Ngày 29/10/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1959/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Sơn La đến năm 2020. Theo đó, Sơn La phấn đấu đến năm 2015 thu nhập bình quân tính theo người của tỉnh đạt 1.000 USD/năm, đến năm 2020 đạt 1.800 USD/năm.
Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Sơn La đến năm 2020 với mục tiêu tổng quát làphát huy dân chủ và sức mạnh đoàn kết các dân tộc để xây dựng Sơn La trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng Trung du và Miền núi phía Bắc, phấn đấu trở thành trung tâm của tiểu vùng Tây Bắc vào năm 2020 trên cơ sở tái cấu trúc kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng để khai thác các tiềm năng, lợi thế vùng Tây Bắc; Thu hút đầu tư có chất lượng, có trọng điểm, xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị, gắn với phát triển toàn diện văn hóa xã hội; chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng thương hiệu các sản phẩm chủ lực để tham gia chuỗi giá trị hàng hóa; tích cực giảm nghèo đồng thời đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội và vệ sinh, môi trường.
Về mục tiêu kinh tế, phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân thời kỳ đến năm 2015 là 11,5%/năm, giai đoạn 2016 - 2020 là 8,5%/năm.
Đến năm 2015, thu nhập bình quân đầu người đạt 1.000 USD/năm; cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp, công nghiệp - xây dựng và dịch vụ tương ứng là 37%, 25%, 38%; sản lượng lương thực có hạt đạt 59,5 vạn tấn; tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn đạt 65.000 tỷ đồng; thu ngân sách đạt 11.000 tỷ đồng; năng suất lao động là 41,6 triệu đồng/người/năm.
Đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người đạt 1.800 USD/năm; cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp, công nghiệp - xây dựng và dịch vụ tương ứng là 32,5%, 28,5%, 39%; sản lượng lương thực có hạt đạt 57,9 vạn tấn; tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn đạt 90.000 tỷ đồng; thu ngân sách đạt khoảng 22.000 tỷ đồng; năng suất lao động là 62,9 triệu đồng/người/năm.
Về xã hội đến năm 2015, tỷ lệ tăng dân số bình quân là 1,72%/năm; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 30%; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi là 18,5%; số giường bệnh/10.000 dân là 23 giường; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 2% - 3%; 95% hộ dân được sử dụng điện sinh hoạt, sản xuất; trở thành trung tâm giáo dục - đào tạo vùng Tây Bắc; có 17 xã đạt từ 14 - 18 chỉ tiêu nông thôn mới.
Đến năm 2020, tỷ lệ tăng dân số bình quân là 1,59%/năm; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 52%; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi là 10%; số giường bệnh/10.000 dân là 26 giường; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 2% - 3%; tỷ lệ hộ được sử dụng điện sinh hoạt, sản xuất là 98%; là trung tâm giáo dục - đào tạo vùng Tây Bắc; bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc Thái và các dân tộc khác.
Về hệ thống kết cấu hạ tầng, phát triển đồng bộ hệ thống giao thông, đạt 0,91 km/km2 vào 2020; đến năm 2015, 75% xã có đường ô tô tới trung tâm xã đi được 4 mùa và đạt 100% vào năm 2020; tập trung xây dựng hệ thống đô thị, đặc biệt là các đô thị trọng điểm thành phố Sơn La, thị xã Mộc Châu, thị xã Hát Lót.
Đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cơ bản tại khu vực nông thôn, ưu tiên đặc biệt đối với các xã nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới và các khu tái định canh, định cư thủy điện.
Sơn La sẽ tập trung vào ba khâu đột phá về cơ chế, chính sách, phát triển, thu hút nhân lực, phát triển kết cấu hạ tầng. Trong đó, cơ chế, chính sách tập trung nghiên cứu cụ thể điều kiện của Sơn La để đưa chính sách thuế thủy điện, phí môi trường rừng... chính sách đổi đất, trụ sở cũ lấy hạ tầng vào thực tiễn, tích cực triển khai chính sách đầu tư PPP, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp miền núi sản xuất, kinh doanh sản phẩm chủ lực.
Về phát triển, thu hút nhân lực ưu tiên đầu tư xây dựng Trung tâm đào tạo vùng Tây Bắc gồm trường Đại học Tây Bắc, trường Cao đẳng nghề và trung tâm dạy nghề và phát triển mạnh nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua đào tạo, thu hút gắn liền với việc thực hiện tốt công tác khuyến nông.
Về phát triển kết cấu hạ tầng tập trung phát triển đô thị trọng điểm, hệ thống giao thông huyết mạch nhằm điều phối và kết nối hiệu quả với các địa phương trong Vùng và xây dựng khu vực sản xuất, kinh doanh hàng hóa chủ lực.
Theo Quy hoạch được phê duyệt, định hướng phát triển ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, Sơn La phấn đấu tốc độ tăng trưởng đạt 4,2%/năm giai đoạn đến 2015 và đạt 3,3%/năm giai đoạn đến 2020.
Nông nghiệp phát triển vành đai rau xanh, cây trái, hoa theo mô hình tập trung tại các khu vực tiềm năng gắn với sản xuất các sản phẩm chủ yếu phục vụ nhu cầu nhân dân và xuất khẩu; đẩy mạnh phát triển các vùng cây công nghiệp đã và đang phát triển chè, cà phê, cao su, mía, bông tạo ra thế và lực mới. Tập trung xây dựng Cụm tương hỗ nông sản chất lượng cao (sữa và sản phẩm các loại, chè và sản phẩm các loại, cá chất lượng và sản phẩm, hoa, quả các loại) tại Mộc Châu, phấn đấu đưa Sơn La trở thành nơi cung cấp nguyên liệu, hàng hóa trong chuỗi giá trị hàng hóa nông sản Việt Nam.
Phát triển chăn nuôi hàng hóa giá trị kinh tế cao, gồm trâu, bò, lợn nạc, baba, cá tầm, tôm càng xanh, gà, vịt... để cung cấp cho thị trường trên cơ sở tận dụng ưu thế của một tỉnh miền núi có điều kiện diện tích chăn thả, nguồn nguyên liệu chế biến thức ăn.
Lâm nghiệp quản lý bền vững tài nguyên rừng, tập trung xây dựng hệ thống rừng phòng hộ đầu nguồn thủy điện Hòa Bình, thủy điện Sơn La, đầu nguồn sông Mã đồng thời bảo tồn và phát triển bền vững các khu rừng đặc dụng Xuân Nha, Sốp Cộp, Cô Pia, Tà Xùa. Đẩy mạnh khoanh nuôi, tái sinh rừng tự nhiên, tái sinh có kết hợp trồng bổ sung; khuyến khích phát triển hệ thống rừng sản xuất, trọng tâm là rừng nguyên liệu, đồng thời xây dựng cơ sở chế biến lâm sản. Tập trung hoàn thiện, triển khai chính sách thu phí môi trường rừng nhằm góp phần giảm nghèo và phát triển thủy điện bền vững.
Thủy sản khai thác, sử dụng và bảo vệ hiệu quả diện tích thủy sản tại sông chính, các hồ thủy điện, thủy lợi và ao của dân để phát triển hàng hóa thủy sản chất lượng. Phát triển nuôi cá nước lạnh như: Cá hồi, cá tầm chất lượng cao... tại một số khu vực có điều kiện tự nhiên thích hợp như hồ thủy điện Sơn La và một số suối nước lạnh ở Mộc Châu....
Về phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, phấn đấu tốc độ tăng trưởng đạt 12,5%/năm giai đoạn đến 2015 và đạt 12,3%/năm giai đoạn đến 2020. Tập trung đầu tư có trọng điểm vào phát triển sản phẩm chủ lực có tiềm năng, lợi thế gắn với đổi mới công nghệ và nâng cao trình độ quản lý nhằm gia tăng giá trị của chúng.
Một số ngành công nghiệp chủ lực như điện và thủy điện, chế biến nông sản cao cấp, chế biến thức ăn chăn nuôi, sản xuất xi măng và vật liệu xây dựng, khai thác, chế biến sâu khoáng sản, may mặc...
Về phát triển thương mại và dịch vụ, phấn đấu tốc độ tăng trưởng đạt 14,3%/năm giai đoạn đến 2015 và đạt 9,2%/năm giai đoạn đến 2020. Phát triển đồng bộ hệ thống chợ, ưu tiên đảm bảo các nhu cầu cơ bản cho đồng bào các dân tộc vùng biên giới, vùng cao đồng thời triển khai mạnh mẽ các giải pháp chống buôn bán trái phép, đặc biệt là buôn bán chất ma túy.
Phát triển thương mại, dịch vụ quốc tế trên cơ sở nâng cấp lên cửa khẩu quốc tế Lóng Sập, Mộc Châu và cửa khẩu Chiềng Khương, Sông Mã để khai thác tiềm năng, củng cố quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt - Lào.
Về phát triển kết cấu hạ tầng, Sơn La phối hợp cùng với Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu nâng cấp, cải tạo các tuyến quốc lộ huyết mạch như quốc lộ 6, quốc lộ 37, quốc lộ 43, quốc lộ 279, quốc lộ 4G tới Sốp Cộp và một số tuyến tỉnh lộ tạo hệ thống giao thông thông suốt, kết nối hiệu quả trong tỉnh. Phát triển hệ thống đường giao thông nông thôn và đường tuần tra biên giới đảm bảo đi tới các xã vùng cao, vùng sâu và vùng biên giới trong cả 4 mùa. Đổi mới chính sách để quản lý giao thông và phát triển dịch vụ vận tải hiệu quả.
Về định hướng tổ chức không gian kinh tế - xã hội, vùng dọc Quốc lộ 6 nằm chủ yếu trên các huyện Mộc Châu, Yên Châu, Mai Sơn, thành phố Sơn La và một phần các huyện Thuận Châu, Vân Hồ được định hướng phát triển chính trở thành vùng động lực trên hành lang kinh tế Tây Bắc, trung tâm vùng Tây Bắc và của tỉnh Sơn La về dịch vụ và nông, công nghiệp chất lượng.
Vùng sông Đà chủ yếu các huyện Mường La, Bắc Yên, Phù Yên, Quỳnh Nhai và một phần trên các huyện Mai Sơn, Mộc Châu và Thuận Châu, Vân Hồ được định hướng chung khai thác, phát huy thế mạnh về nguồn nước, đất đai, khí hậu và khoáng sản... để phát triển các ngành công nghiệp thủy điện, gang thép và nông sản chất lượng cao.
Vùng cao, biên giới Việt – Lào nằm chủ yếu ở các huyện Sông Mã, Sốp Cộp và một phần các huyện Mộc Châu, Yên Châu, Phù Yên, Bắc Yên, Mai Sơn, Mường La, Quỳnh Nhai, Thuận Châu, Vân Hồ được định hướng chung là phát triển kinh tế nông nghiệp, thương mại gắn liền đảm bảo quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội.
Quyết định cũng đề cập đến các danh mục dự án ưu tiên đầu tư, các giải pháp về huy động nguồn vốn đầu tư, các giải pháp về cơ chế chính sách và cải cách hành chính, giải pháp về phát triển nguồn nhân lực, về khoa học công nghệ và khuyến nông, về hợp tác và phát triển tiêu vùng Tây Bắc./.
Thúy Quyên
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư