Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hưng Yên đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2111/QĐ-TTg.
Theo đó, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hưng Yên đến năm 2020 phải phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của cả nước, quy hoạch Vùng đồng bằng sông Hồng, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và Vùng thủ đô Hà Nội, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với quy hoạch ngành, lĩnh vực. Phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế của địa phương; khai thác, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao; tập trung đầu tư xây dựng, tạo bước đột phá về kết cấu hạ tầng, phát triển công nghiệp và dịch vụ; coi trọng phát triển công nghệ cao, gắn với xây dựng nông thôn mới để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Gắn phát triển kinh tế với phát triển văn hoá, xã hội; phát triển kinh tế - xã hội gắn liền với bảo vệ tài nguyên và môi trường. Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chú trọng phát triển giáo dục và đào tạo, phát triển khoa học công nghệ. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế-xã hội với bảo đảm an ninh, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội.
Theo quy hoạch, mục tiêu cụ thể về phát triển kinh tế của tỉnh Hưng Yên là có tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2011 - 2015 đạt 12,5% và đạt khoảng 12 - 13,2% trong giai đoạn 2016 – 2020; GDP bình quân đầu người đạt trên 2.000 USD vào năm 2015 và trên 4.300 USD vào năm 2020; tổng vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 – 2015 khoảng 63,8% và giai đoạn 2016 – 2020 khoảng 65,9% tổng giá trị gia tăng...
Về phát triển xã hội, Hưng Yên phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 3% vào năm 2015 (theo chuẩn nghèo mới) và giữ ổn định đến năm 2020 là dưới 3%; tạo thêm việc làm hàng năm cho trên 2,2 vạn lao động; nâng tỷ lệ lao động trong độ tuổi được đào tạo đạt 55% vào năm 2015 và khoảng 63 – 67% vào năm 2020...
Về bảo vệ môi trường, đến năm 2015 phấn đấu có 97% dân cư đô thị sử dụng nước sạch và 94% dân cư nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh; 85% các cơ sở sản xuất áp dụng công nghệ sạch hoặc được trang bị các thiết bị giảm thiểu ô nhiễm, xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường...; đồng thời giải quyết tốt vấn đề vệ sinh môi trường đô thị, nông thôn, vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường các khu công nghiệp, khu du lịch, làng nghề trên cơ sở giải quyết hài hoà giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái.
Quy hoạch cũng nêu rõ phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực. Về nông nghiệp, phát triển nông nghiệp theo hướng toàn diện, hiệu quả, bền vững theo hướng CNH, HĐH gắn với xây dựng nông thôn mới. Phát triển mạnh công nghiệp và xây dựng theo hướng hiện đại, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, hiện đại. Phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, liên kết với thủ đô Hà Nội và các địa phương vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ. Xây dựng đề án phát triển ngành giáo dục và đào tạo đến năm 2020 đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho nhu cầu phát triển của tỉnh và của cả nước. Phấn đấu để Hưng Yên tiếp tục nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu về GD-ĐT của cả nước. Triển khai xây dựng khu đại học Phố Hiến phù hợp với yêu cầu phát triển.
Cũng theo quy hoạch, thành phố Hưng Yên là trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa – xã hội của tỉnh và phấn đấu đạt tiêu chí đô thị loại II trước năm 2020. Xây dựng các đô thị Mỹ Hào, Văn Giang và các đô thị có cơ sở hạ tầng xã hội sớm thực sự là trung tâm hành chính, kinh tế, VH-XH, trung tâm công nghiệp của huyện, của vùng trong tỉnh. Quy hoạch cũng nêu rõ các chương trình, đề án phát triển, các dự án ưu tiên nghiên cứu đầu tư và các giải pháp thực hiện quy hoạch.
Theo hungyen.gov.vn