Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang gắn với phát triển du lịch đến năm 2025.
Khu di tích Tân Trào
Phạm vi quy hoạch gồm: 138 di tích và cụm di tích thuộc vùng bảo vệ di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào, có diện tích khoảng 3.100 ha, trên địa bàn 11 xã: Tân Trào, Minh Thanh, Trung Yên, Bình Yên và Lương Thiện (thuộc huyện Sơn Dương), Kim Quan, Trung Sơn, Hùng Lợi, Trung Minh, Đạo Viện và Công Đa (thuộc huyện Yên Sơn).
Theo định hướng, hình thành trung tâm bố cục chính cho toàn khu di tích, có vị trí cạnh ngã ba thôn Bòng (giáp quốc lộ 2C và đường vào cụm di tích Tân Trào), tạo không gian kết nối mạng với 9 cụm di tích và 129 di tích đơn lẻ.
Đối với không gian vùng bảo vệ di tích gốc, định hướng bảo tồn nguyên trạng; giữ nguyên bố cục không gian, kiến trúc cảnh quan đối với 4 cụm di tích và 17 di tích còn tương đối nguyên vẹn và đã được tu bổ, tôn tạo, phục hồi trong thời gian gần đây; bổ sung một số hạng mục trưng bày nội thất như hình ảnh hoạt động của cán bộ cách mạng và các hiện vật liên quan đến di tích, phục vụ nhu cầu tham quan, nghiên cứu của khách du lịch.
Bên cạnh đó, phục hồi các di tích đã mất; cảnh quan, địa hình, đường mòn, cây xanh, mặt nước...
Về sản phẩm du lịch, khu di tích phát triển du lịch văn hóa - lịch sử; sinh thái; nghỉ hưu.
Mục tiêu quy hoạch nhằm bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị lịch sử của các di tích hiện còn nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, phục vụ nghiên cứu khoa học, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa của nhân dân trong vùng; góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo cho người dân vùng căn cứ cách mạng Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang và vùng phụ cận; kết nối các điểm tham quan di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh để xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch sinh thái của vùng trung du và miền núi phía Bắc...
Như Chính / baodautu