Theo Quyết định số 734/QÐ-TTg ngày 27 tháng 5 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ, Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ðồng Nai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 được điều chỉnh các nội dung chủ yếu về: quan điểm phát triển, mục tiêu phát triển, các khâu đột phá phát triển, hướng phát triển các ngành và lĩnh vực, điều chỉnh định hướng tổ chức không gian phát triển, các giải pháp thực hiện quy hoạch.
Theo đó, mô hình phát triển chung của Ðồng Nai đến năm 2020, tầm nhìn 2025 là phát triển bền vững theo hướng tăng trưởng kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường và đảm bảo an sinh xã hội, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Mục tiêu phát triển của tỉnh là phát huy lợi thế, duy trì nhịp độ phát triển nhanh và bền vững, xây dựng Ðồng Nai trở thành tỉnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại vào năm 2020. Ðẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng kết hợp chiều rộng với chiều sâu, tạo nền tảng vững chắc để đi hẳn vào phát triển theo chiều sâu dựa vào phát triển nền kinh tế tri thức trong giai đoạn 2021 - 2025.
Các đại biểu dự lễ công bố quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Nai
Trên cơ sở rà soát, đánh giá các nguồn lực, tình hình phát triển kinh tế-xã hội, tiềm năng, lợi thế của tỉnh và cả bối cảnh tác động, các mục tiêu phát triển cụ thể đã được điều chỉnh cho phù hợp với tiến trình phát triển chung của đất nước và điều kiện của Ðồng Nai. Theo đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP bình quân giai đoạn 2016 - 2020 là 8 - 9%/năm; giai đoạn 2020 - 2025 là 8,5 - 9,5%/năm (tính theo phương pháp mới của Tổng cục Thống kê). GRDP bình quân đầu người đến năm 2020 đạt 5.300 USD - 5.800 USD, đến năm 2025 đạt 9.000 USD - 10.000 USD.
Trong các khâu đột phá phát triển, tỉnh tập trung đầu tư các dự án giao thông kết nối các dự án phát triển cảng biển, cảng hàng không và các dự án đảm bảo an sinh xã hội nhằm từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống người dân; phát triển mạnh các dịch vụ logistics, dịch vụ công nghệ thông tin - viễn thông, đặc biệt là khai thác các dịch vụ liên quan đến việc triển khai đầu tư và hoạt động của Sân bay quốc tế Long Thành. Cùng với đó, tiếp tục ưu tiên huy động các nguồn lực xã hội cho phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong đầu tư phát triển khu công nghiệp được thực hiện theo mô hình phát triển xanh và đồng bộ, thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên các dự án công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, thân thiện với môi trường.
Cùng với việc phát triển nhanh kinh tế công nghiệp, dịch vụ, Đồng Nai thu hút đông lao động nhập cư từ các tỉnh, thành khác đến làm việc. Dự kiến, quy mô dân số trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng trong những năm tới. Hiện tại dân số Đồng Nai ở vào khoảng 2,9 triệu người, theo tính toán của tỉnh, đến năm 2020, sẽ ở mức từ 3,1 triệu đến 3,2 triệu người; đến năm 2025 quy mô dân số sẽ ở vào khoảng 3,3 đến 3,4 triệu người.
Tạo bộ mặt đô thị, nông thôn mới
Theo hướng phát triển của tỉnh trong 10 năm tới sẽ tập trung xây dựng, phát triển 11 đô thị hiện hữu, trong đó nâng cấp TP. Biên Hòa thành đô thị loại I, thành lập thành phố Nhơn Trạch là đô thị loại II, nâng cấp thị trấn Long Thành và thị trấn Trảng Bom thành các đô thị loại III. Bên cạnh đó, nếu có đủ điều kiện tiếp tục thành lập và phát triển thêm 3 - 4 thị trấn mới (đô thị loại V). Ðẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, đến năm 2020 toàn tỉnh có 80% số xã đạt chuẩn NTM , đến năm 2025 con số này là trên 85%.
Theo điều chỉnh quy hoạch, tỉnh tập trung phát triển 3 vùng kinh tế bao gồm: Vùng kinh tế Tây Nam Ðồng Nai: Ðây là vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, tập trung phát triển công nghiệp - đô thị - dịch vụ; gồm các địa bàn: TP. Biên Hòa và các huyện Nhơn Trạch, Long Thành. Vùng kinh tế Ðông Nam Ðồng Nai: bao gồm thị xã Long Khánh và các huyện Trảng Bom, Thống Nhất, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ; tập trung phát triển nông nghiệp kết hợp công nghiệp chế biến. Vùng kinh tế Bắc Ðồng Nai: gồm các huyện Vĩnh Cửu, Ðịnh Quán, Tân Phú; vùng này tập trung công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước sông Ðồng Nai và thủy điện Trị An.
Ðể thực hiện quy hoạch, tỉnh huy động vốn đầu tư toàn xã hội trong giai đoạn 2016 - 2020 với khoảng 296 - 330 ngàn tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách nhà nước chiếm khoảng 7 - 8,5%; vốn đầu tư của dân và doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh chiếm 40 - 42%; vốn đầu tư nước ngoài chiếm 45 - 47%. Về cơ cấu đầu tư, dự kiến huy động đầu tư vào khu vực sản xuất nông lâm thủy sản và các dịch vụ nông nghiệp (không kể thủy lợi) chiếm khoảng 3-4% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; thu hút đầu tư vào các ngành Công nghiệp và xây dựng chiếm 57-58% và đầu tư vào các ngành dịch vụ chiếm 39 - 40% vốn đầu tư xã hội.
(Nguồn: www.dongnai.gov.vn)