John (du khách người Anh) chỉ chi hết khoảng 800 nghìn đồng/ngày khi du lịch Việt Nam trong khi ở Thái Lan du khách này bỏ ra gấp 3 lần số tiền trên để trải nghiệm các dịch vụ.
Khách Tây đến Việt Nam phải… ngủ sớm
Koh Kian Lai, một du khách người Singapore trước khi đến Việt Nam đã tham khảo đánh giá trên các diễn đàn du lịch có tiếng và xin tư vấn về các địa điểm chơi đêm tại Hà Nội.
Câu trả lời anh nhận được đa số đều xoay quanh việc chơi ở Tạ Hiện hay ăn uống trên các con phố ẩm thực về đêm.
"Hầu hết các địa điểm đều đóng cửa sớm, chỉ còn số ít quán ăn đêm, bar mở đến 2-3h sáng", "Bạn nên học cách ngủ sớm khi du lịch Việt Nam", "Ngoài nhậu nhẹt, uống bia hoặc cà phê xuyên đêm thì không có nhiều hoạt động dịch vụ mở cửa muộn ở đây",... là những bình luận anh nhớ nhất.
Vốn có thói quen du lịch để trải nghiệm, không đọc quá nhiều đánh giá về điểm đến sắp ghé thăm nên du khách người Singapore vẫn quyết định đến Việt Nam và dành 4 ngày khám phá Hà Nội. Tuy nhiên, anh không khỏi thất vọng, đành phải ngủ sớm vì "không biết làm gì, đi đâu sau 0 giờ đêm".
Anh Koh Kian Lai phải học cách ngủ sớm khi đến Việt Nam vì "không biết làm gì, đi đâu sau 0 giờ đêm" (Ảnh: Koh Kian Lai).
Ngày đầu tiên, anh được một người bạn đưa tới chợ Đồng Xuân ăn vặt rồi đến Tạ Hiện uống bia. Hôm sau, anh được dẫn vào một quán bar trên phố Hàng Buồm và nghe ca sĩ hát mà người bạn giới thiệu rằng rất nổi tiếng.
"Lúc đầu tôi còn thấy thú vị vì chưa trải nghiệm bao giờ. Nhưng đến ngày thứ 3, tôi cảm giác chán vì không có gì khác để làm. Ở đây, đa số hàng quán đều đóng cửa sớm. Sau 23h gần như còn rất ít lựa chọn cho khách nước ngoài vui chơi", anh nói.
John Anderson (35 tuổi, đến từ Anh) thường đi du lịch kết hợp công tác tại Việt Nam vài tháng một lần. Tương tự Koh Kian Lai, John cũng thở dài và tỏ ra chán nản vì không tìm được chỗ chơi, giải trí vào ban đêm khi đến đây.
8 năm, đến Việt Nam không dưới 10 lần nhưng John cho rằng, ngoài các con phố dành cho khách Tây như Bùi Viện (TPHCM), Tạ Hiện (Hà Nội) hoặc lên bar, pub…, anh không tìm được sự lựa chọn nào khác nếu muốn ra đường sau 23h.
"Đa phần các sản phẩm du lịch, dịch vụ tại Việt Nam hoạt động tập trung từ 7h sáng tới 10h tối. Trong khi đó, người phương Tây thường ra đường chơi đêm từ 22h-23h trở đi nên tôi thấy việc tìm chỗ vui chơi khuya ở Hà Nội thật quá khó", John kể.
Chàng trai này nói thêm, một số lần vì quá chán nên anh chấp nhận đi ngủ sớm cho qua ngày và khỏi đau đầu nghĩ "ăn gì, chơi đâu".
Ngoài "phố Tây" Tạ Hiện, nhiều khách nước ngoài đến Hà Nội không biết đi chơi đêm ở đâu (Ảnh: Mạnh Quân).
Tận hưởng theo cách riêng
Tuy nhiên, không phải du khách nào cũng thấy dịch vụ, sản phẩm du lịch đêm ở Việt Nam thiếu thú vị. Nhiều người có cách riêng để khám phá, trải nghiệm chuyến đi của mình.
Anh Vincent từng đặt chân đến nhiều quốc gia và rất yêu thích các trải nghiệm tại Hà Nội (Ảnh: Vincent Reed).
Anh Vincent Reed (đến từ Mỹ và sống ở Hà Nội được 5 năm) cho biết đã trải nghiệm nhiều hoạt động nổi bật ở Hà Nội vào buổi tối như tham quan phố cổ, check-in hồ Hoàn Kiếm và hồ Tây, đi bảo tàng chiến tranh, nhà tù Hỏa Lò hay tìm đến các khu chùa chiền, di tích lịch sử,...
Vincent cũng từng đặt chân tới nhiều tỉnh thành khác tại Việt Nam như Đà Nẵng, Hải Phòng, Khánh Hòa,... Ở mỗi nơi, chàng trai trẻ lại có những trải nghiệm du lịch thú vị riêng.
"Tôi thấy du lịch về đêm ở Việt Nam rất sôi động và vui vẻ. Tôi thích thưởng thức ẩm thực đường phố nên thường cùng bạn bè đi ăn các món địa phương hoặc đến quán bar yên tĩnh nào đó để nghe nhạc, thư giãn", Vincent nói.
Anh cho biết, dù các địa điểm vui chơi ở Hà Nội đóng cửa khá sớm nhưng luôn có nơi phục vụ đồ ăn, uống khuya như Circle K hay quán phở gánh, tiệm bánh mì dân tổ,...
Đồng quan điểm, Zach Sewell, giám đốc sản phẩm du lịch Đông Dương, Vivu Journeys khẳng định, ở Việt Nam hay Hà Nội đều có những trải nghiệm du lịch mới mẻ, tùy theo nhu cầu và sở thích riêng của mỗi người.
Anh thích được đi bộ đường dài ở Mai Châu, ăn trưa với một gia đình bản địa, khám phá địa đạo Kỳ Anh (Quảng Nam) hay dạo bước trên du thuyền, ngắm cảnh thành phố về đêm,...
"Hà Nội có rất nhiều điều thú vị. Tôi thích được xem đá bóng ở đây và yêu mến CLB của Thủ đô.
Vào buổi tối cũng có rất nhiều quán bar, nhà hàng, địa điểm biểu diễn nhạc sống hút khách nhưng đóng cửa khá sớm và tôi nghĩ họ nên kéo dài thời gian hoạt động hơn", chàng trai nhấn mạnh.
Anh Zach Sewell thích các dịch vụ, sản phẩm du lịch ở Việt Nam (Ảnh: Zach Sewell).
Romario Faria (chủ một doanh nghiệp tại Phú Quốc, đến từ Nam Phi) nhận xét, ăn uống là một trong những trải nghiệm anh thấy ấn tượng nhất ở Hà Nội. Đó là lý do anh đều trở lại đây mỗi tháng một lần.
"Lần nào tới đây, tôi cũng được thưởng thức các món ăn mới. Tôi còn ghé các quán cà phê cạnh đường tàu hỏa, một nơi mà tôi nghĩ rất thu hút du khách nước ngoài", anh Romario nói.
Chàng trai này cho hay, tùy mục đích và nhu cầu của từng du khách mà sẽ có những đánh giá khác nhau về các dịch vụ, sản phẩm du lịch ở Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung.
Anh Romario trải nghiệm đi tàu trên cao ở Hà Nội và ngồi xích lô dạo phố ở Nha Trang (Ảnh: @mario_fario).
Khách Tây chi tiêu ở Việt Nam chỉ bằng 1/3 khi đến Thái Lan
Theo John Anderson, không chỉ Hà Nội, tại các "thủ phủ" du lịch khác ở Việt Nam, các hoạt động trải nghiệm ban ngày rất đa dạng, còn dịch vụ về đêm "có nhưng chưa phong phú" và ít sản phẩm nào đủ hấp dẫn để kéo khách ra đường, tiêu tiền.
Anh dẫn chứng, ở Đà Nẵng, ngoài một số khu chợ đêm kết hợp phố đi bộ, sàn nhảy hay các quán ăn đóng cửa muộn "thì không còn gì để chơi". Chưa kể, các khu chợ này cũng bày bán các mặt hàng giống nhau, không có bản sắc riêng.
"Tôi muốn hòa mình vào các buổi biểu diễn nghệ thuật, xem ca nhạc hoặc chơi casino,... như những dịch vụ về đêm sôi động từng được trải nghiệm ở Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan. Nhưng ở Việt Nam, thật khó để làm được điều đó", vị khách 35 tuổi bày tỏ.
Dù lượng khách quốc tế đến Việt Nam những năm gần đây có tăng trưởng song tổng thu từ du lịch lại chưa bằng nhiều nước như Thái Lan, Singapore…. Một phần là do Việt Nam chưa có nhiều dịch vụ, sản phẩm du lịch đủ hấp dẫn để khách Tây tiêu tiền (Ảnh: Mạnh Quân).
John cũng tiết lộ mức chi tiêu trung bình mỗi ngày của anh ở Việt Nam khoảng 700.000 - 800.000 đồng, chủ yếu dành cho việc di chuyển, ăn uống và lưu trú. Trong khi đó, con số này chỉ bằng 1/3 khoản tiền anh tiêu trong một ngày ở Bangkok, Thái Lan.
Người đàn ông này kể, anh dự tính chi khoảng 60-80 euro/ngày (từ 1,4-1,9 triệu đồng) ở Việt Nam nhưng các sản phẩm du lịch, dịch vụ không đa dạng nên "vài ngày vui chơi, mua sắm cũng không hết 100 euro".
Trong khi đó, tại Bangkok, John có thể tham gia nhiều trải nghiệm độc đáo vào cả ban ngày lẫn ban đêm như đi chợ đêm, ăn tối trên xe tuk tuk, đi du thuyền trên sông Chao Phraya,...
Bangkok từng được Euromonitor bình chọn là thành phố đáng sống hơn cả London và New York vì có cuộc sống về đêm sôi động (Ảnh: Dan about Thailand).
Cùng nhận định trên, Koh Kian Lai cho rằng du khách có thể trải nghiệm rất nhiều hoạt động "đáng đồng tiền bát gạo" ở Singapore, nhất là khi về đêm. Điều đó khiến khách quốc tế đến đây sẵn sàng "rút hầu bao", chi tiêu từ 2-3 triệu đồng/ngày, bao gồm các khoản đi lại, ăn uống và vui chơi, giải trí.
Ví dụ, du khách đến đây có thể trải nghiệm các hoạt động thú vị sau 22h như: Tham quan Sở thú đêm (Night Safari) - công viên hoang dã đầu tiên trên thế giới dành cho các sinh vật sống về đêm; xem Wings of Time ở Sentosa - buổi biểu diễn nghệ thuật bên bờ biển đầu tiên trên thế giới; tận hưởng hải trình về đêm trên du thuyền giữa lòng thành phố,...
"Tôi có một vài người bạn Việt Nam và họ rất thích chơi đêm ở Singapore. Chúng tôi đã từng trải nghiệm xe buýt 2 tầng HiPPO Night Tour. Chuyến đi kéo dài 3 tiếng, qua các địa danh biểu tượng của Singapore như Gardens by the Bay, Chinatown Food Street và dừng lại một chút tại khu chợ đường phố nhộn nhịp ở Bugis", anh Koh Kian Lai nhớ lại.
Anh cũng gợi ý, để ngắm cảnh thành phố Singapore về đêm ấn tượng hơn, du khách có thể đến Đài Quan Sát Sands SkyPark ở độ cao 200m hoặc xem các chương trình biểu diễn nước và ánh sáng ở Marina Bay, tham dự những buổi chiếu phim ngoài trời,...
"Ở Việt Nam, tôi chi nhiều nhất cũng chỉ hết 1,5 triệu đồng/ngày vì chẳng biết phải tiêu gì cả. Các cửa hàng lưu niệm cũng ít mẫu mã, đa số giống hệt nhau. Dịch vụ du lịch, nhất là buổi tối lại không nhiều mà chỉ ăn uống, đi dạo thì tốn kém chẳng là bao. Nhiều khi muốn tiêu tiền ở đây mà hơi khó", du khách người Singapore hài hước kể.
Theo một thống kê, cùng khoảng thời gian lưu trú (9 ngày), khách quốc tế tại Việt Nam chỉ tiêu 96 USD/ngày (2,3 triệu đồng); trong khi ở Thái Lan, họ tiêu 163USD/ngày (hơn 4 triệu đồng).
Dù đều bày tỏ sự thích thú và hài lòng về việc du lịch tại Việt Nam song nhiều du khách nước ngoài thấy các dịch vụ, sản phẩm chưa đủ hấp dẫn và phong phú để chi tiêu mạnh tay.
Một số chuyên gia cho rằng, du lịch Việt Nam phát triển chưa tương xứng với các tiềm năng vốn có. Điều này khiến khách quốc tế đến Việt Nam "ít có cơ hội tiêu tiền" vì thiếu các hàng hóa đặc thù, hấp dẫn, nhất là những sản phẩm mua sắm và giải trí về đêm.