Liên doanh giữa Kido và Vinamilk đang hình thành, trở thành một thế lực mới trên thị trường thực phẩm và đồ uống (F&B).
Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã VNM) và Công ty Cổ phần Tập đoàn Kido (KDC) bất ngờ công bố đã đạt thỏa thuận ghi nhớ và sẽ tiến đến thành lập liên doanh mang tên Vietnam Beverage, viết tắt Vibev. Trong đó, tỉ lệ vốn góp của Vinamilk là 51%, Kido nắm 49%. Hai bên sẽ hợp tác sản xuất, kinh doanh nước giải khát, kem và thực phẩm đông lạnh. Ông Trần Lệ Nguyên, CEO Kido, cho biết dự kiến ngay trong quý III này, liên doanh sẽ ra mắt các sản phẩm đầu tiên và trong năm thứ nhất, có thể ghi nhận doanh thu 2.000 tỉ đồng.
Cái bắt tay giữa Vinamilk và Kido diễn ra trong bối cảnh Công ty Cổ phần Thực phẩm Đông lạnh Kido (Kido Foods, mã KDF) sẽ sáp nhập hoàn toàn vào Tập đoàn Kido. Kido Foods hiện dẫn đầu ngành kem Việt Nam, chiếm 41,4% thị phần, theo Euromonitor. Một khi hợp lực cùng Vinamilk, cơ hội cho đôi bên sẽ càng tăng.
Vinamilk, dù nắm thị phần khiêm tốn hơn Kido Foods và xấp xỉ Unilever, nhưng lại có triển vọng về xuất khẩu. Trước mắt, Vinamilk đã đưa các sản phẩm sữa và sản phẩm dinh dưỡng thâm nhập thị trường Trung Quốc, Đông Nam Á, Trung Đông. Mới đây, Vinamilk ký được hợp đồng xuất khẩu sữa đậu nành hạt, trà sữa... sang Hàn Quốc. Những bước đi này mở đường cho Vinamilk, Kido và liên doanh đưa những sản phẩm khác ra các nước.
Vì thế, ông Nguyên cho biết, thông qua hợp tác liên doanh, các sản phẩm của Kido sẽ không dừng lại ở cung cấp trong nước mà hướng đến thâm nhập Đông Nam Á và thị trường lớn hơn là châu Á. Lợi ích cộng hưởng khác, theo ông Nguyên, đến từ giá nguyên vật liệu sữa và đường của Vinamilk rẻ hơn 10-20% so với nguyên vật liệu mà Kido mua từ các nhà cung cấp.
Ngoài ra, theo xác nhận của CEO Kido, đôi bên còn tạo sức mạnh cho liên doanh bằng thương hiệu, hệ thống phân phối, logistics, quản trị và tài chính của cả hai. Hiện Kido Foods đã thiết lập mạng lưới hơn 120.000 điểm bán, 50.000 tủ kem khắp cả nước. Một khi Kido Foods hoàn toàn về với Kido, đơn vị này sẽ hưởng những giá trị sức mạnh của cả Tập đoàn.
Vấn đề là “liệu kem mang thương hiệu Vietbev có cạnh tranh trực tiếp với dòng kem hiện có của Vinamilk và Kido Foods?” Ông Nguyên cho biết các sản phẩm của Vietbev sẽ khác biệt và không ảnh hưởng đến những dòng kem hiện tại của 2 thương hiệu.
Theo báo cáo năm 2019 của Euromonitor, quy mô ngành kem và sản phẩm tráng miệng đông lạnh tại thị trường Việt Nam chỉ hơn 3.700 tỉ đồng, tức hơn 161 triệu USD. Nhưng vì mức tăng trưởng giá trị trung bình của ngành kem hơn 12%/năm nên kem vẫn là lĩnh vực thu hút nhiều người chơi. Ngoài Kido Foods, Unilever, Vinamilk, Tràng Tiền, Thủy Tạ, vài năm gần đây ngành kem xuất hiện thêm những tên mới như Nestlé Việt Nam (2016), TH True Milk (2018) hay các nhãn hàng kem nhập khẩu Baskin-Robbins, Häagen Dazs, Bud’s, Swensen’s, Fanny...
Như đã nói, quy mô ngành kem Việt Nam không lớn, lại là sản phẩm ăn vặt, dễ bị thay thế, chịu sức ép cạnh tranh cao từ các hãng ngoại, cùng biến động giá nguyên liệu đầu vào... Đây là lý do Vietbev, bên cạnh phát triển mảng kem và thực phẩm đông lạnh, còn định hướng tập trung sâu vào lĩnh vực nước giải khát. “Vietbev có tham vọng hướng đến xây dựng thương hiệu nước uống Việt Nam khỏe mạnh, bổ dưỡng và sẽ không tham gia thị trường nước có gas”, ông Nguyên cho biết.
Trong 5 năm qua (2014-2019), nước giải khát là ngành có quy mô lớn hơn cả ngành sữa, đạt hơn 123.000 tỉ đồng, tức hơn 5 tỉ USD. Quy mô này dự kiến còn tăng cao, với tốc độ tăng trưởng bình quân 6,3%/năm, theo BMI. Tiêu thụ nước giải khát ước đạt tới 109 tỉ lít vào năm 2020. Lãnh đạo Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát cũng từng nhận định, thị trường nước giải khát luôn thu hút nhà đầu tư.
Vì thế, nước giải khát cũng trở thành sân chơi khốc liệt, với hơn 1.800 đơn vị sản xuất tham gia. Đáng chú ý là Tân Hiệp Phát, URC Việt Nam, Coca-Cola, Suntory PepsiCo Việt Nam, Chương Dương... bên cạnh các dòng giải khát nhập khẩu.
Chen chân trong một thị trường quy tụ hùng hậu nhiều tay chơi lớn là không hề dễ. Hơn nữa, người tiêu dùng ngày càng khó tính hơn trong chọn lựa sản phẩm. Ngoài chất lượng, yếu tố an toàn vệ sinh thực phẩm, người dùng còn quan tâm đến hương vị, sở thích, mẫu mã, nhãn mác, nguyên liệu đúng chuẩn...
Mintel đã chỉ ra, có tới 12 xu hướng mới cho ngành thực phẩm và đồ uống. Trong đó, trào lưu sử dụng thức uống tốt cho sức khỏe, thành phần rõ ràng, tự nhiên cũng như các yêu cầu chứng minh nguồn gốc cũng khắt khe hơn. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải không ngừng nghiên cứu thị trường, đổi mới, minh bạch thông tin, đưa ra nhiều cam kết chất lượng...
Đó cũng là thách thức của Vietbev khi dấn thân vào thị trường này. Dù vậy, theo tính toán của lãnh đạo Kido, dựa trên hệ thống kênh phân phối hơn 1 triệu điểm bán từ cả Kido lẫn Vinamilk, mỗi ngày, chỉ cần 1 điểm bán tiêu thụ 1 chai, liên doanh đã có thể tiêu thụ 1 triệu chai. Ngoài ra, Vietbev dự tính sẽ đẩy mạnh xuất khẩu sang trên 30 thị trường đã thiết lập của Vinamilk. Đây được xem là bước đi khác biệt của Vietbev trong một thị trường nước giải khát đầy khốc liệt.