I. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN
1. Xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành đô thị động lực, có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển vùng, hướng mô hình tập trung đa cực, không gian mở rộng; liên kết hợp tác chặt chẽ với vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước; phát triển kinh tế biển và hội nhập kinh tế quốc tế.
2. Tập trung khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của thành phố để phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững gắn với đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp và nâng cao chất lượng tăng trưởng theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; là trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật của vùng và cùng với các thành phố lân cận hình thành hành lang kinh tế Bắc - Nam.
3. Phát triển kinh tế - xã hội gắn với chỉnh trang, nâng cấp đô thị và phát triển không gian đô thị. Chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho bước phát triển thời kỳ tiếp theo.
4. Kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với phát triển các lĩnh vực y tế, văn hóa, giáo dục nhằm đảm bảo không ngừng cải thiện đời sống nhân dân, nâng cao dân trí. Gắn phát triển kinh tế với thực hiện công bằng xã hội và ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh.
5. Kết hợp giữa phát triển kinh tế với bảo vệ tài nguyên và môi trường sinh thái, bảo đảm phát triển nhanh và bền vững. Đồng thời tổ chức thực hiện tốt các cam kết thiên niên kỷ của Việt Nam.
II. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN
1. Mục tiêu tổng quát
Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước, là trung tâm kinh tế - xã hội của miền Trung với vai trò là trung tâm dịch vụ, cảng biển, đầu mối giao thông quan trọng về vận tải và trung chuyến hàng hóa trong nước và quốc tế; trung tâm bưu chính viễn thông và tài chính - ngân hàng; một trong những trung tâm y tế, văn hóa - thể thao, giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ cao của miền Trung; là địa bàn giữ vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh của khu vực miền Trung và của cả nước.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Về kinh tế
-Tăng trưởng kinh tế: duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế 12 - 13%/năm, đưa Đà Nẵng trở thành địa bàn có sức thúc đẩy phát triển kinh tế các vùng phụ cận.
-Cơ cấu kinh tế: chuyển đổi theo hướng dịch vụ - công nghiệp, xây dựng - nông nghiệp. Dự kiến cơ cấu kinh tế của thành phố đến năm 2020 là: dịch vụ: 55,6%, công nghiệp và xây dựng: 42,8%; nông nghiệp: 1,6%.
-Đến năm 2020, tỷ trọng GDP của thành phố chiếm khoảng 2,8% GDP cả nước; kim ngạch xuất khẩu thời kỳ 2011 - 2020 tăng bình quân 19 - 20%/năm; GDP bình quân đầu người đạt 4.500 - 5.000 USD; duy trì tỷ trọng thu ngân sách so với GDP đạt từ 35 - 36%; tốc độ đổi mới công nghệ bình quân hàng năm đạt 25%.
b) Về xã hội
- Quản lý nhà nước thành phố theo Đề án chính quyền đô thị.
- Duy trì nhịp độ tăng dân số tự nhiên ở mức dưới 1%, tạo việc làm cho lực lượng lao động mới hàng năm khoảng trên 3,0 vạn người. Phấn đấu đến năm 2020 không còn trẻ suy dinh dưỡng, không còn hộ nghèo.
- Tiếp tục mở rộng quy mô giáo dục - đào tạo, đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, nâng cấp hệ thống trường lớp, đảm bảo tất cả các trường hệ phổ thông đạt tiêu chuẩn quốc gia. Tăng cường công tác đào tạo nghề để đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đảm bảo tất cả lao động được đào tạo nghề phù hợp.
- Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xã hội hóa về y tế, tăng cường các nguồn lực đáp ứng nhu cầu phục vụ phòng bệnh và chữa bệnh cho nhân dân.
- Xây dựng nền văn hóa thành phố theo hướng đô thị văn minh, hiện đại, đồng thời làm tốt công tác bảo tồn và gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.
- Phát triển kinh tế đi đôi với nâng cao chất lượng môi trường sống, đảm bảo sự công bằng trong việc tiếp cận các dịch vụ công đối với mọi người dân thành phố.
- Tập trung phát triển cơ sở hạ tầng kết hợp với việc nâng cao chất lượng các dịch vụ công ích đô thị như giao thông, cấp thoát nước, xử lý nước thải, vệ sinh môi trường, cây xanh, công viên, điện chiếu sáng, vận tải công cộng… tạo cảnh quan không gian đô thị, cải thiện điều kiện môi trường.
- Tăng cường củng cố an ninh quốc phòng, giữ vững ổn định chính trị, an toàn xã hội và an ninh quốc gia.
c) Về bảo vệ môi trường
- Giai đoạn 2011 - 2015:
+ Bảo đảm 90% đạt tiêu chuẩn môi trường chất lượng nước thải của các khu công nghiệp, khu chế xuất và nước thải sinh hoạt của tất cả các quận nội thành được thu gom, xử lý.
+ Kiểm soát được các nguồn phát sinh chất thải nguy hại và thực hiện xử lý hợp vệ sinh (hoàn thành việc điều tra thống kê chất thải nguy hại trên địa bàn thành phố; hoàn thành việc xây dựng hệ thống thu gom và xử lý chất thải nguy hại; xây dựng khu xử lý chất thải rắn y tế nguy hại tập trung).
+ Đẩy mạnh xã hội hóa công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn. Phân loại chất thải tại nguồn và phấn đấu 90% chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý hợp vệ sinh.
+ Hình thành và phát triển công nghiệp tái chế chất thải để tái sử dụng, phấn đấu 50% chất thải thu gom được tái chế và khoảng 50% người chết được mai táng bằng phương pháp hỏa táng.
+ Phấn đấu 90% dân số nội thành và 70% dân số các xã ngoại ô được sử dụng nước sạch. Kiểm soát ô nhiễm không khí từ các nguồn phát sinh gồm giao thông đường bộ, khí thải công nghiệp và khí thải từ các khu vực đô thị. Đảm bảo chỉ số ô nhiễm không khí (API) nhỏ hơn 100.
+ Phát triển diện tích không gian xanh đô thị (cây xanh công viên, cây xanh vườn hoa, cây xanh đường phố, cây xanh công sở, trường học), bố trí hợp lý về tỷ lệ và chủng loại cây, phấn đấu đạt 3 - 4 m²/người. Thực hiện các biện pháp để bảo tồn đa dạng sinh học rừng của thành phố. Tiếp tục thực hiện chủ trương “đóng cửa rừng tự nhiên”, tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng và đẩy nhanh tiến độ trồng rừng để nâng độ che phủ của rừng lên 50,6% vào năm 2015.
- Giai đoạn 2016 - 2020:
+ Xây dựng Đà Nẵng trở thành “thành phố môi trường” vào năm 2020.
+ Tiếp tục hoàn thiện các mục tiêu ở giai đoạn 2016 - 2020, đảm bảo đạt được tất cả các tiêu chí thành phố môi trường, cụ thể: 100% nước thải công nghiệp và sinh hoạt được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường; 70% chất thải rắn được tái chế; 25% lượng nước được tái sử dụng.
+ Phát triển diện tích không gian xanh đô thị, phấn đấu đạt 9 - 10 m²/người vào năm 2020.
III. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN CÁC NGÀNH, LĨNH VỰC VÀ CÁC SẢN PHẨM CHỦ LỰC
1. Dịch vụ
- Tập trung tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển dịch vụ nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng mức đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.
- Phấn đấu tốc độ tăng trưởng các ngành khu vực dịch vụ cao hơn tăng trưởng chung nền kinh tế thành phố, giai đoạn 2011 - 2015 tăng 13,5%/năm, giai đoạn 2016 - 2020 tăng 14%/năm, tỷ trọng khu vực dịch vụ cơ cấu kinh tế thành phố đến năm 2015 chiếm 52,2%, năm 2020 đạt 55,6% tổng GDP của thành phố.
- Thương mại: xây dựng ngành thương mại phát triển vững mạnh, có hệ thống kết cấu hạ tầng lương đối diện hiện đại. Dự kiến tăng trưởng thời kỳ 2011 - 2015 đạt 12,2%/năm, thời kỳ 2016 - 2020 đạt 14,1%. Đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ; phát triển dịch vụ thu ngoại tệ tại chỗ thông qua các hoạt động dịch vụ du lịch, thu kiều hối và bán hàng tại chỗ để góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu.
- Khách sạn, nhà hàng: phấn đấu tốc độ tăng trưởng thời kỳ đầu 12,3%, thời kỳ sau 13,6%. Tỷ trọng GDP đạt 26,5% năm 2015 và 26% năm 2020.
- Vận tải, kho bãi, thông tin truyền thông: phấn đấu tốc độ tăng trưởng thời kỳ đầu đạt 14,0%, thời kỳ tiếp theo đạt 17,4%; tỷ trọng GDP đạt 13% năm 2015 và 15% năm 2020.
- Tài chính, ngân hàng, bảo hiểm: xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính, ngân hàng, bảo hiểm lớn của khu vực miền Trung và cả nước.
- Du lịch: phát triển du lịch Đà Nẵng trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn và chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của thành phố, góp phần chuyển dịch theo hướng cơ cấu kinh tế “dịch vụ - công nghiệp, xây dựng - nông nghiệp”. Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao, bình quân hàng năm 15 - 16%, đến năm 2010 doanh thu ngành du lịch đạt 1.200 tỷ đồng, năm 2015 đạt 2.420 tỷ đồng, năm 2020 đạt 3.890 tỷ đồng.
2. Công nghiệp và xây dựng
- Mục tiêu phát triển đến năm 2020: tốc độ tăng bình quân GDP công nghiệp - xây dựng giai đoạn 2011 - 2015 là 12,2% và giai đoạn 2016 - 2020 là 12,3%. Tỷ trọng GDP công nghiệp - xây dựng trong tổng GDP của thành phố năm 2015 là 45,4% và năm 2020 là 42,8%.
- Phát triển công nghiệp có chọn lọc, tập trung ưu tiên phát triển những ngành hàng và sản phẩm sử dụng công nghệ hiện đại, kỹ thuật tiên tiến, có hàm lượng chất xám cao, có giá trị gia tăng cao; coi trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu. Đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp theo hướng công nghiệp sạch và giá trị gia tăng cao, phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
- Ưu tiên nguồn lực, ưu đãi về chính sách phát triển một số ngành, sản phẩm công nghiệp chủ lực, đại diện cho công nghiệp thành phố trong tương lai như: công nghiệp công nghệ thông tin (phần mềm, phần cứng), điện tử, cơ khí chính xác, dược phẩm, hàng tiêu dùng cao cấp…
- Đẩy mạnh ngành khai thác và chế biến hải sản phục vụ xuất khẩu, phát triển các ngành công nghiệp dịch vụ cảng và vận tải biển; các loại hình công nghiệp gắn liền với hệ thống cảng.
- Chuyển đổi dần cơ cấu công nghiệp theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, hình thành ngành nghề, sản phẩm mới; tăng cường xúc tiến hợp tác đầu tư nước ngoài; chủ động tham gia vào mạng lưới công nghiệp ASEAN (AICO) và thế giới.
- Phát triển và phân bố các cơ sở sản xuất công nghiệp phải theo nguyên tắc sử dụng hợp lý tài nguyên, lao động và đảm bảo các yêu cầu về môi trường. Kết hợp chặt chẽ các quy mô, loại hình sản xuất. Trong đó khu vực kinh tế nông thôn cần chú trọng hơn đối với phát triển sản xuất công nghiệp quy mô vừa và nhỏ.
- Xây dựng các khu công nghiệp công nghệ cao, khu công nghiệp công nghệ thông tin nhằm tạo điều kiện thuận lợi để thu hút, phát triển mạnh các ngành công nghiệp công nghệ cao (điện, điện tử, điện lạnh, cơ khí chế tạo, cơ khí chính xác, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới…) và các ngành công nghiệp công nghệ thông tin, viễn thông.
3. Nông, lâm nghiệp và thủy sản
- Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng năng suất, chất lượng cao, hình thành các vùng chuyên canh sản xuất tập trung, tăng tỷ trọng các ngành tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ trong nông nghiệp, giảm tỷ trọng nông nghiệp, lâm nghiệp, tăng tỷ trọng ngành thủy sản trong cơ cấu kinh tế thủy sản nông lâm.
- Đẩy mạnh đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, nhất là hệ thống thủy lợi, giao thông, nước sinh hoạt nông thôn, dịch vụ nông nghiệp, giống cây trồng, vật nuôi, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, trọng tâm là công nghệ sinh học.
- Tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, khuyến khích hỗ trợ các thành phần kinh tế đầu tư trồng rừng, trồng rừng kinh tế, trồng cây chắn sóng ven biển và phát triển mạnh công nghệ chế biến gỗ từ nguyên liệu gỗ rừng trồng.
GDP ngành nông nghiệp bình quân giai đoạn 2001 - 2010 đạt 4 - 5%/năm, giai đoạn 2011 - 2020 đạt 4,8%/năm. Cơ cấu kinh tế nông, lâm, ngư nghiệp đến hết năm 2010 là: thủy sản 69,5%, nông nghiệp 26,8%, lâm nghiệp 3,7% và đến năm 2020 là: thủy sản 73,3%, nông nghiệp 23,5%, lâm nghiệp 3,2%.
4. Kết cấu hạ tầng
Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và hoàn chỉnh, đảm bảo nhu cầu phát triển kinh tế của thành phố và khu vực, là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của vùng kinh tế trọng điểm.
a) Giao thông vận tải
- Xây dựng đường bộ cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Đà Nẵng - Cam Lộ (Quảng Trị), nâng cấp quốc lộ 14 đoạn từ Túy Loan đến ranh giới Đà Nẵng - Quảng Nam đạt tiêu chuẩn cấp I với 4 làn xe; nâng cấp đường Hồ Chí Minh qua địa phận Đà Nẵng dài 45 km đạt tiêu chuẩn cấp III miền núi. Mở rộng 4 tuyến đường bộ vào thành phố và xây dựng các nút giao thông từ Đà Nẵng đi các tỉnh. Xây dựng mới một số tuyến đường bộ nối khu vực nội thành với đường Hồ Chí Minh, đường cao tốc.
- Xây mới cảng Liên Chiểu phục vụ vận chuyển hàng xuất nhập khẩu của khu vực và hàng quá cảnh của hành lang Đông - Tây, có công suất 6 - 7 triệu tấn/năm, tiếp nhận tầu có trọng tải tới 50.000 DWT trong giai đoạn từ 2010 - 2020. Xây dựng cảng Thọ Quang cho tầu dưới 50.000 DWT, mở rộng, nâng cấp cảng Tiên Sa đủ khả năng tiếp nhận tầu 60.000 DWT. Đầu tư mở rộng, nâng cấp cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng theo quy hoạch đã được phê duyệt đến năm 2020.
- Xây dựng ga đường sắt mới nhằm chuyển hệ thống đường sắt ra ngoài trung tâm thành phố.
- Xây dựng mới các nút giao thông nội đô, nâng cấp các tuyến giao thông trục nội thành. Xây dựng hệ thống bến xe liên khu vực và tu sửa hệ thống bến bãi nội đô. Quy hoạch hệ thống đỗ xe con phục vụ dân cư đô thị.
- Xây dựng mở rộng mặt cắt các tuyến giao thông nông thôn, giao thông nội đồng và kiên cố hóa kênh mương nội đồng đảm bảo thực hiện cơ giới hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành 100% các tuyến giao thông nội đồng và kênh mương nội đồng đảm bảo phục vụ sản xuất nông nghiệp.
- Phát triển giao thông công cộng nhằm hạn chế sự phát triển phương tiện giao thông cá nhân, tránh tình trạng gây ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
b) Bưu chính viễn thông
Xây dựng mạng lưới bưu chính viễn thông trở thành trung tâm bưu chính viễn thông của khu vực miền Trung với các trang thiết bị tiên tiến phấn đấu theo kịp các nước có nền công nghiệp công nghệ thông tin hiện đại.
- Bưu chính: triển khai và tiến hành nghiên cứu phát triển các dịch vụ mới. Áp dụng công nghệ tự động hóa với việc đầu tư các thiết bị chấp nhận và phát bưu phẩm, bưu kiện tự động đặt tại các nơi công cộng, hoạt động liên tục (24/24h) đáp ứng tốt nhu cầu của người dân.
- Viễn thông: đảm bảo tốc độ truy cập cao để đáp ứng yêu cầu băng thông cho các dịch vụ giải trí và truyền hình. Phương thức truy nhập: truy nhập quang và vô tuyến. Đảm bảo 100% nhu cầu về dịch vụ viễn thông được đáp ứng.
c) Cung cấp điện
- Về nguồn điện: tiếp tục sử dụng nguồn từ lưới điện quốc gia thông qua Trạm 500 kV Đà Nẵng 500/220/35 - 450 MVA; các trạm biến áp 220, 110 kV và các nguồn phát điện diezel độc lập của các thành phần kinh tế. Đến năm 2020, căn cứ công suất phụ tải dự báo và thực tiễn vận hành nâng công suất Trạm 500 kV Đà Nẵng từ 450 MVA lên 900 MVA đến 1.350 MVA, đồng thời bổ sung thêm các trạm biến áp nguồn cấp điện áp 220 kV.
- Về lưới điện: từ nay đến năm 2015 có xét đến 2020 hệ thống truyền tải cao thế cấp điện áp 220 kV, 110 kV tiếp tục đóng vai trò chính trong việc truyền tải điện từ các nguồn điện quốc gia cấp điện cho thành phố. Hệ thống lưới điện cấp trung thế dần thay thế chuyển đổi thành cấp điện áp 22 kV; lưới điện hạ thế dần chuyển đổi thành cáp ngầm trong nội thành và cáp vặn xoắn đi trên không cho các vùng ven đô.
d) Thủy lợi và hệ thống cấp nước
- Đầu tư xây dựng mới hồ chứa nước Trung An, sửa chữa nâng cấp các hồ chứa nước, công trình thủy lợi và kiên cố hóa kênh mương đảm bảo nguồn nước phục vụ tưới cho 100% diện tích đất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản.
- Tập trung đầu tư, đẩy nhanh tiến độ cấp nước sinh hoạt nông thôn, phấn đấu tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước sạch đến năm 2010 đạt trên 80%, năm 2015 đạt 90% và đạt 95% trước năm 2020.
- Đầu tư, hoàn thành hệ thống đê, kè biển, kè sông và khơi thông các dòng chảy sông để đảm bảo an toàn, nâng cao năng lực phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai.
đ) Công trình thoát nước
Bố trí đồng bộ các công trình thoát nước mặt, nước thải và các công trình ngầm khác như cáp điện lực, điện thoại, cáp tín hiệu… theo tiêu chuẩn đường đô thị. Cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước tại các khu phố cũ để tránh ngập lụt và đảm bảo chất lượng các công trình. Mật độ cống thoát nước đạt tiêu chuẩn 200 - 300m/ha đất xây dựng. Đến năm 2015 phấn đấu hoàn thành việc tách nước thải và nước mưa riêng
e) Cây xanh đô thị
Tăng cường trồng cây xanh trên các dải phân cách của các tuyến đường đô thị cấp I, II, vỉa hè, bến xe, bãi trông xe… để tạo cảnh quan và môi trường đảm bảo tiêu chuẩn 4 - 5 m²/người vào năm 2010 và 9 - 10 m²/người vào năm 2020.
5. Phát triển các vấn đề xã hội
a) Về lĩnh vực dân số và kế hoạch hóa gia đình
Tiếp tục đẩy mạnh công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình nhằm ổn định tỷ lệ tăng dân số tự nhiên khoảng 1%; tăng dân số cơ học khoảng 5%. Dự báo dân số Đà Nẵng đến năm 2015 khoảng 1 triệu người, đến năm 2020 khoảng 1,38 triệu người. Trong đó, dân số thành thị chiếm khoảng 92% vào năm 2020.
b) Về phát triển giáo dục và đào tạo
- Tiếp tục phát triển mạng lưới trường hợp theo cơ cấu hợp lý giữa các ngành học, cấp học vừa đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân, vừa phù hợp với tỷ lệ định hướng mở rộng mạng lưới các cơ sở ngoài công lập đến năm 2020 là:
Nhà trẻ 80%, mẫu giáo 70%, tiểu học 5%, trung học cơ sở (THCS) 5%, trung học phổ thông (THPT) 40%, trung học chuyên nghiệp trên 60%, cao đẳng trên 60% và đại học trên 50%. Có 60,3% trường mầm non, mẫu giáo, 85% trường tiểu học, 75% trường THCS và 80,6% trường THPT đạt chuẩn quốc gia.
Củng cố và mở rộng các trường có học sinh dân tộc nội trú. Phát triển 2 trường phổ thông khuyết tật thành trường trọng điểm của vùng. Hoàn thành phổ cập giáo dục bậc trung học vào năm 2010.
- Mở rộng hợp lý quy mô đào tạo cao đẳng, đại học và dạy nghề. Tạo bước đột phá về dạy nghề, phấn đấu tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo, tỷ lệ lao động trong độ tuổi được đào tạo đạt trên 70% vào năm 2020 từ trình độ sơ cấp đến trình độ trung cấp, cao đẳng và đại học.
c) Về phát triển y tế
- Đầu tư cơ sở vật chất và các điều kiện khác cho y tế cơ sở đảm bảo 100% các trạm y tế phường, xã đạt tiêu chuẩn quốc gia về y tế.
- Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ở các tuyến trong lĩnh vực phòng bệnh, khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng. Chú trọng đẩy mạnh y tế chuyên sâu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, các thành tựu y tế vào chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
- Giảm tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm gây dịch; khống chế tới mức thấp nhất tỷ lệ mắc và chết do các bệnh tả, thương hàn, sốt xuất huyết, sốt rét, viêm gan B, viêm não Nhật Bản, các bệnh lây truyền qua đường tình dục, hạn chế đến mức thấp nhất số người mắc HIV/AIDS.
- Phòng chống và quản lý các bệnh không nhiễm trùng như bệnh tim mạch, bệnh tâm thần, các bệnh ung thư, bệnh đái tháo đường, bệnh béo phì… Tăng cường công tác giám sát và phòng chống các bệnh nghề nghiệp, tai nạn và thương tích, ngộ độc thực phẩm.
Phấn đấu đến sau năm 2015 có 100% số khu dân cư đạt tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn sức khỏe.
Phấn đấu đến năm 2020: tiêm chủng cho trẻ em từ 8 - 10 loại vắc xin đạt tỷ lệ trên 95%; tỷ lệ trẻ em sơ sinh có trọng lượng dưới 2,5 kg giảm xuống còn dưới 5%; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi giảm xuống dưới 10%; có 13 - 14 bác sỹ/1 vạn dân trong đó có 1 tiến sỹ hoặc bác sỹ chuyên khoa cấp 2; 1,5 thạc sỹ hoặc bác sỹ chuyên khoa cấp 1; 10 bác sỹ và 1 dược sỹ đại học/1 vạn dân.
d) Về văn hóa, thông tin, thể thao
- Tiếp tục thực hiện tốt các chương trình lồng ghép cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống văn hóa ở khu dân cư. Phấn đấu tăng tỷ lệ hộ gia đình, số thôn, xã đạt chuẩn văn hóa theo quy định và tăng cường kiểm tra đôn đốc giữ vững danh hiệu đã được công nhận.
- Giữ gìn, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của thành phố nhằm nâng cao lòng tự hào về truyền thống quê hương. Gắn việc bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa với việc xây dựng các tuyến, điểm du lịch.
- Thực hiện tốt công tác xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa. Khuyến khích phát triển phong trào luyện tập thể dục trong mọi tầng lớp dân cư, phát triển các phong trào thể thao quần chúng, lấy các trường học, cơ quan nhà nước làm nòng cốt, thường xuyên tổ chức phong trào thi đấu thể thao.
đ) Về các vấn đề xã hội khác
- Giải quyết việc làm giai đoạn 2006 - 2010 bình quân là 3,2 - 3,5 vạn lao động/năm và giai đoạn 2011 - 2020 là 3,5 - 4,5 vạn lao động/ năm.
- Tiếp tục thực hiện chính sách pháp luật ưu đãi người có công với nước, giải quyết dứt điểm các trường hợp tồn đọng trong diện chính sách. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác đền ơn đáp nghĩa. Thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công, bảo đảm 100% gia đình chính sách có nhà ở ổn định, có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú.
- Sớm hoàn thành dự án tái định cư, di dời và tái định cư cho những hộ đang ở khu vực ven biển không an toàn.
- Tiếp tục xây dựng thành phố “5 không” (không có hộ đặc biệt nghèo, không có học sinh bỏ học, không có người lang thang ăn xin, không có người nghiện ma túy trong cộng đồng, không có tội phạm giết người cướp tài sản).
Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền và thực hiện tốt xã hội hóa công tác phòng, chống tệ nạn xã hội. Tập trung đẩy mạnh thực hiện tốt và có hiệu quả các đề án của chương trình thành phố “3 có” (có việc làm, có nhà ở, có nếp sống văn hóa, văn minh đô thị), đặc biệt là chương trình có nhà ở, hoàn thành đúng tiến độ theo phân kỳ của đề án và chất lượng công trình.
6. Về phát triển khoa học và công nghệ
Đẩy nhanh lộ trình đổi mới công nghệ theo hướng đi thẳng vào công nghệ hiện đại, tiên tiến; tăng cường chuyển giao, làm chủ những công nghệ mới nhằm tạo bước tăng trưởng mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả trong nền kinh tế. Đảm bảo tốc độ đổi mới công nghệ trung bình đạt 20 - 30%/năm, riêng các lĩnh vực then chốt phải đạt 30 - 40%/năm.
7. Về lĩnh vực an ninh - quốc phòng
Tiếp tục xây dựng nền quốc phòng toàn dân và thế trận quốc phòng toàn dân, quy hoạch hoàn chỉnh kinh tế quốc phòng trên địa bàn thành phố; đẩy mạnh công tác phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội, giảm thiểu tai nạn giao thông; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện phát triển kinh tế.
IV. PHÁT TRIỂN KHÔNG GIAN LÃNH THỔ
1. Hướng phân bố công nghiệp: các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm cao ở gần các khu đông dân sẽ được di chuyển ra khu vực xa trung tâm; các cơ sở công nghiệp sẽ phân bố theo các khu, cụm công nghiệp, phù hợp với tính chất và năng lực sản xuất của từng khu vực; cùng với việc hình thành các khu công nghiệp, sẽ hình thành các khu vực dịch vụ công nghiệp và các khu vực sản xuất tiểu thủ công nghiệp, khu vực làng nghề và đặc biệt tập trung phát triển khu công nghệ cao, khu công nghiệp thông tin.
2. Hướng phân bố nông, lâm, ngư nghiệp: tập trung sản xuất nông nghiệp tại huyện Hòa Vang; nuôi trồng thủy sản tại huyện Hòa Vang, quận Cẩm Lệ; lâm nghiệp tập trung tại huyện Hòa Vang, quận Sơn Trà và quận Liên Chiểu.
3. Hướng tổ chức lãnh thổ ngành du lịch:
- Xây dựng khu du lịch quốc tế tại Khu du lịch ven biển Mỹ Khê - Bắc Mỹ An - Non Nước, Làng Vân.
- Phát triển mô hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng tại Khu du lịch Bà Nà - Suối Mơ và Khu du lịch phía Tây thành phố.
- Tổ chức các khu du lịch sinh thái gắn kết các làng nghề truyền thống tại Khu du lịch phía Nam - Tây Nam thành phố.
- Bố trí các cơ sở nghỉ ngơi, vui chơi giải trì tại khu dọc sông Hàn.
- Xây dựng các trung tâm giải trí biển, bố trí các cơ sở nghỉ ngơi, vui chơi giải trí, du lịch sinh thái tại Khu du lịch Nam Thọ - Sơn Trà.
- Phát triển theo hình thức kết hợp du lịch biển - núi tại Khu du lịch Hải Vân - sông Trường Định - vịnh Đà Nẵng.
4. Về bảo vệ môi trường
- Phấn đấu xây dựng thương hiệu “Đà Nẵng thành phố môi trường”. Tăng cường biện pháp ngăn ngừa, giảm thiểu ô nhiễm, khắc phục tình trạng suy thoái và cải thiện môi trường, giải quyết một bước cơ bản tình trạng ô nhiễm môi trường tại các khu công nghiệp, nhà máy, ô nhiễm nước thải, rác thải công nghiệp và y tế.
- Quản lý khai thác hợp lý và sử dụng tiết kiệm các nguồn tài nguyên thiên nhiên nhất như đất đai, nguồn nước ngầm, tài nguyên rừng… đảm bảo phát triển bền vững.
- Nâng cao khả năng phòng tránh và hạn chế tác động xấu của thiên tai, ứng cứu kịp thời các sự cố môi trường. Có các dự án phòng chống biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai.