Đó là ý kiến của ông Hà Văn Siêu, Phó tổng cục trưởng Tổng cục du lịch phát biểu trong buổi hội thảo khoa học “Định hướng phát triển sản phẩm du lịch Thái Bình năm 2019”.
Chùa Keo - một trong những điểm đến tâm linh nổi tiếng ở Thái Bình. Ảnh Internet
Cách thủ đô Hà Nội chừng 110 km thuộc phía đông nam đồng bằng châu thổ sông Hồng, Thái Bình là tỉnh không có núi, tài nguyên chủ yếu tập trung ở dải ven biển, sông ngòi, làng quê… nhưng có những giá trị du lịch riêng không phải nơi nào cũng có, bao gồm bãi biển Cồn Vành, bãi biển Cồn Đen, rừng ngập mặn Thụy Trường, làng vườn cây cảnh Bách Thuận…
Ông Hà Văn Siêu, Phó tổng cục trưởng Tổng cục du lịch phát biểu tại hội thảo
Dù có nhiều tiềm năng, nhưng trên thực tế, ngành du lịch tỉnh nhà vẫn chưa phát triển. Làm thế nào để phát triển du lịch ở một tỉnh thuần nông vốn là câu hỏi trăn trở của những người đứng đầu ngành trong nhiều năm qua.
Với mục tiêu định hướng, phát triển sản phẩm du lịch tỉnh Thái Bình năm 2019, Vụ lữ hành Tổng cục du lịch Việt Nam cùng Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Bình phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học.
Các đại biểu tham gia ý kiến để chia sẻ những định hướng, phát triển sản phẩm du lịch tỉnh Thái Bình
Tham dự Hội thảo có sự góp mặt của ông Hà Văn Siêu, Phó tổng cục trưởng Tổng cục du lịch; ông Nguyễn Mạnh Thản, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam; bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Thái Bình; ông Nguyễn Đạo Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Lữ hành...
Chia sẻ tại Hội thảo, ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cũng cho biết: “Thái Bình là một điểm đến trong vùng đồng bằng sông Hồng, có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Đó chính là sự hiếu khách của người dân Thái Bình, nền văn hóa lâu đời của văn minh lúa nước sông Hồng..."
"Thế nhưng sản phẩm du lịch của Thái Bình chưa có nhiều, chưa hấp dẫn, thu hút được nhiều khách du lịch. Trong hội thảo, chúng ta hãy cùng nhau tìm ra các giải pháp, hướng đi cho du lịch Thái Bình, định hướng phát triển sản phẩm du lịch của tỉnh Thái Bình, cùng với sự vào cuộc của các doanh nghiệp”, ông Siêu nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thị Lĩnh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội thảo
Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS Dương Văn Sáu, Trưởng khoa Văn hóa Du lịch trường Đại học Văn hóa Hà Nội nhận định, Thái Bình sở hữu nhiều di sản văn hóa vật thể đặc sắc như chùa Keo (Vũ Thư), đền Trần (Hưng Hà), đền Đông Bằng... là những điểm đến hấp dẫn trong các chương trình du lịch văn hóa, du lịch tâm linh.
Những điểm đến này, muốn bảo tồn động di sản phải đầu tư xây dựng theo đúng luật định của hệ thống luật Di sản Văn hóa, luật Du lịch... để xây dựng đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng phù hợp, đáp ứng nhu cầu du khách cùng điều kiện kinh doanh của các hãng lữ hành.
Với nghệ thuật múa rối nước làng Nguyễn (Đông Hưng), bên cạnh việc phục dựng và phát triển nghệ thuật rối nước với các tích trò truyền thống, các chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc của nghệ nhân dân gian, cần "kết nối nội vùng điểm đến" với các doanh nghiệp lữ hành, phối hợp tổ chức các chương trình theo dạng "Du lịch du khảo đồng quê", "Du lịch nông nghiệp nông thôn" gắn với địa điểm trình diễn rối nước...
Bánh cáy, kẹo lạc, những sản phẩm đặc trưng của miền quê lúa, du khách có thể mua về làm quà
PGS.TS Dương Văn Sáu cũng cho rằng là một tỉnh thuần nông như Thái Bình, khi xây dựng phát triển du lịch cần xây dựng các chương trình "Về quê lúa", "Về quê miền nắng ấm", "Đi thăm cây lúa Thái Bình", "Một ngày trên quê hương 5 tấn".... với những điểm nhấn đặc hữu về lộ trình, điểm dừng chân tham quan, thụ hưởng ẩm thực đặc trưng, để các tour du lịch về "quê hương 5 tấn" thực sự là những sản phẩm văn hóa du lịch đậm nét đặc trưng của vùng đất quê lúa.
Ngoài ra, những chương trình du lịch có tuyến tham quan cảnh quan thôn xóm trong làng - liên làng - nội vùng, có thể kèm thêm các hoạt động như "Một ngày làm nông dân châu thổ", hay "Đi cấy cùng chị Hai"...
Cũng tại buổi tọa đàm, nhiều doanh nghiệp lữ hành trong nước đã đóng góp các ý kiến thực tế. Theo nhận định, Thái Bình vẫn có thể trở thành điểm dừng chân của khách quốc tế khi phát triển mô hình du lịch kiểu trải nghiệm như tại làng cây cảnh Bách Thuận, thăm rừng ngập mặn tại Cồn Đen, xây dựng homestay tìm hiểu cuộc sống người dân bản địa, thưởng thức ẩm thực địa phương...
Theo Huy Hoàng (Dân trí)