Con số khoảng 2 tỷ USD mà người Việt mang ra nước ngoài chữa bệnh mỗi năm, cùng khát khao chăm sóc sức khỏe người Việt tốt hơn chính là động lực để nhiều nhà đầu tư đổ vốn xây dựng bệnh viện tư, bệnh viện 5 sao quốc tế, trong đó có Tập đoàn TH. Liệu Việt Nam có giành lại được “miếng bánh” trị giá hàng tỷ USD này?
TH Medical sẽ là tổ hợp y tế chất lượng quốc tế, không chỉ phục vụ bệnh nhân trong nước, mà còn thu hút cả người nước ngoài tới du lịch, chữa bệnh. Trong ảnh: Phối cảnh mô hình Tổ hợp TH Medical.
Nền móng của giấc mơ y học hiện đại
Tập đoàn TH vừa chính thức đặt viên gạch đầu tiên cho trụ cột kinh doanh thứ ba của mình bằng lễ động thổ và công bố Dự án Tổ hợp Y tế và chăm sóc sức khỏe công nghệ cao đầu tiên ở Việt Nam (TH Medical) tại Đông Anh (Hà Nội) vào đầu tuần trước. Như vậy, sau thực phẩm và giáo dục, TH đã bắt đầu đặt chân vào y tế, lĩnh vực mà thời gian gần đây, nhiều nhà đầu tư lớn của Việt Nam đã bắt đầu “nhảy” vào.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư ngay trước sự kiện quan trọng này, bà Thái Hương, nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH hồ hởi cho biết, nhiều chuyên gia quốc tế sau khi được chia sẻ tầm nhìn phát triển TH Medical đã thốt lên rằng: “TH Medical chính là ước mơ của y học hiện đại”.
Đó đúng là “ước mơ của y học hiện đại”, nếu nhìn vào kế hoạch phát triển của TH Medical. Ở dự án này, một lần nữa, nhà sáng lập Tập đoàn TH đã áp dụng “công thức” mà bà đã thực hiện thành công đối với dự án sữa tươi sạch TH true MILK. Đó là kết hợp giữa “tư duy vượt trội, y học hiện đại, tiên tiến của thế giới và tinh hoa y dược Việt Nam”. “Tổ hợp Y tế TH Medical là biểu tượng của sự kết hợp giữa trí tuệ Việt, tài nguyên Việt và công nghệ đầu cuối của thế giới”, bà Thái Hương khẳng định.
Không quá khó để nhận ra, điểm nhấn nổi bật của tổ hợp này là xây dựng mô hình y tế hiện đại, đặt trên “bệ phóng” là công nghệ 4.0, trong đó có công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data).
Công nghệ hiện đại không chỉ áp dụng trong điều trị, mà còn được áp dụng mạnh mẽ trong y tế dự phòng. Lần đầu tiên, tại một cơ sở y tế của Việt Nam sẽ áp dụng chip điện tử trong theo dõi chỉ số sinh học và chẩn đoán bệnh sớm.
TH Medical được thiết kế bao gồm 5 phân khu chức năng chính: Trung tâm Y tế dự phòng và Chẩn đoán sớm; Bệnh viện đa khoa tiêu chuẩn quốc tế áp dụng công nghệ cao; Trung tâm Điều dưỡng và Phục hồi chức năng 5 sao, Đông - Tây y kết hợp; Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo lâm sàng, cận lâm sàng và Hợp tác quốc tế; Trung tâm Lão khoa và Viện Dưỡng lão.
Dự án TH Medical có tổng vốn đầu tư 3.500 tỷ đồng (150 triệu USD). Theo kế hoạch, năm 2022, Bệnh viện TH sẽ đón bệnh nhân đầu tiên.
Chìa khóa là “làm điều khác biệt”
Sự quá tải của các bệnh viện công cùng với con số 2 tỷ USD mà người Việt Nam mang ra nước ngoài chữa bệnh hàng năm là động lực để nhiều nhà đầu tư liên tục đổ vốn đầu tư các bệnh viện tư nhân, bệnh viện 5 sao quốc tế ngay tại Việt Nam trong những năm gần đây.
Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện cả nước có hơn 1.000 bệnh viện, nhưng mới chỉ có hơn 200 bệnh viện tư, tỷ lệ giường bệnh hiện tại mới đạt 25 giường/10.000 dân. Những con số này còn quá ít so với nhu cầu khám, chữa bệnh của một thị trường gần 100 triệu dân. Hệ thống bệnh viện yếu kém cũng đẩy những bệnh nhân có điều kiện kinh tế đi ra nước ngoài chữa bệnh ngày càng nhiều hơn.
Cũng theo tính toán của Bộ Y tế, ước tính chi tiêu cho y tế hàng năm của Việt Nam chiếm xấp xỉ 7% GDP. Như vậy, dư địa phát triển của dịch vụ y tế tư nhân còn rất lớn. Đó cũng chính là lý do hàng loạt bệnh viện tư nhân lớn nhỏ đã được đầu tư xây dựng trong thời gian qua, như Bệnh viện Hoàn Mỹ, Bệnh viện Thu Cúc, Bệnh viện Hoa Lâm… hay mới đây là Bệnh viện đa khoa Phương Đông.
Năm 2012, Tập đoàn Vingroup chính thức xây dựng hệ thống bệnh viện Vinmec. Từ một bệnh viện ban đầu, toàn hệ thống Vinmec đã phát triển với quy mô đồng bộ, gồm 3 hợp phần gắn kết chặt chẽ là chuỗi bệnh viện, các viện nghiên cứu và Trường đại học Khoa học sức khỏe Vinmec. Theo chiến lược phát triển, đến năm 2020, Vingroup sẽ có chuỗi 10 bệnh viện Vinmec trên cả nước.
Không chỉ Vingroup, đầu năm 2019, Tập đoàn FLC cũng “tham chiến” lĩnh vực y tế bằng việc xây dựng bệnh viện 5 sao quốc tế 1.000 giường bệnh ở Thái Bình.
Tuy nhiên, theo khẳng định của bà Thái Hương, cách đi của TH Medical “hoàn toàn khác”. Giáo sư Dan Oppenheim, chuyên gia y khoa hàng đầu thế giới của Israel, khi sang Việt Nam tư vấn cho ý tưởng và mô hình của TH Medical đã chia sẻ rằng: “Chìa khóa thành công đối với dự án này là phải làm khác, chứ không chỉ đơn giản là làm tốt hơn các dự án y tế thông thường”.
Và đúng là đường đi của TH Medical rất khác. Nếu các bệnh viện thông thường ở Việt Nam chủ yếu tập trung vào chẩn đoán và điều trị, thì TH Medical sẽ mang đến một lộ trình chăm sóc sức khỏe toàn diện, bao gồm: phòng ngừa, chẩn đoán và điều trị, phục hồi chức năng và nâng cao sức khỏe.
Chia sẻ rằng, mình “rất sợ bị bệnh” và biết được người dân Việt Nam đã phải bỏ ra hàng tỷ USD hàng năm để đi chữa bệnh ở nước ngoài, không chỉ chi phí rất cao, mà thực tế, khi phải ra nước ngoài chữa bệnh thì bệnh đã ở giai đoạn muộn, nên bà Thái Hương muốn xây dựng một mô hình về y tế dự phòng - nền tảng của y học thế giới.
“Tôi chỉ nghĩ làm thế nào giảm thiểu chi phí khám chữa bệnh cho bà con, tiếp theo là có cuộc sống tốt hơn, làm sao phát hiện bệnh khi nó mới chỉ là mầm mống, thì mình sẽ chữa bệnh tốt hơn”, bà Thái Hương tâm sự.
Bà bảo, y tế dự phòng chính là nền tảng của y học hiện đại, thành công của một ca giải phẫu có thể cứu sống một mạng người, nhưng thành công trong một chiến lược y tế dự phòng có thể cứu sống cả triệu người.
Không những vậy, ở TH Medical, lần đầu tiên, hình thức “du lịch khám chữa bệnh” sẽ được áp dụng. TH Medical sẽ là nơi bệnh nhân có thể trải nghiệm các dịch vụ y tế chất lượng quốc tế ngay tại đất nước mình.
Thêm một điểm rất khác biệt của TH Medical, đó là không chỉ sử dụng các công nghệ đầu cuối tiên tiến, hiện đại hàng đầu thế giới, bà Thái Hương còn mời các chuyên gia hàng đầu ở Nhật Bản, ở Israel và các nước khác, cũng như thu hút các bác sĩ giỏi người Việt đang làm việc ở trong và ngoài nước về “đầu quân” và làm việc “fulltime” tại TH Medical. Các cán bộ quản lý, điều hành TH Medical cũng sẽ là những chuyên gia nước ngoài hàng đầu. Điều này sẽ đảm bảo TH Medical được vận hành theo đúng quy chuẩn quốc tế.
Cuộc chiến giành “miếng bánh” 2 tỷ USD
Chia sẻ về kế hoạch xây dựng TH Medical, bà Thái Hương cho biết, sự ra đời của tổ hợp y tế chất lượng quốc tế ngay tại Việt Nam sẽ tạo bước đột phá, không chỉ phục vụ bệnh nhân trong nước, góp phần giảm thiểu lượng bệnh nhân ra nước ngoài chữa bệnh, tiết kiệm ngoại tệ cho đất nước, mà còn thu hút cả bệnh nhân nước ngoài tới du lịch, chữa bệnh với dịch vụ đẳng cấp quốc tế.
“Chúng tôi đặt mục tiêu xây dựng một mô hình chăm sóc sức khỏe toàn diện, đặt khách hàng làm trọng tâm với những dịch vụ tốt nhất”, bà Thái Hương nói và một lần nữa khẳng định, bà đầu tư TH Medical là xuất phát từ “trái tim và tấm lòng người mẹ”.
Trái tim và sức mạnh của người mẹ sẽ giúp bà Thái Hương theo đuổi đến cùng kế hoạch xây dựng TH Medical, để chăm sóc tốt hơn sức khỏe người Việt Nam. Nhưng có vẻ như, tham vọng của bà còn lớn hơn cả việc giành lại “miếng bánh” 2 tỷ USD, khi hướng tới thu hút bệnh nhân ở nước ngoài đến du lịch và chữa bệnh.
Để thực hiện mục tiêu đó, ngay từ đầu, kế hoạch xây dựng TH Medical đã được thiết kế một cách hoàn hảo, từ việc tổ chức thi tuyển thiết kế đến lựa chọn thiết kế sáng tạo của Nikken Sekkei, nhà thiết kế lớn nhất Nhật Bản, từng đoạt nhiều giải thưởng quốc tế danh giá về thiết kế các công trình y tế, bệnh viện, để đảm bảo Tổ hợp hội đủ các yếu tố “thiết thực và tối tân”.
Nhìn vào những phác thảo của TH Medical, “khách hàng” - người bệnh sẽ bị ấn tượng ngay bởi thiết kế hài hòa, không gian mở khoáng đạt, ngập tràn ánh sáng tự nhiên, không khí trong lành, sông hồ mát dịu và mảng xanh tạo không khí thư thái. “Đây là không gian ‘chữa lành’ lý tưởng để người bệnh có thể phục hồi hiệu quả cả thể chất, tâm trí và tâm hồn”, bà Thái Hương nói.
Đó chính là bước khởi đầu để TH Medical phát triển dịch vụ “du lịch khám chữa bệnh”. Tất nhiên, nền tảng của Dự án phải là mô hình tổ hợp y tế và chăm sóc sức khỏe dựa trên công nghệ cao, công nghệ hiện đại nhất và tài năng của các giáo sư, bác sĩ. Thêm vào đó, sự kết hợp “Đông - Tây y” cũng được cho là một lợi thế lớn của TH Medical để thu hút bệnh nhân cả trong và ngoài nước.
TH Medical mới đặt những viên gạch đầu tiên cho sự phát triển của mình và câu chuyện chắc chắn sẽ là không dễ dàng, nhất là khi “kinh doanh” trong lĩnh vực y tế đang cạnh tranh khá gay gắt. Nhưng nhìn vào cách mà Tập đoàn TH đã làm được với TH true MILK và TH School, thì có cơ sở để tin rằng, bà Thái Hương cùng Tập đoàn TH sẽ làm được nhiều điều có ý nghĩa cho ngành y tế Việt Nam.
Gần đây, lượng bệnh nhân người nước ngoài đến Việt Nam chữa bệnh đang gia tăng. Theo thống kê chưa đầy đủ, các cơ sở y tế của Việt Nam đã thu về khoảng 1 tỷ USD mỗi năm từ nguồn này. Con số trên cho thấy, mục tiêu thu hút khách nước ngoài tới sử dụng dịch vụ y tế chất lượng cao tại Việt Nam mà bà Thái Hương cùng Tập đoàn TH đặt ra cho Dự án TH Medical hoàn toàn không phải là “điệp vụ bất khả thi”.
Nguyên Đức