Phát triển nông nghiệp hàng hóa được xác định là một trong ba khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh giai đoạn 2016 - 2020. Để thực hiện nhiệm vụ này thì chính sách hỗ trợ đặc thù khuyến khích doanh nghiệp và hợp tác xã đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn sẽ là điều kiện quan trọng để “hút” các nhà đầu tư.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đã có một số hình thức liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh như: Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương liên kết với các hợp tác xã, hộ nông dân trên địa bàn trong đầu tư, thu mua mía nguyên liệu; các công ty chè liên kết với các hợp tác xã, với hộ sản xuất trong thu mua sản phẩm chè búp tươi; các công ty lâm nghiệp liên kết với người dân trong thu mua cây nguyên liệu giấy...
Khu nuôi cá lồng của Công ty TNHH Một thành viên Minh Phú, tổ Luộc 1,thị trấn Vĩnh Lộc trên vùng hồ thủy điện Chiêm Hóa. |
Mới đây nhất, một số doanh nghiệp đã đầu tư vào các dự án nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Tuyên Quang hay lòng hồ thủy điện sông Gâm. Với quy mô lớn, kết hợp với kỹ thuật nuôi cá hiện đại, các trang trại cá đang phát huy hiệu quả rõ rệt trong việc khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương. Cụ thể như Trang trại cá sông Gâm của Công ty TNHH Một thành viên Minh Phú, tổ Luộc 1, thị trấn Vĩnh Lộc (Chiêm Hóa). Từ tháng 4-2015, Công ty đầu tư 26 lồng cá với tổng vốn đầu tư 2,3 tỷ đồng. Do cá được nuôi vùng hồ thủy điện có lưu lượng nước chảy thường xuyên nên thịt cá chắc và ngọt, ít tanh hơn thịt cá nuôi ở trong ao hồ nước tĩnh. Qua tính toán bước đầu đối với giống cá rô phi đơn tính cho thấy: Đầu tư lồng, lưới hết 18 triệu đồng/lồng; cá giống 15 triệu đồng/lồng (mật độ 7.000 con/lồng); thức ăn 70 triệu đồng. Với giá bán 50.000 đồng/kg cá thịt tại thị trường huyện Chiêm Hóa, Công ty thu được 150 triệu đồng/lồng. Để tiếp tục phát triển nghề cá trên vùng lòng hồ, hướng tới đây, Công ty sẽ xây dựng trại cá giống, bán thức ăn chăn nuôi cho các hộ.
Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với Dự án TNSP đầu tư hỗ trợ người dân xã Bình An (Lâm Bình) trồng giống lạc L14 có năng suất, chất lượng cao. Ảnh: Quốc Việt |
Để phát triển ngành nông nghiệp và khu vực nông thôn, trong những năm qua, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp như: Chính sách khuyến khích phát triển sản xuất hàng hóa tập trung; khuyến khích phát triển trang trại; hỗ trợ phát triển chăn nuôi có kết hợp xây dựng hầm Biogas; hỗ trợ đất trồng lúa,... Các chính sách đều quy định đối tượng được hỗ trợ là các tổ chức, cá nhân, hợp tác xã, trang trại thông qua hình thức hỗ trợ khác nhau như đầu tư mua giống cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ lãi suất tiền vay, ưu đãi hỗ trợ về đất đai, về đào tạo lao động, xúc tiến thương mại,...
Tiếp tục thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, tiếp cận về lĩnh vực đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh, tỉnh đã hoàn thành quy hoạch sử dụng đất toàn tỉnh đến năm 2020 và quy hoạch sử dụng đất 6 huyện, thành phố; phê duyệt quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020. Sở Tài nguyên và Môi trường đã thành lập Trung tâm phát triển quỹ đất làm đầu mối cho doanh nghiệp tiếp cận đất đai mở rộng sản xuất, kinh doanh. Tỉnh cũng đã tiến hành tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hoàn thành các quy hoạch như: Quy hoạch phát triển trồng trọt của tỉnh đến năm 2020 định hướng đến năm 2030; quy hoạch vùng diện tích mía đến năm 2020; Quy hoạch sử dụng đất lúa; phát triển chăn nuôi; bảo tồn và phát triển bền vững các khu rừng đặc dụng... Cùng với đó là điều chỉnh các quy hoạch: Phát triển thủy sản, thủy lợi; phát triển lâm nghiệp và cơ cấu lại 3 loại rừng (đặc dụng, phòng hộ, sản xuất); quy hoạch vùng nguyên liệu mía đường. Đồng thời xây dựng các đề án, kế hoạch phát triển các vùng sản xuất hàng hóa trên địa bàn tỉnh như: Cam sành, chè, nuôi trồng thủy sản, phát triển trâu giống và nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng...
Bà con thôn 4, xã Kim Phú (Yên Sơn) thu hoạch chè nguyên liệu. |
Thời gian qua, Ban Điều phối Dự án Hỗ trợ nông nghiệp, nông dân và nông thôn đã triển khai Quỹ Tài trợ cạnh tranh doanh nghiệp (CBG) thuộc Dự án Hỗ trợ nông nghiệp, nông dân và nông thôn của tỉnh. Với nguồn quỹ này, các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp sẽ được hỗ trợ không hoàn lại tối đa 2 tỷ đồng cho một dự án đầu tư. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng xây dựng chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, đối tượng được hưởng thụ chính sách là các doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức, cá nhân khi thực hiện các dự án thuộc các lĩnh vực chăn nuôi gia súc tập trung, mở cơ sở chế biến cam, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung sẽ được hưởng các chính sách hỗ trợ theo quy định. Với những cơ chế chính sách mới, cùng với những giải pháp tập trung cho phát triển nông nghiệp, chúng ta tin tưởng rằng trong giai đoạn tới, lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn sẽ có bước khởi phát mới, đem lại hiệu quả kinh tế cao, từng bước thay đổi diện mạo vùng nông thôn.
Bài, ảnh: Thanh Trà
hiephoidoanhnghieptuyenquang.com