Hòa cùng thành tựu chung của cả nước, năm 2019, Sóc Trăng đã ghi dấu ấn ngoạn mục khi hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT – XH) đề ra. Thành công này sẽ là tiền đề, động lực để tỉnh tiếp tục vươn tới những thành tựu mới trong năm 2020. Phóng viên Vietnam Business Forum đã có cuộc phỏng vấn ông Lâm Hoàng Nghiệp - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng. Công Luận thực hiện.
Ông có thể điểm lại những thành tựu KT-XH nổi bật của tỉnh Sóc Trăng trong năm 2019?
Năm 2019, tỉnh thực hiện đạt và vượt 20/20 chỉ tiêu chủ yếu (trong đó có 12 chỉ tiêu vượt); tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 7,3% - cao nhất kể từ năm 2015. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; GRDP bình quân đầu người đạt 46 triệu đồng/năm, vượt 4 triệu đồng so với Nghị quyết (NQ).
Sản xuất nông nghiệp năm 2019 tiếp tục tăng trưởng tích cực. Tổng sản lượng lúa đạt 2,17 triệu tấn, vượt 8,6% chỉ tiêu NQ, tăng 1,9% so cùng kỳ (SCK); gạo ST25 đạt Giải gạo ngon nhất thế giới năm 2019. Tổng sản lượng thủy sản đạt 281.352 tấn, vượt 0,55% chỉ tiêu NQ, tăng 9,15% SCK.
Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2019 (giá so sánh năm 2010) là 33.500 tỷ đồng, đạt 100% chỉ tiêu, tăng 10,74% SCK. Tăng trưởng nhiều nhất là các mặt hàng chủ lực của tỉnh như tôm đông lạnh khoảng 93.000 tấn (tăng 0,29%); gạo xay xát khoảng 900.000 tấn (tăng 2,55%); sản phẩm may mặc 6,3 triệu sản phẩm (tăng 15,11%).
Hoạt động thương mại, dịch vụ phát triển tốt, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội là 80.900 tỷ đồng, vượt 1,13% chỉ tiêu, tăng 12,63% SCK. Tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa là 830 triệu USD, vượt 1,22% chỉ tiêu, tăng 8,36%. Về du lịch, toàn tỉnh đón hơn 2,4 triệu lượt khách, tăng trên 27% SCK; tổng doanh thu từ du lịch 1.020 tỷ đồng, vượt 13% kế hoạch, tăng 34%.
Văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, chất lượng dạy và học được nâng lên; công tác khám chữa bệnh cho người dân ngày càng tốt hơn; thực hiện kịp thời các chính sách an sinh xã hội; đời sống của người dân dần được cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 8,4% (năm 2018) xuống còn 4,91% (năm 2019), tương đương số hộ nghèo giảm trong năm 2019 là 11.264 hộ. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững.
Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng đã chủ động, linh hoạt trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển KT - XH năm 2019 như thế nào?
Ngay từ đầu năm 2019, thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ được Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đề ra, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình hành động số 01/Ctr-UBND ngày 18/1/2019 với 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trong đó, tập trung chỉ đạo các sở ngành, địa phương triển khai thực hiện Kế hoạch số 45/KH-UBND ngày 19/3/2019 tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Trong chỉ đạo điều hành, UBND tỉnh luôn kiên định mục tiêu đề ra, thường xuyên rà soát, kịp thời đưa ra định hướng, giải pháp tạo động lực phát triển mọi lĩnh vực KT - XH của tỉnh. UBND cấp huyện luôn chủ động trong thu hút đầu tư, xác định ngành, lĩnh vực trọng tâm để tập trung, không ngừng đẩy mạnh tăng trưởng. Các sở ngành chức năng kịp thời nhận diện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phát huy mạnh mẽ tiềm năng, thế mạnh theo ngành, lĩnh vực quản lý, có nhiều mô hình mới, cách làm hiệu quả được triển khai thực hiện trong năm 2019.
Từ đó tiến độ triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT - XH được kiểm soát tốt, hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Kết quả đánh giá PCI năm 2018, chỉ số "Tính năng động của chính quyền tỉnh" của Sóc Trăng xếp hạng thứ 2/63 tỉnh, thành. Cộng đồng doanh nghiệp (DN) đánh giá cao vai trò của UBND tỉnh trong tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân; các vướng mắc, khó khăn của DN được tháo gỡ kịp thời.
Trong năm qua, tỉnh đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính (CCHC) đạt hiệu quả ra sao? Để cải thiện Chỉ số PCI trong thời gian tới, tỉnh Sóc Trăng đề ra những giải pháp nào?
Đẩy mạnh CCHC là 1 trong 3 khâu đột phá chiến lược phát triển KT - XH được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng xác định trong nhiệm kỳ 2015-2020. Để triển khai thực hiện, hàng năm UBND tỉnh đều ban hành kế hoạch CCHC, trong đó chú trọng các giải pháp, mô hình, sáng kiến mang lại hiệu quả, chất lượng tốt hơn trong hoạt động công vụ. Kết quả, công tác CCHC của tỉnh những năm qua chuyển biến tích cực, Chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước hàng năm đều đạt trên 80%. Chỉ số CCHC của tỉnh được cải thiện, năm 2018, chỉ số CCHC của Sóc Trăng xếp hạng 24/63 tỉnh, thành (tăng 22 bậc so với năm 2017, 25 bậc so với năm 2016, 3 bậc so với năm 2015).
Về cải thiện Chỉ số PCI, tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 08/KH-UBND ngày 10/01/2019 đề ra 4 nhóm giải pháp chủ yếu: tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong thực hiện cải thiện và nâng cao chỉ số PCI; đẩy mạnh CCHC, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; nâng cao chất lượng đội ngũ thực thi công vụ; tăng cường hỗ trợ DN. Trong đó phân công nhiệm vụ các sở, ban ngành và địa phương thực hiện các nhiệm vụ giải pháp cụ thể.
Năm 2020, UBND tỉnh triển khai thực hiện Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh của sở, ban ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố (DDCI) thuộc tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2020 - 2021 với mục tiêu xây dựng công cụ giám sát và chỉ đạo cải thiện chất lượng điều hành đối với các sở, ngành và địa phương, tạo động lực nâng cao chất lượng giải quyết TTHC liên quan đến nhà đầu tư, DN; tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh.
Thời gian gần đây, tiềm năng phát triển điện gió của Sóc Trăng nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư. Ông có thể cho biết lãnh đạo tỉnh xem xét lựa chọn nhà đầu tư dựa trên những tiêu chí nào?
Sóc Trăng thuộc Đồng bằng sông Cửu Long - là 1 trong 28 tỉnh trên cả nước có đường bờ biển (dài 72 km). Những năm qua, tỉnh tập trung thu hút đầu tư, phát triển những ngành nghề, lĩnh vực phù hợp tình hình KT - XH, đặc điểm tự nhiên, dân cư để phát huy tối đa những lợi thế, tiềm năng sẵn có; điển hình như phát triển kinh tế nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, một số lĩnh vực kinh tế biển (như cảng biển, logistics, năng lượng tái tạo), thương mại - dịch vụ và du lịch.
Riêng trong lĩnh vực điện gió, kể từ sau Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2018 đã có rất nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu, nghiên cứu thực hiện các dự án điện gió. Để bảo đảm minh bạch trong lựa chọn nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm trong thực hiện dự án điện gió, tỉnh đã ban hành bộ tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo Quyết định số 1270/QĐ-UBND ngày 30/5/2018 chủ yếu trên các tiêu chí chính như: năng lực tài chính, năng lực kinh nghiệm, tiến độ triển khai; dự án có diện tích sử dụng đất ít nhất trên một đơn vị công suất phát điện, sử dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường; nhà đầu tư có phương án sử dụng phần đất giữa các tuabin gió để phát huy hiệu quả sử dụng đất; nhà đầu tư đã tiếp cận, khảo sát vị trí theo Quy hoạch của tỉnh và có thời gian nghiên cứu lập hồ sơ dự án; một số tiêu chí khác có liên quan đến công tác an sinh xã hội....
Đến nay tỉnh đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 9 dự án điện gió vị trí số 1, 2, 3, 5, 6, 7, 18, 19 và 20 với tổng công suất 262,4 MW, tổng vốn đầu tư 11.334 tỷ đồng. Hiện dự án số 1 đang triển khai, đã khởi công dự án số 5, 3 và 6; các dự án còn lại sẽ khởi công trong quý II/2020.
Đến cuối 2020, dự kiến sẽ có 3 dự án đi vào vận hành, gồm dự án số 1, 3 và 5. Ngoài ra, tỉnh đang trình bổ sung quy hoạch điện lực cho 19 dự án điện gió với công suất 1.709 MW. Định hướng trong giai đoạn tiếp theo tỉnh sẽ tiếp tục đánh giá tiềm năng ngoài khơi của vùng biển Sóc Trăng đã đề xuất đưa vào quy hoạch điện VIII để tiếp tục kêu gọi đầu tư nhằm khai thác tối đa tiềm năng lợi thế của tỉnh; đảm bảo nguồn năng lượng phục vụ sinh hoạt và sản xuất kinh doanh của người dân, DN trong khu vực và cả nước.
Bước sang năm mới 2020, trong rất nhiều mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra, tỉnh Sóc Trăng sẽ dồn sức thực hiện tốt những công việc trọng tâm nào, thưa ông?
Năm 2020, Sóc Trăng đề ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế theo hướng chú trọng chất lượng, bền vững, hiệu quả, nâng cao năng suất lao động, tốc độ tăng trưởng kinh tế phấn đấu đạt trên 7,5%.
Để hoàn thành mục tiêu trên, tỉnh tập trung thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược gồm: đẩy mạnh CCHC, phát triển nguồn nhân lực và tăng cường đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng KT - XH. Tập trung các giải pháp đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 7,5% (khu vực I tăng trưởng từ 4-5%, khu vực II tăng từ 17,85% trở lên, khu vực III tăng trưởng từ 7,2% trở lên).
Tỉnh tiếp tục thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; nâng cao chất lượng thu hút đầu tư; đẩy nhanh tiến độ xử lý các thủ tục có liên quan, sớm triển khai các dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư, nhất là các dự án quan trọng, có tác động tích cực đến phát triển KT - XH của tỉnh. Triển khai các hoạt động hỗ trợ DN, giúp DN kết nối cung cầu, tiếp cận, mở rộng thị trường; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các hoạt động trong khuôn khổ Dự án phát triển DN nhỏ và vừa, bảo đảm hoàn thành các mục tiêu đề ra.
Trân trọng cảm ơn ông!