EVFTA mở rộng cơ hội vào châu Âu nhưng chưa đủ để thủ công mỹ nghệ của Việt Nam hưởng thị phần lớn hơn từ thị trường 100 tỉ USD.
Tháng 6 này, 3 container hàng thủ công mỹ nghệ của Hiền Lương, một trong những công ty xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ lớn ở Hà Nội, sẽ lên đường sang châu Âu. Bà Nguyễn Thị Lương, Giám đốc của Hiền Lương, cho biết: “Có được chuyến hàng này là nhờ một số nhà mua vẫn nhập hàng để bán trong một số hệ thống siêu thị”. Đây là chuyến hàng đi châu Âu đầu tiên của Hiền Lương sau thời gian tạm dừng xuất khẩu bởi dịch COVID-19 nhưng sẽ là chuyến hàng cuối cùng vào được thị trường này bằng các quy định thương mại cũ.
Ngày càng khắt khe hơn
Mọi thứ sẽ thay đổi khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và 28 nước thành viên EU (EVFTA) có hiệu lực vào tháng 8 tới, hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam sẽ không vào được châu Âu nếu doanh nghiệp không chứng minh được truy xuất nguồn gốc. “Chúng tôi gặp nhiều khó khăn khi làm các thủ tục truy xuất để được cấp C/O do không có hóa đơn, chứng từ”, bà Lương nói.
Giám đốc của Hiền Lương thừa nhận việc thực hiện truy xuất của doanh nghiệp gặp khó khăn do chuỗi cung ứng vật liệu có quá nhiều nhà cung cấp nhỏ lẻ, hộ gia đình, không có hóa đơn đầu vào hợp lệ. Việt Nam cũng có ít nhà cung cấp hóa chất, nguyên liệu được chứng nhận phù hợp, nhưng lại có quá nhiều mã hàng hóa, quy trình sản xuất đa dạng, nhiều hồ sơ, khó khăn trong lập và theo dõi truy xuất.
Dịch COVID-19 đang làm thay đổi xu hướng tiêu dùng, gây áp lực lên các nhà mua hàng và quật ngược lại các nhà sản xuất bằng những đòi hỏi khắt khe hơn. Trong khi Walmart yêu cầu kiểm tra các chất có nguy cơ cao (SVHC), thì Tesco lại muốn truy xuất từ sản phẩm hoàn thiện ngược lại lô nguyên liệu.
Thế nhưng, ông Filip Graovac, Phó Trưởng đại diện Quỹ châu Á tại Việt Nam, cho rằng, đã nhìn thấy những cơ hội lớn mở ra từ các hiệp định CPTPP và EVFTA, trong khi Việt Nam đang nổi lên là một điểm đến an toàn sau thành công của Chính phủ trong việc kiểm soát dịch bệnh. Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ và nông sản, có những sản phẩm tốt và những nhà sản xuất có trách nhiệm. Vấn đề là làm sao để thể hiện được những yếu tố này với người mua ngoài biên giới?
“Người Việt Nam áp dụng chưa tốt truy xuất nguồn gốc hàng hóa dù khá nhạy bén trong kinh doanh”, ông Filip Graovac nhận xét sau 5 năm sống và làm việc tại Việt Nam. Theo ông, thủ tục làm các chứng chỉ đơn giản hơn, hoàn tất trong thời gian ngắn hơn, cũng là một cách để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu.
Thủ công mỹ nghệ không phải là ngành hàng thiết yếu nhưng trong một xã hội phát triển, nhu cầu hàng trang trí đóng vai trò ngày càng cao. “Tiêu dùng hàng thủ công mỹ nghệ rất lớn, trên 100 tỉ USD, nhưng Việt Nam mới chỉ chiếm hơn 2%”, ông Lê Bá Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam (VIETCRAFT), cho biết.
Bao giờ có hệ thống truy xuất quốc gia?
Ngoài Ấn Độ, Việt Nam đang nổi lên là một nguồn sản xuất đi theo phân khúc sản phẩm bền vững và có giá trị gia tăng cao, trong khi Trung Quốc và Thái Lan đang giảm dần sự hiện diện. Đáng lưu ý, Ấn Độ cũng đang gặp vấn đề về truy xuất nhưng với nền tảng chính sách và sự hậu thuẫn của chính phủ nước này, chắc chắn họ sẽ khắc phục rất nhanh và bỏ xa Việt Nam.
Trong nhiều năm, Chính phủ Ấn Độ đã ban hành nhiều chính sách tốt và đầu tư lớn để xây dựng các trung tâm thiết kế cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh và thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại. Một hội chợ thương mại quốc tế thường có vài trăm doanh nghiệp Ấn Độ tham gia, quảng bá sản phẩm trên không gian bằng một hội chợ lớn của Việt Nam.
Truy xuất nguồn gốc đang thách thức tăng trưởng của toàn ngành thủ công mỹ nghệ với khoảng 1,5 triệu lao động và mang lại giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 1,7 tỉ USD/năm. Trong khi đó, Chính phủ Việt Nam vẫn ấp ủ mục tiêu tham vọng từ tháng 1.2019 về triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc quốc gia, theo Quyết định số 100/QĐ-TTg. Ông Ngọc nói: “Đây là một chủ trương tuyệt vời nhưng có thể phải mất 5-7 năm cho việc triển khai, đến khi đó, phần lợi ích được hưởng từ EVFTA của Việt Nam là không nhiều”.
COVID-19 và EVFTA làm nóng hơn chủ đề truy xuất nguồn gốc. VIETCRAFT đã thông qua các nguồn lực quốc tế để khuyến khích doanh nghiệp hệ thống hóa từng bước chuỗi cung ứng từ cấp xã. Tất nhiên, cách làm này cũng đòi hỏi doanh nghiệp phải chủ động tổ chức lại hệ thống, ghi chép lại sổ sách một cách bài bản. Ví dụ, đối với vùng nguyên liệu tre, doanh nghiệp làm việc với Ủy ban xã để xác nhận vùng trồng hợp pháp, xác định vị trí và tọa độ thửa đất canh tác nguyên liệu.
Theo ông Ngọc, làm truy xuất ở nước ngoài đều phổ cập một nguyên tắc: đầu tiên là đáp ứng được luật của nước sở tại, sau đó là luật pháp quốc tế. Tương tự, khi làm Tiêu chuẩn quản lý rừng FSC, doanh nghiệp phải đáp ứng luật của Việt Nam trước, sau đó mới có thể hòa nhập với quốc tế. “Thay vì mãi là người đi sau, chúng tôi muốn trang bị cho doanh nghiệp những nền tảng cơ bản theo yêu cầu của thị trường, để khi cơ hội đến là triển khai ngay”, ông Ngọc nói.