Thủ tướng yêu cầu sửa đổi, hoàn thiện chính sách về thủ tục xuất nhập cảnh cho khách quốc tế theo hướng tăng số nước miễn visa, kéo dài thời gian lưu trú phù hợp.
Kết luận Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 sáng 15/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu sửa đổi, hoàn thiện chính sách về thủ tục xuất nhập cảnh cho khách quốc tế theo hướng tăng số lượng nước được miễn thị thực và kéo dài thời hạn lưu trú phù hợp với lệ phí hợp lý, mở rộng visa điện tử (e-visa).
Đồng thời, Việt Nam cũng sẽ tạo điều kiện cho các hãng hàng không trong nước, quốc tế mở các đường bay và trực tiếp kết nối Việt Nam với các thị trường du lịch trọng điểm, tiềm năng.
Thủ tướng nhấn mạnh, sau đại dịch, du lịch Việt Nam mở cửa sớm nhưng lượng khách du lịch quốc tế chưa được như mong muốn và mục tiêu đề ra.
Việt Nam chưa có nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, ngành du lịch đang chuyển đổi và phát triển nên chất lượng còn hạn chế, chủ yếu cung cấp "các sản phẩm dịch vụ chúng ta có" mà chưa chú trọng đáp ứng "sản phẩm, dịch vụ mà du khách cần".
Thủ tướng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục triển khai thực hiện Đề án "Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn", trong đó đặc biệt chú trọng đến việc cơ cấu lại thị trường khách du lịch.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc Hội nghị, sáng 15/3 (Ảnh VGP/Nhật Bắc).
Tại hội nghị, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group Đặng Minh Trường cho hay, các chính sách visa du lịch của Việt Nam đã có những điểm tiến bộ, song cần cải cách mạnh hơn nữa, để có những đột phá và tính cạnh tranh trong tương lai và bền vững.
Ông Trường lấy ví dụ, năm 2019 Việt Nam đón 18 triệu lượt khách trong khi Thái Lan đón 40 triệu. Năm 2023, Việt Nam đặt mục tiêu 8 triệu thì Thái Lan đã đón 25 triệu. Theo báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm 2030 Việt Nam dự kiến đón 35 triệu, thì Thái Lan đến năm 2027 đã có 80 triệu khách.
"Nếu không có các giải pháp đột phá ngay bây giờ thì chúng ta sẽ về sau", Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group cho hay.
Ông đề xuất gia hạn hoặc mở rộng các đối tượng, các quốc gia có thể được miễn visa đơn phương, trong đó có những thị trường trọng điểm.
Ông dẫn chứng, thị trường Australia chi tiêu 4 tỷ USD/mỗi năm để du lịch, Canada trên 33 tỷ USD, các nước Bắc Âu như Hà Lan, Thụy Sĩ, Bỉ, đều chi từ 21 - 26 tỷ USD, xếp trên cả Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch, những nước hiện nay thuộc chính sách được miễn visa.
"Tôi rất mong trong thời gian tới sớm ban hành nghị quyết về vấn đề này, có thể trước mùa du lịch hè để Việt Nam đón du khách, thực hiện mục tiêu 8 triệu khách, thậm chí còn hơn trong năm 2023", ông Trường nói.
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group Đặng Minh Trường kiến nghị cần có đột phá về chính sách visa (Ảnh VGP/Nhật Bắc).
Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG đề nghị tăng hạn visa từ 2 đến 4 tuần cho khách có thời gian du lịch nhiều hơn, chi nhiều tiền hơn, giúp tăng doanh thu cho ngành du lịch.
Theo quy định hiện hành, visa du lịch có thời hạn không quá 3 tháng và thời gian tạm trú không quá 30 ngày. Hết thời hạn này, khách du lịch muốn tiếp tục ở lại thì gia hạn thêm thời hạn tạm trú.
Chính sách e-visa của Việt Nam cũng tồn tại một số bất tiện, như thời hạn không quá 30 ngày, áp dụng cho công dân của 80 quốc gia qua 33 cửa khẩu theo quy định và chỉ cấp một lần.