Tình hình kinh tế - xã hội thành phố đã đạt được những kết quả quan trọng, cụ thể như sau:
I. Về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh.
1. Về phát triển kinh tế
Tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn (GRDP, giá so sánh 2010) năm 2014 ước đạt 41.714 tỷ đồng, tăng 9,28% so với năm 2013 (GRDP năm 2013 tăng 8,3%), trong đó: dịch vụ tăng 8,4%; công nghiệp - xây dựng tăng 11,1%; nông nghiệp tăng 3,1%. Đây là mức tăng hợp lý trong bối cảnh nền kinh tế đang còn những khó khăn nhất định. Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu chủ yếu theo Nghị quyết số 53/2013/NQ-HĐND như sau:
(1) Tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn (GRDP, giá so sánh 2010) ước tăng 9,28% so với năm 2013 (NQ: 9-9,5%);
(2) Giá trị sản xuất các ngành dịch vụ ước tăng 9,3% (NQ: 12-13%);
(3) Giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng ước tăng 10,2% (NQ: 7-8%), trong đó công nghiệp ước tăng 10,8% (NQ: 9-10%);
(4) Giá trị sản xuất thủy sản - nông - lâm ước tăng 3,6% (NQ: 3-4%);
(5) Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tăng 13,8% (NQ: 13,5-14%);
(6) Tổng thu NSNN trên địa bàn ước thực hiện 11.589 tỷ đồng, đạt 106,8 % dự toán HĐND giao; tổng thu ngân sách địa phương ước thực hiện 15.599,2 tỷ đồng;
(7) Tổng vốn đầu tư phát triển ước đạt 32.782,3 tỷ đồng, tăng 9,9% (NQ: 27.300 tỷ đồng, tăng 3-4%), trong đó vốn đầu tư từ NSNN đạt 7.267,6 tỷ đồng;
(8) Giải quyết việc làm cho 3,1 vạn lao động (NQ: 3,1 vạn lao động);
(9) Tỷ lệ giảm sinh ước đạt 0,2‰ (NQ: 0,2‰);
(10) Tỷ lệ hộ nghèo (chuẩn mới TP) giảm còn 2,93% (NQ: 3,81%);
(11) Gọi công dân nhập ngũ đạt 100% chỉ tiêu HĐND thành phố giao.
Như vậy, trong 11 chỉ tiêu được HĐND thành phố giao, có: 04 chỉ tiêu vượt (GTSX công nghiệp - xây dựng; tổng thu NSNN trên địa bàn; tổng vốn đầu tư phát triển và tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm); 06 chỉ tiêu đạt và 01 chỉ tiêu không đạt kế hoạch (tốc độ tăng giá trị sản xuất dịch vụ).
1.1. Các lĩnh vực dịch vụ phát triển ổn định
Thành phố tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án “Phát triển dịch vụ thành phố Đà Nẵng đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020” và đạt kết quả khá cao trên các lĩnh vực du lịch, vận tải, bưu chính - viễn thông, tài chính - tín dụng v.v..
Hoạt động du lịch diễn ra khá sôi động với nhiều loại hình phong phú và đa dạng; nhiều sản phẩm du lịch, vui chơi giải trí mới được đưa vào phục vụ du khách . Khai trương các đường bay Đà Nẵng đến Narita (Nhật Bản), Kualalumpur (Malaysia), Cần Thơ và khôi phục 7/14 đường bay đến các tỉnh của Trung Quốc . Khởi công dự án Bến du thuyền Đà Nẵng và Câu lạc bộ thể thao dưới nước. Tăng cường xúc tiến, tuyên truyền, quảng bá thu hút khách du lịch Hàn Quốc, Nhật Bản và trong nước. Tham gia các chương trình khảo sát, giới thiệu, quảng bá hình ảnh du lịch Đà Nẵng . Tổng lượt khách tham quan, du lịch năm 2014 ước đạt 3,8 triệulượt, tăng 21,9% so với năm 2013 (KH tăng 15-16%), trong đó khách quốc tế ước đạt 955 nghìn lượt, tăng 28,5%; tổng thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch ước đạt 9.740tỷ đồng, tăng 25,1% (KH tăng 13-14%). Tuy nhiên thời gian lưu trú khách còn ngắn và thu hút khách quốc tế còn thấp.
Hạ tầng du lịch được đẩy nhanh tiến độ đầu tư, trong năm 2014 có 44 khách sạn (1.991 phòng) mới được đưa vào hoạt động, nâng tổng số khách sạn trên địa bàn thành phố lên 435 khách sạn (15.625 phòng) . Thành phố tăng cường kiểm tra xử lý, ngăn chặn tình trạng đeo bám, chèo kéo khách, đặc biệt trong các dịp lễ lớn và tại các khu vực trung tâm; thường xuyên kiểm tra, giám sát các hoạt động kinh doanh dịch vụ và môi trường du lịch tại các khu, điểm tham quan, các bãi biển, đảm bảo công tác cứu hộ, an ninh trật tự và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụnăm 2014 ước đạt 62.586,5 tỷ đồng, đạt 87,2% kế hoạch, tăng 17,6% so với năm 2013 (Kế hoạch tăng 19-19,5%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ có xu hướng tăng trong các tháng cuối năm (6 tháng 2014 tăng 11,2% và 9 tháng tăng 14,6%). Mặc dù, thành phố đã tổ chức nhiều chương trình xúc tiến thương mại nhằm giới thiệu, quảng bá, tăng cường hợp tác kinh doanh, tiêu thụ hàng hóa giữa các địa phương; song do mức độ phục hồi, tăng trưởng kinh tế và sản xuất kinh doanh còn hạn chế, sức mua của người tiêu dùng còn thấp nên tăng trưởng chưa đạt kế hoạch.
Cơ sở hạ tầng thương mại thu hút được nhiều nguồn lực đầu tư . Thành phố đã ban hành quy định quản lý hoạt động các khu phố chuyên doanh trên địa bàn quận Hải Châu. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ít biến động, tháng 10/2014 tăng 0,06% so với tháng 9/2014, tăng 2,24% so với tháng 12/2013 và bình quân 10 tháng tăng 2,93% so với cùng kỳ 2013 . Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái; tổ chức nhiều đợt kiểm tra đối với các mặt hàng thiết yếu; kiểm tra việc niêm yết giá và bán hàng theo giá niêm yết, không để xảy ra tình trạng nâng giá đối với du khách.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóanăm 2014 ước đạt 1,155 triệu USD, đạt 100% kế hoạch, tăng 13,8% so với năm 2013 (KH tăng 13,5-14%). Các doanh nghiệp xuất khẩu đã nỗ lực tìm kiếm khách hàng, thúc đẩy sản xuất, thực hiện tốt các đơn hàng đã ký, mặc dù gặp khó khăn về thị trường xuất khẩu và nguồn nguyên liệu, nhất là nguyên liệuchế biến thủy sản nhưng đã phấn đấu kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2014 đạt kế hoạch đề ra. Kim ngạch nhập khẩu năm 2014 ước đạt 1,1 tỷ USD, đạt 111,3% kế hoạch, tăng 8,8% so với năm 2013.
Dịch vụ vận tải, bưu chính - thông tin - truyền thông phát triển ổn định . Doanh thu vận tải năm 2014 ước đạt 6.433,1 tỷ đồng, đạt 101,3% kế hoạch, tăng 9,1% so với năm 2013 (KH tăng 7-8%); sản lượng hàng hóa qua cảng ước đạt 5,6 triệu tấn, đạt 103,1% kế hoạch, tăng 9,8%. Doanh thu Thông tin - Truyền thông năm 2014 ước đạt 15.245 tỷ đồng, đạt 152,5% kế hoạch , tăng 7% so với năm 2013; kim ngạch xuất khẩu phần mềm ước đạt 32,8 triệu USD, đạt 109,2% kế hoạch, tăng 31,1% (KH tăng 20%). Thường xuyên thanh kiểm tra hoạt động vận tải; triển khai kiểm soát tải trọng xe, xử lý xe quá tải trọng qua địa bàn thành phố. Tiếp tục triển khai sắp xếp, chỉnh trang cáp thông tin . Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đã đưa vào hoạt động hệ thống thông tin Chính quyền điện tử .
Dịch vụ tài chính - ngân hàng:Thực hiện chủ trương “Năm Doanh nghiệp Đà Nẵng 2014”, Ngân hàng nhà nước Chi nhánh Đà Nẵng đã xây dựng và thực hiện Chương trình hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng và giảm lãi suất cho vay, kể cả các khoản vay cũ về mức dưới 13%/năm . Tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đến cuối tháng 10/2014 ước đạt 60,7nghìn tỷ đồng, tăng 6,1% so với cuối năm 2013; dư nợ cho vay các thành phần kinh tế ước đạt 61,5 nghìn tỷ đồng, tăng 14,96%, trong đó cho vay khu vực dân doanh chiếm tỷ trọng 86,5%.
1.2.Sản xuất công nghiệp tiếp tục xu hướng phục hồi và duy trì tăng trưởng khá so với cùng kỳ, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp ước tăng 10,95% . Các khó khăn về vốn, thị trường, mặt bằng sản xuất tiếp tục được quan tâm, xem xét giải quyết như: tổ chức gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp; tổ chức Hội nghị kết nối cung cầu, tiêu thụ sản phẩm của nhau; hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới thiết bị, quảng bá doanh nghiệp, sản phẩm lên Cổng thông tin điện tử thành phố; chỉ đạo các cấp, ngành thực hiện đồng bộ và quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tiến hành rà soát, đánh giá tình hình quản lý và sử dụng đất tại các khu công nghiệp. Trong năm 2014, thành phố có 27 dự án mới được đưa vào hoạt động, trong đó có một số dự án đầu tư hoàn thành trong năm 2013 nhưng năm 2014 mới đi vào hoạt động như: Công ty TNHH ô tô TCIE Việt Nam (1.250 tỷ đồng), Nhà máy cáp Miền Trung (66 tỷ đồng) v.v.. và một số dự án hoàn thành đưa vào hoạt động trong cuối năm 2014 như: Dự án Nhà máy sản xuất lốp xe tải Radial (2.992 tỷ đồng), Dây chuyền cán thép 3 của Thép Danna-Ý (175 tỷ đồng), Nhà máy sản xuất tủ điện và các thiết bị điện (80 tỷ đồng) v.v.. đã góp phần tạo giá trị gia tăng cao, cải thiện tăng trưởng công nghiệp.
1.3. Sản xuất thuỷ sản - nông - lâm năm 2014 tiếp tục tăng trưởng đạt kế hoạch, giá trị sản xuất toàn ngành tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2013,đóng góp quan trọng vào việc duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế và ổn định xã hội trên địa bàn thành phố.Tuy ảnh hưởng do tình hình căng thẳng ở biển Đông nhưng với sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương và thành phố, ngư dân Đà Nẵng vẫn tích cực bám biển, đặc biệt là ngư trường biển Đông, Hoàng Sa và tiếp tục đầu tư tàu công suất lớn để vươn khơi khai thác, góp phần bảo vệ an ninh chủ quyền quốc gia. Thành phố đã hỗ trợ cho ngư dân đợt 1 theo Quyết định 48/2010/QĐ-TTgvà Quyết định 7068/QĐ-UBND .
Sản xuất nông nghiệp đô thị từng bước chuyển đổi theo hướng chất lượng, an toàn và tăng thu nhập cho nông dân
Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới được đẩy mạnh, tích cực huy động nguồn lực thực hiện xây dựng nông thôn mới, nhất là ưu tiên thực hiện các giải pháp nhằm đạt tiến độ và hoàn thành các tiêu chí về nông thôn mới tại 3 xã Hòa Phước, Hòa Phong và Hòa Khương, nâng số xã đạt tiêu chí nông thôn mới đến cuối năm 2014 lên 5/11 xã . Tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra phòng cháy chữa cháy rừng, củng cố lực lượng kiểm lâm, tăng cường quản lý và bảo vệ rừng ; kiểm tra, xử lý nghiêm vụ việc khai thác gỗ trái phép trong rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa đoạn giáp ranh Đà Nẵng - Quảng Nam .
2. Thu hút đầu tư trong, ngoài nước và các hoạt động đối ngoại
Thành phố đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và đăng ký thuế cho 2.048 doanh nghiệp, tổng vốn đăng ký đạt 7.370 tỷ đồng, tăng 123% về vốn, làm thủ tục đăng ký thay đổi, bổ sung nội dung trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 4.500 doanh nghiệp và tăng cường công tác hậu kiểm
Môi trường đầu tư, khả năng huy động các nguồn lực đầu tư được cải thiện‚ đã cấp Giấy chứng nhận đầu tưcho 26 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đăng ký 11.148,3 tỷ đồng, tăng 15 dự án và tăng 84,1% về vốn so với cùng kỳ 2013; có 04 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn tăng thêm 1.841,3 tỷ đồng, các dự án tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực khai thác khoáng sản, trung tâm thương mại, bệnh viện, resort... Lũy kế đến nay, trên địa bàn thành phố có 269 dự án đầu tư trong nước. Cấp Giấy chứng nhận đầu tưcho 27 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) (giảm 8 dự án so với cùng kỳ 2013), tổng vốn đầu tư 127,336 triệu USD. Lũy kế đến nay, trên địa bàn thành phố có 306 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư là 3,376 tỷ USD, vốn thực hiện đạt 1,872 tỷ USD (chiếm 55,5% tổng vốn đầu tư).
Thành phố đã ban hành các chương trình, chính sách và chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả Chương trình hoạt động “Năm doanh nghiệp 2014”, trong đó tập trung đẩy mạnh thực hiện 6 giải pháp cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp . Một số hoạt động đã triển khai thực hiện có hiệu quả như: Tổ chức gặp mặt 200 doanh nghiệp tiêu biểu có đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; tôn vinh các doanh nghiệp đóng góp hiệu quả cho ngành du lịch thành phố năm 2013; tổ chức Hội nghị kết nối cung cầu các sản phẩm của thành phố Đà Nẵng, qua Hội nghị đã có 10 biên bản ghi nhớ được ký kết; xây dựng phương án thiết kế Phố chuyên doanh, thí điểm tại tuyến đường Lê Duẩn, vốn đầu tư hơn 20 tỷ đồng; cấp 120 tỷ đồng vốn ủy thác cho Quỹ Đầu tư Phát triển thành phố và 50 tỷ đồng vốn điều lệ cho Quỹ bão lãnh tín dụng DNNVV ; hỗ trợ sản xuất sản phẩm lưu niệm cho 06 doanh nghiệp, kinh phí trên 200 triệu đồng; xây dựng Đề án “Phát triển doanh nghiệp thành phố Đà Nẵng đến năm 2020” và gặp gỡ, đối thoại trực tiếp, chỉ đạo các cấp, các ngànhthực hiệnđồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất kinh doanh; tổ chức giao lưu trực tuyến nhằm hỗ trợ người nộp thuế trong việc quyết toán thuế năm 2013 và giải đáp các vướng mắc trong quá trình thực thi chính sách thuế; đã trực tiếp giải quyết các đề xuất cụ thể của gần 100 doanh nghiệp trên các lĩnh vực đất đai, tài chính, thuế v.v..
Thành phố hiện có 09 dự án sử dụng vốn ODA do thành phố quản lý đang được triển khai thực hiện, tổng vốn đầu tư đạt 386,89triệu USD. Tổng vốn giải ngân năm 2014 ước đạt 722,25 tỷ đồng (trong đó vốn ODA: 610,2 tỷ đồng, đạt 94,8% kế hoạch). Năm 2014, thành phố đã phê duyệt 65 khoản viện trợ phi chính phủ nước ngoài (NGO), tổng giá trị cam kết ước đạt 60,15 tỷ đồng, trong đó vốn đối ứng1,298tỷ đồng, tăng 8 dự án và giảm 66,6% về giá trị cam kết so với năm 2013.
Các hoạt động đối ngoại tiếp tục được triển khai đồng bộ, hiệu quả trên nhiều lĩnh vực .
3. Quản lý đầu tư - xây dựng cơ bản, quản lý quy hoạch, đô thị và tài nguyên môi trường
Công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản tiếp tục được tăng cường, chú trọng đầu tư có trọng điểm và nâng cao hiệu quả đầu tư. Công tác chuẩn bị đầu tư, thẩm định dự án, thiết kế - dự toán, thẩm định đấu thầu và quản lý chất lượng công trình được thực hiện đúng quy trình và luật định.
Trong điều kiện ngân sách còn khó khăn, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo tiếp tục rà soát các dự án để ưu tiên vốn đầu tư, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thi công 10 công trình và nhóm công trình trọng điểm. Năm 2014, đã đưa vào sử dụng các công trình như: Tuyến vành đai phía Nam nhánh Hòa Phước - Hòa Quý; Bệnh viện Hòa Vang; đường Nguyễn Duy Trinh, Huyền Trân Công Chúa v.v.. Tập trung chỉ đạo hoàn thành và đưa công trình Trung tâm Hành chính thành phố vào hoạt động; đẩy nhanh tiến độ dự án Nút giao thông khác mức Ngã Ba Huế, thi công thảm nhựa, lát gạch vỉa hè các tuyến đường có mật độ xây dựng nhà ở đạt 50% trở lên . Các khu đất trống và các doanh nghiệp ngừng hoạt động tại các khu công nghiệp đã được rà soát sắp xếp giao cho nhà đầu tư mới. Công tác đền bù giải tỏa, bố trí tái định cư được tập trung chỉ đạo quyết liệt, giải quyết dứt điểm nợ đất tái định cư từ năm 2014 trở về trước của các dự án trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ, Liên Chiểu và huyện Hòa Vang, chỉ đạo tổng rà soát quỹ đất tái định cư trên địa bàn thành phố, trên cơ sở đó giải quyết chuyển quyền sử dụng đất ở các khu vực còn dư cho nhân dân, cán bộ công chức có nhu cầu về nhà ở khoảng 1000 lô đất ở huyện Hòa Vang và quận Cẩm Lệ.
Thành phố đã tích cực làm việc với các bộ, ban, ngành Trung ương thực hiện các nhiệm vụ, đầu việc theo Kết luận số 75-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XI), Thông báo 186/TB-VPCP ngày 05/5/2014 và Thông báo 242/TB-VPCP ngày 24/6/2014 của Văn phòng Chính phủ , trọng tâm là xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ về một số cơ chế ưu đãi đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Đà Nẵng, dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về ban hành cơ chế, chính sách đặc thù đối với Khu công nghệ cao Đà Nẵng.
Thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch, đô thị, xây dựng, kiến trúc, tài nguyên, môi trường như: cấp giấy phép xây dựng, kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng; quản lý chặt chẽ, xử lý nghiêm các vi phạm trên lĩnh vực quản lý, bố trí chung cư; duy trì thường xuyên công tác quản lý, kiểm tra, lập lại trật tự đô thị, trật tự vỉa hè, trọng tâm tại các địa bàn quận Hải Châu, Thanh Khê. Tập trung duy tu, sửa chữa các tuyến đường, các công trình hạ tầng giao thông, xử lý các điểm ngập úng trước mùa mưa. Xử lý các điểm nóng ô nhiễm môi trường, các lô đất trống, các tuyến kênh hở; tập trung khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường ở các bãi biển; cải thiện môi trường khu Đầm Rong, các bãi tắm công cộng. Đẩy mạnh thực hiện Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố Môi trường”, Đề án “Thu gom rác thải theo giờ”, duy trì phong trào “Ngày chủ nhật xanh - sạch - đẹp”.
4. Thu chi ngân sách
Thành phố đã tích cực áp dụng các biện pháp khai thác các nguồn thu, đảm bảo thu đúng thu đủ. Tổng thu NSNN trên địa bàn ước đạt 106,08% so với dự toán HĐND thành phố giao.
Tập trung chỉ đạo, điều hành chặt chẽ và linh hoạt hoạt động chi, bảo đảm cân đối trên cơ sở khả năng nguồn thu và sử dụng hợp lý các nguồn lực tài chính để tập trung cho đầu tư phát triển, đặc biệt là các công trình trọng điểm của thành phố, đảm bảo thực hiện chính sách cải cách tiền lương, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, đảm bảo công tác quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội và các nhiệm vụ cấp bách khác.v.v..
5. Các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, khoa học - công nghệ, y tế, văn hoá - thể thao, lao động - thương binh - xã hội, Chương trình “5 không”, “3 có” v.v..
Về Khoa học - Công nghệ: Tổ chức triển khai các chương trình khoa học và công nghệ trên các lĩnh vực. Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; đẩy mạnh hoạt động ứng dụng, áp dụng nhanh các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất và đời sống, chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới . đẩy mạnh các hoạt động sở hữu trí tuệ, sáng kiến sáng tạo; tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng; phát triển thị trường khoa học và công nghệ; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ .
Về Văn hóa - Thể thao: Tổ chức tốt các hoạt động chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước và thành phố, đặc biệt là các hoạt động tuyên truyền về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa v.v.. Hoạt động bảo tồn, tôn tạo và phát huy di sản văn hóa được quan tâm chỉ đạo thực hiện; tập trung triển khai các công trình văn hóa trọng điểm như: Thư viện Khoa học tổng hợp, Bảo tàng Mỹ thuật, Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, Bảo tàng Điêu khắc Chăm; rà soát, lập dự án 37 khu vui chơi giải trí, đầu tư một số hạng mục Công viên 29/3, Công viên Thanh niên và đề xuất các chính sách ưu đãi Khu công viên Asia Park; tăng cường quản lý, kiểm tra các hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa, quảng cáo; kiểm tra và xử lý các biển hiệu quảng cáo ven biển sai quy định.
Chuẩn bị tốt lực lượng vận động viên tham gia thi đấu đạt thành tích cao tại các giải quốc gia, quốc tế theo kế hoạch thi đấu thể thao năm 2014; chuẩn bị chu đáo lực lượng tham gia Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc 2014.Đến ngày 23/10/2014, đoàn Thể thao thành tích cao Đà Nẵng đã tham gia thi đấu 83 giải (gồm 17 giải quốc tế và khu vực, 66 giải trong nước), đạt 100 HCV-100 HCB-142 HCĐ, trong đó,VĐV Hoàng Quý Phước giành 15 HCV (11 HCV cá nhân) tại Giải Bơi - Lặn Vô địch Quốc gia và 02 HCV, 01 HCB tại Giải Vô địch Bơi Đông Nam Á.
Về Giáo dục - Đào tạo: Hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học 2013 - 2014. Tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh việc thực hiện các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và thành phố về dạy thêm, học thêm;tiếp tục phát triển mạng lưới trường lớp theo cơ cấu hợp lý giữa các ngành học, cấp học, tăng cường cơ sở vật chất, đảm bảo đáp ứng giai đoạn 1 học 02 buổi/ngày cho học sinh tiểu học, giải quyết tình trạng vượt quá quy định về sĩ số trẻ/nhóm, lớp mầm non và học sinh/lớp phổ thông; tích cực huy động học sinh trong độ tuổi đến lớp . Thực hiện nghiêm túc việc không tuyển sinh trái tuyến tại các trường khu vực trung tâm, ban hành quy định tuyển sinh đầu vào các cấp. Chất lượng học sinh được nâng cao ; thành tích các kỳ thi quốc gia và quốc tế được duy trì và cải thiện,năm học 2013-2014. thành phố chọn 76 học sinh tham gia thi học sinh giỏi quốc gia, kết quả có 59 em đạt giải, bao gồm 1 giải nhất, 17 giải nhì, 21 giải ba và 20 giải khuyến khích.
Về Y tế:Tăng cường công tác quản lý nhà nước về y tế, kiểm tra hành nghề y - dược ngoài công lập. Công tác y tế dự phòng và an toàn vệ sinh thực phẩm được đẩy mạnh , không xuất hiện các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, không xảy ra ngộ độc thực phẩm tập thể; không có biến động lớn về giá thuốc; các bệnh viện tuyến thành phố đều duy trì thường xuyên các kỹ thuật chuyên sâu đã có; hạn chế tối đa tình trạng quá tải bệnh viện, tăng cường xã hội hóa hoạt động y tế . Tiếp tục triển khai chiến dịch tiêm vắc xin cho trẻ , tỷ lệ tiêm chủng mở rộng đầy đủ đạt 72,9%. Tiếp tục triển khai Chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone cho 338 bệnh nhân.
Về Lao động - Thương binh - Xã hội: Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động.Đến nay, thành phố đã tổ chức 33 phiên giao dịch, giới thiệu việc làm cho 11.074 lượt lao động, trong đó có 01 phiên chợ việc làm di động cho người khuyết tật và người lao động trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn ; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị ước tính 4,3% (năm 2013 là 4,45%). Trong điều kiện bất ổn ở biển Đông, thành phố đã không để xảy ra biểu tình trái pháp luật và động viên các nhà đầu tư ổn định sản xuất v.v.. Tổ chức tuyển sinh và dạy nghề cho 43.711 người, đạt 98,2% kế hoạch; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đến cuối năm 2014 ước đạt 44%.
Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách bảo đảm an sinh xã hội; duy trì tốt các chính sách hỗ trợ và chăm sóc trẻ em; tổ chức tốt công tác thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách, người có công với cách mạng ; các đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn thành phố;tặng và truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” cho 910 mẹ ; tăng cường phối hợp phụng dưỡng, chăm sóc chu đáo các mẹ Việt Nam anh hùng; duy trì 100% gia đình chính sách có nhà ở ổn định. Hoàn thành tốt Đề án hỗ trợ sửa chữa nhà ở cho gia đình người có công với 950/818 căn nhà được sửa chữa, xây mới, vượt 16,14% kế hoạch.
Các chương trình “thành phố 5 không”, “thành phố 3 có” tiếp tục được duy trì và đẩy mạnh. Duy trì thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TU của Thành ủy về tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt nghèo, học sinh bỏ học và thiếu niên hư vi phạm pháp luật. Thường xuyên tuyên truyền, xử lý người lang thang xin ăn biến tướng . Triển khai Chỉ thị 37-CT/TU của Thành ủy Đà Nẵng về “Tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống kiểm soát tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn thành phố” và Quyết định số 28/QĐ-UBND ngày 06/9/2014 của UBND thành phố về Ban hành quy chế phối hợp lập hồ sơ và tổ chức cai nghiện ma túy trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, tuyên truyền, hướng dẫn đến các phường, xã và cán bộ làm công tác phòng chống tệ nạn xã hội tại địa phương. Đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án “có việc làm”, thành phố đã giải ngân cho vay 96,4 tỷ đồng vốn hỗ trợ giải quyết việc làm đối với 1.583 dự án, góp phần giải quyết 2.377 lao động, trong đó vốn ủy thác từ ngân sách cho vay đối với hộ di dời giải tỏa là 16.566 triệu đồng cho 741 dự án, thu hút 1.087 lao động.