Theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lai Châu đến năm 2020 vừa được Thủ tướng Chính phủphê duyệt, phấn đấu GDP bình quân đầu người của tỉnh khoảng 19 triệu đồng năm 2015 và khoảng 46,7 triệu đồng năm 2020.
Bên cạnh đó, chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế, đến năm 2015 tỷ trọng các ngành nông lâm ngư nghiệp khoảng 23,8%, công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 41% và khu vực dịch vụ chiếm khoảng 35,2%. Đến năm 2020 các tỷ lệ tương đương là 20%, 44%, 36%.
Một trong mục tiêu khác là nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo phấn đấu đến năm 2015, tỷ lệ lao động qua đào tạo, tập huấn trên 40%; đến năm 2020 trên 50%. Giai đoạn 2011 - 2015 tạo việc làm mới bình quân 6 nghìn người/năm; giai đoạn 2016 - 2020 trên 7 nghìn người/năm.
Giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2011 - 2015 bình quân 4 - 5%/năm.
Tập trung phát triển vùng chuyên canh sản xuất quy mô lớn
Theo Quy hoạch, Lai Châu phấn đấu đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn và từng bước xây dựng vùng sản xuất lương thực hàng hóa. Đến năm 2015 tổng sản lượng lương thực đạt 170 nghìn tấn; năm 2020 giữ vững bình quân lương thực đầu người đạt trên 400 kg/năm. Tập trung phát triển vùng chuyên canh sản xuất quy mô lớn đối với các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như cao su, chè, rau quả, hoa, cây cảnh,...
Giai đoạn 2011 - 2015, tốc độ tăng đàn gia súc 6,5%/năm, đàn gia cầm 5 - 7%/năm, đến năm 2020 hình thành một số vùng chăn nuôi hàng hóa tập trung góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp.
Lai Châu cũng sẽ phát triển thủy sản theo hướng tổ chức khai thác tốt diện tích mặt nước hiện có, khai thác có hiệu quả nguồn lợi trên diện tích các hồ thuỷ điện (khi hồ các công trình thuỷ điện Sơn La, Bản Chát, Huổi Quảng, Lai Châu hình thành) như bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nuôi cá lồng bè,... phát triển nuôi cá nước lạnh (cá hồi, cá tầm…) tại khu vực có đủ điều kiện.
Khuyến khích mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển rừng đặc biệt là rừng kinh tế gắn với xây dựng các nhà máy chế biến. Diện tích trồng rừng mới giai đoạn 2011 - 2015 là 20 nghìn ha (rừng kinh tế 15 nghìn ha, rừng phòng hộ 5 nghìn ha); giai đoạn 2015 - 2020 là 20 nghìn ha (rừng kinh tế 17.500 ha, rừng phòng hộ 2.500 ha).
Phát triển thị xã Lai Châu đạt tiêu chuẩn đô thị loại III
Về phương hướng phát triển đô thị, sẽ phát triển thị xã Lai Châu đạt tiêu chuẩn đô thị loại III vào năm 2013 và điều chỉnh địa giới hành chính cho phù hợp.
Bên cạnh đó, phát triển thị trấn Phong Thổ (mở rộng thêm diện tích về phía Huổi Luông), thị trấn Than Uyên (mở rộng thêm diện tích về phía Hua Nà) trở thành đô thị loại IV với quy mô xây dựng 250 - 300 ha.
Hình thành, phát triển mới 4 đô thị loại V gồm: Thị tứ Ma Lù Thàng, Mường So, Nậm Củm; thị trấn Nậm Tăm, Nậm Nhùn.
Tại vùng kinh tế động lực quốc lộ 32 và 4D (bao gồm thị xã Lai Châu, huyện Phong Thổ, Tam Đường, Than Uyên, Tân Uyên) sẽ tập trung phát triển thương mại, dịch vụ, kinh tế cửa khẩu, cây công nghiệp, trồng rừng, công nghiệp chế biến nông - lâm sản, các mặt hàng chủ lực là chè, lúa gạo, thảo quả, thịt trâu, bò, đất hiếm, gỗ công nghiệp, mủ cao su, vật liệu xây dựng, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.
Còn tại vùng kinh tế lâm - nông nghiệp sinh thái Sông Đà (bao gồm huyện Mường Tè và các xã vùng thấp huyện Sìn Hồ), hướng phát triển chính là khoanh nuôi bảo vệ diện tích rừng tự nhiên hiện có, rừng phòng hộ, kết hợp trồng cây cao su với xây dựng các cơ sở chế biến. Khai thác lợi thế giao thông đường thủy, các trục đường giao thông quốc lộ 12, tỉnh lộ 127 phát triển dịch vụ vận tải, du lịch. Sử dụng có hiệu quả diện tích mặt nước của các hồ thủy điện, phát triển nuôi trồng thủy sản. Sản phẩm chủ yếu là điện, mủ cao su, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.
Đối với vùng kinh tế du lịch sinh thái, văn hóa dân tộc và nông nghiệp chất lượng cao (cao nguyên Sìn Hồ), sẽ phát triển vùng thành khu du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, nghỉ dưỡng, phát triển cây dược liệu, hoa, cây ăn quả ôn đới.