Với những tính năng nổi bật như cắt giảm chi phí năng lượng, chống lại tia UV, tia tử ngoại gây hại cho con người, kính tiết kiệm năng lượng đang là sản phẩm được người tiêu dùng săn đón.
Một số công trình trọng điểm trong nước đã sử dụng kính tiết kiệm năng lượng của Viglacera. Trong hình là Trường Đại học FPT tại TP.Thủ Đức
Cầu đợi cung
Mặc dù còn nhiều thách thức, nhưng theo dự báo của các công ty chuyên nghiên cứu thị trường, thị trường vật liệu xây dựng Việt Nam trong năm 2021 sẽ có 2 nguồn cầu lớn.
Một là vấn đề khắc phục sự cố lũ lụt ở miền Trung và sạt lở ở miền núi trong năm 2020. Theo đó, cần đến số lượng lớn vật liệu xây dựng các loại đáp ứng cho xây dựng, sửa chữa cơ sở hạ tầng.
Nguồn cầu thứ hai đến từ bất động sản, thị trường đang có chiều hướng phục hồi tốt, dẫn đến đầu tư bất động sản gia tăng, kéo theo việc sử dụng vật liệu xây dựng vào các công trình tăng lên.
Do vậy, năm 2021, thị trường vật liệu xây dựng sẽ sôi động vì nguồn cầu đang chờ nguồn cung. Các doanh nghiệp trong ngành cần ưu tiên đầu tư các dự án sản xuất vật liệu xây dựng mới, các dự án công suất lớn sử dụng công nghệ tiên tiến.
Trên thực tế, trước thực trạng biến đổi khí hậu ở Việt Nam, nhu cầu sống của khách hàng ngày càng tăng cao thì việc phát triển những vật liệu mới với công nghệ tiên tiến, tiết kiệm năng lượng và đảm bảo sức khỏe người sử dụng là điều tất yếu.
Ông Cao Hữu Tuấn, Giám đốc một công ty chuyên về xây dựng tại TP.Thủ Đức (TP.HCM) chia sẻ, hiện tại, không chỉ những tòa cao ốc mà các công trình dân dụng hiện nay khách hàng cũng yêu cầu sử dụng các loại vật liệu tiết kiệm năng lượng.
Với nhiều năm kinh nghiệm trong nghề xây dựng, ông Tuấn cho biết, đối với những khách hàng yêu cầu sử dụng vật liệu mới, thì ông vẫn tin dùng sản phẩm kính tiết kiệm năng lượng của Công ty kính nổi Viglacera với 2 loại sản phẩm chính là Kính Low-E và Kính Solar Control.
Kính Solar Control có đặc tính phản xạ ánh sáng, bức xạ mặt trời vào trong phòng, đồng thời hạn chế năng lượng bên trong khuếch tán ra môi trường bên ngoài. Nhờ đặc điểm này kính Solar Control giúp tiết kiệm đáng kể lượng điện năng trong vận hành máy điều hòa không khí, các thiết bị làm mát trong phòng vì các hệ thống này chỉ phải vận hành ở công suất thấp hơn.
Đặc biệt, dòng kính Solar Control có độ truyền sáng khoảng 45 – 58%, ngăn tia UV xâm nhập vào bên trong và hệ số truyền nhiệt thấp nên không khí trong phòng mát mẻ, không có cảm giác chói nắng tốt cho sức khỏe con người. Do đó, kinh Solar Control sử dụng phù hợp ở vùng khí hậu nhiệt đới như các tỉnh khu vực phía Nam.
Còn đặc điểm của kính Low-E là ngăn cản sự truyền nhiệt từ môi trường bên ngoài vào trong phòng hoặc ngược lại nhưng với độ truyền sáng có thể đến 70% ánh sáng và tia tử ngoại (tia UV) từ môi trường bên ngoài vào trong phòng. Với tính chất quang học đó thì kính Low-E rất phù hợp với khu vực có khí hậu lạnh như miền Bắc.
Tuy nhiên, hiện sản phẩm trên thị trường chủ yếu là nhập khẩu từ nước ngoài, không có nhiều công ty trong nước sản xuất được dòng sản phẩm này nên giá thành khá cao.
Bệ đỡ chính sách
Một số chuyên gia trong ngành đều có chung nhận định rằng, xu hướng sử dụng kính tiết kiệm năng lượng là lời giải cho bài toán kiếm kiệm năng lượng cho các công trình, đồng thời cũng góp phần bảo vệ sức khỏe người sử dụng cho hiệu quả trong đầu tư xây dựng. Cần có bệ đỡ chính sách để khuyến khích các doanh nghiệp tập trung đầu tư, nghiên cứu, sản xuất sản phẩm mới.
Ngày 18/8/2020, tại Quyết định 1266/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển ngay từ đầu năm 2021.
Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2025, các công ty kính xây dựng tiếp tục đầu tư sản xuất các sản phẩm kính có chất lượng cao, có giá trị kinh tế cao như: Kính tiết kiệm năng lượng, kính siêu trắng, siêu mỏng, kính cho pin năng lượng, kính chống cháy.
Cải tạo các cơ sở sản xuất kính có công nghệ lạc hậu, thiết bị cũ, tiêu hao nhiều nguyên, nhiên liệu, năng lượng và chất lượng sản phẩm thấp, đáp ứng đầy đủ các chỉ tiêu về công nghệ và môi trường...
Chiến lược cũng đưa ra các giải pháp thực hiện như: Hoàn thiện thể chế, chính sách; khai thác tài nguyên khoáng sản hiệu quả, tiết kiệm; đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ; đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm vật liệu xây dựng trong nước và xuất khẩu; đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực...
Đại diện Bộ Xây dựng cho rằng, chiến lược này sẽ góp phần dẫn dắt, định hình các hoạt động phát triển vật liệu xây dựng phù hợp với quy luật cung-cầu của kinh tế thị trường. Lấy phát triển kinh tế xã hội và hài hòa bảo vệ môi trường làm chủ đạo trong 10 năm tới. Tạo hành lang chính sách thúc đẩy ngành vật liệu xây dựng tăng tốc...
Nắm bắt được xu hướng này, từ tháng 7/2016, Công ty kính nổi Viglacera đã tiên phong, chủ động trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất, phát triển vật liệu công nghệ xanh.
Công ty này đã hợp tác với Tập đoàn Von Ardenne GmbH (Đức) để đưa vào sử dụng dây chuyền sản xuất kính tiết kiệm năng lượng đầu tiên tại Đông Nam Á, với công suất 2,3 triệu m2/năm, sản phẩm đã được điểm định đạt tiêu chuẩn Châu Âu EN 1096:2012.
Một số công trình trọng điểm trong nước đã sử dụng kính tiết kiệm năng lượng của Viglacera như: Khu đô thị Eco Green Sài Gòn tại quận 7; Bệnh viện Quân y 175 tại Gò Vấp TP.HCM; Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 tại TP.Phủ Lý, Tỉnh Hà Nam; Đại Học FPT quận 9; Bệnh viện Đa Khoa Tỉnh Bình Dương… Đặc biệt, tòa nhà Thăng Long Number 1 của Tổng Công ty Viglacera đã sử dụng sản phẩm nêu trên và đã được Bộ Xây dựng công nhận tòa nhà “kiến trúc xanh” của Thành phố Hà Nội.