Trong năm 2014, mặc dù kinh tế của tỉnh còn nhiều khó khăn, song được sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của Trung ương cùng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ nên tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục giữ được ổn định và phát triển. Trong 24 chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế - xã hội, có 19 chỉ tiêu hoàn thành và hoàn thành vượt kế hoạch; 5 chỉ tiêu không đạt. Kết quả cụ thể như sau:
- Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) ước tăng 7,7% (NQ 7,5%); trong đó:
+ Giá trị tăng thêm khu vực nông lâm thủy sản ước đạt 3,8% (NQ 2,11%); trong đó nông nghiệp tăng 5,39%, thuỷ sản tăng 2,24%. Nguyên nhân tăng là do giá cả và tiêu thụ hàng nông sản biến động theo hướng có lợi cho người dân.
+ Giá trị tăng thêm khu vực công nghiệp - xây dựng ước đạt 14,49% (NQ 15,68%), trong đó ngành công nghiệp tăng 15,91%, ngành xây dựng tăng 9,15%. Nguyên nhân không đạt là do hoạt động của một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có xu hướng tăng chậm lại, sản xuất thuốc lá, đường, may mặc, túi xách.... giảm so năm trước.
+ Giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ ước đạt 7,74% (NQ8,01%). Nguyên nhân đạt thấp là do các hoạt động tài chính ngân hàng, vận tải, giáo dục, quản lý nhà nước, vui chơi, giải trí… tăng trưởng chậm so với cùng kỳ.
- GDP bình quân đầu người: 31,15 triệu đồng (NQ 31,5 triệu đồng);
- Cơ cấu kinh tế: khu vực I chiếm 43,5%; khu vực II chiếm 21,3%, khu vực III chiếm 35,2% (NQ là 42%; 21,6%; 36,4%);
- Tổng kim ngạch xuất khẩu ước 624,3 triệu USD (NQ 600 triệu USD);
- Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước 12.603 tỷ đồng (NQ 13.100 tỷ đồng);
- Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước 1.476,4 tỷ đồng, đạt 105,46% so chỉ tiêu Trung ương giao và đạt 98,5% chỉ tiêu địa phương;
- Tổng chi ngân sách địa phương ước 4.725,8 tỷ đồng, đạt 107,15% so chỉ tiêu Trung ương giao và đạt 93,6% so chỉ tiêu địa phương;
- Tỷ lệ lao động qua đào tạo ước đạt 48,7% (NQ 48%); tạo việc làm cho 23.713 lao động, (NQ 23.000 lao động), trong đó xuất khẩu lao động 516 người (NQ 500 người);
- Giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 7% (NQ giảm còn 7%);
- Tỷ suất sinh giảm 0,05%o (NQ giảm 0,05‰);
- Đạt 24,57 giường bệnh/vạn dân; 6,3 bác sĩ/vạn dân (NQ 24,57 giường bệnh/vạn dân; 6,3 bác sĩ/vạn dân);
- Vận động nhân dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 65% (NQ 65%); trong đó bảo hiểm y tế tự nguyện đạt 13,5% (NQ ít nhất 17%);
- Giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi còn 12,3% (NQ 13,3%);
- Công nhận 8 xã, phường, thị trấn văn hóa (NQ 9 xã, phường, thị trấn);
- Tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt 99,65% (NQ đạt 99,5%);
- Tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 84% (NQ 84%); trong đó hộ được sử dụng nước sạch 39% (NQ 38%);
- Tai nạn giao thông tăng 3 mặt (NQ là kéo giảm tai nạn giao thông 3 mặt);
- Khám phá án hình sự đạt 84,6% (NQ ít nhất 75%).
KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÁC NGÀNH, LĨNH VỰC CHỦ YẾU
I. Trên lĩnh vực kinh tế
1. Sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp
Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh bước đầu được các ngành, các cấp quan tâm triển khai thực hiện, đặc biệt là ngành nông nghiệp đã tổ chức, hướng dẫn người dân lai tạo và lựa chọn giống mới, chất lượng tốt để nuôi, trồng như nuôi bò Zébu, bò lai Sind, trồng dưa hấu không hạt, bưởi da xanh, ổi không hạt, lúa thơm, ... Đồng thời, đang tiến hành rà soát các quy hoạch để phân vùng sản xuất và định hướng cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm hướng dẫn người dân bố trí mùa vụ sản xuất, chủ động rải vụ để tránh được những tác động xấu của thị trường và giảm thiểu rủi ro; lựa chọn đối tượng nuôi, trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và nhu cầu của thị trường; qua đó đã khắc phục tình trạng sản xuất mang tính tự cung tự cấp, cụ thể là phần lớn diện tích vườn tạp trong tỉnh đã được cải tạo, từng bước hình thành khá rõ nét các vùng sản xuất như vùng chuyên canh cây ăn trái, cây giống và hoa kiểng tại Chợ Lách; vùng nuôi thủy sản tập trung ở các huyện biển Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú; vùng canh tác dừa, cây màu ở Mỏ Cày, Giồng Trôm. Mô hình làng nghề cây giống, hoa kiểng tại Chợ Lách; mô hình nuôi bò ở Ba Tri được nhiều tổ chức, cá nhân trong ngoài tỉnh đánh giá cao và tổ chức các đoàn đến tham quan, học tập kinh nghiệm;
- Diện tích lúa tiếp tục giảm do người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Tuy diện tích giảm nhưng năng suất tăng 4,6% so cùng kỳ nhờ thời tiết khá thuận lợi, tình hình sâu, bệnh được kiểm soát. Trong năm 2014, tỉnh đã giải ngân chính sách hỗ trợ bảo vệ đất trồng lúa theo Nghị định 42/2012/NĐ-CP của Chính phủ, với số tiền 29,1 tỷ đồng cho 25.840 ha, góp phần giảm bớt khó khăn của người trồng lúa. Mô hình “cánh đồng mẫu” tiếp tục được thực hiện và mang lại hiệu quả, với tổng diện tích đạt 1.712 ha (3 vụ).
- Diện tích rau, đậu các loại được mở rộng do người dân thực hiện chủ trương đưa cây màu xuống đồng ruộng luân canh cây màu theo cơ cấu hai vụ lúa-một vụ màu, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao, diện tích gieo trồng đạt 6.647ha, tăng 100 ha, sản lượng 125.082 tấn, tăng 3,65% so năm 2013.
- Diện tích mía toàn tỉnh hiện còn 3.463 ha, giảm 1.005 ha so cùng kỳ. Nguyên nhân giảm là do dừa trồng xen với mía đã lớn, một số diện tích bị thiệt hại vì nước mặn xâm nhập,...Bên cạnh đó, lực lượng lao động ở nông thôn thiếu và giá mía thấp nên người dân chuyển qua các loại cây trồng khác hiệu quả hơn.
- Diện tích và sản lượng dừa đều tăng qua từng năm, chiếm gần 70% tổng diện tích cây lâu năm toàn tỉnh, với khoảng 65.365 ha, sản lượng ước 510,6 triệu trái. Trong năm, giá dừa khô trái tuy có biến động nhưng vẫn ở mức cao nên đời sống người trồng dừa ổn định, nông dân quan tâm đầu tư thâm canh, mở rộng diện tích. Mô hình nuôi tôm càng xanh trong vườn dừa mang lại hiệu quả tích cực; mô hình “Liên kết sản xuất sơ chế tiêu thụ sản phẩm dừa” tại xã Châu Bình huyện Giồng Trôm được duy trì và đang triển khai nhân rộng tại các huyện Mỏ Cày Nam, Bình Đại, Châu Thành, nhằm góp phần nâng cao thu nhập cho người trồng dừa.
- Diện tích ca cao trồng xen trong vườn dừa giảm, hiện còn khoảng 4.852 ha, trong đó có khoảng 4.000 ha cho trái; mặc dù có biến động về diện tích và giá cả nhưng đây vẫn là mô hình có hiệu quả, góp phần gia tăng thu nhập cho người trồng dừa. Trong năm, đã thành lập 04 câu lạc bộ được chứng nhận UTZ, lũy kế đến nay toàn tỉnh có 80 câu lạc bộ, với 1.489 hộ tham gia, tạo thuận lợi trong tiêu thụ và nâng cao giá bán sản phẩm.
- Cây ăn trái phát triển khá thuận lợi, một số diện tích cây đặc sản có giá trí cao như: bưởi da xanh, chôm chôm, sầu riêng được mở rộng, giá bán tương đối cao nên người làm vườn có thu nhập khá. Các loại bệnh trên cây ăn trái như sâu đục trái bưởi, bệnh chổi rồng trên nhãn,...được xử lý có hiệu quả, góp phần giảm tỷ lệ thiệt hại so với cùng kỳ. Trong năm, có 04 mô hình được chứng nhận VietGap, lũy kế đến nay toàn tỉnh 15 mô hình sản xuất cây ăn trái theo tiêu chuẩn GAP, với diện tích trên 230 ha, đã góp phần đáng kể vào việc nâng cao chất lượng nông sản.
- Chăn nuôi thuận lợi so với năm 2013, giá bán gia súc, gia cầm duy trì ở mức khá cao nên người chăn nuôi có lãi. Đàn bò tiếp tục phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, hiện tỷ lệ bò lai chiếm trên 80% tổng đàn. Mô hình nuôi heo trên đệm lót sinh học được người dân áp dụng và duy trì tại 50 hộ nuôi tại huyện Mỏ Cày Nam, bước đầu đem lại hiệu quả khá tốt, khắc phục được tình trạng ô nhiễm môi trường, mở ra hướng phát triển chăn nuôi bền vững. Chăn nuôi gia cầm tương đối ổn định, nhất là nuôi gà thả vườn được các hộ đầu tư phát triển. Công tác tiêm phòng trên đàn gia súc, gia cầm, kiểm dịch và kiểm soát giết mổ được chú trọng; bệnh cúm gia cầm, lở mồm long móng trên heo có xảy ra nhưng đã được phát hiện và khống chế kịp thời nên thiệt hại không đáng kể.
- Công tác chăm sóc, bảo vệ rừng được duy trì thường xuyên; đã trồng mới 100 ha rừng phòng hộ, đạt 100% kế hoạch. Công tác phòng cháy, chữa cháy được thực hiện khá tốt nên không xảy ra cháy rừng; đã tổ chức 235 lượt kiểm tra, phát hiện và tiến hành xử lý theo quy định 42 vụ vi phạm.
- Diện tích sản xuất muối niên vụ 2013-2014 tăng 10,7% so kế hoạch và bằng so cùng kỳ; mặc dù giá bán muối bình quân khá cao nhưng do ảnh hưởng của mưa trái mùa gây thiệt hại 843 ha với 3.891 tấn muối, làm ảnh hưởng đến thu nhập của diêm dân.
- Nuôi thủy sản tiếp tục phát triển, diện tích và sản lượng đều tăng so kế hoạch và cùng kỳ; các địa phương tập trung triển khai các giải pháp quản lý quy hoạch đối với việc nuôi tôm biển trong vùng ngọt hóa. Tổng diện tích nuôi thuỷ sản ước 47.202 ha, tăng 5,4% so cùng kỳ, trong đó nuôi tôm biển thâm canh, bán thâm canh 6.340 ha, tăng 15,7%. Công tác kiểm dịch tôm giống được tăng cường, chất lượng giống ngày càng tốt hơn, đã góp phần cải thiện đáng kể về tỷ lệ nhiễm bệnh, qua đó diện tích tôm nuôi bị thiệt hại do bệnh giảm 14,2% so cùng kỳ.
Việc giải quyết tình hình nuôi tôm chân trắng ngoài vùng quy hoạch được tập trung thực hiện nhưng tiến độ chậm so kế hoạch đề ra, đến nay đã trám lấp được 1.177 giếng, đạt 69,24%; nguyên nhân do các địa phương, ngành chức năng thực hiện chưa quyết liệt, thiếu nguồn kinh phí để trám lấp đúng quy trình.
Nuôi cá tra thâm canh tiếp tục duy trì, giá bán thấp nên thu nhập của người nuôi không ổn định. Phong trào nuôi cá lồng bè ở các xã ven sông Tiền phát triển khá, chủ yếu nuôi cá điêu hồng. Nuôi nghêu, sò tiếp tục phát triển, trong năm đã xảy ra tình trạng khai thác nghêu giống trái phép tại huyện Thạnh Phú, Bình Đại gây thiệt hại khá lớn, các ngành, các cấp đã tập trung giải quyết, đến nay tình hình đã cơ bản ổn định và đang củng cố tổ chức, xây dựng phương án khôi phục sản xuất. Tổng sản lượng thủy sản nuôi các loại ước 245.300 tấn, đạt kế hoạch và tăng 2,8% so cùng kỳ.
- Hoạt động khai thác thủy sản ổn định, ngư dân bám biển được dài ngày, cùng với việc phát triển mô hình tổ, đội đánh bắt trên biển đã giúp nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả khai thác. Hiện toàn tỉnh có 3.538 tàu đăng ký hoạt động khai thác thủy sản, trong đó 1.755 tàu khai thác xa bờ; công suất bình quân 406 CV/chiếc. Trong năm đã xây dựng được 19 tổ đội hợp tác khai thác trên biển, nâng tổng số đến nay có 124 tổ đội hợp tác, với 996 tàu. Sản lượng khai thác ước đạt 160.006 tấn, tăng 1,3% so cùng kỳ. Hoạt động của các cảng cá tương đối ổn định, lượt tàu lên hàng và sản lượng thủy sản qua cảng đều tăng so cùng kỳ.
* Chương trình xây dựng nông thôn mới: Trong năm 2014, tỉnh đã tăng cường chỉ đạo và tập trung nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới, ưu tiên phân bổ vốn đầu tư cho các xã điểm năm 2014 và 2015. Tập trung thực hiện các tiêu chí quan trọng như: giao thông nông thôn, phát triển sản xuất, môi trường, nhà ở dân cư... để làm tiền đề cho việc thực hiện các tiêu chí còn lại. Đã huy động các nguồn vốn để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu với số tiền 12.778,7 tỷ đồng, trong đó vốn Trung ương 969,3 tỷ đồng, vốn ngân sách tỉnh, huyện, xã 134,9 tỷ đồng, vốn tín dụng 11.300 tỷ đồng, vốn huy động từ DN và các tổ chức kinh tế khác 104,4 tỷ đồng, vốn huy động từ dân 210,89 tỷ đồng, vốn huy động từ nguồn khác 59,165 tỷ đồng. Dự kiến đến cuối năm 2014 các xã Châu Bình, Phú Nhuận, Sơn Định, Hữu Định sẽ được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
2. Sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp
- Tình hình SXCN - TTCN chuyển biến khá tốt, các doanh nghiệp đã tích cực tìm kiếm thị trường mới, cải thiện điều kiện sản xuất, huy động thêm nhiều nguồn lực để phát triển sản xuất. Giá trị SXCN - TTCN ước đạt 7.590 tỷ đồng (theo giá CĐ 94) tăng 19,5% so với năm 2013, trong đó khu vực kinh tế trong nước 4.461 tỷ đồng, tăng 16% và khu vực FDI 3.129 tỷ đồng, tăng 24,8%. Phần lớn sản phẩm chủ yếu đều giữ được tốc độ tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ như: thủy sản đông lạnh tăng 38,4%, sữa dừa tăng 16,3%, chỉ xơ dừa tăng 42%, cơm dừa nạo sấy tăng 24,2%, thức ăn thủy sản tăng 89,4%, thức ăn gia súc tăng 50,1%, giá trị cơ khí tăng 42,2%.... Bên cạnh đó, do khó khăn về nguyên liệu, nguồn hàng gia công, thị trường tiêu thụ... nên một số sản phẩm giảm so với năm 2013 như: đường quy ra đường cát (giảm 6%), thuốc lá điếu (giảm 15,6%). Các làng nghề tiếp tục duy trì hoạt động, góp phần tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người lao động ở nông thôn; toàn tỉnh hiện có 18 làng nghề tiểu thủ công nghiệp, nhưng quy mô sản xuất còn nhỏ, chất lượng sản phẩm chưa được cải thiện rõ nét, thị trường tiêu thụ không ổn định, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp nông thôn.
- Hoạt động sản xuất trong các KCN, CCN ổn định và tăng trưởng khá; giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu và kim ngạch nhập khẩu đều tăng so với cùng kỳ; qua đó góp phần tạo việc làm ổn định cho khoảng 23.000 lao động tại địa phương. Hiện có 39 giấy chứng nhận đầu tư còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký 9.696,34 tỷ đồng (quy đổi), trong đó có 24 dự án đã đi vào hoạt động. KCN Giao Long giai đoạn 1 có 20 dự án, diện tích đất cho thuê 66,6 ha, tỷ lệ lắp đầy đạt 94,99%; KCN Giao Long giai đoạn 2 có 04 dự án, diện tích đất cho thuê 33,39 ha, tỷ lệ lắp đầy đạt 73,35%; KCN An Hiệp có 15 dự án, diện tích đất cho thuê 50,89 ha, tỷ lệ lắp đầy đạt 100%.
- Hạ tầng trong các khu, cụm công nghiệp tiếp tục được đầu tư; đến nay cơ sở hạ tầng KCN Giao Long giai đoạn 1 thực hiện được khoảng 88,63%, KCN Giao Long giai đoạn 2 đạt 55,07%, và KCN An Hiệp đạt 80,12% tổng mức đầu tư. Do khó khăn về vốn nên tiến độ đầu tư hạ tầng KCN Giao Long giai đoạn 2 chậm so với kế hoạch, ảnh hưởng đến tiến độ giao đất cho nhà đầu tư và tiến độ triển khai dự án thứ cấp. CCN Phong Nẫm đã lấp đầy giai đoạn I, đang triển khai mở rộng giai đoạn 2 (40,3 ha); CCN Thị trấn Ba Tri - An Đức (20,568 ha) đã cho thuê 3,8 ha để đầu tư bãi vật liệu và đang làm thủ tục cho thuê 4,7 ha; CCN Phú Hưng (30 ha) đang triển khai lập quy hoạch tiết 1/500. Ngoài ra, đang tiến hành làm thủ tục để thành lập CCN Bình Thới (Bình Đại), CCN An Hòa Tây (Ba Tri), CCN An Nhơn (Thạnh Phú) làm cơ sở kêu gọi đầu tư.
3. Thương mại - dịch vụ
- Hoạt động thương mại nội địa tương đối ổn định, hàng hóa đa dạng, dồi dào, lưu thông thông suốt; các chương trình khuyến mãi, giảm giá, đưa hàng Việt về nông thôn được đẩy mạnh, đảm bảo phục vụ tốt cho nhu cầu mua sắm của người dân. Trong năm đã tổ chức 8 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn thu hút sự tham gia của nhiều doanh nghiệp và người tiêu dùng. Bên cạnh đó, tỉnh đã tổ chức hội chợ Công nghiệp-Thương mại-Làng nghề năm 2014, với hơn 349 gian hàng, với doanh thu đạt trên 10 tỷ đồng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ ước đạt 26.732 tỷ đồng, tăng 13,6% so cùng kỳ.
Hạ tầng thương mại được tiếp tục đầu tư bằng nhiều nguồn vốn; trong năm đã khởi công xây dựng mới 6 chợ, nâng cấp mở rộng 4 chợ với tổng vốn đầu tư là 34,796 tỷ đồng; đã đưa vào sử dụng Siêu Thị Co.op Mart giai đoạn 2 và đang triển khai xây dựng Trung tâm thương mại Ba Tri giai đoạn 1.
Công tác bình ổn thị trường được thực hiện thường xuyên, các hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường được tăng cường đã góp phần bình ổn giá cả thị trường, duy trì được trật tự kinh doanh trên địa bàn. Tuy nhiên, tình trạng kinh doanh hàng giả, hàng lậu, hàng cấm vẫn còn xảy ra nhất là ở nhóm hàng tiêu dùng; qua kiểm tra hơn 955 vụ, phát hiện và xử lý 898 vụ vi phạm với tổng số tiền xử phạt là 5.048 triệu đồng.
Tình hình giá cả thị trường trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả năm ước tăng 4%, trong đó nhóm văn hóa giải trí tăng cao nhất với 9,2%; đồ uống, thuốc lá tăng 9,1%; thuốc dịch vụ y tế tăng 7,7%; thấp nhất là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,2%; riêng nhóm bưu chính viễn thông giảm 1,6%.
- Hoạt động du lịch phát triển khá, cơ sở hạ tầng du lịch ngày càng hoàn thiện; nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, tăng cường cơ sở vật chất, nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của du khách như: khu du lịch Cồn Phụng, trạm dừng chân An Khánh, điểm du lịch Phú An Khang, Đồng Khởi Palace…; riêng điểm du lịch Cồn Bửng (Thạnh Phú) tuy chưa được đầu tư về hạ tầng nhưng lượng khách đến tham quan ngày càng tăng, là điểm du lịch có triển vọng phát triển trong tương lai. Tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công dự án đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch các xã ven sông Tiền huyện Châu Thành. Ước tổng thu du lịch đạt 560 tỷ đồng, tăng 24,9% so cùng kỳ, lượng khách ước đạt 857.000 lượt, tăng 17,6% so cùng kỳ.
- Hoạt động bưu chính viễn thông tiếp tục được duy trì ổn định, đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng của nhân dân. Tính đến nay, toàn tỉnh có 46 bưu cục 3, 104 bưu điện văn hóa xã, 42 đại lý bưu điện đa dịch vụ, 955 trạm BTS, 1.259.379 thuê bao điện thoại di động, 79.497 thuê bao điện thoại cố định, mật độ sử dụng chung 105 máy/100 dân; 40.372 thuê bao Internet, mật độ 23,5 người/100 dân; doanh thu bưu chính, viễn thông đạt 1.071,43 tỷ đồng, tăng 12,1% so cùng kỳ.
- Hoạt động vận tải hàng hoá và hành khách phát triển ổn định, đáp ứng kịp thời nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hoá của nhân dân; công tác phục vụ vận tải của các bến xe, bến phà đảm bảo an toàn, không xảy ra hiện tượng ùn tắc hoặc thiếu phương tiện trong các ngày lễ, tết. Trong năm đã mở mới 8 tuyến liên tỉnh. Khối lượng vận chuyển hàng hoá ước tăng 8,7% và vận chuyển hành khách tăng 3,2% so cùng kỳ.
4. Xuất, nhập khẩu tăng trưởng khá; thị trường xuất khẩu tiếp tục được mở rộng từ 66 nước tăng lên 77 nước, qua đó kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 624,3 triệu USD, tăng 19,7% so cùng kỳ; nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh duy trì tốc độ tăng cao như: than hoạt tính tăng 12,8%, thủy hải sản tăng 11,6%, cơm dừa nạo sấy 74,1%, bộ dây điện ô tô tăng 16,58%; bên cạnh đó, một số mặt hàng xuất khẩu bị suy giảm như than thiêu kết giảm 25%, sữa dừa giảm 2,7%, hàng may mặc giảm 20,2%... Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 258 triệu USD, tăng 5,5% so với năm 2013, chủ yếu là nhập khẩu nguyên phụ liệu may, lưới bảo hộ lao động, nguyên phụ liệu sản xuất dây điện, nguyên liệu dược, dược phẩm...
5. Tài chính, Ngân hàng
- Về tài chính, ước thực hiện thu ngân sách trong năm 1.476,42 tỷ đồng, đạt 105,5% kế hoạch, giảm 6,6% so cùng kỳ, chủ yếu do thực hiện chủ trương giảm thuế giá trị gia tăng đối với các mặt hàng nông - lâm - thủy sản chưa qua chế biến nên nguồn thu ngân sách của tỉnh ước giảm 140,97 tỷ đồng. Điều hành chi ngân sách trên tinh thần tiết kiệm, thận trọng, hiệu quả nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn do nguồn thu không đảm bảo; trước tình hình đó tỉnh đã tập trung khai thác các nguồn thu, nợ đọng thuế, đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương để bù hụt thu, nhằm đảm bảo nhu cầu chi thường xuyên, an sinh xã hội, thanh toán đầu tư phát triển và các khoản chi phát sinh đột xuất khác. Ước tổng chi ngân sách 4.726 tỷ đồng, đạt 105,6% kế hoạch, giảm 4,2% so cùng kỳ.
- Hoạt động ngân hàng ổn định và tăng trưởng tốt, đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất và thực hiện chính sách an sinh xã hội. Tổng nguồn vốn huy động 19.800 tỷ đồng, tăng 10,8%, trong đó huy động tại địa phương 17.600 tỷ đồng, chiếm 88,9% tổng nguồn vốn, tăng 17,9% so đầu năm. Tổng doanh số cho vay 23.500 tỷ đồng, tăng 6,8% so cùng kỳ; tổng dư nợ 15.620 tỷ đồng, tăng 10% so đầu năm; tỷ lệ nợ xấu chiếm 1,8% tăng 0,47% so đầu năm.
Thực hiện Chương trình kết nối giữa ngân hàng với doanh nghiệp, trong năm đã tiếp cận thẩm định 116 doanh nghiệp, trong đó đã cho vay mới 22 DN với tổng số tiền 77,5 tỷ đồng, 11 DN nâng hạn mức cấp thêm 52,7 tỷ đồng, giảm lãi suất cho 10 DN với tổng dư nợ giảm lãi suất 84 tỷ đồng; 14 DN đang trong quá trình xử lý, 29 DN không đủ điều kiệm cho vay, 30 DN chưa có nhu cầu. Hiện các ngân hàng đang khảo sát, tiếp cận các doanh nghiệp còn lại trên địa bàn.
6. Huy động vốn cho đầu tư phát triển:
Huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển đạt khá; ước tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2014 đạt 12.603 tỷ đồng, tăng 5,2% so năm 2013. Riêng về các nguồn vốn đầu tư XDCB từ ngân sách nhà nước tuy còn khó khăn nhưng nhờ sự hỗ trợ của Trung ương, sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh và sự nỗ lực của các ngành, các cấp đã kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nên tiến độ thực hiện và giải ngân đạt kế hoạch đề ra. Dự kiến đến cuối năm 2014 có 45% số dự án, công trình được bố trí kế hoạch vốn hoàn thành đưa vào sử dụng. Việc bố trí cơ cấu đầu tư công được đảm bảo theo Chỉ thị 1792/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát được tăng cường, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nguồn vốn xây dựng cơ bản từ ngân sách nhà nước.
7. Công tác xúc tiến và thu hút đầu tư:
- Công tác xúc tiến đầu tư tiếp tục chuyển biến tích cực; đã tổ chức và tham gia 05 hội thảo xúc tiến đầu tư; tiếp và làm việc 198 đoàn đầu tư trong và ngoài nước đến trao đổi về hợp tác đầu tư, trong đó có 77 đoàn đầu tư nước ngoài đến từ các quốc gia như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonexia, Úc, Mỹ, Anh, Thụy Sĩ, Đức..., qua đó có 6 dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư.
- Thu hút đầu tư đạt kết quả khá, từ đầu năm đến nay đã cấp mới 06 Giấy chứng nhận đầu tư FDI, với tổng vốn đăng ký là 48,075 triệu USD; dự kiến đến cuối năm có thêm 01 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, với tổng vốn đăng ký 30 triệu USD; ngoài ra đã cấp lại và cấp điều chỉnh cho 8 dự án; ước thực hiện khỏang 49,2 triệu USD, tăng 51% so cùng kỳ. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 47 dự án FDI, với số vốn đăng ký 405,4 triệu USD. Đối với đầu tư trong nước, đã cấp mới Giấy chứng nhận đầu tư cho 09 dự án, vốn đăng ký 2.575,2 tỷ đồng; cấp điều chỉnh cho 07 dự án; dự kiến đến cuối năm sẽ thu hút thêm 5 dự án với vốn đăng ký 137,87 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 98 dự án còn hiệu lực, với số vốn 10.294,6 tỷ đồng. Bên canh đó, có 04 dự án phải thu hồi chủ trương đầu tư và 5 dự án thu hồi giấy chứng nhận đầu tư do chậm triển khai, không còn khả năng đầu tư.
8. Phát triển kết cấu hạ tầng
- Hệ thống giao thông tiếp tục được ưu tiên đầu tư tạo thuận lợi trong vận chuyển hàng hóa và nhu cầu đi lại của nhân dân, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong năm 2014 đã hoàn thành đưa vào sử dụng một số công trình trọng điểm như: 10 cầu trên ĐT 883, cầu Chợ Lách, tuyến tránh Thị trấn Chợ Lách, cầu Ván (QL 57), ĐT 886, cầu Bà Hiền; tiếp tục thi công một số công trình trọng điểm như đường từ Cảng Giao Long đến đường Nguyễn Thị Định, đường huyện 173 (từ K20-cầu Thầy Thông), đường ô tô đến trung tâm các xã An Điền - Thạnh Hải - Mỹ An, cầu Phong Nẫm, 6 cầu trên ĐT 884 và 2 cầu trên ĐH 175; đồng thời phối hợp với Bộ Giao thông vận tải đẩy nhanh tiến độ thi công cầu Cổ Chiên. Công tác duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa cầu, đường được quan tâm thực hiện. Bên cạnh đó, các địa phương đã huy động các nguồn lực để xây dựng giao thông nông thôn; toàn tỉnh đã xây mới 1.007km đường giao thông các loại, xây dựng mới 605 cầu/7.890md với tổng kinh phí khoảng 456,88 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 91,61 tỷ đồng.
- Thuỷ lợi: Trong năm, đã hoàn thành đưa vào sử dụng 04 công trình đê bao và 02 cống ngăn mặn; nạo vét 74 tuyến kênh (Giồng Trôm, Bình Đại, Châu Thành) với tổng chiều dài 101,8 km; chuẩn bị nghiệm thu cống điều tiết nước xã Tân Trung (Mỏ Cày Nam); tiếp tục thi công cống Sa Kê, Giồng Keo (Mỏ Cày Bắc) và các hạng mục thuộc dự án thủy lợi Bắc Bến Tre (giai đoạn 1); triển khai các dự án hạ tầng phục vụ nuôi trồng thuỷ sản 03 huyện Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú …
- Tình hình cấp điện năm 2014 tương đối ổn định, đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt; hạ tầng điện được tăng cường đầu tư, đã cải tạo và phát triển mới 47,928km đường dây và trạm 110kv; sửa chữa 95,32km đường dây trung áp, 47,9km dường dây hạ áp… Sản lượng điện thương phẩm ước đạt 922 triệu kWh, tăng 13,26% so cùng kỳ; trong đó điện phục vụ công nghiệp - xây dựng đạt 331,83 triệu kWh, chiếm 36% điện thương phẩm. Sản lượng điện tiết kiệm ước đạt 21,29 triệu kWh, đạt 2,26% điện thương phẩm. Tỷ lệ hộ dân sử dụng điện trên toàn tỉnh ước đạt khoảng 99,65%.
- Cấp nước sạch nông thôn được chú trọng; đã hoàn thành đưa vào sử dụng Nhà máy nước Hưng Nhượng, hoàn thành xây dựng Nhà máy nước Châu Bình; triển khai thi công nâng cấp, mở rộng Nhà máy nước Thạnh Phú (giai đoạn 2) đạt 40% khối lượng; thực hiện đấu nối cấp nước cho các hộ dân để khai thác tốt công suất đầu tư các nhà máy và đáp ứng nhu cầu nhân dân. Đồng thời, đang kêu gọi đầu tư xây dựng Nhà máy nước Thạnh Phước, huyện Bình Đại. Ứớc tỷ lệ hộ nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh ước đạt 84%, trong đó hộ sử dụng nước sạch khoảng 39%.
- Công tác phát triển đô thị tiếp tục được chú trọng, đã phê duyệt quy hoạch chung xây dựng thị trấn Mỏ Cày, huyện Mỏ Cày Nam; quy hoạch xây dựng vùng huyện Châu Thành; quy hoạch cấp nước vùng tỉnh. Cùng với nguồn vốn đầu tư từ ngân sách, các địa phương đã huy động các nguồn vốn khác để đầu tư xây dựng, chỉnh trang đô thị. Dự kiến cuối năm 2014, thành phố Bến Tre tăng thêm 2 tiêu chí theo chuẩn đô thị loại II, nâng tổng số đạt 36/49 tiêu chí; thị trấn Bình Đại tăng thêm 04 tiêu chí, đạt 44/49 tiêu chí; thị trấn Ba Tri tăng thêm 06 tiêu chí, đạt 42/49, thị trấn Mỏ Cày ổn định 36/49 tiêu chí theo chuẩn đô thị loại IV.
9. Phát triển kinh tế nhiều thành phần
- Sắp xếp doanh nghiệp nhà nước được thực hiện đúng kế hoạch đã đề ra dự kiến sẽ hoàn thành cổ phần hoá Công ty TNHH 1TV công trình Đô thị Bến Tre và đi vào hoạt động vào đầu năm 2015; đồng thời chuẩn bị các điều kiện để triển khai phương án cổ phần Công ty TNHH 1TV Cấp thoát nước Bến Tre trong năm 2015.
- Kinh tế hợp tác được các ngành, các cấp quan tâm thực hiện; các chính sách, pháp luật, Luật HTX năm 2012 đã được triển khai đến cơ sở. Một số đơn vị kinh tế hợp tác đã phát huy tốt nội lực để duy trì và phát triển, góp phần tạo công ăn việc làm, cải thiện đời sống cho lao động nông thôn. Thông qua hoạt động của các mô hình hợp tác đã giúp nông dân đoàn kết, hỗ trợ vươn lên thoát nghèo, nâng chất hộ gia đình văn hóa và chung tay xây dựng xã nông thôn mới. Trong năm phát triển mới 02 tổ hợp tác và 03 HTX, nâng tổng số toàn tỉnh hiện có có 1.916 tổ/nhóm hợp tác đang hoạt động, với khoảng 20.905 thành viên và trên 13.000 lao động; 88 HTX hoạt động trên các lĩnh vực, với 26.577 thành viên, 6.339 lao động, tổng vốn điều lệ khoảng 134,4 tỷ đồng. Song song với việc phát triển mới, dự kiến giải thể bắt buộc 8 HTX, nguyên nhân, là do làm ăn kém hiệu quả, ngưng hoạt động trong thời gian dài, không còn khả năng củng cố.
- Kinh tế trang trại tiếp tục phát triển theo quy mô, trong năm có 21 trang trại nuôi heo được cấp giấy chứng nhận trang trại theo tiêu chí mới; nâng tổng số trang trại trong toàn tỉnh lên 118 trang trại, gồm 115 trang trại chăn nuôi heo, 02 trang trại chăn nuôi gà và 01 trang trại chăn nuôi chim cút.
- Phát triển doanh nghiệp dân doanh: hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh từng bước đi vào ổn định. Số doanh nghiệp đăng ký mới tăng khá, trong năm, đã thành lập mới 216 doanh nghiệp, với số vốn đăng ký đạt 454 tỷ đồng, so cùng kỳ tăng 43% về số doanh nghiêp và 22% về vốn đăng ký; lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 2.574 doanh nghiệp, vốn đăng ký 10.334 tỷ đồng. Tuy nhiên số doanh nghiệp giải thể, tạm ngưng hoạt động và bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp còn nhiều, với 33 doanh nghiệp và 30 đơn vị trực thuộc làm thủ tục giải thể; 74 doanh nghiệp và 3 chi nhánh thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; 38 doanh nghiệp và 9 đơn vị trực thuộc tạm ngừng kinh doanh.
- Công tác hỗ trợ doanh nghiệp được chú trọng. Trong năm, đã thực hiện nghiêm các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đối với doanh nghiệp về giảm lãi suất cho vay, miễn, giảm thuế; hỗ trợ cho 03 doanh nghiệp đổi mới thiết bị, công nghệ; xây dựng 01 chuyên mục “Pháp luật và Đời sống” để tuyên truyền các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đã được duyệt.
- Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục phát triển khá mạnh, góp phần lớn trong tăng trưởng của ngành công nghiệp; ước doanh thu xuất khẩu cả năm 2014 là 435 triệu USD đạt 120,8% kết hoạch và tăng 16% so cùng kỳ. Hiện toàn tỉnh có 48 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 435,44 triệu USD và tổng số lao động là 23.182 người.
10. Tài nguyên và Môi trường:
- Công tác quản lý sử dụng đất đai có nhiều chuyển biến, đảm bảo giải quyết các thủ tục hành chính theo đúng quy định. Đã hoàn thành công tác triển khai Luật Đất đai năm 2013 đến cơ sở; ban hành 167 quyết định hành chính liên quan đến công tác giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, gia hạn sử dụng đất, với tổng diện tích 335ha và 100 quyết định giao đất cho Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã với diện tích 248,72 ha. Ước đến cuối năm cấp 3.334 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, đạt 96% diện tích đất cần phải cấp giấy. Tuy nhiên, tỉ lệ cấp giấy cho tổ chức đạt thấp (60,98%); công tác xác lập pháp lý quỹ đất nhà nước còn chậm do một số địa phương chưa quan tâm đến công tác rà soát, lập thủ tục pháp lý, đề xuất hướng xử lý đối với các thửa đất quản lý trên địa bàn.
- Công tác quản lý tài nguyên, môi trường tiếp tục được chú trọng, đã triển khai công tác kiểm tra tình hình thực hiện quy hoạch khai thác cát (điều chỉnh); tổ chức nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra liên ngành về chấp hành quy định trong khai thác cát sông, qua đó xử lý 94 cá nhân vi phạm, với tổng số tiền 779 triệu đồng; tổ chức kiểm tra việc chuyển nhượng, khai thác tại các mỏ cát, hoạt động nạo vét luồng phà của các đơn vị được cấp phép. Dự kiến đến cuối năm 2014 sẽ đóng cửa 3 mỏ cát có dòng chảy ảnh hưởng giao thông, không cấp phép đối với 2 mỏ cát đã thăm dò và điều chỉnh giảm diện tích của 3 mỏ cát; tổ chức thả phao 2 điểm trên Sông Cổ chiên và Hàm Luông theo Nghị quyết 08/2014/NQ-HĐND của HĐND tỉnh. Công tác quản lý môi trường được tăng cường, đã tổ chức kiểm tra tình hình nhập khẩu sử dụng phế liệu; tình hình thu gom, xử lý dầu vón cục trên bãi biển, xử lý khí gaz trong lòng đất phun trào ra môi trường ở xã Thạnh Ph1u Đông; kiểm tra 24 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ về công tác bảo vệ môi trường; tiến hành cấp 14 sổ chủ nguồn thải chất thải nguy hại.
- Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về ứng phó với BĐKH được duy trì thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng; đồng thời đẩy nhanh tiến độ tiến hành triển khai các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Trong năm, đã hoàn thành đưa vào sử dụng công trình đê bao ngăn lũ và phòng chống xâm nhập mặn xã Sơn Định, huyện Chợ Lách và công trình cơ sở hạ tầng phục vụ bố trí sắp xếp dân cư vùng kinh tế mới Cồn Nhàn-Cồn Ngoài xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri; đang tiếp tục thi công dự án Gia cố, nâng cấp hệ thống đê bao ngăn mặn xã Phú Long, dự án đê bao cục bộ từ Hòa Lợi đến Mỹ Hưng huyện Thạnh Phú và dự án nâng cấp tuyến đê từ cống Vàm Hồ đến cống Mười cửa, xã Tân Xuân, huyện Ba Tri.
II. Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội
1. Giáo dục đào tạo: Tỉnh đã chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc Chương trình hành động số 33-CTr/TU của Tỉnh ủy về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng (khóa XI). Chất lượng giáo dục và đào tạo tiếp tục được củng cố và nâng lên, tỷ lệ học sinh khá, giỏi các cấp học và tỷ lệ học sinh được học tin học, ngoại ngữ tăng so với năm học trước; tỷ lệ học sinh bỏ học ở cấp tiểu học và THCS giảm; tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT rất cao chiếm 99,69% (14/32 THPT trường đỗ tốt nghiệp 100%). Trong kỳ thi học sinh giỏi lớp 12 cấp quốc gia năm học 2013-2014, Bến Tre đạt 22 giải, tiếp tục dẫn đầu các tỉnh ĐBSCL. Số học sinh trúng tuyển nguyện vọng 1 tăng 647 lượt so với cùng kỳ, trong đó có 08 học sinh được tuyển thẳng vào đại học, 01 học sinh được tuyển thẳng vào cao đẳng; 01 học sinh đạt thủ khoa Trường Đại học Y Dược Cần Thơ.
Công tác phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở tiếp tục được duy trì ở tất cả các địa phương trong tỉnh, hiện có 152 xã, phường, thị trấn và 05 huyện/thành phố đạt chuẩn PCGD mầm non cho trẻ em 5 tuổi; 100% đơn vị cấp xã và 8/9 huyện, thành phố đạt chuẩn PCGD tiểu học đúng độ tuổi mức độ 1; 87 đơn vị cấp xã và 01 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn mức độ 2; 100% xã, phường, thị trấn, huyện, thành phố đạt chuẩn PCGD THCS; 87 xã, phường, thị trấn và thành phố Bến Tre đạt chuẩn PCGD trung học.
Công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia tiếp tục được quan tâm; trong năm đã có thêm 3 trường mần non, 11 trường tiểu học, 5 trường THCS và 2 trường PTTH được công nhận. Lũy kế đến cuối năm 2014, tòan tỉnh có 155 trường đạt chuẩn quốc gia.
Chuẩn bị năm học mới 2014-2015, tỉnh đã đầu tư cho hơn 144 tỷ để xây mới 16 phòng, sửa chữa và nâng cấp trên 485 phòng học và đầu tư mua sắm trang thiết bị dạy học. Bên cạnh đó, bằng nguồn vốn Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ giáo viên giai đoạn 2008-2012, tỉnh đã hoàn thành 1.707/2.439 phòng, đạt 69%; nhà công vụ giáo viên hoàn thành 4.628/5.232 m².
Đề án Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được tập trung thực hiện, cơ bản đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra; chất lượng nguồn nhân lực từng bước được nâng lên. Kết quả qua 3 năm triển khai, đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho 79.554 người, đạt 97,1% so với đề án được phê duyệt.
2. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân:
Công tác phòng, chống dịch bệnh và chăm sóc sức khoẻ nhân dân được thực hiện có hiệu quả, thường xuyên giám sát dịch tễ, phát hiện sớm những ca bệnh và ngăn chặn kịp thời, số bệnh truyền nhiễm giảm đáng kể so với cùng kỳ. Tính đến thời điểm 8/10/2014, đã ghi nhận 542 ca sốt xuất huyết, giảm 45,2%; 02 ca sốt rét, giảm 86,7%; riêng hội chứng tay chân miệng xảy ra 2.764 ca, tăng 2,06%. Ghi nhận mới 222 ca nhiễm HIV, 98 ca chuyển sang AIDS, 54 ca tử vong; cộng dồn từ 1993 đến nay có 942 ca tử vong. Tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi tiêm đầy đủ 8 loại vaccin đạt trên 90% so kế hoạch, tăng 1,37% so cùng kỳ.
Công tác khám và điều trị bệnh tại các bệnh viện được quan tâm thực hiện tốt, tinh thần thái độ phục vụ bệnh nhân và chất lượng khám chữa bệnh được nâng lên. Đến nay công suất sử dụng giường bệnh đạt 89,11%; tỉ lệ xã có bác sĩ đạt 98,78%.
Công tác vận động nhân dân tham gia BHYT được thực hiện đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở, kết quả đạt 65% dân số, trong đó tỷ lệ tham gia BHYT tự nguyện chỉ đạt 13,5% dân số chủ yếu do nhận thức của người dân về BHYT chưa được đầy đủ, tâm lý chỉ tham gia BHYT khi có bệnh, thu nhập của một bộ phận người dân còn thấp, thái độ phục vụ của một số y, bác sĩ chưa tốt, thủ tục khám chữa bệnh còn rườm rà.... Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm được quan tâm thực hiện thường xuyên, nghiêm túc, đến thời điểm hiện nay chỉ có 01 người bị ngộ độc thực phẩm, không có tử vong, giảm 172 người mắc so cùng kỳ.
Mạng lưới y tế tiếp tục phát triển rộng khắp từ tỉnh đến cơ sở, góp phần thực hiện các tiêu chí xã/phường/thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế; dự kiến đến cuối năm 2014 có 35 xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế. Công tác đầu tư xây dựng bệnh viện các tuyến được tập trung thực hiện, tiến độ thi công một số công trình tương đối tốt như: Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS, Khoa Nội A BV NĐC, Khu điều dưỡng cán bộ BV YHCT...; đã hoàn thành đưa vào sử dụng 25 trạm y tế xã. Dự án bệnh viện đa khoa tỉnh sử dụng vốn ODA Hàn Quốc đang được hoàn chỉnh để trình Trung ương xem xét đàm phán với nhà tài trợ trong niên độ kế hoạch 2015.
3. Văn hóa - thể dục thể thao: Tập trung triển khai thực hiện Chương trình hành động số 36-CTr/TU của Tỉnh uỷ về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Các hoạt động văn hóa, thông tin và truyền thông được tổ chức sôi nổi, phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị, các ngày lễ lớn của tỉnh và của cả nước, tạo không khí vui tươi phấn khởi trong nhân dân. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục phát triển theo hướng lồng ghép với các tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới. Trong năm, đã công nhận mới 08 xã đạt chuẩn văn hóa, nâng tổng số toàn tỉnh hiện có 163/164 xã, phường, thị trấn và 01 huyện văn hóa.
Công tác trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn cũng được chú trọng, đã công nhận mới 04 di tích cấp tỉnh, nâng tổng số di tích cấp tỉnh hiện có lên 19 di tích và có 15 di tích cấp quốc gia. Bên cạnh đó, các công trình văn hóa, thể thao trọng điểm được tập trung đẩy nhanh tiến độ, đã hoàn thành đưa vào công trình Sân vận động tỉnh (giai đoạn 1); triển khai xây dựng khối hội trường 500 chỗ - công trình Nhà văn hóa Trung tâm tỉnh và công trình tượng đài chiến thắng Lộ Thơ; hoàn thành hồ sơ báo cáo kinh tế kỹ thuật công trình phục chế, nâng cấp Lăng Ông Nam Hải (tổng mức đầu tư hơn 14,9 tỷ đồng); hoàn thành gói thầu san lấp mặt bằng công trình Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển (giai đoạn 1) và tổ chức đấu thầu gói thầu xây lắp hạng mục hàng rào, sân đường nội bộ (gói thầu số 3);
Đề án huyện, thành phố văn hóa được thực hiện đúng tiến độ, trong năm thành phố Bến Tre thực hiện đạt 7/13 tiêu chí, lũy kế đến nay đạt 42/55 tiêu chí (76,56%); huyện Mỏ Cày Bắc thực hiện đạt 4/8 tiêu chí, lũy kế đến nay đạt 41/57 tiêu chí (71,92%); huyện Chợ Lách thực hiện đạt 3/3 tiêu chí, lũy kế đến nay đạt 55/86 tiêu chí (63,95%).
Phong trào thể dục thể thao ở các đơn vị, địa phương tiếp tục duy trì và phát triển. Số nguời tham gia tập luyện TDTT thường xuyên đạt 33%, gia đình thể thao đạt 31%. Trong năm, đã tổ chức thành công vòng chung kết Đại hội TDTT tỉnh Bến Tre lần thứ VII năm 2014, phối hợp tổ chức giải xe dạp nam tòan quốc tranh cúp Truyền hình Bến Tre lần thứ XVI, giải bóng chuyền nam, nữ các đội mạnh phía nam tranh cúp Sanatech-Bến Tre; đồng thời đã cử các đội tuyển tham gia các giải đấu khu vực, toàn quốc và quốc tế đạt nhiều kết quả, với hơn 200 huy chương (trong đó có 45 huy chương vàng)..
Các chương trình phát thanh truyền hình tiếp tục cải tiến nội dung và chất lượng, đảm bảo phản ánh đầy đủ, kịp thời các sự kiện thời sự chính trị, an ninh quốc phòng, những kết quả kinh tế - xã hội của địa phương,…Đã hoàn thành việc phát sóng kênh truyền hình Bến Tre trên vệ tinh Vinasat, góp phần nâng chất lượng âm thanh, hình ảnh phục vụ được tốt hơn.
4. Lao động - Thương binh và Xã hội:
Công tác quản lý lao động, tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm có nhiều chuyển biến. Các chính sách hỗ trợ giới thiệu việc làm, dạy nghề, hỗ trợ vay vốn xuất khẩu lao động được thực hiện đồng bộ. Từ đầu năm đến nay, đã tư vấn việc làm, nghề nghiệp cho 49.057 lượt người; giải quyết việc làm 23.713 người, đạt 103,1% kế hoạch, trong đó xuất khẩu lao động 516 người, tăng 35,4% so cùng kỳ. Các cơ sở dạy nghề tuyển sinh và đào tạo nghề 8.950 người, qua đó, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 48,72%; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề lên 19,87%.
Công tác chăm lo đời sống đối tượng chính sách được thực hiện kịp thời, đúng đối tượng. Giải quyết trợ cấp mới 13.043 trường hợp ưu đãi cho các đối tượng có công với cách mạng; thăm hỏi, tặng trên 69.000 suất quà cho gia đình chính sách trong dịp lễ 27/7, kinh phí trên 14 tỷ đồng; xây dựng mới và sửa chữa 718 căn nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách khó khăn về nhà ở, kinh phí 35,4 tỷ đồng; trong đó xây dựng theo Quyết định 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là 390 căn, sửa chữa 36 căn, kinh phí 20,4 tỷ đồng; Qũy Đền ơn đáp nghĩa vận động xây dựng 292 căn, kinh phí 15 tỷ đồng.
Việc cấp thể bảo hiểm cho người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi được quan tâm thực hiện, trong năm đã mua BHYT cho người nghèo và người cận nghèo theo Quyết định 705 và 797/QĐ-TTg, với kinh phí 81,39 tỷ đồng; mua bảo hiểm y tế 115.499 trẻ em dưới 6 tuổi, tỷ lệ đạt 99,6%.
Công tác giảm nghèo được quan tâm thực hiện với nhiều giải pháp thiết thực, giúp người nghèo ổn định cuộc sống và từng bước vươn lên thoát nghèo hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho 23.274 lượt hộ, với tổng số tiền 309,74 tỷ đồng; hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo và người nghèo tại 16 xã bãi ngang ven biển, kinh phí 12,9 tỷ đồng; xây dựng 992 nhà tình thương cho hộ nghèo, kinh phí 34,1 tỷ đồng… Đang triển khai bình nghị hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2014, kết quả điều tra ban đầu dự kiến giảm còn 7%.
Công tác xã hội hóa trên lĩnh vực Đền ơn đáp nghĩa, công tác giảm nghèo, trợ giúp xã hội được duy trì và phát triển, trong đó: Qũy Đền ơn đáp nghĩa đã vận động được 19,08 tỷ đồng; Qũy Vì người nghèo vận động được 16 tỷ đồng; Qũy Bảo trợ trẻ em vận động trên 1,3 tỷ đồng; các sở, ngành, đoàn thể, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các tổ chức Hội vận động 219,7 tỷ đồng để thực hiện các hoạt động khám bệnh, hỗ trợ học bổng, học phẩm, nhà ở… hỗ trợ cho người nghèo, trẻ em, người có hoàn cảnh khó khăn.
5. Khoa học và công nghệ: Hoạt động nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ vào trong sản xuất được tăng cường, đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, thuỷ sản; nhiều mô hình mới được nghiên cứu và ứng dụng, góp phần đa dạng hoá sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân như: trồng màu trong nhà lưới, nuôi gà Đông Tảo, nuôi heo trên đệm lót sinh học, nuôi tôm càng xanh trong mương vườn từ con giống nhân tạo, đặc biệt là các mô hình bò lai các giống Brahman, Red Angus, Sind đã trở thành thương hiệu nổi tiếng cho đàn bò Ba Tri; nghiên cứu chiết tách dầu dừa nguyên sinh để ứng dụng trong y dược, mở ra hướng mới về đa dạng hoá và nâng cao chất lượng sản phẩm từ cây dừa; xây dựng mô hình trồng giống mía mới thâm canh trên vùng đất phèn, mặn.... Ngoài ra, trong năm ngành đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 250 cơ sở kinh doanh về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, nhãn hàng hóa và sở hữu công nghiệp; kết quả đã phát hiện và xử lý 32 cơ sở vi phạm với tổng số tiền xử phạt 261,61 triệu đồng. Nghiệm thu và đưa vào sử dụng dự án Tăng cường năng lực hoạt động của Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng; tiến độ dự án Khu ứng dụng công nghệ sinh học Cái Mơn được thực hiện tốt, ước khối lượng đạt hơn 30%.
(Nguồn: www.bentre.gov.vn)