Thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, kinh tế thế giới phục hồi chậm hơn dự báo. Trong nước, môi trường kinh doanh và năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp; tổng cầu tăng chậm, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, hàng hóa tồn kho vẫn ở mức cao... đã có những tác động không thuận lợi đến việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2014; thường xuyên kiểm điểm, đánh giá, đưa ra những chỉ đạo kịp thời, phù hợp thực tế; cộng đồng doanh nghiệp, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đoàn kết, nỗ lực phấn đấu nên tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đạt được kết quả tích cực: 16/16 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội chủ yếu đều đạt và vượt kế hoạch; trong đó tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP)( ) tăng cao hơn cùng kỳ và vượt kế hoạch đề ra, ước đạt 9,2%, trong đó: Nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 5,7%; công nghiệp - xây dựng tăng 13,0%, dịch vụ tăng 7,3%. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục tiến bộ, đời sống nhân dân ổn định và từng bước được nâng lên; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được được đảm bảo.
A. KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC TRÊN CÁC LĨNH VỰC CHỦ YẾU
I. LĨNH VỰC SẢN XUẤT, PHÁT TRIỂN KINH TẾ
1. Sản xuất công nghiệp
Sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi, các khu vực sản xuất đều có sự tăng trưởng. Trong điều kiện khó khăn, song các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm thiết yếu, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất ổn định; một số dự án đầu tư mới đi vào sản xuất đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng sản xuất công nghiệp. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất đạt 17,9%, trong đó khu vực quốc doanh tăng 3,4%, khu vực ngoài quốc doanh tăng 11,2%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 22,2% so với năm 2013.
Từ đầu năm đến nay, có thêm 46 doanh nghiệp mới đi vào sản xuất, với giá trị sản xuất chiếm khoảng 2,1% tổng giá trị sản xuất công nghiệp, góp phần đưa giá trị sản xuất (giá thực tế) ước đạt 47.210 tỷ đồng, bằng 101,7% kế hoạch, tăng 21,7% so với năm 2013; trong đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 32.070 tỷ đồng, tăng 26,4%; khu vực quốc doanh đạt 4.120 tỷ đồng, tăng 5,4%, khu vực ngoài quốc doanh đạt 11.020 tỷ đồng tăng 15,9%.
Cơ cấu trong sản xuất công nghiệp chuyển dịch tích cực, theo hướng tăng dần công nghiệp chế biến, chế tạo, giảm ngành công nghiệp khai thác. Giá trị sản xuất ngành công nghiệp chế biến ước đạt 44.740 tỷ đồng, chiếm 94,8%, công nghiệp sản xuất, phân phối điện đạt 2.100 tỷ đồng, chiếm 4,5%, ngành công nghiệp khai thác đạt 135 tỷ đồng, chiếm 0,3% tổng giá trị sản xuất.
Sản xuất ngoài quốc doanh tại các huyện, thành phố vượt kế hoạch đề ra, giá trị sản xuất theo giá thực tế ước đạt 9.025 tỷ đồng đạt 112,5% kế hoạch, tăng 14%; sản xuất ngoài quốc doanh tại các khu công nghiệp đạt 1.990 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2013.
2. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
Tuy chịu ảnh hưởng của 3 cơn bão, song nhìn chung thời tiết tương đối thuận lợi cho sản xuất; các ngành, địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, phòng, chống dịch bệnh, hỗ trợ đưa các giống mới có giá trị cao, sản phẩm tiêu thụ ổn định vào sản xuất...do vậy sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản được mùa. Tốc độ tăng trưởng đạt cao nhất trong nhiều năm qua; giá trị sản xuất theo giá thực tế ước đạt 23.370 tỷ đồng.
2.1. Về trồng trọt: Tổng diện tích gieo trồng ước đạt 176.485 ha, bằng năm 2013. Năng suất lúa bình quân ước đạt 55,3 tạ/ha, tăng 2,6 tạ/ha so với năm 2013. Tổng sản lượng lương thực có hạt ước đạt 660 nghìn tấn, bằng 103,1% kế hoạch, tăng 5,7% so cùng kỳ. Cơ cấu cây trồng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng diện tích các loại cây trồng hàng hóa có giá trị kinh tế.
Vụ vải thiều được mùa, sản lượng đạt trên 190.000 tấn quả tươi, tăng 60.000 tấn so với năm 2013; do làm tốt công tác chuẩn bị, chủ động phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng của tỉnh và các tỉnh bạn nên việc tiêu thụ vải thiều năm 2014 diễn ra thuận lợi. Tổng doanh thu từ vải thiều và các hoạt động phụ trợ ước đạt 2.300 tỷ đồng, cao nhất từ trước tới nay.
2.2. Về chăn nuôi: Những tháng đầu năm chăn nuôi gặp nhiều khó khăn do thời tiết ẩm ướt, mưa nhiều, môi trường có nhiều vi khuẩn gây bệnh, giá bán thấp nên tốc độ tái đàn chậm. Những tháng cuối năm, giá bán các sản phẩm chăn nuôi đã tăng và ổn định, người nông dân được khuyến khích đẩy nhanh tốc độ tái đàn gắn với làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh do vậy đàn vật nuôi có xu hướng tăng. Sản lượng thịt hơi các loại ước đạt 210 nghìn tấn, tăng 2,7% so với năm 2013. Việc phát triển sản phẩm “gà đồi Yên Thế” tiếp tục được quan tâm chỉ đạo; đã phê duyệt dự án “mô hình thí điểm chuỗi liên kết chăn nuôi - giết mổ, chế biến - tiêu thụ gà đồi Yên Thế”; hiện nay, sản phẩm đang được tiêu thụ khá tốt tại thị trường trong nước, nhất là thị trường Hà Nội.
2.3. Về sản xuất lâm nghiệp: Các địa phương đã huy động các nguồn lực trong dân và các doanh nghiệp cho trồng, bảo vệ và phát triển rừng nên kết quả các chỉ tiêu chủ yếu đều vượt kế hoạch đề ra. Đã hình thành một số vùng sản xuất nguyên liệu gỗ tập trung tại các huyện: Lục Ngạn, Lục Nam, Sơn Động và Yên Thế.
2.4. Về sản xuất thủy sản: Cơ bản phát triển ổn định, diện tích nuôi duy trì trên 12 nghìn ha, sản lượng khai thác ước đạt 30 nghìn tấn bằng 100% kế hoạch, tăng 1,7% so với năm 2013.
2.5. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới: Tiếp tục được quan tâm thực hiện; các huyện, thành phố đã tích cực huy động các nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành các mục tiêu đề ra. Ước đến hết năm 2014, có thêm 13 xã (lũy kế được 15 xã) đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 03 xã so với kế hoạch, bình quân mỗi xã đạt khoảng 11,5 tiêu chí, tăng 1,3 tiêu chí so với năm 2013.
Công tác dồn điền đổi thửa và triển khai xây dựng các mô hình cánh đồng mẫu tiếp tục được quan tâm chỉ đạo và người dân tích cực hưởng ứng; ước hết năm 2014 thực hiện dồn điền, đổi thửa, giao đất được 4.780 ha, đạt 224% kế hoạch. Đã có 68 cánh đồng mẫu, trong đó 23 cánh đồng vụ Xuân, 45 cánh đồng vụ Mùa; vụ Đông đang triển khai thực hiện xây dựng 28 cánh đồng mẫu. Qua theo dõi đánh giá, sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu góp phần giảm chi phí đầu vào sản xuất, hiệu quả kinh tế tăng tối thiểu 20%, nhiều cánh đồng cho giá trị tăng trên 50% so với sản xuất đại trà.
3. Hoạt động thương mại, dịch vụ
Trong điều kiện kinh tế phục hồi chậm, thu nhập của người dân bị ảnh hưởng, sức mua giảm, tuy nhiên các cấp, các ngành đã có nhiều cố gắng triển khai hệ thống phân phối trên thị trường bán lẻ, nhất là đối với các mặt hàng quan trọng, thiết yếu. Giá trị sản xuất ngành dịch vụ (theo giá so sánh 2010) ước đạt 17.040 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2013.
3.1. Thương mại, giá cả, xuất, nhập khẩu
- Hoạt động thương mại, giá cả thị trường được tập trung chỉ đạo, tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, với trọng tâm là chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn”; hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm thị trường, tiêu thụ sản phẩm... Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả năm ước tăng 3,5% so với năm 2013. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 15.050 tỷ đồng, đạt 96,5% kế hoạch, tăng 12,5%, trong đó kinh tế nhà nước ước đạt 550 tỷ đồng, tăng 19,6%; kinh tế ngoài nhà nước ước đạt 14.500 tỷ đồng, tăng 12,3% so với năm 2013.
- Kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt kế hoạch đề ra, giá trị xuất khẩu cả năm ước đạt 2.105 triệu USD, tăng 27,1% so với năm 2013. Sản phẩm xuất khẩu chủ yếu vẫn là hàng điện tử, máy tính và linh kiện đạt 1.106 triệu USD chiếm 52,6%, hàng may mặc đạt 836 triệu USD chiếm 39,8% tổng giá trị xuất khẩu. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ và EU.
Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 2.160 triệu USD, bằng 100,5% kế hoạch, tăng 27% so với năm 2013. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là máy móc, nguyên, phụ liệu phục vụ cho sản xuất hàng may mặc, linh kiện điện tử, sản phẩm nhựa... thị trường nhập khẩu chủ yếu là Trung Quốc và Hàn Quốc.
3.2. Tài chính, ngân hàng
- Thu ngân sách vượt kế hoạch, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Thuế phối hợp với các ngành, địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, khai thác triệt để mọi nguồn thu, chống thất thu ngân sách; thực hiện nghiêm các biện pháp xử lý thu nợ và cưỡng chế nợ thuế theo quy định. Do vậy, kết quả thu ngân sách vượt kế hoạch đề ra. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 3.445,9 tỷ đồng, bằng 118,3% dự toán, tăng 9,4% so với năm 2013; trong đó, thu nội địa là 2.695,9 tỷ đồng, bằng 124,6% dự toán, tăng 5,2%, thu không tính tiền sử dụng đất và thu xổ số kiến thiết đạt 1.706,4 tỷ đồng, bằng 104,1% dự toán, tăng 1,6% so với năm 2013.
Chi ngân sách cơ bản đáp ứng nhiệm vụ chi, bảo đảm đúng quy định. Ước thực hiện chi ngân sách đạt 10.516,6 tỷ đồng, bằng 129,6% dự toán, tăng 2,1% so với năm 2013; trong đó chi thường xuyên 7.329,6 tỷ đồng, bằng 114,7% dự toán, tăng 17,8% so với năm 2013.
- Hoạt động ngân hàng đã có nhiều cố gắng, các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng đã thực hiện nhiều biện pháp huy động vốn; đồng thời, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng. Ước đến 31/12/2014, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn ước đạt 19.750 tỷ đồng, tăng 20%; dư nợ tín dụng đạt 21.020 tỷ đồng, tăng 12% so với 31/12/2013, trong đó: cho vay lĩnh vực công nghiệp đạt 4.100 tỷ đồng, tăng 16%; lĩnh vực nông, lâm nghiệp đạt 6.450 tỷ đồng, tăng 16%; lĩnh vực khác đạt 10.470 tỷ đồng, tăng 8%. Công tác xử lý, thu hồi nợ xấu cũng được các ngân hàng triển khai tích cực.
Chương trình kết nối ngân hàng, doanh nghiệp và người dân bước đầu đạt kết quả, góp phần tháo gỡ khó khăn trong vay vốn ngân hàng cho các doanh nghiệp và người dân trên địa bàn.
3.3. Giao thông vận tải và bưu chính, viễn thông
- Giao thông vận tải được quan tâm chỉ đạo, trong đó hạ tầng giao thông được đầu tư, duy tu, bảo dưỡng; công tác tuần tra xử lý xe quá khổ, quá tải, phân luồng xe chạy trên một số cầu yếu được tăng cường, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động vận tải. Khối lượng vận chuyển hành khách ước đạt 23,8 triệu lượt người, tăng 8%; vận chuyển hàng hóa đạt 16,7 triệu tấn, tăng 9,5% so với năm 2013.
- Dịch vụ bưu chính, viễn thông tiếp tục có bước phát triển, thông tin liên lạc được đảm bảo thông suốt. Toàn tỉnh hiện có 1.451 trạm thu/phát sóng thông tin di động BTS, tăng 8% so với năm 2013; 100% các xã, phường, thị trấn đã được phủ sóng thông tin di động, truy cập được Internet tốc độ cao; mạng cáp quang, cáp đồng trục và hệ thống tổng đài được các doanh nghiệp phát triển đến xã. Doanh thu hoạt động dịch vụ bưu chính viễn thông ước đạt 1.590 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2013.
4. Đầu tư phát triển
Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn ước đạt 25.200 tỷ đồng, bằng 100,8% kế hoạch, tăng 18,3% so với năm 2013; trong đó, vốn đầu tư khu vực dân cư 10.833 tỷ đồng tăng 20%; vốn đầu tư của các doanh nghiệp đạt 5.565 tỷ đồng, tăng 13,6%; vốn đầu tư nước ngoài đạt 5.050 tỷ đồng, tăng 42,3%; vốn nhà nước đạt 3.752 tỷ đồng, bằng 98,1% so với năm 2013.
4.1. Thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp
- Thu hút đầu tư đạt được kết quả khá trong điều kiện kinh tế phục hồi chậm, số dự án đầu tư được cấp mới trên địa bàn tăng cả về số lượng dự án và vốn đăng ký so với năm 2013. Tính đến 30/11/2014, đã thu hút được 81 dự án đầu tư trong nước, tăng 70%, vốn đăng ký 4.704 tỷ đồng, tăng 93,5%; 33 dự án đầu tư nước ngoài, bằng 109%, vốn đăng ký 177,3 triệu USD, tăng 13%. Trong đó, các Khu công nghiệp thu hút được 9 dự án đầu tư trong nước, vốn đăng ký 78,6 tỷ đồng; 26 dự án đầu tư nước ngoài, vốn đăng ký 166 triệu USD. Vốn thực hiện của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đến hết tháng 10 đạt khoảng 220 triệu USD, tăng 26% so với năm 2013.
- Phát triển doanh nghiệp: Quy mô của các doanh nghiệp thành lập mới tăng lên, vốn đăng ký bình quân đạt khoảng 6 tỷ đồng/một doanh nghiệp. Từ đầu năm 2014 đến 30/11/2014 có 461 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 6% so với năm 2013, vốn đăng ký đạt 2.805 tỷ đồng. Đến nay, đã có 4.399 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, sử dụng khoảng 65.000 lao động; tỷ lệ doanh nghiệp hoạt động ổn định, có lãi chiếm khoảng 34,7% số doanh nghiệp.
4.2. Đầu tư xây dựng cơ bản nguồn vốn ngân sách Nhà nước
Công tác quản lý đầu tư XDCB được quan tâm chỉ đạo, hàng quý UBND tỉnh đã tổ chức sơ kết nhằm kiểm điểm công tác đầu tư XDCB, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân. Các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, chủ đầu tư đã tích cực triển khai, có biện pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả trong quản lý nhà nước về xây dựng. Đến nay, kế hoạch vốn đầu tư XDCB từ ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt 3.887 tỷ đồng, ước đến 31/12/2014, giá trị khối lượng thực hiện đạt 4.506 tỷ đồng, bằng 115,0% kế hoạch; ước đến 31/01/2015 giá trị giải ngân đạt 3.797 tỷ đồng, bằng 97% kế hoạch.
Các dự án, công trình trọng điểm được chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công, đảm bảo chất lượng, tiến độ theo kế hoạch; một số công trình như: Cầu Đông Xuyên, Khu nhà liên cơ quan, Trung tâm Hội nghị tỉnh... đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng. Công tác phối hợp xây dựng đường cao tốc Hà Nội - Bắc Giang được tích cực chỉ đạo, đến nay việc giải phóng mặt bằng cơ bản đã hoàn thành và bàn giao cho nhà thầu thi công đúng tiến độ.
5. Công tác quản lý tài nguyên và môi trường
Công tác quản lý tài nguyên và môi trường được siết chặt bằng việc ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật như: Quyết định về việc điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch khai thác bãi ven sông chứa cát, sỏi trên địa bàn tỉnh đến năm 2020; Kế hoạch điều tra khảo sát, phân tích, đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường ở các cơ sở hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh; Chỉ thị của Chủ tịch UBND tỉnh về “tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động thăm dò, khai thác, vận chuyển và tiêu thụ cát, sỏi lòng sông”... Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, ngăn ngừa và xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, về tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản cũng được tăng cường. Do vậy, các chỉ tiêu chủ yếu về môi trường được thực hiện đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Đã chỉ đạo triển khai thực hiện Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành; xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật cụ thể hoá Luật đất đai mới phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh. Đẩy nhanh công tác đo đạc bản đồ, lập hồ sơ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai. Công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được quan tâm chỉ đạo, đạt kết quả khá so với kế hoạch.
II. LĨNH VỰC VĂN HÓA - XÃ HỘI
1. Giáo dục và Đào tạo
Lĩnh vực giáo dục và đào tạo có nhiều đổi mới, trong đó tập trung thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới hình thức, phương pháp thi, đánh giá kết quả học tập và rèn luyện của học sinh. Chất lượng giáo dục tiếp tục được nâng lên, các kỳ thi học sinh giỏi đạt kết quả khá. Đặc biệt, năm học 2013-2014, ngành giáo dục và đào tạo đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo xếp loại, đánh giá có 15/16 lĩnh vực công tác đạt thành tích xuất sắc và vinh dự được tặng cờ thi đua đơn vị dẫn đầu trong thực hiện nhiệm vụ năm học.
Quy mô trường lớp tiếp tục được duy trì hợp lý, đáp ứng cơ bản nhu cầu học tập. Toàn tỉnh hiện có 838 cơ sở giáo dục và đào tạo; cơ sở vật chất tiếp tục được đầu tư theo hướng kiên cố hóa, hiện đại hóa. Ước thực hiện năm 2014, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 76,1%, tăng 2,7%; tỷ lệ kiên cố hóa trường lớp học đạt 83,5%, tăng 1% so với năm 2013.
Công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi và phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2 được chỉ đạo tích cực và có hiệu quả. Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi hoàn thành trước 01 năm so với kế hoạch, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2 vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Đã ban hành và từng bước triển khai thực hiện Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 63-CTr/TU ngày 08/8/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
2. Công tác văn hóa, thể thao và du lịch
Bên cạnh tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, thông tin truyền thông chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn; tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo...UBND tỉnh đã chỉ đạo tổ chức thành công các sự kiện văn hóa như: Lễ kỷ niệm 130 năm cuộc khởi nghĩa Yên Thế; Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc tỉnh Bắc Giang lần thứ 6; Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Bắc Giang lần thứ 2 năm 2014; Hội nghị công bố quy hoạch, triển khai kế hoạch xây dựng và Lễ đặt đá xây dựng Khu văn hóa tâm linh Tây Yên Tử...
Ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 9 (Khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tiếp tục phát triển.
Phong trào thể thao quần chúng gắn với cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” có chuyển biến rõ rệt, các chỉ tiêu cơ bản về thể dục, thể thao quần chúng đều vượt kế hoạch; công tác đào tạo vận động viên trẻ, đầu tư phát triển thể thao thành tích cao được quan tâm; thể thao thành tích cao của tỉnh đã gặt hái được nhiều thành công khi tham dự các giải đấu trong và ngoài nước.
Công tác phát triển du lịch đã có nhiều chuyển biến tích cực trong thu hút đầu tư nguồn vốn ngoài ngân sách để xây dựng hạ tầng du lịch, di tích lịch sử...; đã hoàn thành quy hoạch bảo tồn tổng thể và tổ chức Lễ đặt đá khởi công đầu tư xây dựng khu du lịch Tây Yên Tử, đang đầu tư xây dựng khu di tích khởi nghĩa Yên Thế, khu di tích Xương Giang...Triển khai thực hiện chương trình phát triển du lịch Hà Nội - Bắc Giang - Lạng Sơn; tổ chức thành công Hội thảo liên kết phát triển du lịch Bắc Giang - Hải Dương - Quảng Ninh - Thái Nguyên nhằm mở ra các hướng mới để phát triển du lịch…Lượng khách du lịch năm 2014 ước đạt 305.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế ước đạt 1.500 lượt; doanh thu lĩnh vực du lịch ước đạt 190 tỷ đồng, tăng 23,5% so với năm 2013.
3. Công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân, dân số kế hoạch hóa gia đình
Chất lượng khám chữa bệnh tiếp tục được nâng lên, nhiều kỹ thuật cao đã được triển khai như: siêu lọc máu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, chụp cộng hưởng từ (MRI), phẫu thuật đục thủy tinh thể bằng phương pháp Phaco tại bệnh viện tuyến huyện...; cơ sở vật chất y tế tiếp tục được quan tâm, từng bước hiện đại hóa trang thiết bị. Ước đến hết năm 2014, tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế (theo chuẩn mới 2011-2020) đạt 69,6%, tăng 8,7% so với năm 2013. Số người tham gia bảo hiểm y tế ngày một tăng, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân ước đạt 72%, tăng 6%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng (thể nhẹ cân) là 15,7%, đạt kế hoạch, giảm 0,7% so với năm 2013.
Công tác khám chữa bệnh cho người nghèo và trẻ em tiếp tục được quan tâm thực hiện. Các bệnh viện thực hiện việc thu giá dịch vụ khám chữa bệnh theo đúng quy định. Giá thuốc cơ bản được bình ổn và đảm bảo cung ứng đủ thuốc thiết yếu phục vụ người bệnh.
Hệ thống giám sát dịch bệnh từ xã đến tỉnh được duy trì hoạt động và thực hiện có hiệu quả. Phần lớn các bệnh truyền nhiễm được ghi nhận trên địa bàn nhìn chung có xu hướng giảm so với năm 2013.
Công tác tuyên truyền về dân số - kế hoạch hóa gia đình thường xuyên được duy trì ở các tuyến bằng nhiều hình thức và tập trung vào vùng đông dân, vùng có mức sinh cao, vùng đặc biệt khó khăn. Tỷ số giới tính khi sinh nam/nữ toàn tỉnh ước là 117 nam/100 nữ, vượt kế hoạch đề ra.
4. Khoa học và Công nghệ
Công tác quản lý, thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ được quan tâm chỉ đạo. Đã tổ chức thành công chương trình “Trình diễn kết nối cung - cầu công nghệ khu vực Bắc Bộ năm 2014” nhằm hướng tới mục tiêu phát triển thị trường công nghệ, thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và đời sống. Đã ký kết các chương trình hợp tác 4 bên giữa UBND tỉnh Bắc Giang với Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam; chương trình phối hợp hoạt động khoa học và công nghệ với các Bộ, ngành Trung ương; tổ chức nhiều hội thảo khoa học ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ trong sản xuất…
Ban hành Kế hoạch phát triển thương hiệu sản phẩm nông nghiệp hàng hóa giai đoạn 2014-2020; Chỉ thị của Chủ tịch UBND tỉnh về việc đẩy mạnh hoạt động sáng kiến trên địa bàn tỉnh... Hiện có 13 dự án khoa học công nghệ cấp nhà nước, 01 đề án khoa học công nghệ, 27 đề tài, dự án khoa học công nghệ cấp tỉnh đang triển khai trên địa bàn, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Một số dự án đã mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội, tạo ra chuỗi giá trị hàng hóa và hình thành các vùng sản xuất tập trung như: Miến dong ở Sơn Động, chè Yên Thế, gạo thơm ở Yên Dũng, nấm ở Lạng Giang, khoai tây ở Việt Yên...
5. Tình hình đời sống nhân dân, lao động, việc làm và chính sách xã hội
Do sản xuất, kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến đời sống của người lao động, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương nắm chắc tình hình lao động, việc làm tại các doanh nghiệp; quan tâm, kịp thời thực hiện đầy đủ chế độ trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động; đồng thời, chỉ đạo thực hiện các chính sách đảm bảo an sinh xã hội, do đó đời sống của nhân dân cơ bản ổn định, không xảy ra tình trạng đói giáp hạt. Số hộ thoát nghèo trong năm là 5.660 hộ, tổng số hộ nghèo còn 38.880 hộ, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 9%, đạt kế hoạch đề ra.
Công tác đền ơn đáp nghĩa được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Đã hoàn thành công tác rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng; tổ chức truy tặng, phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” cho 924 bà mẹ trên địa bàn tỉnh, thể hiện tình cảm, trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền và toàn thể nhân dân tỉnh Bắc Giang đối với việc chăm sóc, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Công tác hướng dẫn các doanh nghiệp xây dựng đơn giá tiền lương, thang bảng lương, nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể được thực hiện tốt. Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm tiếp tục được quan tâm. Hệ thống thông tin thị trường lao động được củng cố, hoàn thiện; giải quyết việc làm đạt kết quả tích cực. Tổng số người được tạo việc làm mới là 28.200 người, đạt 100% kế hoạch, trong đó xuất khẩu lao động là 3.800 người; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 47%. Tỷ lệ lao động trong độ tuổi lao động chưa có việc làm ở thành thị có xu hướng giảm, ước năm 2014 chiếm 4%.
(Nguồn: www.bacgiang.gov.vn)