Ông Lê Trường Lưu, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 10
Ngày 2/12, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế tổ chức Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 10 để thông qua một số nội dung quan trọng về sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới.
Theo Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, bước vào thực hiện nhiệm vụ năm 2022, bên cạnh thời cơ và thuận lợi, địa phương gặp không ít khó khăn, thách thức nhưng với sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp nên tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực: Tất cả các chỉ tiêu chủ yếu đều đạt và vượt kế hoạch. Kinh tế tăng trưởng ước trên 8,5%; thu ngân sách nhà nước ước đạt gần 13.000 tỷ đồng, vượt kế hoạch đề ra, là một sự nỗ lực lớn của các cấp, các ngành, các địa phương.
Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; an sinh xã hội được đảm bảo; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày một tốt hơn. Quốc phòng, an ninh được bảo đảm; nhiều hoạt động đối ngoại được tổ chức trong "Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào". Năng lực chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền được nâng lên; khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường, xã hội đồng thuận, nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng.
Đặc biệt, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, trọng tâm là đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề để cụ thể hóa và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các đề án, nhất là Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở địa giới hành chính Thừa Thiên Huế.
Bên cạnh kết quả đạt được, còn một số ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội phát triển chưa như kỳ vọng; một số quy hoạch, đề án, dự án quan trọng chưa hoàn thành; sự chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền chưa thực sự quyết liệt, hiệu quả chưa cao; tiến độ giải phóng mặt bằng, thu hút đầu tư, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm; các nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy chậm được cụ thể hoá để triển khai đồng bộ ở cơ sở.
Hội nghị Tỉnh ủy lần này thảo luận và cho ý kiến về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2022 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; Đề án Phát triển kinh tế - xã hội vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030; sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị; về phương án mô hình thành lập thành phố trực thuộc Trung ương; sửa đổi, bổ sung chính sách thí điểm hỗ trợ cho các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container và các đối tượng có hàng hóa vận chuyển bằng container đi, đến cảng Chân Mây; Chương trình làm việc, Chương trình kiểm tra, giám sát của Tỉnh ủy năm 2023 và một số nội dung quan trọng khác.
Về Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai đến năm 2030, sau hơn 13 năm thực hiện Quyết định 1955 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 15 để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án và đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư, nhất là hạ tầng giao thông kết nối các địa phương trong vùng; bộ mặt đô thị, nông thôn ngày càng khang trang, sạch đẹp.
Các lĩnh vực kinh tế thủy sản, du lịch biển, đầm phá có bước phát triển, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân trong vùng.
Tuy nhiên vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai vẫn chưa được khai thác hiệu quả, nhất là các ngành kinh tế biển, du lịch, dịch vụ. Thiếu những dự án đầu tư chiến lược, quy mô lớn để làm đòn bẩy, tạo sự phát triển đột phá cho vùng.
Nhiều công trình trọng điểm chưa được đầu tư do thiếu nguồn lực. Việc hình thành các đô thị động lực chưa đạt như kỳ vọng. Đời sống của người dân trong vùng vẫn còn nhiều khó khăn. Trình độ dân trí và chất lượng nguồn nhân lực còn thấp so với yêu cầu phát triển.
Vì vậy cần xây dựng, hoàn chỉnh Đề án mới, báo cáo các bộ, ngành Trung ương, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm tiếp tục đẩy mạnh phát triển vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai.
Về phương án mô hình thành lập thành phố trực thuộc Trung ương, để tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 10 nghiên cứu, thảo luận, cho ý kiến về phương án thành lập các đơn vị hành chính; về tên gọi của Thành phố trực thuộc Trung ương và tên gọi của đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; về tiến độ, lộ trình.
Các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu của tỉnh Thừa Thiên Huế trong năm 2022 đều đạt và vượt kế hoạch đề ra
Phát biểu chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, ông Lê Trường Lưu, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị ngay sau Hội nghị này các đồng chí tỉnh ủy viên, bí thư cấp ủy, thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể trương xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023 gắn với phân công trách nhiệm cụ thể, thời gian hoàn thành và ưu tiên bố trí, phân bổ nguồn lực để tổ chức thực hiện đạt chất lượng, tiến độ, hiệu quả.
Tập trung chỉ đạo thực hiện các nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy; học tập, quán triệt, cụ thể hóa kịp thời, đầy đủ các nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, 6 (khóa 13) phù hợp với thực tiễn của địa phương, đơn vị. Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tạo đồng thuận xã hội trong thực hiện các chủ trương, đề án, dự án trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc tổ chức thực hiện.
Triển khai quyết liệt, hiệu quả Đề án phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2022 - 2025. Huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển đô thị; phấn đấu hoàn thành đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng Khu vực I Kinh thành Huế trong năm 2023.
Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2023; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc quyết định chủ trương đầu tư và giải ngân vốn đầu tư công có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải; giải phóng mặt bằng và cắt giảm các thủ tục hành chính. Tập trung tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc cho các dự án, nhà đầu tư gắn với rà soát, thu hồi các dự án không có khả năng triển khai một cách quyết liệt. Triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh.
Tập trung chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị gắn với các chương trình, kế hoạch của Tỉnh ủy đề ra; trong đó, khẩn trương thực hiện hoàn thành các quy hoạch, đề án: Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2050, tầm nhìn đến năm 2065; Đề án phân loại đô thị Thừa Thiên Huế trực thuộc Trung ương; Đề án phân loại đô thị loại 4 đối với đô thị Phong Điền; Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở địa giới hành chính Thừa Thiên Huế.
"Phát triển mạnh sản xuất công nghiệp, cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Cơ cấu lại thị trường du lịch, chú trọng phát triển, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, dịch vụ mới, đặc sắc để thu hút mạnh mẽ khách quốc tế trở lại Huế. Chuẩn bị chu đáo các điều kiện để tổ chức Festival Huế 2023 chất lượng, hiệu quả, xứng tầm.
Tiếp tục phòng, chống, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và các dịch bệnh mới phát sinh. Chỉ đạo sản xuất vụ Đông Xuân 2022 - 2023 đạt kết quả cao nhất. Đẩy mạnh phong trào xây dựng Thừa Thiên Huế "sáng - xanh - sạch - không rác thải" đi vào chiều sâu và thực chất hơn; tạo không khí vui tươi, phấn khởi đón chào năm mới. Triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị của Ban Bí thư và của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tổ chức Tết Quý Mão năm 2023. Thực hiện hiệu quả chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân dịp Tết", ông Lê Trường Lưu yêu cầu.