Thành lập từ năm 1895, Skoda được biết đến là một trong những thương hiệu ô tô có lịch sử lâu đời nhất thế giới và hãng xe châu Âu này sẽ mở bán tại Việt Nam trong 2023.
Thông tin về việc Skoda gia nhập thị trường Việt Nam đã rộ lên từ cuối năm ngoái. Thương hiệu đến từ Séc sau đó chính thức xác nhận sẽ bán ô tô tại nước ta trong năm 2023. Với khách hàng Việt, cái tên Skoda có phần mới mẻ nhưng trên thế giới, thương hiệu 128 năm tuổi này đã hiện diện tại hơn 100 quốc gia và đạt được nhiều cột mốc đáng kể.
"Kết duyên" với Tập đoàn Volkswagen
Ra đời năm 1895, Skoda ban đầu hoạt động dưới tên Laurin & Klement (viết tắt L&K), được đặt theo họ của hai nhà đồng sáng lập là Václav Klement và Václav Laurin. Năm 1925, L&K được sáp nhập vào tập đoàn công nghiệp hàng đầu châu Âu lúc bấy giờ là Škoda Work và chính thức đổi tên thành Skoda.
Năm 1991, Skoda trở thành công ty con của Tập đoàn Volkswagen và thương hiệu ô tô này chính thức thuộc về Volkswagen AG năm 2000 (Ảnh: Skoda).
Tháng 3/1991, Skoda gia nhập Tập đoàn Volkswagen (Đức) bên cạnh nhiều thương hiệu ô tô nổi tiếng khác. Từ đây, Skoda bắt đầu kế thừa thành quả nghiên cứu và phát triển, cũng như công nghệ chế tạo khung gầm và động cơ của tập đoàn mẹ, tiêu biểu là nền tảng khung gầm MQB trứ danh. Skoda cũng tìm tòi, phát triển các công nghệ và dòng xe mới.
Bảo tàng Skoda hiện chứa khoảng 340 hiện vật, bao gồm các mẫu xe ô tô và các loại động cơ từ ngày đầu tiên thành lập hãng (Ảnh: Skoda).
Skoda có một bảo tàng với khu vực triển lãm rộng 1.800m2, trưng bày và lưu giữ các dòng xe cổ xuyên suốt hơn một thế kỷ, cùng các phim, ảnh và tài liệu. Bảo tàng Skoda được đặt tại vị trí của xưởng sản xuất đầu tiên của Skoda - thành phố Mladá Boleslav (Séc) - nơi những chiếc xe của công ty được sản xuất cho đến năm 1928.
24 triệu xe Skoda đã bán ra trên toàn cầu
L&K Voiturette A, mẫu ô tô đầu tiên của Skoda, được trang bị động cơ 2 xi-lanh 1.0L và có thể đạt tốc độ 40km/h. (Ảnh: Skoda).
Chiếc ô tô đầu tiên của Skoda là L&K Voiturette A, ra đời năm 1905 và lúc bấy giờ được xem là thành công lớn của thương hiệu. Mẫu xe nhanh chóng được công chúng châu Âu đón nhận và chiến thắng về mặt doanh thu.
Nối tiếp thành công đó, Skoda phát triển công nghệ cốt lõi về động cơ và khung gầm để từ đó cho ra hàng loạt dòng xe nổi tiếng khác. Có thể kể đến Skoda Popular (1934), Skoda Popular Monte Carlo (1936), Skoda Felicia (1959), Skoda Octavia "Grandma" (1960)...
Skoda Favorit bản 136 L những năm cuối thập niên 80 đầu 90 thế kỷ trước (Ảnh: Skoda).
Trong những dòng xe huyền thoại đó, sẽ thiếu sót nếu không nhắc tới chiếc Favorit mẫu 135L và 136L cuối những năm 80, đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Đây cũng là dòng xe để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng lớp người Việt có thời gian học tập và làm việc tại châu Âu thời kỳ đó.
Sau khi sáp nhập với Volkswagen, Skoda tiếp tục học hỏi, nghiên cứu và tự phát triển những mẫu xe mới. Năm 1994, mẫu Skoda Felicia mới ra đời và nhanh chóng trở thành một trong những dòng xe thành công của hãng.
Octavia, mẫu xe bán chạy nhất của Skoda, cũng là sản phẩm được chờ đợi tại thị trường Việt Nam (Ảnh: Skoda).
Tính từ khi gia nhập Tập đoàn Volkswagen năm 1991 đến hết 2022, Skoda đã sản xuất hơn 24 triệu xe trên toàn cầu. Trong đó, mẫu xe Octavia đạt sản lượng hơn 7 triệu chiếc tính từ năm 2016 tới 2022. Octavia ngày nay cũng trở thành dòng xe bán chạy nhất của Skoda, là niềm tự hào của thương hiệu.
Skoda tham vọng thế nào tại thị trường Việt?
Trải qua 128 năm phát triển, đến nay, Skoda nhiều năm góp mặt trong top 10 thương hiệu ô tô bán chạy tại châu Âu. Hãng xe Séc đã có mặt tại hơn 100 quốc gia, bao gồm những thị trường như Anh, Đức, Pháp, Nga, Australia, Ấn Độ... Tổng lượng xe bán ra toàn cầu trong năm 2021 của hãng đạt 878.200 xe và năm 2022 là 731.300 xe, theo Car Sales Statistics.
Ngày 22/4, Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala (hàng ghế 2) và phái đoàn đã có chuyến thăm, khảo sát và làm việc tại Tổ hợp Thành Công Việt Hưng (Ảnh: TC Motor).
Năm 2022 đánh dấu cột mốc lịch sử khi Skoda quyết định bước vào thị trường Việt Nam - nơi được xem là "bàn đạp" để thương hiệu châu Âu này bước vào thị trường Đông Nam Á trong tương lai. Giai đoạn đầu, Skoda sẽ nhập khẩu xe nguyên chiếc trực tiếp từ châu Âu về Việt Nam và được phân phối bởi TC Motor - thuộc Tập đoàn Thành Công (TC Group).
TC Group cũng đã có kế hoạch lắp ráp ô tô Skoda tại Việt Nam. Tập đoàn này đầu tư 100% vốn cho nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô thương hiệu Skoda đặt tại Tổ hợp chuyên đề công nghiệp ô tô và phụ trợ Thành Công Việt Hưng (Khu công nghiệp Việt Hưng, tỉnh Quảng Ninh). Dự án được xây dựng trên diện tích 36,5ha, công suất 120.000 xe/năm.
Việc phân phối thêm một thương hiệu ô tô hứa hẹn giúp TC Motor mở rộng thị phần thị phần tại Việt Nam. Hiện nay, thông qua dòng xe Hyundai thì đơn vị này đang đứng thứ 2, bám sát Toyota Việt Nam. Còn với khách Việt, Skoda sẽ mở ra lựa chọn mới khi mua ô tô, nhất là xe châu Âu, bên cạnh những cái tên như Volkswagen hay Peugeot.