Gần 10.000 nhân viên y tế nghỉ việc trong 18 tháng qua, tỷ lệ cao nhất ở TP HCM, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang, Đà Nẵng.
Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết thông tin trên tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6, ngày 4/7. Số nhân viên nghỉ việc được thống kê từ đầu năm 2021 đến hết 6 tháng đầu năm 2022, do các địa phương báo cáo Bộ Y tế.
Cụ thể, năm 2021 có hơn 5.200 nhân viên y tế thôi việc; 6 tháng đầu năm nay có hơn 4.000 người, gồm hơn 3.700 người do Sở Y tế quản lý, gần 360 người công tác tại cơ sở thuộc Bộ Y tế. Như vậy, số lượng người nghỉ việc trong 6 tháng đầu năm 2022 cao gần tương đương số người trong cả năm 2021.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, song lý do chủ yếu là thu nhập thấp, chế độ phụ cấp chưa đáp ứng nhu cầu sống, đặc biệt tại đơn vị y tế dự phòng và y tế cơ sở. Áp lực và cường độ công việc tăng vọt khi dịch Covid-19 bùng phát; môi trường làm việc có nguy cơ mắc bệnh cao, thậm chí nguy hiểm tính mạng. Nhân viên y tế nghỉ việc còn có nguyên nhân từ gia đình, sức khỏe, ảnh hưởng tâm lý từ những vụ phạm pháp trong mua sắm, đấu thầu gần đây... Bên cạnh đó, các đơn vị y tế tư nhân có chính sách thu hút nhân lực tốt hơn khu vực công.
Để giải quyết, Thứ trưởng cho biết Bộ Y tế đã trình Chính phủ đề xuất tăng mức phụ cấp cho cán bộ y tế cơ sở, y tế dự phòng từ 40 đến 70% lên mức 100%; cùng Bộ Nội vụ hướng dẫn tổ chức trạm y tế theo quy mô dân số; kịp thời khen thưởng người đạt thành tích; huy động nguồn lực xã hội để hỗ trợ, giảm bớt khó khăn cho cán bộ y tế...
Các nhân viên y tế huyện Tiên Du (Bắc Ninh) tranh thủ ngả lưng sau đêm trắng 13/5/2021 lấy mẫu cho công nhân ở huyện Yên Phong. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc đã diễn ra đột biến ở TP HCM và Hà Nội. Chỉ trong quý 1, TP HCM có 400 người nghỉ việc, bằng tổng số người nghỉ trung bình hàng năm trước khi có Covid-19. Còn Hà Nội có 900 người xin nghỉ, chuyển công tác trong vòng 18 tháng qua. Tình trạng này khiến ngành y thiếu hụt nhân lực, ảnh hưởng đến việc khám, chữa bệnh, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp.
TP HCM hôm 7/4 đã thông qua nghị quyết về các chính sách đặc thù cho y tế cơ sở, trong đó chi hơn 138 tỷ mỗi năm để thu hút nhân sự cho 310 trạm y tế, áp dụng từ nay đến 2025. Sở Y tế Hà Nội đã gửi văn bản đề nghị UBND TP xây dựng, ban hành quy định về chế độ hỗ trợ cho nhân viên y tế vào đầu tháng 7. Những biện pháp này được kỳ vọng phần nào giúp thu hút và giữ chân nhân lực ngành y.