Tây Ninh xác định đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng vào năm 2020 và ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2030.
Phát huy thế mạnh đặc thù
Sở hữu vị trí thuận lợi cùng tài nguyên thiên nhiên phong phú, nhiều điểm, khu du lịch (KDL) nổi tiếng như Núi Bà Đen, Hồ Dầu Tiếng, Toà Thánh Cao Đài…Tây Ninh có điều kiện thuận lợi phát triển các loại hình du lịch dã ngoại, khám phá và tâm linh.
Ngoài ra, tỉnh còn sở hữu nhiều di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia như nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ, múa trồng Chhay-Dăm, Lễ vía Bà Linh Sơn Thánh mẫu… Tây Ninh hiện có 608 cơ sở lưu trú với 6.773 phòng, 16 công ty lữ hành (02 công ty lữ hành quốc tế) đảm bảo đáp ứng nhu cầu cho khách du lịch.
Phát huy thế mạnh này, Tây Ninh đã đề ra nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch: thành lập Nhóm công tác thực hiện giải pháp phát triển du lịch giai đoạn 2017-2021, tổ công tác hỗ trợ đầu tư phát triển KDL Núi Bà Đen, thành lập Hiệp hội du lịch tỉnh với 61 hội viên, đưa vào hoạt động hiệu quả trung tâm thông tin xúc tiến du lịch…
Về thu hút đầu tư, tỉnh đã thu hút được các nhà đầu tư chiến lược vào phát triển du lịch tại các huyện và thành phố Tây Ninh, hình thành chuỗi siêu thị Coopmart, trung tâm thương mại Vincom Plaza, dự án chợ Long Hoa-Hoà Thành. Các dự án này nhằm phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí và mua sắm cho du khách.
Về nguồn nhân lực, Tây Ninh đã nỗ lực đào tạo nguồn nhân lực chuyên ngành có trình độ Đại học trở lên. Ngoài ra, các doanh nghiệp du lịch lữ hành, các KDL lớn, cơ sở lưu trú cũng được đào tạo bài bản đáp ứng nhu cầu phục vụ du khách.
Góp phần thúc đẩy chuyển dịch kinh tế
Thông qua việc khai thác hợp lý lợi thế sẵn có, du lịch đã góp phần tạo nguồn thu ngân sách địa phương, tăng tiêu thụ sản phẩm và hàng hoá, góp phần giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập cho cộng đồng, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ tài nguyên và môi trường, giữ gìn bản sắc văn hoá, phát huy truyền thống yêu nước tại địa phương.
Sự phát triển của ngành du lịch Tây Ninh đã và đang góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh quá trình hội nhập quốc tế, đồng thời quảng bá hình ảnh và con người Tây Ninh đến bạn bè quốc tế.
Xác định chỉ tiêu và nhiệm vụ cụ thể
Tây Ninh phấn đấu đến năm 2020 đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng và đến năm 2030, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Hiện KDL Núi Bà Đen được chọn là tâm điểm phát triển của du lịch Tây Ninh. Tỉnh đã tham mưu với Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 125/QĐ-TTg, ngày 25/01/2018 phê duyệt quy hoạch chung xây dựng KDL Quốc gia Núi Bà Đen đến năm 2035 và quyết định số 1099/QĐ-TTg ngày 05/9/2018 phê duyệt “Đề án quy hoạch chung xây dựng KDL Quốc gia núi Bà Đen, tỉnh Tây Ninh đến năm 2035.
Tỉnh đang kêu gọi đầu tư vào KDL núi Bà Đen và triển khai quy hoạch chung xây dựng KDL Núi Bà Đen theo chủ trương của Thủ tướng Chính phủ.
Sở Văn hoá-Thể thao-Du lịch Tây Ninh cũng tích cực tham mưu UBND tỉnh xây dựng nhiều đề án quan trọng: đề án thống kê du lịch; phát triển cụm, ngành du lịch giai đoạn 2019-2020 và định hướng đến 2030; đề án du lịch thông minh; xây dựng bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch; thiết lập mô hình quản lý KDL cấp tỉnh.
Đổi mới công tác xúc tiến du lịch
Tây Ninh cam kết đảm bảo lợi ích chính đáng cho nhà đầu tư, dành những ưu đãi phù hợp nhất theo quy định của pháp luật. Tỉnh luôn hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện nhanh các thủ tục cần thiết nhằm giảm chi phí và thời gian triển khai dự án.
Ngoài ra, Tây Ninh cũng quan tâm đặc biệt đến công tác đổi mới, đa dạng hoá các hình thức và nội dung xúc tiến, quảng bá du lịch. Công tác này được thực hiện thông qua các lễ hội, giải đấu thể thao, sự kiện văn hoá…nhằm giới thiệu hình ảnh và con người Tây Ninh; phối hợp với các đài truyển hình, báo chí trong và ngoài nước quảng bá du lịch.
Bên cạnh đó, Tây Ninh cũng tập trung phát triển hạ tầng phục vụ du lịch, đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối các khu, điểm du lịch nội tỉnh và liên kết với các tỉnh, thành phố, liên kết nội vùng và liên vùng, tích cực phối hợp với Tp.HCM, các bộ, ngành Trung ương đề xuất Chính phủ cho đầu tư Dự án đường cao tốc Tp.HCM – Mộc Bài (Tây Ninh).
Thêm vào đó, tỉnh thường xuyên hợp tác với các tỉnh giáp biên giới như Cambodia, Đại Hàn Dân Quốc, hợp tác với Tổng công ty hàng không Việt Nam, Trường ĐH Quốc gia Tp.HCM. Nội dung hợp tác không chỉ tập trung mở rộng quan hệ trên lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội, chính trị…mà còn tạo động lực xúc tiến du lịch và đào tạo nguồn nhân lực.
Theo Đức Quân/ vhdn