Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh như vậy tại buổi công bố cơ chế đặc thù cho TP Đà Lạt và vùng phụ cận, tổ chức tại Đà Lạt ngày 5-6.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến các doanh nghiệp ký kết hợp tác đầu tư - Ảnh: Mai Vinh
Thủ tướng cho rằng Lâm Đồng nói chung và Đà Lạt nói riêng còn là địa phương nghèo, mức sử dụng ngân sách còn cao. Đà Lạt là một thành phố du lịch nổi tiếng nhưng chưa có đóng góp lớn cho thương hiệu quốc gia.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “Đà Lạt cần phải có tầm nhìn dài hạn và quy hoạch tốt, phải đặt Đà Lạt trong bối cảnh phát triển chung của vùng, lấy du lịch và nông nghiệp công nghệ cao làm mũi nhọn.
Muốn làm du lịch thành công thì cơ chế và chính sách phải tốt, nhất là chính sách đất đai. Cộng đồng dân cư vùng phát triển du lịch phải thân thiện, hiếu khách. Mỗi sản phẩm du lịch đều phải có thương hiệu, từ vườn hoa, hồ nước cho đến những điều lớn lao hơn.
Muốn phát triển mạnh du lịch và nông nghiệp công nghệ cao phải thông thoáng môi trường đầu tư kinh doanh, tránh tiêu cực, tham nhũng.
Lãnh đạo địa phương phải coi thành công của doanh nghiệp là thành công của cá nhân. Nhiều khi ông bí thư, chủ tịch tỉnh thì am hiểu và thông thoáng lắm nhưng đến các ông ở huyện thì hách dịch cửa quyền. Tôi nói phải bỏ ngay cái thói hách dịch cửa quyền”.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì công bố cơ chế đặc thù cho Đà Lạt và vùng phụ cận.
Theo cơ chế này, UBND tỉnh Lâm Đồng được phép cho các nhà đầu tư kinh doanh bất động sản (trừ các dự án du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng) chuyển nhượng dự án cho đối tượng khác xây dựng nhà ở, công trình kiến trúc theo quy hoạch chung trong phạm vi TP Đà Lạt sau khi hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng.
Tỉnh Lâm Đồng được chủ động thuê tư vấn, chuyên gia có năng lực trong và ngoài nước lập một số quy hoạch phân khu chức năng đặc thù và kêu gọi đầu tư vào các đô thị vệ tinh, đô thị đối trọng cùng kết nối giao thông công cộng của TP Đà Lạt và vùng phụ cận.
Cho phép Lâm Đồng thí điểm “Làng đô thị xanh trong thành phố” theo hướng phát triển xanh, bền vững. Đây là mô hình được thực hiện đầu tiên trên cả nước được áp dụng tại Đà Lạt và vùng phụ cận.
Cơ chế đặc thù này được áp dụng nhằm thực hiện thành công quy hoạch Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch được xây dựng theo hướng mở rộng Đà Lạt rộng gấp 8 lần hiện tại và đã được Chính phủ thông qua năm 2014. Quy hoạch mở rộng Đà Lạt nhằm đưa Đà Lạt và vùng phụ cận trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng quốc tế chất lượng cao và trung tâm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
Theo M.Vinh - Chính Thành
Tuổi Trẻ Online