Vừa mới khánh thành hệ thống nhà máy điện mặt trời 450 MW lớn nhất Đông Nam Á tại tỉnh Ninh Thuận tổng mức đầu tư gần 12.000 tỷ đồng, nhưng đây có thể mới chỉ là bước khởi đầu của Trung Nam Group với chiến lược điện tái tạo làm chủ lực trong dài hạn.
Trung Nam Group nổi lên trong những năm gần đây với việc đầu tư vào các dự án điện tái tạo công suất lớn, biến năng lượng trở thành trụ cột kinh doanh lớn nhất của cả tập đoàn.
Trung tuần tháng 10 vừa qua, Trung Nam Group khánh thành Dự án Trạm biến áp 500kV, đường dây 220/500kV kết hợp nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam 450 MW AC có tổng vốn đầu tư gần 12.000 tỷ đồng.
Khởi công từ giữa tháng 5/2020, dự án hoàn thành sau 102 ngày thi công, qua đó Trung Nam Thuận Nam trở thành nhà máy điện mặt trời lớn nhất trong nước và khu vực Đông Nam Á.
Trong đó, tổ hợp trạm biến áp và đường dây 500kV được đấu nối vào hệ thống điện lưới quốc gia được vận hành trong năm nay có vai trò giải tỏa hết công suất các nhà máy điện tái tạo khác trong khu vực. Điều này mang ý nghĩa quan trọng, gỡ nút thắt cho vấn đề hệ thống truyền tải điện tái tạo quá tải của tỉnh Ninh Thuận trong suốt giai đoạn trước đó.
Cho dù vận hành thương mại trước ngày 1/1/2021, nhưng điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam đang đứng trước tình huống không được thụ hưởng cơ chế giá điện ưu đãi 9,35 Uscent/kWh cho toàn bộ dự án, động lực chính thu hút Trung Nam Group bỏ tiền đầu tư, thậm chí chấp nhận sử dụng tới 70% vốn vay.
Nguyên nhân đến từ hạn ngạch cho phép hưởng mức giá bán ưu đãi mà Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho tỉnh Ninh Thuận không quá 2.000 MW, trong khi tính đến tháng 9/2020 tổng công suất điện tái tạo của tỉnh đã vượt mức 2.123 MW.
Bản thân Trung Nam Group và tỉnh Ninh Thuận đang có những kiến nghị lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin ưu đãi cho cả dự án. Bởi với việc sử dụng đòn bẩy cao cho việc đầu tư, Trung Nam có thể sẽ phải lo lắng về vấn đề lãi vay nếu giá bán không tốt.
Trước Trung Nam Thuận Nam, Trung Nam Group đã có được những thành công nhất định với các dự án điện mặt trời đã thực hiện. Năm ngoái, Trung Nam Thuận Bắc (công suất 204 MW) đem về doanh thu 502 tỷ đồng, lãi ròng 131 tỷ đồng. Còn dự án điện mặt trời Trung Nam Trà Vinh (công suất 140 MW), doanh thu 275 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 94 tỷ đồng. Các dự án đều cho thấy hiệu quả cao với biên lãi gộp xấp xỉ ngưỡng 70%.
Những kết quả này có thể là lời giải thích thuyết phục cho việc vì sao Trung Nam Group lựa chọn năng lượng tái tạo là nước đi chiến lược.
Thực tế tập đoàn này cũng đang đầu tư vận hành một dự án điện gió tại Thuận Bắc – Ninh Thuận thông qua CTCP Điện gió Trung Nam. Điện gió Thuận Bắc được thực hiện theo từng giai đoạn (tổng công suất dự kiến 152 MW), năm ngoái dự án thu về 121 tỷ đồng doanh thu, nhưng lỗ gần 18 tỷ đồng.
Tài sản của Điện gió Thuận Bắc tăng nhanh trong những năm gần đây đi cùng với tốc độ mở rộng đầu tư, tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu đang ở ngưỡng xấp xỉ hai lần.
Tuy nhiên, thông tin mới đây từ Trung Nam Group cho biết điện gió Thuận Bắc đang trong tình trạng doanh thu không đủ bù chi phí lãi vay, điều này dẫn đến khả năng tiếp tục thua lỗ trong năm 2020.
Ngoài điện gió và điện mặt trời, Trung Nam Group hiện cũng đang sở hữu 3 dự án thủy điện được vận hành bởi hai công ty với hiệu quả trái ngược. Năm ngoái, CTCP Thủy điện Trung Nam (dự án thủy điện Đồng Nai 2) doanh thu 435 tỷ đồng, lãi 32 tỷ đồng; trong khi CTCP Trung Nam Krông Nô (dự án thủy điện Krông Nô 2 – 3) đạt doanh thu 211 tỷ đồng và lỗ ròng 10 tỷ đồng.
Nhưng tham vọng trong lĩnh vực năng lượng của Trung Nam Group mới là điều đáng nói. Đối với thủy điện, tập đoàn vừa đề xuất nghiên cứu dự án tích năng 1.200 MW tại huyện Ninh Sơn, Ninh Thuận, tổng mức đầu tư hơn 1 tỷ USD.
Trong điện gió, Trung Nam Group là nhà đầu tư duy nhất nộp hồ sơ đăng ký thực hiện và vượt qua đánh giá sơ bộ tại Dự án Nhà máy Điện gió Ea Nam (Đắk Lắk) quy mô 400 MW, tổng mức đầu tư 16.500 tỷ đồng.
Theo báo Ninh Thuận, trong chiến lược dài hạn, Trung Nam Group tiếp tục đầu tư các nhà máy điện gió số 5 (điện gió Phước Hữu), tổng mức đầu tư 1.670 tỷ đồng; nhà máy điện mặt trời kết hợp công nghệ cao Phước Hữu, tổng mức đầu tư 5.514 tỷ đồng; nhà máy điện gió Mũi Dinh, tổng mức đầu tư 43.178 tỷ đồng; nhà máy điện khí Cà Ná (Thuận Nam) tổng mức đầu tư trên 70.000 tỷ đồng trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận…
Như vậy, để có thể thực hiện được hết các dự án kể trên Trung Nam Group sẽ cần có được nguồn vốn khổng lồ hàng tỷ USD mà đối với các doanh nghiệp không đủ tiềm lực sẽ khó lòng có thể thực hiện.
Ở các dự án điện tái tạo đã thực hiện, Trung Nam Group sử dụng tỷ lệ cao vốn vay dài hạn, trong đó một lượng lớn qua kênh trái phiếu doanh nghiệp.
Theo thống kê kể từ đầu năm, riêng Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam đã phát hành khoảng 7.300 tỷ đồng trái phiếu để phục vụ cho dự án tổ hợp điện mặt trời 450 MW.