Công ty cổ phần Đô Lương (thuộc Tổng Công ty Đức Giang) đề xuất tỉnh Thái Bình xem xét, tạo điều kiện đáp ứng nhu cầu mở rộng diện tích Cụm công nghiệp Đô Lương lên trên 70 ha về phía đông bắc, thuộc huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư của các nhà đầu tư thứ cấp.
Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Đức Giang Hoàng Vệ Dũng (đứng giữa) giới thiệu quy hoạch Cụm Công nghiệp Đô Lương mở rộng với Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Đặng Trọng Thăng.
Dự án Cụm Công nghiệp Đô Lương được phê duyệt chủ trương đầu tư theo quyết định số 3753/QĐ-UBND ngày 16/12/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình. Sau gần 3 năm triển khai đầu tư, xây dựng, đến nay Cụm Công nghiệp Đô Lương đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, san lấp, trồng cây xanh, làm hạ tầng 100% trên diện tích 43 ha, tổng mức đầu tư 375 tỷ đồng. Hoàn thiện thiết kế nhà máy xử lý nước thải với công suất 1.000m3/ngày đêm, dự kiến thi công trong tháng 12/2019, đi vào hoạt động Quý I/2020.
Cùng với đó, Công ty cổ phần Đô Lương chủ trương đầu tư xây dựng nhà máy may Veston và Nhà máy may Sơ mi, diện tích 9,8 ha, tổng mức đầu tư 230 tỷ đồng, chuyên sản xuất áo sơ mi xuất khẩu sang thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản với công suất 2,5 triệu áo/năm. 2 nhà máy của Công ty được đầu tư thiết bị hiện đại nhất của Nhật Bản, CHLB Đức, được các chuyên gia đánh giá là một trong những Nhà máy hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á. 2 nhà máy đã đi vào hoạt động được gần 2 năm, tạo việc làm cho 1.500 lao động với mức thu nhập 5 triệu/người/tháng.
Song song với việc xây dựng hạ tầng, Công ty đã kêu gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư vào Cụm Công nghiệp. Đến nay đã có nhà đầu tư thứ cấp là Công ty TNHH Inoflow Việt Nam đầu tư nhà máy sản xuất đồ chơi trẻ em bằng vải trên diện tích 2,1 ha, thu hút 1.500 lao động, nhà đầu tư của Hongkong dự kiến làm nhà máy dệt viền và túi xách (không tẩy nhuộm) trên diện tích 3ha, nhà đầu tư Nga dự kiến sản xuất rượu sâm-panh trên diện tích 6ha...
Bên cạnh đó, Công ty Đô Lương cũng đã có kế hoạch trình các cơ quan chức năng cho phép xây dựng kho ngoại quan phục vụ các doanh nghiệp sản xuất trong Cụm Công nghiệp và địa bàn lân cận.
Sau khi khảo sát thực địa và làm việc trực tiếp với Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Đức Giang Hoàng Vệ Dũng cùng lãnh đạo Công ty cổ phần Đô Lương, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Đặng Trọng Thăng đánh giá cao những nỗ lực của doanh nghiệp trong việc xây dựng Cụm Công nghiệp, xây dựng nhà máy, tạo việc làm cho lao động và đóng góp vào ngân sách địa phương.
Đồng thời, thống nhất chủ trương mở rộng diện tích Cụm Công nghiệp Đô Lương. Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công thương, Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các đơn vị liên quan phối hợp với Công ty Đô Lương nghiên cứu, triển khai mở rộng dự án quy mô lên 70 ha theo phương án hợp lý nhất.
Đồng chí cũng khẳng định tỉnh Thái Bình tiếp tục tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp được sản xuất kinh doanh trong môi trường thuận lợi, thông thoáng. Đặc biệt, tỉnh hiện đang tổ chức thực hiện giải quyết thủ tục hành chính theo phương án “5 tại chỗ” (tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, đóng dấu và trả kết quả tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện) nhằm tăng tính minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị, giảm phiền hà, chi phí, thời gian, công sức cho tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân.
Theo Mạnh Tùng - Phương Liên / baodautu.vn
Nguồn:https://baodautu.vn/thai-binh-xem-xet-mo-rong-du-an-cum-cong-nghiep-do-luong-d111390.html