Mục tiêu phát triển kinh tế xã hội:
- Tốc độ tăng GDP bình quân giai đoạn 2011 - 2015 đạt 12,5% và dự kiến cả giai đoạn 2011-2020 đạt 12,5%.
- GDP bình quân đầu người đạt 2.200 USD vào năm 2015 và 3.500 USD vào năm 2020.
- Giá trị kim ngạch xuất khẩu năm 2010 đạt 700 triệu USD, năm 2015 đạt 1,2 tỷ USD và năm 2020 đạt 1,8-2 tỷ USD.
- Cơ cấu kinh tế đến năm 2015: khu vực nông - lâm - thủy sản chiếm 25,24%; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 17,56%; khu vực dịch vụ chiếm 57,20%.
- Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm từ gần 162 ngàn tỷ đồng
- Quy mô dân số đến 2015 khoảng 2.206.689 người; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên vào năm 2015 khoảng 1,07%, tốc độ tăng dân số bình quân 0,44%/năm.
- Tạo việc làm, giải quyết thêm việc làm trong 5 năm khoảng 178.000 lao động, trong đó lao động nữ chiếm gần 47,8%; bình quân hàng năm trên 35.000 lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 50%; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 40%.
Định hướng phát triển ngành kinh tế, các lĩnh vực
Nông nghiệp - lâm nghiệp - thủy sản:
Đảm bảo diện tích trồng lúa nước theo quy hoạch phát triển nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và phát triển theo huớng sản xuất hàng hóa. Hướng phát triển là nâng cao năng suất cây trồng, sản xuất sản phẩm nông nghiệp sạch, trong đó có lúa nước.
- Duy trì quan điểm “đưa ngành thủy sản thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh”, nhưng hướng trọng tâm phát triển thủy sản vào khâu nâng cao chất lượng sản phẩm. Diện tích và sản lượng thủy sản có thể không tăng, nhưng giá trị và doanh thu không giảm.
- Xác định sản phẩm gạo và cá tra, cá ba sa là sản phẩm đặc biệt, sản phẩm chiến lược của tỉnh; quan tâm phát triển thêm một số sản phẩm khác có giá trị kinh tế cao.
- Xây dựng viện công nghệ sinh học cao nghiên cứu giống cây trồng, vật nuôi của toàn vùng ĐBSCL.
- Xây dựng nông thôn mới với 19 tiêu chí theo Quyết định 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 và 20 tiêu chí theo Quyết định số 1036/QĐ-UBND ngày 07/6/2010 của UBND tỉnh An Giang.
- Quan tâm đến trữ lượng nước cục bộ cho tiêu dùng và sản xuất.
Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp:
- Xây dựng hoàn chỉnh các khu công nghiệp tập trung, gồm KCN Vàm Cống (TP. Long Xuyên) với diện tích 500ha, KCN Hội An (huyện Chợ Mới) với diện tích 100ha và một số C-CN - tiểu thủ công nghiệp cấp huyện khác, ưu tiên công nghệ cao.
- Mở rộng KCN Bình Hòa lên 281,7ha và KCN Bình Long lên 180,6ha.
- Phấn đấu đến năm 2020 lấp đầy các KCN theo hướng ưu tiên, khuyến khích phát triển công nghiệp công nghệ cao.
- Công nghiệp chế tạo, sửa chữa cơ khí: Tiếp tục nghiên cứu, cơ giới hóa các khâu gieo sạ, gặt, tuốt, cải tiến các thiết bị sấy đáp ứng yêu cầu về chất lượng hàng hóa; nâng cao năng lực chế tạo máy nông nghiệp.
- Công nghiệp khai khoáng và sản xuất vật liệu xây dựng: Khai thác tài nguyên khoáng sản gắn chặt với việc bảo vệ môi trường sinh thái và cảnh quan du lịch; nâng cao chất lượng các sản phẩm vật liệu xây dựng của tỉnh, tăng sức cạnh tranh trên thị trường nội địa và xuất khẩu.
- Phát triển ngành công nghiệp may, da giày, lắp ráp điện tử, công nghệ thông tin phục vụ cho thị trường nội địa và xuất khẩu.
- Các ngành tiểu thủ công truyền thống: Phát triển các sản phẩm thủ công mỹ nghệ phục vụ du lịch và nâng cấp các mặt hàng đặc sản truyền thống của An Giang.
- Công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản: Nâng cao giá trị thương mại của lâm sản, nhất là các sản phẩm từ rừng trồng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu.
Thương mại - dịch vụ - du lịch:
- Thương mại: Phát triển khu vực TP. Long Xuyên và thị xã Châu Đốc thành những trung tâm thương mại lớn, năng động của tỉnh; khu vực Tân Châu - Vĩnh Xương và trục Tịnh Biên - Tri Tôn - Núi Sập thành những "đầu tàu" kinh tế của tỉnh để lôi kéo các vùng khác phát triển.
- Hoàn chỉnh quy hoạch chung và đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu gồm 2 cửa khẩu quốc tế: Tịnh Biên, Vĩnh Xương và 2 cửa khẩu quốc gia: Khánh Bình, Vĩnh Hội Đông.
+ Khu thương mại cửa khẩu Tịnh Biên: Kêu gọi thu hút đầu tư để mở rộng, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ gắn với phân bố dân cư và phát triển các dịch vụ kinh doanh xuất nhập khẩu.
- Phát triển khu du lịch Ô Tà Sóc (huyện Tri Tôn) kết hợp với khu du lịch vùng núi Thất Sơn (huyện Tri Tôn) và sản phẩm thuốc trồng trên vùng núi Thất Sơn để hình thành tuyến du lịch liên hoàn.
- Du lịch: Phát huy tổng hợp các nguồn lực xây dựng và phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh; đa dạng hóa sản phẩm du lịch, đẩy mạnh liên doanh, liên kết với các đơn vị làm du lịch trong nước và quốc tế; phát triển các khu du lịch trọng điểm: Núi Sam, Núi Cấm, Núi Cô Tô, Núi Giài, khu lưu niệm Bác Tôn và khu vui chơi giải trí Mỹ Khánh; phát triển các tuyến du lịch nội ngoại tỉnh: Long Xuyên - Chợ Mới - Châu Thành - Thoại Sơn, Châu Đốc - Châu Phú - An Phú, Phú Tân - Tân Châu và Tri Tôn - Tịnh Biên, Cần Thơ, Kiên Giang, Đồng Tháp, Cà Mau, Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, TP. Hồ Chí Minh và mở rộng hợp tác, liên kết với ngành du lịch tỉnh - thành bạn Campuchia, Lào, Thái Lan…
Các lĩnh vực xã hội:
- Giáo dục và đào tạo: Từng bước hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất nhằm đáp ứng các mục tiêu phát triển giáo dục; phấn đấu 80% giáo viên tiểu học có trình độ cao đẳng, 90% giáo viên trung học có trình độ đại học và 20% giáo viên trung học phổ thông có trình độ sau đại học. Bên cạnh đó, đầu tư phát triển Trường Đại học An Giang thành trung tâm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh; đồng thời xây dựng và mở rộng mạng lưới các trường học, các cơ sở đào tạo nghề.
- Y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng: Thực hiện tốt các chương trình y tế quốc gia, quan tâm chăm lo sức khỏe cho toàn dân.
(Nguồn: angiang.gov.vn)