Để tưởng nhớ người thân đã khuất, ngày Tết thanh minh 3/3 (âm lịch) hàng năm, người Nùng tại Lạng Sơn sắm sửa cỗ, bánh trái đi tảo mộ với những nét văn hóa cổ truyền.
Ngày 3/3 âm lịch hàng năm, người Nùng tại Lạng Sơn rộn ràng đón Tết thanh minh, mọi gia đình sắm sửa làm cỗ xôi, thịt gà, mua bánh trái đi tảo mộ. Con cháu các dòng họ quây quần tụ tập về một gia đình rồi cùng nhau mang cuốc, xẻng, dao, cỗ… lên khu mộ.
Bà con thường đến mộ từ lúc sáng sớm, thắp hương xin phép thần thổ địa rồi phát cỏ cây, dọn dẹp khu mộ sạch sẽ. Sau một năm, cỏ mọc cao và rậm rạp, nên phải rẫy hết cỏ dại, đắp lại nấm mồ cho đầy đặn.
Ông Nông Văn Đoàn (thị trấn Bình Gia, Lạng Sơn) cho biết: “dù bận công việc nhưng năm nào cả gia đình tôi cũng cố gắng thu xếp để về quê tảo mộ với anh em. Tết thanh minh là dịp những người đã khuất như tổ tiên, ông bà, cha mẹ và họ hàng thân thuộc được về gặp mặt con cháu”.
Trong mâm cỗ cúng tổ tiên của người Nùng không có bánh trôi, bánh chay mà thay vào đó là các loại đặc sản địa phương như thịt gà, thịt lợn quay, hoa quả, bánh kẹo, giấy tiền, rượu và một món không thể thiếu là “khâu nủa đăm đeng” (xôi nếp đỏ, đen). Đây là món xôi nhiều màu sắc làm bằng các loại lá cây.
Những mâm cỗ dài với nhiều món ăn đặc trưng được bày ra bên cạnh mộ.
Sau khi thắp hương, bày cỗ, người dân rót rượu khấn mời vong linh người đã khuất về ăn cỗ cùng con cháu và phù hộ cho con cháu sức khỏe, đầm ấm, hạnh phúc, tài lộc.
Mỗi ngôi mộ đều được cắm một cành nêu cắt bằng giấy bản nhiều màu sắc.
Các ngôi mộ thường đặt trên đồi cao, xa nhà nên bà con thụ lộc ngay bên phần mộ. Mọi người tụ họp nghe người lớn tuổi trong họ kể về người đã khuất, nhắc nhở nhau hướng về nguồn cội, đoàn kết, gắn bó giúp đỡ nhau trong cuộc sống, công việc, học tập để làm rạng danh tổ tiên.
Hồng Vân / VnExpress