Du lịch hè luôn được coi là “mùa vàng” của doanh nghiệp lữ hành, nhưng sau mùa hè “chết” năm 2021 do Covid-19, lại đến một mùa hè khó chưa từng có, do giá xăng liên tục tăng phi mã.
Ảnh minh họa
Trở tay không kịp
Việt Nam mở lại toàn bộ hoạt động du lịch ngay trước mùa du lịch hè, giúp lượng khách nội địa tăng trưởng mạnh mẽ, đem đến nhiều kỳ vọng cho người làm du lịch sau hơn 2 năm sức cùng, lực kiệt. Thế nhưng, chẳng thể ngờ, khi vừa băng qua “chướng ngại” Covid-19 lần thứ 4, họ lại phải đương đầu với cú sốc tăng giá xăng phi mã, vượt 32.000 đồng/lít, kéo theo chi phí đầu vào tất cả các dịch vụ tăng cao.
Bà Đoàn Thị Thanh Trà, Giám đốc tiếp Thị - truyền thông, Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist cho biết, hãng lữ hành này dự kiến phục vụ hơn 280.000 lượt khách trong mùa hè 2022. Con số này có thể cao hơn do nhu cầu của thị trường về du lịch trong và ngoài nước vẫn đang tăng mạnh, và hậu Covid-19, du khách có tâm lý đặt tour, dịch vụ sát ngày khởi hành.
“Với những tour trọn gói đã chốt, giá tour không thay đổi, nhưng các dịch vụ tour khởi hành mới từ tháng 10 trở đi hoặc đáp ứng nhu cầu của khách đặt tour lẻ phát sinh phải tính toán lại giá, bởi các dịch vụ khác trong chuỗi cung ứng như vận chuyển, nhà hàng, lưu trú đã tăng từ 10% đến 30%”, bà Thanh Trà cho hay.
Tương tự, ông Phạm Quý Huy, CEO Kiwi Trave cho biết, với các tour đã ký kết với khách hàng (tour trọn gói), đơn vị không phụ thu thêm được nên phải chịu lỗ. “Một số đơn vị vận chuyển ô tô bất ngờ thông báo tăng giá khiến chúng tôi trở tay không kịp”, ông Huy chia sẻ và dự đoán, những tour sắp tới giá sẽ tăng cao khiến lượng khách có thể sụt giảm, có những khách hàng đã “choáng” sau khi xem bảng giá dịch vụ.
Đến thời điểm này, giá vé máy bay, giá ô tô vận chuyển đều đã tăng khoảng 20%, chênh lệch cả triệu đồng so với vài tháng trước, nên sẽ rất khó cho những tour mở bán mới. Bởi du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, vì thế giá cá dịch vụ tăng, buộc lòng lữ hành phải tăng giá, chứ không phải tăng giá để tăng lợi nhuận. Không thể bù lỗ, một số doanh nghiệp phải thông báo điều chỉnh giá tour hoặc giảm thời gian 1 đêm hay giảm hạng khách sạn… nhưng khó tránh bị khách hàng phản ứng. Bởi sau dịch, du khách có tâm lý giá dịch vụ rẻ do doanh nghiệp phải kích cầu nên không phải ai cũng hiểu cho các hãng lữ hành.
Lo lượng khách sẽ giảm sâu
Ông Nguyễn Trần Hoàng Phương, Chủ tịch HĐQT Golden Smile Travel lo lắng thời gian tới, lượng khách sẽ giảm rất lớn, bởi không chỉ vận chuyển, mà giá ăn uống, tham quan, lưu trú cũng tăng theo xu thế chung.
“Nếu các cơ quan hữu quan không có chính sách kiểm soát giá cả (đặc biệt là giá xăng dầu) hiệu quả, nạn “chặt chém” phát sinh, sẽ dẫn đến tình trạng loạn giá, hay nói cách khác là thả nổi thị trường, gây mất thiện cảm trong lòng du khách”, ông Phương trăn trở.
Trong điều kiện người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu do dịch Covid-19, việc tăng giá tour càng khiến khả năng thu hút du khách giảm. Theo ông Phương, việc các công ty lữ hành buộc phải xây dựng giá tour cao theo giá xăng dầu sẽ khiến chúng ta mất lợi thế điểm đến quốc gia, ảnh hưởng lớn đến kế hoạch mở cửa, phục hồi ngành kinh tế xanh. Do đó, rất cần những chính sách kiểm soát tăng giá xăng dầu hiệu quả từ các cơ quan chức năng.
Bão Covid-19 vẫn chưa thực sự qua đi, doanh nghiệp lại tiếp tục đón nhận bão giá. Chỉ có những người trong cuộc mới cảm nhận hết sự trăn trở của doanh nghiệp lúc này. Trừ một số ít ngành, lĩnh vực có khả năng trụ lại và phục hồi tốt sau đại dịch, còn những ngành như dịch vụ, du lịch, vận tải… vẫn đang đối mặt với ngổn ngang khó khăn trước mắt và cả lâu dài.
Trong bối cảnh khó chồng khó, các doanh nghiệp mong mỏi Nhà nước sẽ kéo dài chính sách cơ cấu nợ vay ngân hàng, duy trì mức lãi suất ổn định, triển khai nhanh gói hỗ trợ lãi suất sớm chừng nào hay chừng đó. Đồng thời, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc về visa, khách du lịch quốc tế… để thu hút du khách đến nhanh và đến nhiều hơn.