Chúng tôi đến Đền Đô vào một buổi sáng yên tĩnh ngày cuối thu. Không giống như vào ngày lễ hội, quanh ngôi đền chỉ thấy thấp thoáng vài bóng người dạo bước gần hồ bán nguyệt. Cả không gian trầm mặc và thoảng hương hoa ngọc lan.
Khung cảnh bình yên ở Đền Đô. |
Từ xa xưa, Cổ Pháp được liệt vào làng "tam cổ": "Thứ nhất Cổ Bi, thứ nhì Cổ Loa, thứ ba Cổ Pháp". Đất Cổ Pháp là nơi thắng địa bậc nhất Kinh Bắc, vượng khí, linh thiêng. Làng Cổ Pháp là nơi phát tích của triều đình nhà Lý, kéo dài hơn 200 năm.
Nay đất Cổ Pháp là vị trí Đền Đô tọa lạc. Ngôi đền là nơi thờ 8 vị đế vương, là nơi lưu lại dấu ấn sắc nét nhất của triều đại nhà Lý. Bởi thế, Đền Đô còn được biết đến với các tên Cổ Pháp Điện và Đền Lý Bát Đế.
Lầu Thủy Bình soi bóng trên hồ bán nguyệt. |
Chúng tôi gặp một đoàn khách đang đứng dâng hương tại sân Rồng. Sân Rồng của Đền Đô là Trung Minh Đường, nơi tiếp nhận linh khí của trời đất.
Vì đền thờ 8 vị vua nên người xưa thiết kế sân Rồng với 8 ô gạch theo chiều ngang, mỗi ô biểu tượng cho một mặt trống đồng. Khi đoàn làm lễ dâng hương, mỗi người sẽ đứng trên một mặt trống đồng này.
Đoàn khách dâng hương trước Phương đình |
Du khách thập phương tới thắp hương hay vãn cảnh ít người biết cách hành lễ trong chính điện Cửa Linh Cung. Đây cũng là một trong những điều đặc biệt trong nghệ thuật bài trí tượng các vị vua.
Đền Đô thờ 8 vị vua nhưng trong gian chính điện chỉ có 7 gian vì theo phong thủy và quan niệm của người xưa, các đình chùa tế lễ thì thường lựa chọn số lẻ. Gian chính giữa được xây rộng hơn những gian còn lại và đặt tượng của 2 vị vua Lý Thái Tổ và Lý Thái Tông. Theo đứng thứ bậc con phải thấp hơn cha nên tượng của vua Lý Thái Tông được đặt thấp hơn tượng của vua cha.
Khi hành lễ, người ta đi theo thứ tự từ gian chính giữa, trái-phải, rồi lại trái-phải… theo quan niệm tả văn hữu võ từ xưa.
Hai bức tượng vua Lý Thái Tổ và Lý Thái Tông được đặt ở gian thờ chính giữa tuân theo thứ bậc. |
Những chuyện ly kỳ tại Đền Đô
Tới Đền Đô, chúng tôi còn được người coi đền kể về những câu chuyện kì lạ ở đây. Trong đó có câu chuyện về bức Chiếu dời đô và bức ảnh “Bát Đế Vân Du”.
Theo tương truyền, vua Lý Thái Tổ không chỉ được đánh giá cao về tầm nhìn xa trông rộng, ông còn được coi như nhà tiên tri khi dự đoán về số mệnh của vương triều nhà Lý qua bản Chiếu dời đô.
Trong Chiếu dời đô, bản nguyên văn chữ Hán, vua Lý Thái Tổ viết đúng 214 chữ, tương ứng với đúng 214 năm triều đại nhà Lý trị vì. Thực chất, nhà Lý trị vì những 216 năm nhưng 2 năm cuối không được tính.
Lý giải việc này, người ta cho rằng vị hoàng đế cuối Lý Chiêu Hoàng trị vì khi đất nước khi đang loạn lạc, triều đại đã suy, gánh vác trọng trách chỉ được 2 năm và bà lại cởi áo bào, nhường ngôi cho chồng và chính thức kết thúc triều đại nhà Lý. Cũng bởi vậy, bà không được thờ cùng với cha ông tại đền thờ của tổ tông.
Bức Chiếu dời đô bằng gốm lớn nhất Việt Nam |
Về bức ảnh "Bát Đế Vân Du", đó là khoảnh khắc thiêng liêng vào ngày 1/9/1998, vào đúng giờ Dần, kỷ niệm 300 năm thành lập thành phố Sài Gòn, tỉnh Bắc Ninh tổ chức rước bài vị của vua Lý Thái Tổ ra Thăng Long để cùng tham gia đại lễ.
Bức ảnh“Bát Đế Vân Du” |
Hôm đó, 300 người ăn mặc theo lễ phục xuất phát từ Bắc Ninh đi từ rất sớm để kịp 6h tham dự đại lễ tại Hà Nội. Khi đoàn bắt đầu đi thì cũng là lúc xuất hiện khoảnh khắc kỳ diệu ấy, và người chụp được tấm ảnh là thầy Nguyễn Đức Thìn.
Sau khi chụp xong tấm ảnh đầu tiên, thầy có chụp thêm một bức ảnh nữa nhưng rất tiếc những đám mây có thế rồng bay từ hướng lăng mộ bát đế bay về đã tan vào với trời đất. Nhiều người cho rằng, bức ảnh chính là "bát đế hiển linh" trước sự kiện lớn của đất nước. Dù đây có phải là sự trùng hợp hay không thì bức ảnh cũng đã gợi lên một niềm tin mạnh mẽ vào sự trường tồn và phát triển của đất nước.
Tấm bia “Cổ Pháp Điện Tạo Bi” do Phùng Khắc Khoan dựng năm 1604. |
Cổng vào nhà Ngựa |
Phương Huệ- Lan Anh