Trong báo cáo về triển vọng kinh tế quý 2/2020, Ngân hàng Standard Chartered dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng chậm lại ở mức 3,3% năm nay song sẽ phục hồi lên mức 6,5% năm 2021.
Trong báo cáo có tựa đề “Darkest before the dawn” (tạm dịch: “Bóng tối trước bình minh”), ông Chidu Narayanan, Chuyên gia kinh tế khu vực châu Á, Ngân hàng Standard Chartered cho rằng, nhu cầu thế giới suy giảm năm nay sẽ ảnh hưởng lên tăng trưởng của Việt Nam. Theo dự đoán của chuyên gia này, kinh tế Việt Nam sẽ tăng 3,3% năm nay song dự kiến sẽ tăng trở lại với tốc độ 6,5% năm 2021.
Theo báo cáo, tăng trưởng của lĩnh vực sản xuất Việt Nam năm 2020 sẽ giảm mạnh do ảnh hưởng của nhu cầu thế giới sụt giảm. Tốc độ tăng trưởng năm nay ước đạt 3% so với mức 11% trong năm 2019, mức đóng góp vào tốc độ tăng GDP nói chung sẽ giảm 1,6 điểm phần trăm so với năm ngoái. Vốn chiếm tỷ trọng 19% GDP và đóng góp gần 1/3 vào tăng trưởng GDP trong những năm gần đây, lĩnh vực sản xuất có thể sẽ trở thành kênh chính truyền dẫn những tác động từ môi trường bên ngoài vào Việt Nam. Tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc dự kiến sẽ phục hồi, nhờ đó thúc đẩy hoạt động sản xuất trong nước trong nửa cuối năm.
Lĩnh vực dịch vụ, hiện chiếm tỷ trọng gần 40% GDP, được dự đoán sẽ giảm tốc trong năm nay với mức tăng trưởng ước đạt 4% năm so với mức 7,3% trong năm 2019 và đóng góp vào tăng trưởng GDP nói chung giảm 1 điểm phần trăm so với năm ngoái. Lĩnh vực sản xuất tăng trưởng chậm lại, hoạt động nội địa suy giảm, cùng với các biện pháp cách ly xã hội (bao gồm hạn chế tụ tập đông người) sẽ tác động tới nhu cầu mua sắm tiêu dùng.
Ngành du lịch đã ghi nhận sự sụt giảm đáng kể do tác động của các lệnh hạn chế đi lại giữa các quốc gia trong bối cảnh dịch COVID-19. Ngân hàng Standard Chartered dự đoán lượt khách du lịch đến Việt Nam sẽ giảm mạnh khoảng 60% trong năm 2020. Nhờ mức tăng trưởng thấp trong năm 2019, tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực nông nghiệp sẽ duy trì ổn định khoảng 4% trong năm nay.
Nghiên cứu cũng dự đoán dòng vốn FDI vào Việt Nam sẽ giảm xuống dưới 10 tỷ USD trong năm nay và sẽ tiếp tục suy giảm nếu những lo ngại liên quan đến vi rút còn kéo dài trong nửa cuối năm. Các hoạt động xây dựng cũng sẽ chậm lại do yếu tố tâm lý thị trường và vốn FDI giảm.
Tăng trưởng xuất khẩu được dự đoán sẽ giảm tốc đáng kể trước ảnh hưởng của nhu cầu thế giới trong khi đó tăng trưởng nhập khẩu cũng sẽ có xu hướng tương tự với mức tăng dự kiến sẽ thấp hơn xuất khẩu, nhờ đó cán cân thương mại sẽ tiếp tục thặng dư trong năm 2020.
Các chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Standard Chartered nhận định Việt Nam đồng (VND) sẽ tiếp tục giảm giá trong ngắn hạn trong bối cảnh nhu cầu của thế giới, hoạt động du lịch và dòng vốn FDI sụt giảm, cùng với đó là sự suy yếu của các đồng tiền khác trong khu vực.
Trong trung hạn, trạng thái cân bằng đối ngoại (external balances) của Việt Nam có khả năng sẽ tiếp tục được duy trì và dự kiến VND sẽ có những diễn biến tích cực. Theo dự báo của Ngân hàng Standard Chartered, tỷ giá USD-VND sẽ đạt 23,700 vào giữa năm 2020 và 23,200 vào cuối năm nay.