Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gợi ý một số định hướng phát triển của Kon Tum dựa trên thế mạnh về nông lâm nghiệp
Sáng 3/7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Kon Tum về tình hình kinh tế-xã hội nửa đầu năm 2016 và cùng các bộ, ngành lắng nghe, phối hợp, tháo gỡ khó khăn để hỗ trợ Kon Tum hoàn thành cao nhất kế hoạch, nhiệm vụ năm 2016.
Theo báo cáo của lãnh đạo tỉnh Kon Tum, 6 tháng đầu năm, tổng sản phẩm trên địa bàn ước đạt 4.234 tỷ đồng, tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, nông, lâm, thủy sản bằng 98,86%. Các sản phẩm chủ lực của Kon Tum được quan tâm đầu tư phát triển; diện tích cao su trên địa bàn tỉnh đạt 74.776 ha; đặc biệt, Kon Tum đã trồng thành công 180 ha sâm Ngọc Linh – loại sâm quý nổi tiếng, riêng có ở Kon Tum; rau, hoa xứ lạnh đã thực hiện khoảng 50 ha. Một số dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã cho sản phẩm đạt kết quả tốt (dê sữa, khoai tây, bí ngô...).
Tuy nhiên, thời gian qua, hạn hán đã tác động lớn đến kinh tế - xã hội của tỉnh, làm giảm đáng kể nguồn thu của tỉnh, vốn phụ thuộc nhiều vào thủy điện. Theo đó, thiệt hại sản xuất nông nghiệp trên 157 tỷ đồng và hụt thu thuế từ các nhà máy thủy điện do Trung ương quản lý năm 2016 khoảng 313 tỷ đồng.
Từ thế mạnh của tỉnh là thủy điện thì nay lại là mặt bất cập khi tỉnh đối diện hạn hán, biến đổi khí hậu, ý kiến của một số bộ, ngành nhìn nhận. Các bộ cho rằng, phát triển nông nghiệp công nghệ cao chính là chìa khóa phát triển cho Kon Tum. Bên cạnh đó, tỉnh phải bảo vệ, phát triển rừng; đổi mới, sắp xếp lại các công ty nông lâm nghiệp, trong đó, lưu ý đo đạc chính xác diện tích các lâm trường; phát triển cây dược liệu, chăn nuôi; phải tập trung khởi nghiệp doanh nghiệp bởi nếu không có doanh nghiệp thì khó có thể tăng trưởng.
Biểu dương thành tích phát triển kinh tế-xã hội của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Kon Tum trong bối cảnh khó khăn chung của tình hình đất nước, Thủ tướng cũng đánh giá cao kết quả trong công tác quản lý, bảo vệ rừng của Kon Tum và thành tựu nuôi trồng thành công một số cây dược liệu quý, cây công nghiệp có năng suất, hiệu quả kinh tế cao như sâm Ngọc Linh, cà phê. Kon Tum cũng thực hiện tốt chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc, tôn giáo và làm tốt công tác đối ngoại.
“Kon Tum có thế mạnh về đất đai, nông lâm nghiệp, khí hậu thì phải nghiên cứu thế mạnh này để phát triển”, Thủ tướng nói và cho rằng, tỉnh cần tập trung chế biến sâu, có chất lượng, giá trị cao chứ không xuất khẩu sản phẩm thô. “Sâm Ngọc Linh có sản lượng lớn như thế thì chúng ta nên chế biến sâu để có sản phẩm tốt nhất hay chỉ chế biến thô?”. “Chúng ta có thể phát triển từ rừng hay không?”, Thủ tướng nêu hàng loạt đề bài đối với sự phát triển của Kon Tum.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo tỉnh Kon Tum sáng 3/7Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm hành vi phá rừng tự nhiên hay chuyển rừng nghèo sang trồng cây công nghiệp. Kon Tum phải đi đầu về phòng chống phá rừng tự nhiên. “Kon Tum còn nghèo nhưng màu xanh, độ che phủ rừng của Kon Tum rất lớn, đây chính là nơi sinh tồn cho đồng bào cũng là điều kiện phát triển cho các vùng có liên quan ở Tây Nguyên”, Thủ tướng cho biết và yêu cầu tiếp tục tái cơ cấu nông lâm trường quốc doanh, trong đó, lưu ý rà soát lại quỹ đất đai của 7 nông lâm trường trên địa bàn, để giao đất, giao rừng cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc. Bởi, theo Thủ tướng, một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng phá rừng thời gian qua chính là tình trạng đất rừng không có chủ, “cha chung không ai khóc”.
“Liệu mỗi người dân Kon Tum trồng 2 cây xanh được không?”, Thủ tướng nêu vấn đề với lãnh đạo tỉnh về việc phát động phong trào bảo vệ, chăm sóc, phát triển rừng, xây dựng Kon Tum xanh, sạch, đẹp.
Thủ tướng cũng đề nghị tỉnh gắn cơ chế phát triển rừng gắn với giảm nghèo bền vững với tinh thần người dân phải có đất sản xuất, có kế sinh nhai, gắn bó với rừng. Thực hiện tốt chính sách bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống người dân. Nếu để người dân thiếu đói thì người đứng đầu địa bàn đó phải chịu trách nhiệm.
Thủ tướng cũng yêu cầu tỉnh đặc biệt chú ý đầu tư, phát triển giáo dục, nâng cao dân trí cho người dân; triển khai mạnh mẽ việc ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, thay đổi thói quen canh tác cũ, lạc hậu, năng suất thấp; đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, nhất là phát triển thế mạnh chăn nuôi.
Kon Tum chủ động nắm bắt tình hình, đảm bảo tốt an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống, không để bị động, bất ngờ, giữ vững cuộc sống bình yên cho nhân dân.
Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải tập trung phối hợp, hỗ trợ nâng cấp hạ tầng giao thông tại Kon Tum, nhất là các tuyến quốc lộ trọng yếu, có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh của địa phương.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tán thành với nhiều đề xuất của tỉnh, giao các bộ ngành liên quan phối hợp, khảo sát, nghiên cứu, lập đề án để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. Trong đó, Thủ tướng đồng ý về chủ trương xây đường cao tốc nối cửa khẩu Bờ Y - Ngọc Hồi – Pleiku để tăng cường năng lực giao thông, hỗ trợ hoạt động thông thương, giúp Kon Tum nâng cao lợi thế so sánh, mở rộng cơ hội tăng trưởng kinh tế trên địa bàn.
Theo Báo Điện tử Chính phủ