Đón nhận dự án có vốn đầu tư lớn, lần đầu tiên, Quảng Ninh vượt mốc 2 tỷ USD trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Vốn tăng mạnh nhờ dự án lớn
Theo ông Hoàng Trung Kiên, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh (QEZA), tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thu hút vào các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh thuộc phạm vi quản lý của Ban đạt gần 180,6 triệu USD. QEZA đã báo cáo UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh tăng vốn cho 1 dự án FDI với tổng vốn tăng thêm 257 triệu USD; đang hướng dẫn 3 dự án FDI hoàn thiện hồ sơ cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký 186,2 triệu USD. Như vậy, tổng vốn FDI sẽ được nâng lên 623,8 triệu USD.
Tuy nhiên, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Ninh, nếu tính cả các dự án đầu tư trực tiếp và gián tiếp, thì đây là năm đầu tiên, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào tỉnh vượt mốc 2 tỷ USD. Đóng góp lớn nhất là Dự án Nhà máy Điện khí LNG Quảng Ninh, được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tháng 7/2022, tổng vốn 1,998 tỷ USD. Nhờ dự án này, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Quảng Ninh đến thời điểm hiện tại đã đạt hơn 2,18 tỷ USD.
Đánh giá triển vọng thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong thời gian tới, ông Kiên cho biết: “Tháng 7/2022, Công ty cổ phần Hóa dầu Stavian Quảng Yên đã cam kết đầu tư 1,5 tỷ USD vào Khu công nghiệp Bắc Tiền Phong để triển khai dự án sản xuất hạt nhựa Polypropylene (PP). Nhà đầu tư này đã ký thỏa thuận giữ chỗ thuê đất với chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp. Nhiều tập đoàn kinh tế lớn trong lĩnh vực cũng đang tích cực tìm hiểu đầu tư vào Quảng Ninh. Trên cơ sở nắm bắt nhu cầu nhà đầu tư, năm 2023, Quảng Ninh đặt mục tiêu thu hút khoảng 1 tỷ USD vốn FDI.
Theo ông Csaba Bundik, Phó chủ tịch Phòng Thương mại Trung và Đông Âu, tỉnh Quảng Ninh đang được nhiều nhà đầu tư của châu Âu biết đến nhờ những lợi thế liên quan đến logistics, vị trí địa lý. “Đó không phải là thành tựu tự nhiên có được, mà là kết quả của chiến lược mang tính dài hạn, tầm nhìn lâu dài, những kinh nghiệm thực tiễn về phát triển khu công nghiệp, logistics và rất nhiều lợi thế, lợi ích mà tỉnh có thể mang lại cho nhà đầu tư”, ông Csaba Bundik nói.
Cần hấp dẫn hơn
Để Quảng Ninh hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, thân thiện môi trường, địa phương này phải đáp ứng được những đòi hỏi rất cao của nhà đầu tư. Theo ông Bruno Jaspaert, Tổng giám đốc Tổ hợp Khu công nghiệp DEEP C - nhà đầu tư đang đầu tư hạ tầng 2 KCN tại Quảng Ninh, vấn đề nguồn nhân lực chất lượng cao đang là thách thức với địa phương. “Quảng Ninh nói riêng, Việt Nam nói chung cần phải bỏ tư duy là mình có lợi thế về nguồn lao động giá rẻ. Mỗi địa phương đều cần phải có những ưu tiên vào việc đào tạo, tập trung vào những ngành nghề như điện tử, sản xuất máy móc, thiết bị… Cần phải có thời gian để chuẩn bị nguồn nhân lực, nếu làm được thì sẽ giúp hiện trạng nguồn lao động khác đi rất nhiều so với bây giờ”, ông ông Bruno Jaspaert nói.
Để đáp ứng yêu cầu về nhân lực, một trong những giải pháp trọng tâm mà Quảng Ninh đang thực hiện là triển khai Đề án Phát triển nhà ở cho công nhân, người lao động, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng, chuyên gia về làm việc, sinh sống tại địa phương. Cùng với đó, đầu tư các trường đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tập trung vào các nhóm nghề mỏ, cơ khí, công nghệ thông tin; hỗ trợ kết nối tuyển dụng lao động…
Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Ninh, trong giai đoạn tới, Quảng Ninh phải tiếp tục đổi mới phương thức xúc tiến và thu hút đầu tư, tiếp cận nhà đầu tư theo hướng chủ động, linh hoạt, đúng trọng tâm, trọng điểm. Đặc biệt, phải nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ công tác hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án trọng điểm. Trong đó, đặc biệt chú trọng xây dựng các cơ chế, chính sách, giải pháp thu hút đầu tư một cách cụ thể và rõ ràng.