Hơn 20 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Hàn Quốc đã không ngừng được củng cố và phát triển. Từ năm 2009 đến nay, hai nước đã trở thành đối tác hợp tác chiến lược và Hàn Quốc trở thành quốc gia dẫn đầu trong số trên 50 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Tại tỉnh Phú Thọ, các nhà đầu tư đến từ xứ sở Kim Chi là những nhà đầu tư nước ngoài đầu tiên có mặt mở đầu cho việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào tỉnh.
![]() |
UBND tỉnh Phú Thọ làm việc với Liên đoàn Dệt may Hàn Quốc |
Với các lợi thế cạnh tranh cơ bản như vị trí địa lý thuận lợi, môi trường đầu tư ổn định, cơ sở hạ tầng đồng bộ; sự quan tâm của lãnh đạo các cấp trong tỉnh; quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày một sâu rộng, Phú Thọ đang ngày càng trở nên hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư Hàn Quốc. Nguồn lao động dồi dào, mạng lưới giao thông thuận lợi, thủ tục hành chính nhanh gọn, sự quan tâm giúp đỡ cũng như các cơ chế chính sách ưu đãi thu hút đầu tư làm chúng tôi khá hài lòng. Đây là điều kiện hết sức quan trọng để nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc tiến hành đầu tư, tăng vốn đầu tư và gắn bó lâu dài với tỉnh - Đại diện một số nhà đầu tư đến từ xứ sở Kim Chi nhận xét.
Theo số liệu thống kê, Hàn Quốc hiện là quốc gia đứng đầu về số dự án nước ngoài đầu tư tại tỉnh, chiếm 88% tổng số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại tỉnh với tổng vốn đăng ký đạt gần 530 triệu USD; đồng thời, cũng là những doanh nghiệp đứng đầu về quy mô đầu tư lớn trên địa bàn tỉnh, điển hình như Công ty TNHH MTV Pangrim Neotex, Công ty TNHH Shesin, Công ty TNHH JM Plastic, Công ty TNHH KEE-EUN Việt Nam, Công ty TNHH Kapstex Vina…
Đáng chú ý, vốn đầu tư từ các nhà đầu tư Hàn Quốc đầu tư vào tỉnh cũng tăng nhanh vào những lĩnh vực mà tỉnh khuyến khích và có lợi thế thu hút đầu tư như sản xuất, gia công, xuất khẩu hàng may mặc; sản xuất, gia công, lắp ráp các linh kiện điện tử, linh kiện điện thoại di động…
Với quan điểm luôn nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, những năm qua, UBND tỉnh cùng các ngành, các cấp của tỉnh đã luôn hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư nước ngoài nói chung, nhà đầu tư Hàn Quốc nói riêng tại Phú Thọ gặt hái được những thành quả kinh doanh tốt trong suốt quá trình đầu tư tại tỉnh.
Thực tế cho thấy, quá trình đầu tư của các doanh nghiệp Hàn Quốc vào tỉnh đã tác động rất lớn tới kinh tế - xã hội, tạo ra năng lực sản xuất tăng cao, đóng góp không nhỏ vào ngân sách, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng chục nghìn lao động địa phương. Trong vài năm trở lại đây, mặc dù tình hình kinh tế trong nước cũng như trên thế giới gặp rất nhiều khó khăn, song các doanh nghiệp Hàn Quốc đã nhanh chóng cơ cấu lại sản xuất, tiết giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, tăng cường mở rộng thị trường, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm, do vậy hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn khá hiệu quả. Công ty thương mại Vina Kyung Seung - một trong những doanh nghiệp FDI được thành lập trên địa bàn tỉnh với ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất kinh doanh hàng may mặc theo đơn hàng của công ty mẹ tại Hàn Quốc. Từ chỗ chỉ có 1 xưởng sản xuất với hơn 1.000 công nhân (năm 2006), đến năm 2011 công ty đã đầu tư mở rộng lên 2 xưởng sản xuất, thu hút tạo việc làm cho gần 3.000 lao động. Hàng năm, Công ty luôn giữ mức tăng trưởng ổn định từ 10 - 12% cả về sản lượng hàng hóa xuất khẩu và doanh thu, thực hiện đầy đủ việc nộp ngân sách cho Nhà nước Việt Nam cũng như các chế độ, quyền lợi đối với người lao động.
Là một trong những dự án lớn với tổng vốn đầu tư đăng ký là 40 triệu USD, Công ty TNHH công nghệ NAMUGA - doanh nghiệp 100% vốn Hàn Quốc mặc dù mới hoàn thành đầu tư và đi vào hoạt động từ tháng 6/2014 song Công ty đã đạt được kết quả hết sức ấn tượng. Tổng sản lượng sản xuất trong 6 tháng đầu đi vào sản xuất đạt trên 40 triệu sản phẩm; giá trị xuất khẩu đạt trên 100 triệu USD; giải quyết việc làm cho trên 1.500 lao động địa phương. Mới đây, Công ty TNHH JNTC cũng đã đăng ký thuê 6 ha đất tại KCN Thụy Vân để thành lập doanh nghiệp chế xuất sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho phát triển công nghiệp công nghệ cao tại tỉnh với số vốn đầu tư dự kiến khoảng 50 triệu USD.
Trên cơ sở mối quan hệ giữa tỉnh Phú Thọ với các doanh nghiệp Hàn Quốc, những kết quả đạt được trong quá trình đầu tư của doanh nghiệp, cùng với Hiệp định TPP sắp được ký kết, tin tưởng rằng, dòng vốn đầu tư trực tiếp của doanh nghiệp Hàn Quốc tiếp tục chảy mạnh vào tỉnh trong những năm tiếp theo.
Khuất Thủy
PhuthoPortal