Vào mùa nước nổi (từ tháng 8 đến tháng 10), khi con nước tràn về mang theo sự trù phú và phù sa màu mỡ cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long, rừng tràm Trà Sư (xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) cũng bắt đầu khoác lên mình một màu xanh thẳm như bức tranh phong cảnh đẹp đến ngỡ ngàng khi con nước tràn bờ.
Trà Sư đẹp như bức tranh.
An Giang nổi tiếng cả nước với nhiều điểm du lịch sinh thái hấp dẫn khách du lịch với những sản phẩm du lịch đặc trưng riêng biệt. Trong đó, khu du lịch rừng tràm Trà Sư, là khu rừng ngập nước tiêu biểu cho vùng miền Tây sông nước là điểm đến ưa thích của khách du lịch trong và ngoài nước khi đến với An Giang.
Hàng cây tràm trong khu rừng ngập nước tiêu biểu cho vùng miền Tây, đẹp như bức tranh trong mùa nước nổi.
Nằm cách thành phố Châu Đốc khoảng 30 km về phía Tây Nam và thành phố Long Xuyên khoảng 60 km, rừng tràm Trà Sư với diện tích 845ha vùng lõi và 643 ha vùng đệm nằm trong hệ thống các khu rừng đặc dụng của Việt Nam, được công nhận là khu bảo vệ cảnh quan năm 2005.
Du khách di chuyển bằng xuồng máy để tham quan phong cảnh rừng tràm.
Đến đây, ngồi trên thuyền xé đôi con nước đi vào sâu bên trong khu rừng, khách du lịch không khỏi choáng ngợp với không gian toàn màu xanh của tự nhiên hiện ra trước mặt du khách đẹp như những bức tranh. Vào bên trong những cánh rừng tràm trên 10 năm tuổi, du khách đi thuyền máy "xé đôi" biển hoa sen bao la với trăm hoa đua sắc giống như lạc vào giữa không giang cổ tích. Đắm mình vào bức tranh phong cảnh tuyệt đẹp của biển hoa sen hồng thơm ngát hương, du khách hoà mình vào thiên nhiên, đắm say cùng đất trời và lướt mình theo con nước nổi.
Du khách di chuyển bằng xuồng máy, lướt trên mặt bèo, tận hưởng cảnh thiên nhiên hoang sơ bao la của rừng tràm Trà Sư.
Chưa hết say đắm với bức tranh cổ tích của sen hồng, thuyền đưa du khách lướt trên dòng nước xanh phủ kín bởi mảng bèo tây hiện ra trước mặt du khách đẹp không thể thốt lên lời. Chỉ cần đưa tay xuống là có thể chạm được những cánh bèo xanh đang kết từng mảng dập dìu trôi theo con nước nổi. Trên thảm bèo xanh, du khách kinh ngạc khi bắt gặp nhiều loại chim đẻ trứng, ấp trứng trên những lớp bèo dập dìu theo con nước nổi. Vào sâu bên trong, thuyền khua dòng nước lướt qua hàng trăm bụi hoa điên điển khoe sắc vàng chỉ nở vào mùa nước nổi.
Vẻ đẹp của "biển" hoa sen hồng bao la là điểm “sống ảo” không thể bỏ qua khi tham quan rừng tràm Trà Sư.
Anh Mai Quế Lâm, du khách đến từ thành phố Hồ Chí Minh cho biết đây là lần đầu tiên đến với rừng tràm Trà Sư vào mùa nước nổi, nên không khỏi choáng ngợp với thiên nhiên tuyệt đẹp nơi đây. “Đến với Trà Sư đúng vào mùa nước nổi, nên tôi và gia đình được thưởng thức món lẩu cá linh bông điên điển, món thịt chuột chiên, đọt choại luộc đậm chất miền Tây đúng là dịp may hiếm có và đây là trãi nghiệm khá thú vị, tuyệt vời và gia đình tôi sẽ quay trở lại Trà Sư trong tương lai gần”, anh Lâm hào hứng cho biết.
“Biển” bèo tây bên trong rừng tràm Trà Sư là điểm check in và “sống ảo” nổi tiếng của giới trẻ khi tham quan rừng tràm Trà Sư.
Điểm đến lý tưởng mùa nước nổi
Lối vào rừng tràm hẹp, chỉ vừa 2 xuồng tránh nhau nhưng cũng vì thế mà du khách gần hơn với thiên nhiên. Thuyền lướt nhẹ qua những vạt rừng tràm xanh ngắt, bốn bề không gian chỉ có tiếng rừng xào xạc, tiếng chim gọi bầy, thậm chí nghe được cả tiếng cá quẫy.
Con "đường" Hoa sen chỉ vừa cho hai chiếc xuồng đi qua.
Khoảng thời gian rừng tràm nhộn nhịp nhất là vào lúc sáng sớm, khi các loài chim trú ngụ trong rừng tủa ra đi kiếm ăn và chiều tà khi chúng tập trung về tổ. Vào sâu trong rừng tràm, du khách cũng có thể trèo lên đài quan sát nằm giữa rừng, dùng ống nhòm để quan sát cảnh vật xung quanh. Từ đài quan sát này, du khách sẽ nhìn thấy một số ngọn núi trong dải Thất Sơn như núi Ông Két (Anh Vũ Sơn), núi Cấm (Thiên Cấm Sơn), hay tượng Phật Di Lặc cao 33,6m nằm trên núi Cấm hay cũng có thể thấy cả dãy núi Sam… Bên trong rừng tràm, còn có cây cầu mang tên là “Tình yêu” dài hàng trăm mét đưa đu khách tản bộ đi sâu vào bên trong khu rừng tràm bao la…
Cầu tình yêu dài hàng trăm mét đưa du khách khám phá bên trong rừng tràm.
Trà Sư thật sự thích hợp cho những ai muốn bỏ lại sự ồn ào của phố thị. Với vẻ đẹp hiền hòa và mộc mạc của cảnh vật cùng với sự phóng khoáng và đôn hậu của con người nơi đây, khiến những ai một lần ghé thăm sẽ càng lưu luyến vùng đất này.
Du khách sẽ thích thú khi tận mắt chứng kiến nhiều loại chim đẻ trứng, ấp trứng trên những lớp bèo dập dìu theo con nước nổi.
Tham quan rừng tràm Trà Sư mùa nước nổi, du khách không thể bỏ lỡ cơ hội thưởng thức các món ăn đặc sản mùa nước nổi miền Tây song nước mà không vùng đất nào có được như: Lẩu cá linh nấu bông điên điển; cá linh chiên giòn, chuột đồng quay lu; đọt choại, dương sỉ luộc… món ăn dân dã miền Tây.
Ông Nguyễn Khánh Hiệp, Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang cho biết: “Trong tương lai, rừng tràm Trà Sư sẽ được đầu tư, phát triển với nhiều hoạt động hấp dẫn du khách như: Bơi thuyền kayak khám phá rừng tràm theo sơ đồ tuyến, câu cá giải trí, trải nghiệm nuôi và thu hoạch mật ong dưới tán rừng, tham quan và mua sắm tại khu sản xuất sản phẩm mỹ nghệ từ tràm, tham gia thu hoạch các sản vật từ rừng, trải nghiệm ngủ tại rừng và tham gia các trò chơi dân gian tại khu cắm trại…”.
Theo thống kê, hiện rừng Trà Sư là nơi trú ngụ của 70 loài chim thuộc 13 bộ và 31 họ, trong đó có 2 loài chim quý hiếm đã được ghi vào sách Đỏ Việt Nam là giang sen và điêng điểng. Đối với loài thú đã thống kê được 11 loài thuộc 4 bộ và 6 họ. Bò sát, ếch, nhái cũng có tới 25 loài, 2 bộ, 10 họ. Ngoài ra, rừng còn có 10 loài cá xuất hiện quanh năm và 13 loài chỉ xuất hiện vào mùa lũ. Không chỉ phong phú về động vật, Trà Sư còn là nơi tụ họp của 140 loài thực vật thuộc 52 họ và 102 chi... Chính sự đa dạng và phong phú về tài nguyên khiến rừng tràm Trà Sư trở thành điểm đến lý tưởng đối với những người ham mê khám phá thiên nhiên hoang dã.
Nếu chưa 1 lần 'săn mây', bạn sẽ tiếc hùi hụi
Nếu chưa 1 lần 'săn mây', bạn sẽ tiếc hùi hụi
Nếu "săn mây" trên cầu gỗ ở Đà Lạt vào sáng sớm khi bình mình vừa mới ló dạng, bạn sẽ tận hưởng khung cảnh...
Theo Hồng Cẩm (Dân Việt)