Năm 2014, tình hình thế giới diễn biến rất phức tạp, kinh tế thế giới phục hồi chậm, xung đột xảy ra ở nhiều nơi, đặc biệt là tình hình căng thẳng trên Biển Đông. Trong nước, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế có bước phục hồi nhưng môi trường kinh doanh và năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Đối với tỉnh ta, ngoài ảnh hưởng của tình hình trên còn chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai: Hạn hán xảy ra cục bộ tại một số địa phương vào đầu năm, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp tuy có nhiều nỗ lực cố gắng nhưng vẫn gặp khó khăn do thiếu vốn, thiếu nguyên liệu, hàng hóa tiêu thụ chưa cao, tăng trưởng chậm. Trước tình hình đó, UBND tỉnh cùng các ngành, các cấp đã tập trung chỉ đạo triển khai tổ chức thực hiện các chủ trương của Chính phủ, Nghị quyết của HĐND tỉnh và đề ra các nhiệm vụ, giải pháp điều hành phù hợp. Dự ước kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu năm 2014 như sau:
1. Tổng sản phẩm địa phương (GRDP) cả năm ước tăng 9,34% (kế hoạch 9-9,5%).
Trong đó, giá trị tăng thêm của các ngành:
+ Nông, lâm, thuỷ sản tăng 7,06% (kế hoạch 3,6%).
+ Công nghiệp, xây dựng tăng 10,78% (kế hoạch -9,6%).
+ Dịch vụ tăng 10,01% (kế hoạch 12,4%).
2. Tỷ trọng nông, lâm, thủy sản - công nghiệp và xây dựng - dịch vụ trong GRDP năm 2014 đạt: 29,01% - 29,38% - 41,61% (kế hoạch 28%- 32% - 40%).
3. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,08% (kế hoạch 8,5%).
4. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 618,4 triệu USD (kế hoạch 675 triệu USD).
5. Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn tỉnh ước đạt 22.942 tỷ đồng, chiếm 42,2% GRDP (kế hoạch 23.300 tỷ đồng, chiếm 39,5% GRDP).
6. Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh ước đạt 4.941,7 tỷ đồng (kế hoạch 4.557 tỷ đồng), tăng 8,4% dự toán năm và tăng 2% so với năm 2013; trong đó thu nội địa 3.907,3 tỷ đồng (kế hoạch 3.515 tỷ đồng), tăng 11,2% dự toán năm và tăng 3,2% so với năm 2013.
7. Tỷ suất sinh giảm 0,5%o (kế hoạch giảm 0,3%o).
8. Tạo chỗ việc làm mới cho 26.360 lao động (kế hoạch 24.500 lao động).
9. Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề, bồi dưỡng nghề đạt 44% (kế hoạch 44%).
10. Tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 8,05% (kế hoạch 7,94%).
11. Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 66,5% (kế hoạch giao 68%)
12. Tỷ lệ trạm y tế có bác sỹ đạt 97,48% (kế hoạch trên 96%).
13. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng 13% (kế hoạch dưới 14%).
14. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 49,3% (kế hoạch 49,2%).
15. Tỷ lệ dân cư đô thị sử dụng nước sạch 70% (kế hoạch 70%).
16. Tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước sạch và hợp vệ sinh 93% (kế hoạch 92%).
Như vậy, với sự nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và các doanh nghiệp trong tỉnh, trong năm 2014 đã thực hiện đảm bảo phần lớn các mục tiêu Nghị quyết của Chính phủ, Nghị quyết của Tỉnh uỷ và Nghị quyết HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2014 đã đề ra, duy trì được tốc độ tăng trưởng nền kinh tế ở mức hợp lý và đạt kế hoạch đề ra, an sinh xã hội được bảo đảm, quốc phòng an ninh được củng cố, đời sống nhân dân cơ bản ổn định, hiệu quả hoạt động chính quyền được nâng lên.
I. TÌNH HÌNH VÀ KẾT QUẢ THỰC HIỆN TRÊN CÁC LĨNH VỰC PHÁT TRIỂN KINH TẾ.
1. Về sản xuất nông, lâm, thủy sản, quản lý tài nguyên, môi trường
Sản xuất nông lâm thủy sản năm nay được mùa, tăng trưởng của toàn ngành cao nhất từ trước đến nay. Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản năm 2014 (giá so sánh 1994) ước đạt 6.188 tỷ đồng, tăng 6,9% so với năm 2013 (trong đó: Nông nghiệp 3.957 tỷ đồng, tăng 6,9%; lâm nghiệp 364 tỷ đồng, tăng 14,7%; thủy sản 1.867 tỷ đồng, tăng 5,7%).
Về trồng trọt: giá trị sản xuất ước đạt 2.150 tỷ đồng, tăng 8,6% so với năm 2013. Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm ước đạt 161.891 ha, tăng 0,9% so với năm 2013 (trong đó: Diện tích lúa cả 3 vụ ước đạt 106.294 ha, tăng 3,7% ha, năng suất bình quân ước đạt 61,1 tạ/ha, là năng suất cao nhất từ trước đến nay, tăng 3,2% so với năm 2013). Diện tích cây trồng cạn năm nay giảm hơn so với năm 2013 (Cây ngô 8.337 ha, giảm 0,7%; cây sắn ước đạt 13.724 ha, giảm 0,8%; cây lạc 8.440 ha, giảm 17,5%; cây vừng 2.066 ha, giảm 22,1%; đậu các loại 1.724 ha, giảm 18,2%).
Về chăn nuôi: giá trị sản xuất ước đạt 1.708 tỷ đồng, tăng 5,2% so với năm 2013. Công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, kiểm dịch động vật tiếp tục được tăng cường, không để xảy ra dịch bệnh lớn. Qua kết quả điều tra, tổng đàn bò, đàn heo tăng, đàn gia cầm giảm do giá thức ăn chăn nuôi tăng, giá sản phẩm hạ (kết quả điều tra chăn nuôi tại thời điểm ngày 01/10/2014, đàn trâu 21.447 con, tăng 2,2%; đàn bò 252.441 con, tăng 2,3%; đàn lợn 755.931 con (không tính lợn sữa), tăng 5,6%; đàn gia cầm 6,713 triệu con, tăng 1,8% so với thời điểm 01/10/2013).
Về lâm nghiệp: diện tích rừng trồng mới ước đạt 8.500ha, tăng 2,3% so với năm 2013; đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các dự án trồng rừng, khoán quản lý bảo vệ rừng 103.908 ha, tăng 2,2% so với cùng kỳ; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng tự nhiên 9.236 ha. Công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng được tiếp tục tăng cường.
Về thủy sản: Giá trị sản xuất thủy sản năm 2014 (theo giá so sánh 1994) ước đạt 1.867 tỷ đồng, tăng 5,7%. Sản lượng khai thác và nuôi trồng thuỷ sản ước đạt 199.667 tấn, tăng 6,3% so với năm 2013, trong đó, sản lượng khai thác ước đạt 190.605 tấn, tăng 6,4%. Tiếp tục thực hiện Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ đánh bắt trên các vùng biển xa nên bà con ngư dân yên tâm bám biển, bám ngư trường. Từ đầu năm đến nay đã tiếp nhận 5.998 hồ sơ, bao gồm 5.519 hồ sơ hỗ trợ nhiên liệu, 275 hồ sơ hỗ trợ máy HF, 204 hồ sơ hỗ trợ bảo hiểm; đã thẩm định 4.263 hồ sơ đạt yêu cầu, đã phê duyệt 2.474 hồ sơ với số tiền hỗ trợ 159 tỷ đồng.
Công tác xây dựng nông thôn mới đang được tích cực đẩy nhanh tiến độ thực hiện, Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh; đã tổ chức Hội thảo nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới và quán triệt các chủ trương, chính sách về xây dựng nông thôn mới cho cán bộ, công chức của các xã trên địa bàn tỉnh; tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cơ bản về xây dựng nông thôn mới cho cán bộ cơ sở tại các xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới, tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm cho cán bộ thường trực ban chỉ đạo, cán bộ chuyên trách 11 huyện, thị, thành phố. Kết quả điều tra 122 xã xây dựng nông thôn mới đã đạt các chỉ tiêu như sau:
- Số xã đạt từ 15-18 tiêu chí: 20 xã, chiếm 16,4% (tăng 05 xã so với năm 2010).
- Số xã đạt từ 10-14 tiêu chí: 55 xã, chiếm 45,1% (tăng 48 xã so với năm 2010).
- Số xã đạt từ 5-9 tiêu chí: 36 xã, chiếm 29,5% (giảm 6 xã so với năm 2010).
- Số xã đạt từ 1 đến 5 tiêu chí: 4 xã, chiếm 3,3% (giảm 47 xã so với năm 2010). Bình quân đạt 11,4 tiêu chí/xã, cao hơn bình quân chung của cả nước là 8,48 tiêu chí/xã.
- Đến cuối năm 2014 số xã đạt chuẩn nông thôn mới là 7 xã/122 xã, chiếm tỉ lệ 5,7%. Đạt 175% kế hoạch năm 2014 (4/122 xã).
Công tác quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, biển đảo và bảo vệ môi trường và ứng phó với biển đổi khí hậu tiếp tục được chú trọng. Tiếp tục triển khai xử lý các tồn tại về lấn chiếm đất đai, xây dựng công trình trái phép, khai thác tài nguyên, khoáng sản không đúng theo quy định của pháp luật. Tính đến nay, đã giới thiệu địa điểm 71 trường hợp, diện tích 1.971 ha; giao đất dự án 31 trường hợp, diện tích 59,1 ha; Cho thuê đất 62 trường hợp, diện tích 137 ha; thu hồi đất 9 trường hợp, diện tích 247,2 ha; công nhận QSDĐ 195 trường hợp, diện tích 114,1 ha; giao đất khu dân cư 76 trường hợp, diện tích 106 ha; gia hạn giao đất 02 trường hợp, diện tích 287,6 ha; gia hạn giao đất khu dân cư 30 trường hợp, diện tích 22,3 ha. Đã hoàn chỉnh bản giá đất ổn định trong 5 năm.
2. Về sản xuất công nghiệp-xây dựng
Cùng với sự hỗ trợ từ các chính sách của nhà nước góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, các doanh nghiệp đã có nhiều cố gắng trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Chỉ số sản xuất công nghiệp ước thực hiện năm 2014 tăng 7,08% so với năm 2013.
Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 1994) ước đạt 10.546 tỷ đồng, tăng 8,44% so cùng kỳ; trong đó, công nghiệp khai khoáng (giảm 32,8%), do sản lượng một số sản phẩm khai thác giảm như tinh quặng Titan (giảm 22,9%), quặng Titan (giảm 30,5%), đá granit (giảm 1,4%). Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,2%, với nhiều sản phẩm tăng khá do chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào và thị trường tiêu thụ ổn định như tôm đông lạnh (tăng 17,4%); thức ăn gia súc gia cầm (tăng 46,2%); bia đóng chai (tăng 19,7%); đá ốp lát (tăng 27,2%); đá lát đá khối (tăng 55,7%); Sản xuất bàn ghế gỗ mặc dù gặp nhiều khó khăn do thị trường xuất khẩu giảm nhu cầu nhưng vẫn đạt tốc độ tăng trưởng khá (ghế gỗ tăng 7%, bàn gỗ tăng 7,3%). Nguyên nhân do các doanh nghiệp đã chủ động cơ cấu lại hoạt động sản xuất, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh và mở rộng thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó, thị trường quan trọng và nhiều tiềm năng là Mỹ áp thuế chống bán phá giá cao đối với một số mặt hàng đồ gỗ của Trung Quốc đã tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có tỉnh Bình Định, đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm sang thị trường này.
Một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ như: Đường RS giảm 25,9%; áo phông giảm 24,4%; quần áo thể thao giảm 90,3%; gỗ xẻ giảm 15,8%; gạch xây giảm 17,5% (giảm do lộ trình chuyển đổi sản xuất gạch nung sang gạch không nung); đá xây dựng khác đã qua chế biến giảm 18,4%; cấu kiện nhà lắp sẵn bằng kim loại giảm 26,1%. Nhìn chung, sản xuất công nghiệp bước đầu phục hồi nhưng tăng trưởng còn chậm, một số sản phẩm tiêu thụ tăng, lượng hàng tồn kho đã giảm đáng kể nên đã góp phần giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp.
3. Về thương mại, dịch vụ, tài chính
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ ước đạt 41.703 tỷ đồng tăng 11,5% so với năm 2013. Công tác bảo đảm lưu thông hàng hóa, kiểm tra, kiểm soát thị trường, chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm có nhiều nỗ lực cố gắng triển khai thực hiện theo quy định, hướng dẫn của Trung ương. Thị trường hàng hóa trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định, nguồn cung hàng hóa dồi dào, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và lưu thông hàng hóa nên không có hiện tượng sốt giá, khan hiếm hàng trên địa bàn tỉnh. Các hoạt động xúc tiến thương mại, khuyến mại, giảm giá tại các trung tâm thương mại, siêu thị được tổ chức thường xuyên, góp phần kích cầu tiêu dùng. Thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các doanh nghiệp kinh doanh thương mại trên địa bàn tỉnh đã thực hiện nhiều đợt bán hàng khuyến mãi, đưa hàng Việt về nông thôn, tạo điều kiện cho người dân khu vực nông thôn có cơ hội tiếp cận nhiều chủng loại, mặt hàng Việt với giá cả hợp lý, đảm bảo chất lượng. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 giảm 0,22% so với tháng trước và tăng 2,05% so với tháng 12 năm trước. Bình quân 11 tháng năm 2014 tăng 4,66% so với cùng kỳ (Trong đó, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 5,7%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 4%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 8,4%; nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 3,8%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 7,2%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 2%; nhóm giao thông tăng 2,8%; nhóm giáo dục tăng 3%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 2,5%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 8,1%. Riêng nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,6%).
Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 618,4 triệu USD, đạt 91,6% kế hoạch và tăng 5% so với năm 2013. Các mặt hàng có giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng như: Hàng thủy sản (tăng 15,6%), hàng dệt may (tăng 50,9%); dăm gỗ (tăng 2,3%), … Tuy nhiên, một số mặt hàng kim ngạch xuất khẩu giảm như hàng nông sản khác giảm 3,4%; khoáng sản giảm 35%; gạo giảm 33,1%;...Hiện nay hàng hóa trong tỉnh được xuất khẩu đến tất cả năm châu lục, tập trung nhiều nhất ở 2 thị trường Châu Á và Châu Âu. Trong đó, xuất khẩu sang các quốc gia thuộc Châu Á chiếm hơn 55% tổng kim ngạch xuất khẩu. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 205 triệu USD, tăng 15,9% so với năm 2013.
Công tác xúc tiến thương mại tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh. Ngoài việc thường xuyên tăng cường cung cấp thông tin thương mại, thị trường xuất nhập khẩu cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, trong năm 2014 đã tổ chức thành công một số hội chợ thương mại tại tỉnh và đã hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất tham gia Hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước. Tuy nhiên, hoạt động xúc tiến thương mại vẫn còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng chung của nền kinh tế, sức mua giảm sút, một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chưa thật sự quan tâm đến việc tham gia hội chợ để tìm kiếm khách hàng, mở rộng thị trường.
Hoạt động du lịch và dịch vụ vận chuyển tiếp tục tăng trưởng. Lượng khách đến tỉnh trong năm ước đạt 2,08 triệu lượt khách, tăng 23% so với năm 2013 (trong đó khách du lịch quốc tế ước đạt 171.500 lượt tăng 24%, khách nội địa ước đạt 1,913 triệu lượt tăng 23% so với năm 2013). Đã thực hiện di dời tàu thuyền ra khỏi khu vực bãi biển Quy Nhơn, góp phần tạo điều kiện phát triển du lịch. Tổng doanh thu du lịch ước đạt 787,091 tỷ đồng, tăng 31% so với năm 2013. Dịch vụ vận chuyển hành khách ước đạt trên 27,8 triệu hành khách, tăng 4% và luân chuyển 2.563 triệu hành khách.km, tăng 4,2% so với năm 2013. Vận chuyển hàng hoá ước đạt trên 14 triệu tấn, tăng 2,1%, luân chuyển đạt 2.229 triệu tấn-km, tăng 6,1% so với năm 2013. Hàng hóa thông qua cảng biển ước đạt trên 7,1 triệu TTQ, giảm 3,3%; trong đó, cảng Quy Nhơn ước đạt 6 triệu TTQ, giảm 4%, cảng Thị Nại ước đạt 1,1 triệu TTQ, tăng 1,1% so với năm 2013.
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh (chưa kể thu đóng góp, thu vay và tạm ứng ngân sách Trung ương) ước đạt 4.941,7 tỷ đồng, tăng 8,4% dự toán năm và tăng 2% so với năm 2013; trong đó thu nội địa 3.907,3 tỷ đồng, tăng 11,2% dự toán năm và tăng 3,2% so với năm 2013; thu hoạt động xuất nhập khẩu 914,5 tỷ đồng, tăng 11,2 % dự toán năm và tăng 16,3% so với năm 2013. Tổng chi ngân sách địa phương ước thực hiện 8.446,9 tỷ đồng, vượt 20,8% dự toán năm và tăng 30,7% so với năm 2013.
Về hoạt động tài chính, tín dụng, tổng nguồn vốn hoạt động trên địa bàn tỉnh (bao gồm vốn huy động tại địa phương, vốn điều chuyển và vốn khác) ước tính đến cuối tháng 12/2014 ước đạt 49.450 tỷ đồng, tăng 12,7% so với đầu năm (trong đó nguồn vốn huy động tại địa phương 28.600 tỷ đồng, tăng 15% so với đầu năm). Tổng dư nợ ước khoảng 38.850 tỷ đồng, tăng 8% so với đầu năm (trong đó nợ xấu chiếm khoảng 2,5% tổng dư nợ). Tiếp tục thực hiện Chỉ thị 01/CT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ và đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả năm 2014, đã kiểm soát hoạt động tín dụng đối với các lĩnh vực không khuyến khích, tập trung vốn cho các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, khu vực nông nghiệp nông thôn, các dự án, phương án có hiệu quả.
4. Về thực hiện kế hoạch đầu tư phát triển.
Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh ước đạt 22.942 tỷ đồng, bằng 42,2% tổng sản phẩm địa phương (GRDP) của tỉnh, đạt 98,5% kế hoạch năm và tăng 10,4% so với năm 2013. Để từng bước đưa các dự án, công trình được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước thực hiện đúng kế hoạch, trong năm 2014 UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành công tác đầu tư XDCB; đồng thời, yêu cầu các ngành chức năng và các chủ đầu tư thường xuyên kiểm tra, giám sát và yêu cầu các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, nhất là các dự án, công trình quan trọng, có giá trị đầu tư lớn như Quốc lộ 1A, Quốc lộ 19, Quốc lộ 1D, Quảng trường tỉnh, Khu du lịch Vinpearl Quy Nhơn. Đối với các công trình trọng điểm của tỉnh, hàng tuần Lãnh đạo UBND tỉnh đều tổ chức họp kiểm tra tiến độ thực hiện và đi thực tế hiện trường để chỉ đạo giải quyết các khó khăn vướng mắc phát sinh và đôn đốc nhà thầu triển khai thực hiện. Tổng giá trị thực hiện vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý năm 2014 ước đạt 2.346 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch (trong đó: Vốn ngân sách Trung ương đầu tư có mục tiêu 568,42 tỷ đồng; vốn Trung ương hỗ trợ bổ sung 82 tỷ đồng; vốn chương trình mục tiêu quốc gia 265,12 tỷ đồng; vốn cân đối ngân sách địa phương 761,1 tỷ đồng; vốn XSKT 89,472 tỷ đồng; vốn vay Ngân hàng Phát triển Việt Nam 90 tỷ đồng và vốn tạm ứng tồn ngân Kho Bạc nhà nước 450 tỷ đồng; Trái phiếu chính phủ 270,769 tỷ đồng….).
5. Về xây dựng khu kinh tế, các khu, cụm công nghiệp.
Tiếp tục triển khai thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và bố trí tái định cư cho các hộ bị ảnh hưởng để xây dựng hạ tầng kỹ thuật, giao mặt bằng cho các nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án tại Khu kinh tế Nhơn Hội. Trong năm 2014, đã thu hút được 05 dự án với vốn đầu tư 4.114 tỷ đồng (trong đó có 01 dự án FDI với vốn đăng ký 109,3 triệu USD), lũy kế đến nay có 34 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký là 27.093 tỷ đồng, vốn đầu tư thực hiện 3.977 tỷ đồng (vốn đầu tư thực hiện năm 2014 đạt khoảng 179,17 tỷ đồng) trong đó, 08 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký đầu tư 508,6 triệu USD. Dự án Tổ hợp Lọc – Hóa Dầu tại Khu kinh tế Nhơn Hội (Dự án Victory), công suất 20 triệu tấn/năm (trong đó cho ra 12 triệu tấn sản phẩm xăng dầu và 4,9 triệu tấn hóa dầu,..) với tổng vốn đăng ký 22 tỷ USD đã được Bộ Công Thương thẩm định Dự án Khả thi, đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch Ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2025. Dự án Khu du lịch Vinpearl Hải Giang đã được chủ đầu tư là tập đoàn Vingroup khởi công, dự kiến đưa vào hoạt động giai đoạn 1 vào cuối năm 2015. Một số dự án thức ăn chăn nuôi tại KCN Nhơn Hòa như Greenfeed, Newhope đang hoạt động có hiệu quả.
Khu công nghiệp Phú Tài và Khu công nghiệp Long Mỹ đã lấp đầy diện tích cho thuê; Khu công nghiệp Nhơn Hòa cơ bản lấp đầy 100% diện tích giai đoạn 1; Khu công nghiệp Hòa Hội, Khu công nghiệp Cát Trinh đang kêu gọi nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng. Trong năm 2014, thu hút 23 dự án với vốn đầu tư 816,72 tỷ đồng trong đó có 02 dự án FDI với vốn đăng ký 12,1 triệu USD, điều chỉnh 29 Giấy Chứng nhận Đầu tư với số vốn tăng thêm 328,82 tỷ đồng. Lũy kế đến nay có 213 dự án / 177 doanh nghiệp (bao gồm các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng) đầu tư vào các KCN được cấp Giấy Chứng nhận Đầu tư với tổng vốn đầu tư khoảng 29.210,9 tỷ đồng, 82 dự án đang đầu tư xây dựng, với vốn đầu tư thực hiện 2.295,7 tỷ đồng (vốn đầu tư thực hiện trong năm 2014 đạt 671,4 tỷ đồng), trong đó, 12 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đầu tư 1.073,205 triệu USD.
Công tác chỉ đạo giải phóng mặt bằng, xây dựng kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư tại các cụm công nghiệp tiếp tục được chú trọng. Đến nay, đã có 38 cụm công nghiệp đi vào hoạt động, thu hút được hơn 730 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất vừa và nhỏ đầu tư nhà xưởng sản xuất kinh doanh, với diện tích khoảng 400 ha, đã có 708 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đi vào hoạt động, tạo việc làm cho trên 16.500 lao động, chủ yếu là lao động địa phương, mức thu nhập từ 1,5-2,5 triệu đồng/người/tháng. Do ảnh hưởng từ những khó khăn chung của nền kinh tế tỉnh nói riêng và của cả nước nói chung; cộng với đặc điểm các DN, cơ sở sản xuất trong CCN đều có quy mô nhỏ (hạn chế về tài chính, năng lực quản lý, thị trường tiêu thụ) nên hiện nay các DN, cơ sở sản xuất trong CCN gặp rất nhiều khó khăn (nhất là thị trường tiêu thụ sản phẩm và vốn hoạt động). Chỉ có một số ít các DN làm ăn hiệu quả do tận dụng được nguồn lao động dồi dào và nguồn nguyên liệu gần như các DN may xuất khẩu (các đơn vị thành viên của Tổng Cty CP May Nhà Bè)
6. Về công tác quản lý doanh nghiệp, hợp tác phát triển và thu hút đầu tư
Về đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI): Trong năm 2104, đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 8 dự án, với tổng vốn đăng ký trên 300 triệu USD. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 57 dự án FDI với tổng vốn đăng ký là 1.746,47 triệu USD, chia theo loại hình có 46 doanh nghiệp và 11 chi nhánh sản xuất. Theo lĩnh vực Nông - Lâm - Ngư nghiệp có 06 dự án (vốn đăng ký 34,95 triệu USD), Công nghiệp - Xây dựng có 31 dự án (1.393,93 triệu USD), Dịch vụ có 20 dự án (317,88 triệu USD).
Về đầu tư từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA): Đến nay, trên địa bàn tỉnh Bình Định có 21 dự án được đầu tư bằng nguồn đầu tư phát triển chính thức (ODA) đang thực hiện, với tổng mức vốn cam kết 281,44 triệu USD. Nhìn chung, các dự án ODA triển khai đúng tiến độ. Tuy nhiên, cũng có một số ít dự án giải ngân còn chậm, vốn đối ứng chưa đáp ứng nhu cầu. Hiện nay, các ngành và địa phương đang xây dựng Danh mục mời gọi vốn ODA trên địa bàn tỉnh năm 2015 và giai đoạn 2016-2020.
Về đầu tư trong nước: Trong năm 2014, UBND tỉnh đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư (GCNĐT) cho 23 dự án, tổng vốn đầu tư hơn 783,95 tỷ đồng và điều chỉnh Giấy CNĐT cho 07 dự án. Trong đó có 12 dự án là khai thác và chế biến khoáng sản (đá làm VLXD, cát, nước khoáng), 03 dự án trên lĩnh vực sản xuất nhiên liệu sinh than sinh học, 06 dự án chế biến nông lâm sản, 01 dự án chế tạo thiết bị máy nông nghiệp, 01 dự án Bến xe.
Về đăng ký kinh doanh: Theo kế hoạch năm 2014, sẽ chuyển 06 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần. Đến nay, phương án cổ phần hóa các doanh nghiệp đã được UBND tỉnh phê duyệt. Ban chỉ đạo cổ phần hóa doanh nghiệp đã dự thảo Điều lệ Công ty cổ phần và khẩn trương thực hiện bán cổ phần theo quy định, phấn đấu hoàn thành việc chuyển 6 doanh nghiệp thành công ty cổ phần vào đầu năm 2015. Năm 2014, đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 525 DN thành lập mới với tổng vốn đăng ký 1.530 tỷ đồng. Trong đó: 59 Doanh nghiệp tư nhân, vốn đăng ký là 42,3 tỷ đồng, 444 Công ty TNHH, vốn đăng ký là 1.268,7 tỷ đồng, 22 Công ty cổ phần, vốn đăng ký là 217 tỷ đồng. Ngoài ra, cấp đăng ký cho 296 Chi nhánh/văn phòng đại diện/địa điểm kinh doanh, đăng ký thay đổi 1.922 trường hợp, giải thể và chấm dứt hoạt động 150 trường hợp, tạm ngừng hoạt động 61 trường hợp. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 4.925 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh với tổng vốn đăng ký 39.712 tỷ đồng, vốn đăng ký bình quân 8,06 tỷ đồng/doanh nghiệp.
Công tác kêu gọi thu hút đầu tư đang được tích cực triển khai thực hiện, trong năm 2014, Tham dự Hội thảo Phát triển du lịch Vùng duyên hải miền trung gắn với Đại ngàn Tây Nguyên ngày 17/7 tại Ninh Thuận; “Diễn đàn kinh tế miền trung - giải pháp huy động sức mạnh miền trung trong giai đoạn mới”. Phối hợp với tạp chí Vietnam Business Forum, cơ quan ngôn luận đối ngoại của VCCI thực hiện chuyên đề “BÌNH ĐỊNH – VỮNG MẠNH TỪ PHÁT HUY NỘI LỰC, THU HÚT NGOẠI LỰC” nhằm tuyên truyền, khẳng định quyết tâm của chính quyền, nhân dân địa phương trong nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
7. Về phát triển kinh tế - xã hội miền núi.
Đã tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số cấp huyện và cấp tỉnh lần thứ 2 – 2014. Tiếp tục triển khai thực hiện các chương trình, dự án thuộc nguồn vốn Nghị quyết 30a, chương trình 134, 135 kéo dài, vốn chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân, chính sách định canh, định cư, lồng ghép các chương trình, dự án giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo, giải quyết đất sản xuất; Đề án giảm nghèo nhanh và bền vững 3 huyện miền núi (NQ 30a) đang được tích cực triển khai thực hiện theo kế hoạch; trong năm, đã tiến hành thi công xây dựng các công trình đảm bảo đúng tiến độ và giải ngân hết nguồn vốn.... Nhìn chung, các chương trình, dự án và chính sách phát triển kinh tế - xã hội miền núi được triển khai thực hiện đạt kết quả tích cực.
II. VỀ VĂN HÓA – XÃ HỘI
Trong điều kiện kinh tế của tỉnh còn nhiều khó khăn, ngân sách còn hạn chế nhưng vẫn tiếp tục quan tâm đầu tư các lĩnh vực văn hóa – xã hội, góp phần thiết thực vào việc bảo đảm an sinh xã hội, ổn định và cải thiện đời sống nhân dân. Kết quả một số lĩnh vực cụ thể như sau:
1. Về văn hoá, thể dục thể thao: Tiếp tục phát huy các hoạt động phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân. Đã tổ chức tốt nhiều hoạt động mừng Đảng mừng Xuân và chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước và của tỉnh: Lễ kỷ niệm 84 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; Lễ hội Kỷ niệm 225 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa; 124 năm ngày sinh nhật Bác; 60 năm Chiến thắng Điện Biên phủ, 69 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9; Lễ kỷ niệm 222 năm ngày mất Hoàng đế Quang Trung, Tổ chức thành công Đại hội Thể dục thể thao toàn tỉnh lần thứ 7, Liên hoan quốc tế võ cổ truyền lần thứ V-Bình Định 2014 đã thu hút trên 1.500 võ sư, võ sĩ cùng hàng nghìn du khách trong và ngoài nước tham dự; Ngày hội Văn hóa Thể thao miền biển lần thứ 9, Giải võ thuật cổ truyền các vận động viên suất sắc toàn quốc tranh đai Let’s Việt lần thứ II-2014; Kỷ niệm 50 năm chiến thắng An Lão, 55 năm Khởi nghĩa Vĩnh Thạnh; Hội khỏe Phù Đổng năm 2014.... Phong trào thể dục thể thao quần chúng tiếp tục được duy trì và phát triển.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận Hát bội Bình Định là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia đã tiến hành khảo sát thực tế quần thể các di sản liên quan đến phong trào nông dân Tây Sơn và không gian quần thể các tháp Chăm để trình Chính phủ và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét công nhận là di tích đặc biệt cấp quốc gia; đồng thời đang xây dựng hồ sơ trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để đề nghị UNESCO xem xét công nhận nghệ thuật Bài chòi là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
2. Về giáo dục và đào tạo: Đã hoàn thành tổng kết năm học 2013-2014, tỷ lệ tốt nghiệp ở hệ giáo dục phổ thông đạt 99,2%; đã phối hợp thực hiện tốt các điều kiện phục vụ cho công tác tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp năm 2014 trên địa bàn tỉnh và tổ chức tốt khai giảng năm học mới (2014-2015). Hoàn thành công tác tuyển sinh vào các lớp đầu cấp, các điều kiện dạy và học như cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được tăng cường, sách giáo khoa được bổ sung đầy đủ, đội ngũ giáo viên được củng cố về số lượng và chất lượng. Tiếp tục thực hiện chuyển đổi loại hình trường mầm non, THPT bán công, dân lập theo Đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt. Tiếp tục củng cố và phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú giai đoạn 2011-2015, quản lý dạy thêm học thêm và thực hiện Đề án dạy học ngoại ngữ giai đoạn 2008-2020. Kiểm tra thẩm định trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia. Kết quả: có thêm 24 trường đạt chuẩn quốc gia; trong đó: Bậc học mầm non có thêm 2 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 và 01 trường mức độ 2, nâng tổng số trường đạt chuẩn quốc gia lên 21 trường, tỉ lệ đạt 10,8%; Câp Tiểu học: có thêm 12 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 và 02 trường mức độ 2, nâng tổng số trường đạt chuẩn quốc gia lên 164 trường, tỉ lệ 67,8%; Cấp THCS có thêm 10 trường đạt chuẩn quốc gia, nâng tổng số trường đạt chuẩn quốc gia lên 99 trường, tỉ lệ 66,4%; Cấp THPT không có thêm trường chuẩn quốc gia, hiện vẫn là 6/52 trường, đạt 11,5%. Kiểm tra công tác phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi các huyện: Tây Sơn, Vĩnh Thạnh và thị xã An Nhơn. Qua kiểm tra, các huyện trên đều đủ tiêu chuẩn để đề nghị UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi. Đến nay, toàn tỉnh có 7/11 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn về PCGDMN cho trẻ 5 tuổi, tỷ lệ đơn vị cấp huyện đạt chuẩn đạt 63,6%. Dự kiến trong tháng 12/2014, tiếp tục kiểm tra và công nhận thêm 3 huyện: Phù Mỹ, Tuy Phước và An Lão. Như vậy, đến thời điểm cuối tháng 12 năm 2014, toàn tỉnh sẽ có 10/11 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn về đạt chuẩn về PCGDMN cho trẻ 5 tuổi, nâng tỷ lệ đơn vị cấp huyện đạt chuẩn lên 90,9%.
3. Về hoạt động y tế: Đã tích cực triển khai kịp thời và có hiệu quả công tác y tế dự phòng, các biện pháp khẩn cấp phòng chống dịch bệnh nguy hiểm; chỉ đạo và giám sát chặt chẽ công tác phòng chống dịch, không để xảy ra dịch bệnh lớn trên địa bàn tỉnh; thực hiện tốt việc cách ly người mắc bệnh, khoanh vùng dịch; chủ động điều tra, giám sát dịch tễ các loại bệnh dịch, nhất là bệnh sốt xuất huyết, tích cực tuyên truyền vận động vệ sinh môi trường tại cộng đồng…. Chuẩn bị sẵn sàng thuốc thiết yếu, vật tư tiêu hao, hóa chất, dụng cụ, trang thiết bị y tế, nhân lực để chủ động trong công tác phòng chống dịch và khắc phục hậu quả thiên tai. Nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh, y đức, tinh thần trách nhiệm và thái độ phục vụ của đội ngũ y bác sĩ đối với bệnh nhân, gắn với việc nâng cao chất lượng chuyên môn, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị. Đến nay, toàn tỉnh đã có 155/159 trạm y tế có bác sỹ (133 xã có bác sỹ tại chỗ, 22 xã tăng cường), đạt tỷ lệ 97,48%, đạt kế hoạch đề ra; có 94/159 trạm y tế thực hiện đạt Bộ Tiêu chí Quốc gia Y tế xã, đạt tỷ lệ 59,11%, đạt kế hoạch đề ra (KH đề ra năm 2015 đạt 60% trạm y tế thực hiện đạt BTCQGYTX). Được Bộ Y tế công nhận loại trừ bệnh phong quy mô cấp tỉnh đạt loại xuất sắc. Thực hiện tốt chiến dịch tiêm chủng mở rộng sởi - rubella đợt 1 với tỷ lệ tiêm đạt trên 98% và đảm bảo an toàn. Ngành y tế tập trung đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ y tế, tuyên truyền phòng chống dịch bệnh; đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị y tế nhằm từng bước đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân. Triển khai thực hiện tốt, đảm bảo tiến độ dự án phát triển bệnh viện tỉnh vùng giai đoạn II - hợp phần Bệnh viện đa khoa tỉnh sử dụng vốn JICA với tổng mức đầu tư gần 450 tỷ đồng.
4. Về hoạt động khoa học và công nghệ: tổ chức triển khai thực hiện 9 đề tài, dự án thực hiện trong năm 2014. Thành lập Hội đồng KH&CN nghiệm thu 10 đề tài, dự án thực hiện trong năm 2013 đã hoàn thành, Hội đồng nghiệm thu đánh giá 4 đề tài đạt loại khá và 6 đề tài đạt loại xuất sắc; kết quả các đề tài dự án được phổ biến, ứng dụng vào thực tiễn và là cơ sở để tỉnh đề ra các giải pháp nhằm ngăn chặn nạn tự tử trong đồng bào dân tộc thiểu số, nâng cao tỷ lệ cán bộ nữ lãnh đạo của tỉnh Bình Định,… Tổ chức 05 cuộc thanh tra chuyên ngành trong các lĩnh vực kinh doanh: Xăng dầu; Khí dầu mỏ hóa lỏng; Sản phẩm, hàng hóa phục vụ tết Nguyên Đán và về đo lường, an toàn bức xạ tại 221 cơ sở. Chấn chỉnh quản lý và xử phạt 15 cơ sở vi phạm với số tiền 82,9 triệu đồng.
5. Về công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững: Trong năm 2014, đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghề cho 25.261 lao động, đạt 101,04% kế hoạch; tạo việc làm mới cho khoảng 26.320 người (trong đó xuất khẩu lao động 242 người), đạt 107,43% kế hoạch. Tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 8,05%, giảm 1,8% so với năm 2013, đạt 100% kế hoạch (kế hoạch giảm 1,8%). Năm 2014, toàn tỉnh có 64.613 đối tượng xã hội được hưởng trợ cấp thường xuyên tại cộng đồng (tổng số tiền trên 260 tỷ đồng). Đã kịp thời phân bổ 5.000 tấn gạo cứu trợ đỏ lửa và giáp hạt dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 cho 297.772 người. Hỗ trợ cải thiện nhà ở cho 399 hộ nghèo, tổng số tiền 12.100 triệu đồng, bình quân hỗ trợ 25 triệu/nhà (từ nguồn Quỹ Vì người nghèo do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh quản lý), đã đăng ký với Trung ương về chương trình hỗ trợ cải thiện nhà ở cho người có công với 1.827 hộ, kinh phí 58,4 tỷ đồng (Trung ương đã phân bổ kinh phí năm 2014 là 52,3 tỷ đồng). Vận động tài trợ 36.684 suất quà (3.978 triệu đồng) tặng cho các học sinh nghèo vượt khó học giỏi. Các địa phương đã chi hỗ trợ bù giá điện cho 39.686 hộ nghèo, tổng số tiền trên 14,2 tỷ đồng; cấp thẻ Bảo hiểm y tế cho 96.639 người thuộc hộ nghèo.
Công tác thực hiện chính sách ưu đãi người có công được thực hiện tích cực, trong năm 2014, đã kiểm tra, lập thủ tục xác nhận giải quyết chế độ ưu đãi người có công cho 6.235 người có công và thân nhân. Thực hiện kịp thời các chính sách ưu đãi về chăm sóc y tế, giáo dục đào tạo, cải thiện nhà ở cho người có công. Công tác quy tập hài cốt liệt sỹ, tu bổ nghĩa trang, vận động các phong trào Đền ơn đáp nghĩa đạt được nhiều kết quả. Triển khai thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 27/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trong 2 năm 2014-2015 cho 55.996 đối tượng trong diện rà soát.
(Trích Báo cáo số 198/BC-UBND của UBND tỉnh Bình Định ngày 1/12/2014)