Tháng 9 - 10, vùng "Tây Bắc của Thanh Hóa” thu hút khách với vẻ nguyên sơ của các thung lũng lúa nằm lọt thỏm giữa dãy núi đá vôi.
Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông thuộc địa phận huyện Bá Thước và Quan Hóa. Vì được bao bọc bởi những cánh rừng nguyên sinh trù phú, Pù Luông có khí hậu ôn hòa, mát mẻ. Vào tháng 9, 10 hàng năm, Pù Luông khoác thêm chiếc áo mới, vàng rực của những cánh đồng ruộng bậc thang nối tiếp nhau.
Sáng sớm, bạn có thể bị đánh thức bởi mùi sương quyện hương lúa chín ngào ngạt. Ngoài khung cửa sổ, những cụm mây lang thang ngang qua thung lũng, đậu trên các cánh đồng, trên hạt lúa thơm.
Khoảnh khắc mây quyện lúa thường mau chóng biến mất khi nắng lên, sương tan.
Một ngày mới đến, bạn có thể lên xe lang thang các bản làng xung quanh. Những con đường đầy đá hộc, đá dăm, bùn lầy trơn trượt thử thách tay lái kẻ lữ hành. Nhiều khách du lịch chọn cách đi bộ hàng chục kilomet qua các bản.
Từ trên cao, bạn phóng tầm mắt để chiêm ngưỡng biển lúa vàng ẩn hiện trong mây sớm.
Sau khi tham quan các làng, bạn có thể chạy ngược xuống thị trấn Cành Nàng, rẽ một con đường nhỏ giữa khu chợ trời ở làng Sát. Những đoạn bùn đất ngập ngụa sau mưa có thể khiến lữ khách “bỏ cuộc” nhưng cảnh đẹp trên đường là phần thưởng xứng đáng cho mọi cố gắng.
Bạn có thể đi bộ men theo các thửa ruộng, băng qua cánh đồng ngô sóng sánh, hướng đến những guồng quay nước của người dân tộc Thái nằm ven bờ suối.
Một bà cụ người địa phương chỉ ngón tay nhăn nheo vào hàng ống tre dẫn nước lên bản, nói: “Ngày xưa ở đây mấy trăm cái, nhưng lũ về cuốn trôi hết rồi, chỉ còn bấy nhiêu thôi”. Đây cũng là nơi chụp ảnh yêu thích của nhiều du khách ngang qua.
Đến Pù Luông, du khách có thể chọn các khu nghỉ dưỡng hoặc lưu trú tại nhà người dân theo hình thức homestay. Bữa tối ở Pù Luông mùa lúa chín thường có đĩa vịt Cổ Lũng béo mềm, đĩa rau xanh mát, có thể là hoa chuối, có thể là măng rừng, chấm với ít hạt mắc khén cay. Nhấp thêm chén rượu nồng là bạn đã thưởng thức trọn vẹn hương vị của vùng sơn cước.
Nguyễn Lan Uyên / VnExpress