Theo Nghị quyết số 31/2012/NQ-HĐND ngày 6/7/2012, quy hoạch phát triển KT-XH tỉnh Hải Dương đến 2020 và tầm nhìn đến 2030 như sau:
I. Quan điểm, mục tiêu phát triển
1/ Quan điểm phát triển
Thống nhất với quan điểm phát triển bền vững; phát triển kinh tế đi đôi với nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân; sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, nguồn tài nguyên, khoáng sản; gìn giữ và bảo vệ môi trường. Gắn kết phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh với quá trình phát triển chung của Vùng Đồng bằng sông Hồng, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị và trật tự xã hội.
2/ Mục tiêu phát triển tổng quát đến năm 2020
Phát triển nhanh, vững chắc và toàn diện, đưa Hải Dương cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp có nền tảng kinh tế công nghiệp hóa, văn hóa - xã hội tiến bộ văn minh, môi trường bền vững, quốc phòng- an ninh vững chắc, trở thành trung tâm kinh tế, đô thị lớn và hiện đại ở Đồng bằng sông Hồng vào năm 2020.
II. Các chỉ tiêu phát triển chủ yếu giai đoạn 2011 - 2020
Tán thành với việc điều chỉnh, bổ sung một số chỉ tiêu phát triển trên các lĩnh vực: kinh tế, văn hóa – xã hội, bảo vệ môi trường đến năm 2020 cho phù hợp với điểm xuất phát năm 2010 và bối cảnh, điều kiện trong tình hình mới. Phấn đấu đạt một số chỉ tiêu chủ yếu như sau:
1/ Chỉ tiêu phát triển kinh tế
(1)- Tổng sản phẩm trong tỉnh (GDP) tăng 11% - 11,5%/năm, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng bình quân 1,8%/, khu vực công nghiệp tăng bình quân 12,6% – 12,8%/năm, khu vực dịch vụ tăng bình quân 12,3% – 12,5%/năm.
(2)- Cơ cấu kinh tế Nông, lâm nghiệp, thuỷ sản – công nghiệp, xây dựng - dịch vụ năm 2020 là: 13,3% - 50,2% - 36,5%.
(3)- GDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 3.400 – 3.500 USD.
(4)- Giá trị xuất khẩu tăng bình quân 16% - 16,5%/năm.
(5)- Huy động ngân sách/GDP vào năm 2020 đạt 14 – 15%; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng bình quân 16 – 16,5%/năm.
(6). Vốn đầu tư toàn xã hội thời kỳ 2011 – 2020 đạt 410 – 420 ngàn tỷ đồng.
2/ Chỉ tiêu phát triển lĩnh vực văn hóa – xã hội
(1)- Giữ ổn định mức tăng dân số tự nhiên hàng năm dưới 1%.
(2)- Cơ cấu lao động trong các khu vực: nông, lâm, thuỷ sản - công nghiệp, xây dựng - dịch vụ đến năm 2020 là 30% - 35,5% - 34,5%.
(3)- Tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2020 đạt 75%.
(4)- Giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm 1,5 – 2%/năm.
(5)- Giảm tỷ lệ lao động thất nghiệp ở khu vực thành thị hàng năm xuống dưới 4%.
(6)- Đến năm 2015 có 15 – 30% học sinh tốt nghiệp THCS vào trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT vào đại học, cao đẳng đạt 50%.
(7)- Giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng theo cân nặng xuống dưới 12%, theo chiều cao/tuổi xuống dưới 18% vào năm 2020.
(8)- Bình quân có 25 giường bệnh/1 vạn dân (không tính các trạm y tế xã), có 8 bác sỹ/1 vạn dân vào năm 2020.
(9)- Tỷ lệ làng, khu dân cư văn hóa đạt 80% vào năm 2020.
(10)- Tỷ lệ xã đạt tiêu chuẩn xã nông thôn mới đạt trên 60% vào năm 2020.
3/ Chỉ tiêu phát triển môi trường bền vững
(1)- Tỷ lệ che phủ rừng và cây xanh vào năm 2020 đạt 22,5% – 23%.
(2)- Tỷ lệ xử lý rác thải đô thị vào năm 2020 đạt trên 95%.
(3)- Tỷ lệ thu gom và xử lý theo tiêu chuẩn vệ sinh môi trường các loại rác thải nguy hại đạt 100% vào năm 2015.
(4)- Tỷ lệ các khu công nghiệp hoạt động có hệ thống xử lý nước thải đảm bảo vệ sinh môi trường đạt 100% vào năm 2015; Tỷ lệ các cụm công nghiệp hoạt động có hệ thống xử lý nước thải đảm bảo vệ sinh môi trường đạt 100% vào năm 2020.
(5)- Tỷ lệ các hộ nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100% vào năm 2020.
III/ Tầm nhìn phát triển đến năm 2030
Sau năm 2020 phát triển vùng đô thị tập trung của tỉnh bao gồm toàn bộ khu vực thuộc thành phố Hải Dương và một phần các huyện Cẩm Giàng, Nam Sách, là nơi tập trung các trường đại học, khu công nghệ cao, Khu công nghiệp sạch, trung tâm thương mại. Khu vực Chí Linh- Kinh Môn là vùng đô thị thứ hai với các thành phố Chí Linh, thị xã Kinh Môn. Khu vực các huyện phía Nam tỉnh là vùng nông thôn mới với các đô thị hiện nay được nâng cấp, mở rộng và các đô thị mới được xây dựng.
Phấn đấu tỉnh hội đủ các yếu tố chủ yếu để trở thành tỉnh công nghiệp hóa vào năm 2025 và hướng đến trở thành một trung tâm đô thị, thành phố công nghiệp, dịch vụ, du lịch và khoa học - công nghệ ở Đồng bằng sông Hồng vào năm 2030.
Quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực và phát triển theo không gian, lãnh thổ
I/ Quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực chủ yếu
1. Công nghiệp
Ưu tiên thu hút đầu tư phát triển công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghiệp cơ khí, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu và sản xuất nguyên vật liệu, thiết bị thay thế nhập khẩu, công nghiệp chế biến sâu nông sản.
Phát triển hợp lý các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Đến năm 2020 duy trì và phát triển tối đa 18 khu công nghiệp; Rà soát lựa chọn tập trung đầu tư một số cụm công nghiệp đã được quy hoạch. Với tổng diện tích các khu công nghiệp, cụm công nghiệp quy hoạch đến năm 2020 là 5.804 ha.
2. Nông, lâm nghiệp, thủy sản
Quy hoạch, giữ vững diện tích đất trồng lúa đến năm 2020 tối thiểu 56.000 ha. Phát triển các vùng sản xuất rau, quả sạch, an toàn; mở rộng diện tích các cây rau, quả, củ thực phẩm lên 35 - 36 nghìn ha, cây ăn quả 20 - 22 nghìn ha. Phát triển chăn nuôi tập trung theo các mô hình trang trại, phấn đấu đạt quy mô đàn lợn 1- 1,1 triệu con, đàn gia cầm 11- 12 triệu con vào năm 2020. Ổn định diện tích đất có mặt nước nuôi trồng thủy sản 10 - 10,5 nghìn ha. Bảo vệ và phát triển rừng theo hướng đa mục tiêu, kết hợp các nhiệm vụ phòng hộ, tăng cường môi trường sinh thái với du lịch. Giữ vững diện tích rừng toàn tỉnh 10.363 ha đến năm 2020.
3. Dịch vụ thương mại
Nâng cấp kết cấu hạ tầng các dịch vụ vận chuyển - kho bãi, logistics. Xây dựng Kho trung chuyển và cảng cạn (ICD) công suất thông qua 500.000 TEU/năm quy mô cấp khu vực Bắc Đồng Bằng sông Hồng.
Mở rộng hạ tầng viễn thông, Internet về khu vực nông thôn. Phát triển các dịch vụ tài chính, ngân hàng theo hướng hội nhập, nâng tỷ trọng dịch vụ tài chính, ngân hàng chiếm 4 - 4,3% GDP của tỉnh vào giai đoạn 2015- 2020.
Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, xây dựng một số khu du lịch sinh thái, khu vui chơi giải trí cấp vùng; tập trung xây dựng hoàn chỉnh Khu du lịch di tích lịch sử danh thắng Côn Sơn - Kiếp Bạc.
Xã hội hóa đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thương mại, tập trung đầu tư cải tạo, nâng cấp mạng lưới chợ, đặc biệt là các chợ dân sinh, chợ đầu mối bán buôn nông sản.
4. Khoa học - công nghệ
Thu hút đầu tư xây dựng Khu công nghệ cao sinh học với chức năng nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất, đào tạo và chuyển giao công nghệ sinh học ở khu vực các tỉnh Phía Bắc. Khuyến khích, hỗ trợ các hoạt động chuyển giao, ứng dụng tiến bộ công nghệ vào sản xuất. Phấn đấu nâng tỷ lệ sản phẩm từ cây trồng, vật nuôi được chọn nhân giống và áp dụng các qui trình kỹ thuật hiện đại đạt trên 70% giá trị sản phẩm nông nghiệp vào năm 2020.
5. Giáo dục - đào tạo
Tiếp tục thực hiện xã hội hóa giáo dục – đào tạo, xây dựng xã hội học tập. Phấn đấu tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia bình quân các cấp đạt 80% vào năm 2020.
Củng cố và phát huy kết quả giáo dục đứng trong tốp đầu cả nước. Đến 2020 thu hút 100% học sinh tốt nghiệp THCS vào học THPT, bổ túc THPT, trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề. Nâng cấp các trường Trung cấp Văn hóa, nghệ thuật và Du lịch, trường Trung cấp Y tế của tỉnh lên thành các trường cao đẳng. Xây dựng từ 3 đến 4 trường đại học đạt trình độ đào tạo tương đương với khu vực vào giai đoạn 2016- 2020.
6. Y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng
Phát triển hệ thống y tế từng bước hiện đại, hoàn chỉnh. Xây dựng một số bệnh viện chuyên khoa mới gồm Bệnh viện Phụ sản, Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Da liễu, Trung tâm can thiệp tim mạch và Trung tâm Ung bướu thuộc Bệnh viện đa khoa tỉnh. Nâng cấp Bệnh viện Y học cổ truyền thành Bệnh viện Đa khoa Y học cổ truyền.
Tăng cường trang thiết bị kỹ thuật và đội ngũ bác sĩ, đặc biệt là tuyến cơ sở. Phấn đấu tỷ lệ trạm y tế xã có bác sĩ làm việc thường xuyên đạt 80% vào năm 2015 và 100% vào năm 2020. Đầu tư phát triển hệ thống y tế dự phòng đủ năng lực thực hiện công tác quản lý, giám sát, xử lý, khống chế kịp thời dịch bệnh.
7. Văn hóa - Thể dục thể thao
Tiếp tục xây dựng và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa thể thao từ cấp tỉnh đến cơ sở. Xã hội hoá đầu tư xây dựng thiết chế thể dục thể thao, tập trung đầu tư xây dựng các công trình trong Khu liên hợp văn hóa, thể dục thể thao tỉnh tại Thành phố Hải Dương (nhà hát, sân vận động, rạp chiếu phim...). Phấn đấu đến năm 2015: 80% các huyện có sân vận động, 67% các huyện có nhà tập luyện thể dục thể thao, 100% số xã có sân bãi thể dục thể thao.
8. Giải quyết việc làm và an sinh xã hội
Phát triển mạng lưới dạy nghề về các xã nông thôn, kiện toàn các trường dạy nghề, trung tâm dạy nghề, trung tâm giới thiệu việc làm, tổ chức sàn giao dịch việc làm ở các huyện, thị trong tỉnh. Xây dựng Trung tâm đào tạo nghề bậc cao ở Thành phố Hải Dương. Phấn đấu trung bình hàng năm giải quyết được việc làm mới cho 3,2- 3,3 vạn lao động.
Phối hợp các chương trình mục tiêu để thực hiện giảm nghèo bền vững. Triển khai đồng bộ các biện pháp an sinh xã hội, thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân, khuyến khích tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Phấn đấu đến năm 2020: 100% dân số có thẻ bảo hiểm y tế, số người được cấp bảo hiểm xã hội chiếm trên 55% dân số.
9. Thông tin - truyền thông
Từng bước đầu tư hiện đại hóa hệ thống phát thanh - truyền hình, báo chí, xuất bản của tỉnh. Mở rộng ứng dụng công nghệ thông tin trong các ngành, lĩnh vực và xây dựng “Chính quyền điện tử” ở tỉnh. Đến 2020, số cơ quan, đơn vị áp dụng công nghệ thông tin và phần mềm hệ thống trong trao đổi, xử lý thông tin đạt 100%.
10. Tài nguyên - môi trường
Xây dựng mạng thông tin và cơ sở dữ liệu điện tử về tài nguyên và môi trường của tỉnh. Hoàn thiện Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp đến năm 2020.
Tập trung thực hiện các biện pháp phòng chống ô nhiễm nguồn nước sông ngòi, cơ bản chấm dứt tình trạng ô nhiễm nước sông Sặt đoạn chảy qua Thành phố Hải Dương, phối hợp với các địa phương bạn triển khai phòng chống ô nhiễm nước hệ thống sông trục Bắc Hưng Hải.
Xây dựng hệ thống thu gom và xử lý rác thải trong toàn tỉnh. Đầu tư xây dựng nhà máy chế biến rác khu vực Thành phố Hải Dương, Thị xã Chí Linh, xây dựng các khu xử lý rác thải tập trung liên huyện tại các xã Việt Hồng (Thanh Hà), xã Lê Lợi (Gia Lộc), xã Văn Đức (Chí Linh).
11. Xây dựng kết cấu hạ tầng
Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội hiện đại, đồng bộ, trong đó ưu tiên trọng tâm cho hạ tầng giao thông, hạ tầng cung cấp điện, hạ tầng thủy lợi và hạ tầng đô thị.
a/ Hạ tầng giao thông
Phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương triển khai các dự án xây dựng đường cao tốc, đường Vành đai 5 Vùng Thủ đô Hà Nội, nâng cấp các tuyến quốc lộ, đường sắt quốc gia đi qua địa bàn tỉnh.
Từng bước hoàn chỉnh hệ thống đường nội tỉnh, đặc biệt là trục Bắc – Nam tỉnh và đường kết nối giữa các huyện. Hoàn thành xây dựng đường Vành đai I Thành phố Hải Dương theo qui mô đường cấp III và đường vành đai II Thành phố Hải Dương theo quy mô cấp II trước năm 2020. Nâng cấp hệ thống đường huyện, đến năm 2015 hoàn thành nâng cấp, cải tạo 50% đường huyện đạt tiêu chuẩn đường cấp IV, V, đến năm 2020 đạt 100% đường huyện có kết cấu mặt đường nhựa hoặc bê tông xi măng và đạt tiêu chuẩn đường cấp V trở lên. Cứng hóa đường xã, đường thôn, đến năm 2020 đường xã đạt tối thiểu đường loại A giao thông nông thôn.
Cải tạo, nâng cấp hệ thống âu thông thuyền, cống thủy lợi. Sắp xếp, củng cố hệ thống cảng, bến sông, mở rộng qui mô cảng Cống Câu công suất 1- 1,5 triệu tấn/năm, nâng cấp cảng Tiên Kiều thành cảng sông tổng hợp công suất 1 triệu tấn/năm, xây dựng mới cảng Quí Cao, cảng Khu công nghiệp tàu thủy.
b/ Hạ tầng cấp điện
Bổ sung nâng công suất toàn mạng lưới điện phù hợp với nhu cầu sử dụng trong từng giai đoạn. Xây dựng trạm 220KV Hải Dương 2 (An Phụ) 250MW; trạm 220KV nối cấp Nhà máy nhiệt điện Hải Dương (Phúc Thành) 250MW; trạm 220KV Gia Lộc 250MW, nâng công suất trạm 220KV Hải Dương 1 (Đức Chính) từ 12MW lên 250MW. Xây dựng mới 11 trạm 110KV với tổng công suất tăng thêm 603MW và nâng công suất các trạm 110KV quá tải. Xây dựng mới 04 đường dây 220KV, 07 đường dây 110KV và 460Km đường dây trung thế từ 6 - 35KV. Xây dựng mới 1584 trạm biến áp, cải tạo và xây dựng 1540Km đường dây hạ áp 0,4KV, thay mới 99.465công tơ các loại.
c/ Hạ tầng cấp nước sạch
Triển khai dự án Nhà máy nước Thành phố Hải Dương giai đoạn 2, nâng công suất Nhà máy lên 50.000 m3/ngày; cải tạo nâng công suất nhà máy nước Cẩm Thượng lên 88.000 m³/ngày; xây dựng nhà máy nước công suất 15.000 m³/ngày cấp nước cho Thị xã Chí Linh. Nâng cấp nhà máy nước đã cũ tại các thị trấn trung tâm huyện, xây dựng mới nhà máy nước công suất 3.000 – 5.000 m³/ngày tại các thị trấn mới. Đầu tư xây dựng các trạm xử lý, cấp nước tập trung 1.000 – 2.500 m³/ngày ở các xã, cụm xã. Nâng tổng công suất hệ thống cấp nước máy toàn tỉnh lên 220.000 - 230.000 m³/ngày vào năm 2020.
d/ Hạ tầng thủy lợi
Tập trung nạo vét trục sông Bắc Hưng Hải, đầu tư tu bổ, gia cố các tuyến đê, kè xung yếu thuộc sông Thái Bình, sông Kinh Thầy, sông Rạng, sông Đình Đào và một số đoạn đê hiện mặt cắt chưa đảm bảo thuộc các tuyến đê sông hệ thống Bắc Hưng Hải. Xây dựng cải tạo, nâng cấp 78 trạm bơm, 18 hồ chứa và 60 cống; xây mới 40 trạm bơm, 15 cống; kiên cố hóa 925Km kênh mương các loại. Củng cố và nâng cấp các tuyến đê của tỉnh: Cứng hóa 157Km, củng cố 1,6Km, làm 105Km đường hành lang; tôn cao ấp trúc 6,5Km, trồng 2,3Km tre chắn sóng.
12. An ninh – Quốc phòng
Giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, tạo thế chủ động về chiến lược trong phòng ngừa và đấu tranh, kiên quyết làm thất bại âm mưu “diễn biến hoà bình”, gây bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch và hoạt động của các loại tội phạm. Phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc trong tình hình mới, xây dựng làng, khu dân cư, cơ quan, doanh nghiệp an toàn về an ninh trật tự. Giải quyết có hiệu quả các tệ nạn xã hội, kiềm chế tai nạn giao thông.
Kết hợp phát triển kinh tế với quốc phòng- an ninh, tăng cường tiềm lực quốc phòng, xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh ngày càng vững chắc. Không ngừng củng cố thế trận quốc phòng toàn dân kết hợp với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng lực lượng bộ đội địa phương, dân quân tự vệ, dự bị động viên vững mạnh. Từng bước xây dựng thế trận và công trình phòng thủ, tiếp tục nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang địa phương, thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội.
II/ Phát triển theo không gian lãnh thổ
1/ Phát triển đô thị
Từ nay đến năm 2020, toàn tỉnh xây dựng và phát triển 22 đô thị, bao gồm:
- 01 đô thị loại I: nâng cấp thành phố Hải Dương thành đô thị loại I. Xây dựng thành phố theo hướng đô thị chức năng tổng hợp kết hợp chức năng thành phố dịch vụ, công nghiệp, thương mại, đào tạo, khoa học - công nghệ.
- 01 đô thị loại III: nâng cấp thị xã Chí Linh lên thành đô thị loại III – thành phố Chí Linh với chức năng là thành phố công nghiệp, du lịch, đô thị trung tâm khu vực Bắc Hải Dương.
- 04 đô thị loại IV: Thành lập thị xã Kinh Môn trên cơ sở huyện Kinh Môn với 03 thị trấn hiện có được xây dựng mở rộng gồm thị trấn Kinh Môn, Minh Tân và Phú Thứ. Thành lập thị xã Bình Giang trên cơ sở nâng cấp và xây dựng mở rộng từ thị trấn Sặt hiện nay. Nâng cấp thị trấn Gia Lộc, thị trấn Phú Thái hiện tại là đô thị loại V lên thành đô thị loại IV.
- 19 đô thị loại V: gồm 8 thị trấn hiện có (TT.Phú Thái, TT.Ninh Giang, TT.Thanh Miện, TT.Tứ Kỳ, TT.Nam Sách, TT.Lai Cách, TT.Cẩm Giàng, TT.Thanh Hà). Xây dựng 09 thị trấn mới gồm TT.Tân Trường (Cẩm Giàng), TT.Thanh Quang (Nam Sách), TT.Thái Học (Bình Giang), TT. Đoàn Tùng (Thanh Miện), TT.Nguyên Giáp và TT. Hưng Đạo (Tứ Kỳ), TT. Đoàn Thượng (Gia Lộc), TT. Cộng Hòa và TT. Đồng Gia (Kim Thành). Thành lập 02 phường Thạch Khôi và Ái Quốc thuộc thành phố Hải Dương.
2/ Phát triển các hành lang kinh tế
Trên cơ sở một số tuyến trục giao thông quan trọng, hình thành các hành lang kinh tế thúc đẩy giao lưu, phát triển kinh tế- xã hội các vùng trong tỉnh. Bao gồm:
a/ Hành lang kinh tế Đông - Tây: gồm các hành lang theo Quốc lộ 5 (nối Cẩm Giàng- Nam Sách - TP.Hải Dương- Kim Thành), theo Quốc lộ 18 (giao lưu khu vực Chí Linh với bên ngoài), theo tuyến Đường tỉnh 392- Đường tỉnh 399 (nối Thanh Miện - Ninh Giang- Tứ Kỳ- Thanh Hà) và theo tuyến Cao tốc Hà Nội – Hải Phòng.
b/ Hành lang kinh tế Bắc - Nam: gồm các hành lang theo Quốc lộ 37 (nối Chí Linh- Nam Sách- TP.Hải Dương- Gia Lộc- Ninh Giang), theo Đường tỉnh 388 (nối Kinh Môn - Kim Thành) và theo tuyến Quốc lộ 38 - Đường tỉnh 392 - 392B (nối Cẩm Giàng - Bình Giang- Thanh Miện).
c/ Hành lang kinh tế lan tỏa từ trung tâm: gồm các hành lang kinh tế theo tuyến Đường tỉnh 391 (nối TP.Hải Dương- Tứ Kỳ) và theo tuyến Đường tỉnh 390 (nối TP.Hải Dương - Thanh Hà).
3/ Phát triển các vùng kinh tế
a/ Vùng Kinh tế trung tâm
Vùng Kinh tế trung tâm tỉnh bao gồm Thành phố Hải Dương và các huyện Cẩm Giàng, Nam Sách, Kim Thành. Phát huy điều kiện lợi thế về giao lưu kinh tế, phát triển mạnh các ngành dịch vụ, thương mại, tài chính- ngân hàng, khoa học- công nghệ, đào tạo nhân lực chuyên môn kỹ thuật, tay nghề cao.
b/ Vùng Kinh tế Bắc Hải Dương
Phát triển Vùng Kinh tế Bắc Hải Dương theo hướng ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp nặng như luyện, cán thép, cơ khí xây dựng, cơ khí vận tải, sản xuất vật liệu xây dựng, hóa chất, nhiệt điện. Đầu tư xây dựng hoàn chỉnh các khu, điểm du lịch gắn với di tích văn hóa, lịch sử tiêu biểu, xây dựng một số khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng đưa Vùng trở thành một trong các trung tâm du lịch sinh thái – danh thắng của Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
c/ Vùng Kinh tế Nam Hải Dương
Phát triển Vùng Kinh tế Nam Hải Dương gồm 06 huyện Bình Giang, Thanh Miện, Gia Lộc, Ninh Giang, Thanh Hà và Tứ Kỳ trên cơ sở kết hợp nông nghiệp với công nghiệp và dịch vụ. Phát triển các vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, vùng rau thực phẩm an toàn, vùng cây ăn quả đặc sản, vùng nuôi trồng thủy sản tập trung. Thu hút các dự án đầu tư chế biến rau, quả, thực phẩm, dự án đầu tư công nghiệp nhẹ, dự án phát triển làng nghề. Phát triển mạnh các dịch vụ nông thôn, dịch vụ sản xuất nông nghiệp.