Ngành xi măng Việt Nam tiếp tục đối mặt với tình trạng dư cung, doanh nghiệp phải có chiến lược kinh doanh linh hoạt mới có thể vượt qua khó khăn. Thị trường đang thử sức bền của doanh nghiệp.
Trước tình hình tiêu thụ kém cả về nội địa và xuất khẩu, ngành xi măng đang phải chịu áp lực tồn kho cao nhất trong nhiều năm.
Giảm chỉ tiêu
Dự báo tình hình năm 2020 sẽ còn gặp nhiều khó khăn do diễn biến phức tạp của Covid-19, nhiều dự án bất động sản thiếu vốn, bởi vậy, các doanh nghiệp xi măng lớn đã phải điều chỉnh chỉ tiêu kinh doanh cho phù hợp.
Theo Bộ Xây dựng, nguồn cung xi măng năm 2020 khoảng trên 100 triệu tấn, trong khi tiêu thụ nội địa dự kiến chỉ 67 triệu tấn (xấp xỉ năm 2019), đầu ra từ xuất khẩu tụt dốc thê thảm sau 5 tháng đầu năm, khi chỉ đạt 515 triệu USD, giảm gần 13%.
Đánh giá của Công ty cổ phần Chứng khoán FPT (FPTS) cho thấy, triển vọng phân khúc vật liệu xây dựng nhà ở trong năm 2020 tiếp tục chịu tác động kép từ việc siết chặt quản lý cấp phép xây dựng nhà ở, cùng với tâm lý mua nhà sụt giảm, do đó, trong ngắn hạn, các hoạt động xây mới sẽ bị ảnh hưởng, từ đó doanh nghiệp xi măng càng khó bán hàng.
5 tháng qua, tiêu thụ của các doanh nghiệp xi măng đều bị ảnh hưởng, giảm trên 10% so với cùng kỳ. Với tình hình xuất khẩu kém khả quan có thể kéo dài cho đến hết năm, nhiều doanh nghiệp đã phải giảm chỉ tiêu kinh doanh. Công ty cổ phần Xi măng Vicem Hà Tiên 1 (HT1), doanh nghiệp lớn trong họ nhà Vicem vừa tổ chức Đại hội đồng cổ đông năm 2020, chốt kế hoạch kinh doanh giảm sút so với năm 2019, trong đó mục tiêu sản xuất gia công và tiêu thụ là 7,33 triệu tấn sản phẩm. Doanh thu thuần là 8.584 tỷ đồng, giảm 2,9% so với năm 2019 và mục tiêu lợi nhuận trước thuế giảm 10,6%, về mức 830 tỷ đồng.
Được biết, năm 2019, doanh thu thuần của Xi măng Vicem Hà Tiên 1 đạt 8.839 tỷ đồng, tăng 5% so với năm trước và hoàn thành 99% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 14% so với năm 2018, đạt 928 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt gần 741 tỷ đồng.
Tương tự, Công ty cổ phần Xi măng Vicem Hoàng Mai (HOM) cũng dè dặt với kế hoạch kinh doanh năm 2020, khi đặt mục tiêu tiêu thụ 1,6 triệu tấn xi măng, 260.000 tấn clinker; mục tiêu doanh thu 1.647 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 26 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 20 tỷ đồng, giảm so với năm ngoái.
Trước tình hình tiêu thụ kém cả về nội địa và xuất khẩu, ngành xi măng đang phải chịu áp lực tồn kho cao nhất trong nhiều năm, đặc biệt khi thị trường sụt giảm bất ngờ trong 5 tháng đầu năm. Tính tới cuối quý I/2020, tồn kho là 4,8 triệu tấn, tương đương 30 - 45 ngày tiêu thụ (trong khi xi măng chỉ có thể sử dụng trong vòng 60 ngày từ lúc xuất xưởng).
Thị trường sàng lọc doanh nghiệp yếu
Đại diện Công ty cổ phần Xi măng Vicem Hoàng Mai nhận định, thị trường xi măng năm 2020 tiếp tục thử sức bền của các doanh nghiệp, bởi vẫn trong tình trạng cung vượt cầu hơn 30 triệu tấn, nên cạnh tranh ngày càng gay gắt. Trong cuộc sàng lọc này, những doanh nghiệp yếu kém sẽ phải dừng cuộc chơi. Đặc biệt, doanh nghiệp xi măng tại miền Trung càng chịu áp lực tiêu thụ lớn hơn, bởi nguồn cung tiếp tục gia tăng khi Xi măng Tân Thắng (Nghệ An), công suất 2 triệu tấn đi vào vận hành, Xi măng Nam Đông (Thừa Thiên Huế) ra mắt sản phẩm mới… Chưa kể, các nhà máy có công suất lớn như Thành Thắng, Xuân Thành, Long Sơn, Hạ Long, SCG đã và đang đầu tư kho vận, trạm phân phối để mở rộng thị trường miền Trung - Tây nguyên.
Trong khi đó, ở kênh xuất khẩu, việc Bộ Công thương và Thương mại Philippines (DTI) áp dụng biện pháp tự vệ trong 3 năm 2019 - 2021 với xi măng nhập khẩu từ Việt Nam đã gây ảnh hưởng lớn tới ngành, bởi Philippines là một trong 3 thị trường tiêu thụ lớn nhất của xi măng Việt Nam. Thực tế, từ khi bị áp thuế vào đầu năm 2019, xuất khẩu sang Philippines đã giảm 23% về lượng và 17,4% về trị giá, chỉ đạt 257 triệu USD.
Thị trường khó khăn cả trong nước và xuất khẩu khiến FPTS đưa dự báo về mức tồn kho xi măng trong năm 2020 có thể lên tới 8 triệu tấn, trong khi giá bán xi măng tại 3 miền Bắc, Trung, Nam đều trên đà giảm lần lượt là 3,3%, 4,1% và 1,5% so với cùng kỳ.
Mặc dù triển vọng ngành xây dựng, vật liệu xây dựng trong năm 2020 không khả quan, nhưng phần lớn doanh nghiệp đều cho rằng, đây chính là giai đoạn thị trường tự điều chỉnh, tiến tới tái cấu trúc, nói cách khác, thị trường sàng lọc yếu tố chưa phù hợp để phát triển theo hướng minh bạch, chuyên nghiệp hơn. Để vượt qua giai đoạn “gạn đục khơi trong” này, doanh nghiệp cần có chiến lược kinh doanh cụ thể và linh hoạt.
Trong đó, 2 nhóm doanh nghiệp xi măng được cho là sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất trong năm 2020 là nhóm doanh nghiệp có tỷ trọng xuất khẩu cao trong cơ cấu tiêu thụ và nhóm doanh nghiệp đang có tình hình tài chính yếu kém. Trong quý I/2020, hai nhóm doanh nghiệp này đều có mức sụt giảm từ 5 - 10% về doanh thu so với cùng kỳ năm 2019.
Nguồn cung xi măng năm 2020 tiếp tục được bổ sung với 2 nhà máy mới đi vào vận hành, gồm: Nhà máy công suất 2 triệu tấn/năm của Xi măng Tân Thắng, Nghệ An (đã vận hành cuối tháng 4); dây chuyền mở rộng 2,5 triệu tấn/năm của Xi măng Long Sơn (Thanh Hóa), dự kiến tháng 12/2020.
Trong tình hình kém khả quan của ngành xi măng, lượng công suất tăng thêm đáng kể này tiếp tục dẫn đến dư thừa lớn về nguồn cung, đi kèm áp lực cạnh tranh gia tăng giữa các doanh nghiệp.