20/4, Lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2021 diễn ra tại Khu di tích lịch sử văn hoá quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư, Ninh Bình.
Với chủ đề "Hoa Lư - Cố đô ngàn năm", đơn vị đăng cai là tỉnh Ninh Bình sẽ chủ trì 38 hoạt động; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì 4 hoạt động; 27 tỉnh, thành phố trên cả nước sẽ tổ chức 103 sự kiện hưởng ứng.
Tiêu biểu trong số đó là: Lễ hội Du lịch và văn hoá ẩm thực Hà Nội; Lễ khai hội chùa Tam Chúc; Hội chợ Thương mại - Du lịch quốc tế Việt Trung; Liên hoan du lịch Mẫu Sơn; Lễ hội du lịch biển Thanh Hóa; Festival Di sản Quảng Nam lần thứ 7.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tại sự kiện tối 20/4. Ảnh: Thúy Hà.
Phát biểu khai mạc, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao những nỗ lực kiểm soát dịch bệnh của người dân và chính quyền các địa phương; đặc biệt là các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đồng lòng giúp ngành du lịch dần phục hồi, trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch thế giới.
Theo ông, năm du lịch quốc gia 2021 là động lực phát triển ngành du lịch trong nước. Trong bối cảnh đất nước chưa mở cửa đón khách quốc tế, đây là dịp tốt để người dân Việt khám phá thêm thiên nhiên, văn hóa của Tổ quốc mình và trải nghiệm dịch vụ cao cấp mà trong điều kiện bình thường vốn chỉ dành cho những người có thu nhập cao.
Phó thủ tướng kêu gọi người dân và doanh nghiệp tiếp tục sáng tạo. Chính quyền các địa phương chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để đón khách quốc tế, tiếp tục xây dựng môi trường du lịch an toàn, thân thiện, văn hóa, văn minh.
Chương trình nghệ thuật chủ đề Hoa Lư - Ngàn năm vang mãi do NSƯT Khánh Toàn dàn dựng kịch bản và tổng đạo diễn. Ảnh: Thúy Hà.
Tại buổi lễ, các đại biểu, du khách đã thưởng thức Chương trình nghệ thuật với chủ đề Hoa Lư - Ngàn năm vang mãi, gồm 3 chương: Hoa Lư thuở ấy, Nước non ngàn dặm, Việt Nam - I love You. Chương trình được dàn dựng công phu, thể hiện niềm tự hào về truyền thống của vùng đất cố đô và những bước chuyển mình mạnh mẽ của Ninh Bình.
Lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia còn có sự hiện diện của Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Ủy viên TƯ Đảng, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, Trưởng Ban chỉ đạo Năm Du lịch quốc gia - Ninh Bình 2021; lãnh đạo tỉnh Ninh Bình, lãnh đạo một số tỉnh thành, hiệp hội, doanh nghiệp, cùng hàng nghìn khách mời và du khách thập phương.
Năm 2019, du lịch Việt Nam đón 18 triệu lượt khách quốc tế; phục vụ 85 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu từ du lịch đạt hơn 720.000 tỷ đồng, góp trên 9,2% vào GDP cả nước; tạo ra 2,9 triệu việc làm, trong đó có 927 nghìn việc làm trực tiếp. Với đà tăng trưởng của 5 năm trước, bước vào năm 2020, du lịch Việt Nam đón lượng khách quốc tế kỷ lục trong tháng 1, đạt gần 2 triệu lượt, tăng 32,8% so với cùng kỳ 2019. Từ tháng 2, Covid-19 giáng đòn nặng nề khiến cả năm khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt khoảng 3,7 triệu lượt, giảm 79,5% so với 2019. Khách nội địa đạt 56 triệu lượt, giảm 34,1%. Tổng thu du lịch đạt 312 nghìn tỷ đồng, giảm 58,7% - mức giảm tương đương 19 tỷ USD. Khoảng 40-60% lao động bị mất việc làm hoặc cắt giảm ngày công. Khoảng 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế đã ngừng hoạt động. Nhiều khách sạn phải đóng cửa, công suất sử dụng phòng có thời điểm chỉ đạt từ 10-15%. Tuy vậy, nhờ kết quả tích cực trong khống chế dịch bệnh, Việt Nam sớm được cộng đồng quốc tế ghi nhận là một trong những điểm đến an toàn giữa mùa dịch bệnh. Năm 2020, độc giả tạp chí du lịch Condé Nast Traveler bình chọn Việt Nam đứng thứ 9 trong top 20 quốc gia du lịch được yêu thích nhất. Tháng 3/2021, CNBC đưa miền Trung Việt Nam vào top 7 điểm đến an toàn sau Covid-19. |