Sáng một ngày cuối tháng 2, ánh nắng chói chang hắt những vết dài trên những tấm nylon dãy nhà kính ở làng hoa Thái Phiên khiến nơi đây trở nên vô cùng ngột ngạt.
Bà Nguyễn Thị Hiền (70 tuổi, làng hoa Thái Phiên, phường 12, thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng) nhìn những tấm nhà kính, nhà lưới phủ kín trước mặt, nói: “ Cô chú mới tới mà đã lắc đầu, tôi ở đây miết cũng ngán rồi, một chút nữa tới tầm trưa là nóng hầm hập. Càng đi vào sâu trong khu vực nhà kính càng nóng. Người dân nói đùa rằng đây là vùng đất nylon che trời ”.
Khắp nơi nhà kính
Bà Hiền cho biết, từ những năm 1992-1993, ở Lâm Đồng bắt đầu xuất hiện phương thức canh tác nông nghiệp trong nhà kính, nhà lưới. Đến năm 2005, do hiệu quả kinh tế vượt trội, phong trào xây nhà kính, nhà lưới không ngừng mở rộng.
Đến nay, hầu hết diện tích đất sản xuất nông nghiệp ở Đà Lạt đều đã được phủ kín nhà kính, nhà lưới. Nếu trước đây nhà kính chỉ có ở khu nông nghiệp tập trung, thung lũng, thì nay đã tiến sát các dòng suối hoặc tiến dần lên các đỉnh đồi vốn là nền cảnh quan của thành phố.
Theo các số liệu mới nhất từ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lâm Đồng cuối năm 2022, diện tích nhà kính toàn tỉnh là 4.476ha, trong đó TP Đà Lạt là địa phương có diện tích lớn nhất với hơn 2.500ha, chiếm 57%.
Tổng diện tích sản xuất rau, hoa của Đà Lạt khoảng 18.000 ha nhưng có khoảng 10.000 ha nhà kính. Diện tích nhà lưới nhà kính chủ yếu nằm ở những vùng nông nghiệp lớn dọc suối Cam Ly như làng hoa Thái Phiên, Chi Lăng, Mê Linh.
Dạo quanh các phường của Đà Lạt, trừ các phường 1 và 2 còn lại từ phường 3 đến phường 12 đều thấy nhà kính che phủ trắng cả một vùng. Nhà kính lan đến đâu, mảng xanh, rừng thông biến mất ở đó.
" Nhà kính mọc lên nhanh nhất trong 4 năm trở lại đây. Giá nhà kính rẻ nên ai trồng rau, hoa gì cũng dựng nhà kính. Có nhà kính thì không lo nắng mưa, rau và hoa có năng suất cao, nhưng mấy năm nay ở đây cứ đến trưa lại nóng hầm hập ", ông Hồ Thanh Hoàng, 50 tuổi, nông dân làng hoa Vạn Thành, phường 5, nói.
Trần Nhân Tông vốn là một con đường nhỏ nhưng chỉ vài năm, khu vực này nở rộ những nhà kính trồng rau, hoa dưới những thung lũng, dù trước đây người dân canh tác ngoài trời.
Một số nơi trong nội thành có mật độ nhà kính dày đặc như phường 5, 7, 8, 9, 11, 12. Nhìn từ trên cao, không gian Đà Lạt bị nhà kính lấn át, vành đai xanh bao quanh thành phố biến mất, thay vào đó là bạt ngàn nhà kính. Rừng thông chỉ còn lác đác một số cụm ở ngoại ô.
Những vùng nông nghiệp có mật độ nhà kính lớn nhất là Phước Thành, Vạn Thành và Thái Phiên. Đứng trên đồi, có thể thấy nhà kính phủ trắng những khu vực này tạo thành một vành đai bao lấy vùng dân cư nằm ở trung tâm Đà Lạt.
Nhà kính dọc triền dốc, dọc suối Cam Ly và ken cứng tới mức nếu không phải người dân địa phương, khó mà biết được đường dẫn vào những khu nhà lồng này nằm ở đâu.
“ Với Đà Lạt, cách nay khoảng 25 năm gần như rất ít nhà kính, giờ nhìn đâu cũng thấy màu trắng. Rừng thông cứ biến mất dần còn nhà kính nhà lưới thì chớp mắt đã thấy phủ khắp thung lũng. Nhiều vùng ngoại ô Đà Lạt trước kia hoang vu, nay nhà cửa mọc chi chít kèm với đó là nhà kính rợp trời” , bà Hằng, người đã ở Đà Lạt hơn 40 năm qua, nói.
Nhà kính, nhà lưới như chiếc vòng kim cô khiến Đà Lạt trở nên ngột ngạt.
Chỉ mát vào mùa đông
Ai đã từng đến Đà Lạt trước 1975 và khoảng 10 năm sau đó, bây giờ nếu trở lại chắc khó nhận ra thành phố mà mình say đắm. Hiện nay Đà Lạt chỉ mát mẻ, lạnh ngọt vào mùa đông hoặc vào buổi tối. Ngay cả những đám mây lang thang trong sương khói Đà Lạt huyền ảo ngày nào cũng ít đi. Đà Lạt đang khô khốc, thiếu sương và những đóa hoa tường vi, mimosa kém lãng mạn đi trong không gian bị đè nén đó.
Ông Trần Xuân Hiền, Giám đốc Đài khí tượng thủy văn tỉnh Lâm Đồng cho rằng không thể phủ nhận những tác dụng mà nhà kính mang lại cho người dân tỉnh Lâm Đồng và thành phố Đà Lạt trong những năm qua.
Nhưng trong khoảng 2 năm gần đây, số lượng nhà kính tăng lên nhanh chóng khiến cảnh quan thành phố bị biến dạng, và đặc biệt đã có dấu hiệu khí hậu thay đổi, tác động tiêu cực đến thành phố du lịch nổi tiếng là mát mẻ này, ảnh hưởng rất xấu đến đời sống.
Nhà kính, nhà lưới phát triển nhanh khiến cảnh quan phố núi biến dạng.
Theo ông Hiền, trong vòng 3 thập kỷ qua, nhiệt độ không khí trung bình nhiều năm đã tăng 0,2 - 0,6 độ C. Nguyên nhân là do hạ tầng cơ sở thay đổi rất nhiều. Bê tông hóa, phát triển giao thông và sự suy giảm thảm thực vật rừng kết hợp với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu đã tác động đến chế độ nhiệt ở Đà Lạt.
“ Nhìn thực tế việc bố trí nhà kính như hiện nay, chúng ta sẽ thấy Đà Lạt nóng. Nóng vì nhà kính xây dựng san sát nhau thành những thung lũng nhà kính, không còn khoảng trống cho sự bay hơi và thoát nhiệt ”, ông Trần Xuân Hiền nói. “Khi môi trường bên ngoài nóng lên, người ta phải làm mát bên trong nhà kính. Khi hàng chục ngàn hecta nhà kính có yêu cầu làm mát thì lúc đó hơi nóng từ trong nhà kính sẽ lan tỏa ra xung quanh, theo những hành lang thung lũng bao trùm lên Đà Lạt hâm nóng bầu khí quyển.Và như thế nhiệt độ khu vực trung tâm và vùng lân cận Đà Lạt, nơi nhiều nhà kính, sẽ tăng lên ”.
Giám đốc Đài khí tượng thủy văn tỉnh Lâm Đồng thông tin thêm, bên cạnh sự tăng lên của nền nhiệt độ trung bình, lượng mưa tại Đà Lạt trong thời gian gần đây cũng có sự gia tăng đáng kể (gần 100mm/năm).
Một thung lũng nhà kính.
Không chỉ thế, nhà kính đang vây lấy mọi ngóc ngách và biến nhiều khu vực thành những lò hấp và là máng nước xối thẳng xuống kênh mương hoặc vùng thấp khiến tình trạng ngập úng, sạt lở đất ngày một gia tăng.
Theo ông Hiển, những năm gần đây, hiện tượng ngập cục bộ ở các vùng nông nghiệp lớn, ở khu vực hạ lưu suối Cam Ly và dọc suối Phan Đình Phùng đã được ghi nhận. Có thể nói rằng ngoài sự thay đổi về lượng mưa, ngập cục bộ còn do nhà kính đã bao phủ một diện tích lớn đất đai tạo nên một vùng lớn không có khả năng thấm, thoát nước (hệ số thấm gần bằng 0).
“ Toàn bộ nước mưa không thấm được, đổ ra suối trong thời gian ngắn, khiến nước dâng cao đột ngột tạo lũ với tốc độ chảy mạnh ”, ông Hiền nói.
"Lâm Đồng phải xem lại chuyện phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với nhà lưới, nhà kính. Hiện riêng Đà Lạt đã có khoảng 2.800ha nhà lưới, nhà kính rồi. Hết sức nguy hại cho môi trường, cảnh quan nếu diện tích này tiếp tục tăng lên. Phát triển cách này là đi ngược với xu hướng thế giới. Đi từ máy bay đã nhìn thấy nhà kính phủ trắng rồi. Nhà kính đã và đang tác động xấu lên Đà Lạt, hình thành một vùng tiểu khí hậu tiêu cực. Lũ, ngập lụt cục bộ là hậu quả trước mắt đã xảy ra".
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng ngày 20/11/2022.