Năm 2014, UBND tỉnh đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp thực hiện nhiệm vụ kế hoạch năm 2014 theo các Nghị quyết của Chính phủ, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh. Với sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, của toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục chuyển biến tích cực; kết quả đạt được trên từng lĩnh vực như sau:
* Ước thực hiện một số chỉ tiêu chủ yếu năm 2014:
a) Về kinh tế:
- Tổng sản phẩm trong tỉnh (GDP) tăng 13% (kế hoạch 13%).
- Cơ cấu kinh tế công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp với tỉ trọng tương ứng là 60,8% - 36,2% -3% (kế hoạch 60,4% - 36,4% - 3,2%).
- GDP bình quân đầu người 61,2 triệu đồng (kế hoạch 60 triệu đồng).
- Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 15,6% (kế hoạch 16%).
- Giá trị sản xuất nông – lâm – ngư nghiệp tăng 3,7% (kế hoạch 4%).
- Giá trị gia tăng ngành dịch vụ tăng 19,2% (kế hoạch tăng 20%)
- Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 24,9% (kế hoạch 27%).
- Kim ngạch xuất khẩu tăng 17,5% (kế hoạch 16,5%).
- Tổng thu ngân sách đạt 32.000 tỷ đồng (kế hoạch 31.500 tỷ đồng). Tổng chi ngân sách đạt 11.500 tỷ đồng (kế hoạch 11.500 tỷ đồng); trong đó chi đầu tư xây dựng cơ bản là 4.500 tỷ đồng (kế hoạch 4.500 tỷ đồng).
- Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 1 tỷ 530 triệu USD (kế hoạch 1 tỷ USD).
- Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng 13,8% (kế hoạch tăng 19%).
b) Về xã hội:
- Tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia là 58,92% (kế hoạch 56%).
- Tạo việc làm cho 46.100 lao động (kế hoạch 45.000 lao động).
- Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 66,7% (kế hoạch 68%).
- Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới của tỉnh còn 1,52% (kế hoạch là giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới xuống 1,5-2%).
- Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng là 9,4% (kế hoạch <9,7%).
- Số giường bệnh trên vạn dân đạt 24 giường (kế hoạch 24 giường).
- Diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 22,52m² (kế hoạch 22m²).
c) Về môi trường:
- Tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 97,5% (kế hoạch 97,5%).
- Tỷ lệ dân cư đô thị sử dụng nước sạch đạt 98% (kế hoạch 98%).
- Tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 95,2% (kế hoạch 100%).
- Tỷ lệ chất thải rắn được thu gom xử lý đạt 89% (kế hoạch 89%).
- Tỷ lệ chất thải rắn y tế được thu gom, xử lý đạt 95% (kế hoạch 95%).
- Tỷ lệ khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn: 100% (kế hoạch 100%).
- Tỷ lệ che phủ cây công nghiệp và cây lâu năm đạt 56,9% (kế hoạch 56,9%).
- Tỷ lệ hộ dân sử dụng điện đạt 99,93% (kế hoạch 99,93%).
I. Về kinh tế
1. Công nghiệp:
Sản xuất công nghiệp tiếp tục phát triển; Chỉ số phát triển công nghiệp (IIP) tăng 8,9% so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 187.531 tỷ đồng, tăng 15,6% so với cùng kỳ (quý 1 tăng 12,3%, 6 tháng tăng 12,5%, 9 tháng tăng 13,6%); trong đó, khu vực kinh tế trong nước tăng 14% (chiếm 30,6%) và khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng 16,3% (chiếm 69,4%). Chia theo ngành kinh tế: công nghiệp khai thác tăng 8,6%, công nghiệp chế biến tăng 15,7%, sản xuất và phân phối điện, khí đốt và nước tăng 8,1%. Có 20/29 nhóm mặt hàng sản xuất công nghiệp chủ yếu tăng so với cùng kỳ, trong đó có 12 nhóm tăng trên 10%, tập trung các mặt hàng có thị trường xuất khẩu ổn định và tiêu thụ tốt góp phần vào mức tăng trưởng chung của ngành như: sản phẩm giày dép, sản xuất thiết bị điện tử, sản phẩm gỗ, sản phẩm cao su, plastic, thức ăn chăn nuôi, hàng may mặc,...
Về hoạt động khu – cụm công nghiệp, toàn tỉnh có 29 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 9.425 ha, có 27 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích gần 8.870 ha và 8 cụm công nghiệp với diện tích gần 600ha; tỷ lệ lấp kín diện tích cho thuê của các khu công nghiệp đạt trên 65%, của các cụm công nghiệp là 41%. Trong năm, các khu công nghiệp đã cho thuê lại đất, nhà xưởng với tổng diện tích 155 ha, đầu tư cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp đạt 581 tỷ đồng, thu hút đầu tư nước ngoài đạt 1 tỷ 366 triệu đô la Mỹ (chiếm tỷ lệ 89,3% tổng vốn thu hút đầu tư nước ngoài vào tỉnh), doanh thu của các doanh nghiệp trong khu đạt 12,6 tỷ Đô la Mỹ (tăng 11,5% so với năm 2013).
Tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, nhất là các doanh nghiệp bị thiệt hại nhằm ổn định, khôi phục và phát triển sản xuất; cụ thể đã thực hiện gia hạn, khấu trừ, hoàn thuế, miễn, giảm thuế nội địa và xuất nhập khẩu với tổng số tiền khoảng 1.300 tỷ đồng và triển khai gói hỗ trợ tín dụng 1.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp bị thiệt hại. Kết quả tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tiếp tục ổn định và phát triển; theo báo cáo của ngành thuế, doanh thu trong 9 tháng cụ thể như sau: doanh thu của doanh nghiệp nhà nước trung ương tăng 15,5%, trong đó doanh thu xuất khẩu giảm 5,5%; doanh nghiệp nhà nước địa phương tăng 30,9%, trong đó doanh thu xuất khẩu tăng 12,6%; doanh nghiệp dân doanh tăng 27,6%, trong đó doanh thu xuất khẩu tăng 22,8%; doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tăng 3,8%, trong đó doanh thu xuất khẩu tăng 1,9%. Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh có 366 doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh phải giải thể và tạm ngưng hoạt động, gồm: 342 doanh nghiệp trong nước với số vốn điều lệ là 881 tỷ đồng và 24 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với vốn đầu tư là 102 triệu đô la Mỹ; đa số những doanh nghiệp này năng lực và quy mô hạn chế, sản xuất kinh doanh kém hiệu quả.
Về hoạt động cung ứng điện: sản lượng điện thương phẩm cung ứng đảm bảo đủ phục vụ sản xuất và sinh hoạt, ước tiêu thụ đạt 7 tỷ 998 triệu KWh, tăng 11,3% so với cùng kỳ; trong đó, cung ứng cho công nghiệp chiếm tỷ trọng 81%. Lắp đặt mới 24.500 điện kế, nâng tổng số điện kế đang vận hành 353.966 điện kế; tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt 99,93% (năm 2013 là 99,91%); tiết kiệm điện thực hiện đạt 235 triệu KWh, vượt 57% kế hoạch năm. Tỉnh đã tích cực giải quyết các vướng mắc liên quan đến công tác đền bù giải tỏa, tạo điều kiện để ngành điện đẩy nhanh tiến độ các dự án, nhất là đường điện 500kV và 220kV đi ngang qua địa bàn tỉnh.
2. Thương mại, xuất nhập khẩu:
a) Thương mại:
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ đạt 103.493 tỷ đồng, tăng 24,9% so cùng kỳ; trong đó: khu vực kinh tế trong nước tăng 25,3% (chiếm 97,1%), khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng 10,6% (chiếm 2,9%). Chia theo ngành hoạt động: thương nghiệp tăng 23,4%, lưu trú và ăn uống tăng 32,6%, du lịch lữ hành tăng 19%. Trong năm, đã triển khai đầu tư xây dựng lại 01 chợ, đưa vào hoạt động 01 trung tâm thương mại Aeon Mall; đến nay, toàn tỉnh hiện có 94 chợ, 06 siêu thị, 08 trung tâm thương mại đang hoạt động.
Hoạt động thương mại nội địa tương đối ổn định; nguồn hàng hóa trên thị trường phong phú và đa dạng, đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của nhân dân. Triển khai kế hoạch bình ổn các mặt hàng thiết yếu đạt doanh thu 804 tỷ đồng, vượt 31,3% kế hoạch, tăng 37,3% so với cùng kỳ; thực hiện bình ổn thị trường sách giáo khoa, tập vở và dụng cụ học sinh năm học 2014-2015 đạt doanh thu 46,2 tỷ đồng, vượt 21,2% kế hoạch. Đã tổ chức 286 đợt bán hàng lưu động tại 89 điểm ở các xã nông thôn, các khu, cụm công nghiệp và tổ chức 15 Phiên chợ phục vụ tại các địa bàn nông thôn; bên cạnh đó, đã bố trí thêm 1.280 điểm bán hàng hóa phục vụ nhân dân trong các ngày lễ tết.
Quản lý thị trường, giá cả được tăng cường; công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại được đẩy mạnh; lực lượng quản lý thị trường và các đoàn kiểm tra liên ngành đã kiểm tra 4.013 vụ, phát hiện và xử lý 945 vụ vi phạm (chiếm 23,5%).
Về chỉ số giá cả: Việc thực hiện các chương trình bình ổn, kiểm soát thị trường đã góp phần kiềm chế lạm phát, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, tăng giá đột biến; ước chỉ số giá tiêu dùng tăng 2,48%; trong đó, giá hàng hóa tăng 1,9%. Giá vàng giảm 7,42%, giá đô la Mỹ tăng 0,76%.
b) Xuất - nhập khẩu:
Xuất khẩu phát triển thuận lợi do giá nguyên liệu nhập khẩu và nguồn lao động tương đối ổn định; các thị trường xuất khẩu chính đang dần hồi phục và những tác động tích cực của việc đàm phán Hiệp định TPP đã thúc đẩy hoạt động xuất khẩu tăng trưởng khá; nhiều nhà nhập khẩu có xu hướng chuyển đơn hàng sang Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng đến quý I/2015.
Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 17 tỷ 741 triệu đô la Mỹ, tăng 17,5%; khu vực FDI tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao và đóng góp chủ yếu cho tăng trưởng xuất khẩu của tỉnh, tăng 17,4% so với cùng kỳ, chiếm 82% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Có 17/19 nhóm hàng xuất khẩu chủ yếu tăng so với cùng kỳ, trong đó có 12 nhóm hàng có kim ngạch tăng trên 10%; tập trung một số mặt hàng chính là giày dép, hàng dệt may, sản phẩm bằng gỗ, sản phẩm điện tử, sắt thép..
Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 13 tỷ 732 triệu đô la Mỹ, tăng 17,7%, trong đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 15,2%, chiếm 78%. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là nguyên vật liệu sản xuất và máy móc thiết bị, phụ tùng. Tỉnh tiếp tục xuất siêu trên 4 tỷ USD, trong đó khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài xuất siêu chiếm 97%.
3. Nông nghiệp:
Sản xuất nông nghiệp diễn ra trong điều kiện khó khăn của thời tiết, dịch bệnh, giá cả, thị trường tiêu thụ,... song tỉnh đã tập trung các giải pháp ổn định và phát triển sản xuất; do đó kết quả giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 3.133 tỷ đồng, tăng 3,7%; trong đó, nông nghiệp tăng 4,1%, lâm nghiệp tăng 6,5%, thủy sản giảm 32%.
Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt 22.702 ha, giảm 2%, trong đó diện tích lúa giảm 3%; diện tích cây lâu năm đạt 140.570 ha, tăng 0,1%, trong đó diện tích cao su đạt 133.380 ha, tăng 0,2%. Tổng diện tích cây hàng năm chính nhiễm các loại sâu bệnh khoảng 8.530 ha, giảm so với cùng kỳ; nhờ chủ động trong công tác phòng chống, giám sát mùa màng nên tình hình nhiễm bệnh giảm đáng kể so với năm 2013 và mức độ gây hại nhẹ, không ảnh hưởng nhiều đến sinh trưởng, năng suất của cây trồng.
Chăn nuôi tiếp tục phát triển; tổng đàn trâu - bò của tỉnh tại thời điểm 01/10/2014 khoảng 28 ngàn con (giảm 0,8% so với cùng kỳ), đàn heo khoảng 476 ngàn con (tăng 1,9%), đàn gia cầm trên 6 triệu con (tăng 11,4%). Công tác phòng chống bệnh trên đàn gia súc - gia cầm được giám sát xử lý kịp thời nên không phát sinh dịch bệnh; trong năm, xảy ra bệnh cúm gia cầm, heo tai xanh và lở mồm - long móng trên trâu bò với 625 con mắc; đã thực hiện tiêu hủy, khử trùng, khống chế tình hình, không để lây lan sang diện rộng.
Các chính sách khuyến khích phát triển trong nông nghiệp tiếp tục thực hiện hiệu quả; ứng dụng khoa học kỹ thuật cao trong trồng trọt với diện tích là 860 ha (tăng 02 lần so với cùng kỳ), trong chăn nuôi với gần 4,4 triệu con gà (tăng 28,6% so với cùng kỳ, chiếm 75% tổng đàn) và gần 131 ngàn con heo giống năng suất cao (tăng 6,5%, chiếm 30% tổng đàn), tập trung chủ yếu tại các doanh nghiệp và trang trại; sản xuất nông nghiệp đô thị thực hiện với khoảng 112 ha cây trồng và 252 ngàn con vật nuôi các loại. Thực hiện chính sách hỗ trợ giữ và phát triển vườn cây ăn quả đặc sản, đã hỗ trợ nông dân với số tiền trên 4,2 tỷ đồng, góp phần ổn định và phát triển sản xuất. Tiếp tục triển khai đầu tư 4 khu nông nghiệp kỹ thuật cao với diện tích quy hoạch là 991 ha, hiện nay các khu này đang đi vào hoạt động với tổng diện tích nuôi trồng, sản xuất trên 350ha, nhiều mô hình áp dụng công nghệ kỹ thuật cao có doanh thu 500-600 triệu/ha/vụ.
Về Chương trình xây dựng nông thôn mới: tiếp tục huy động nhiều nguồn lực để đẩy mạnh đầu tư các xã nông thôn mới và nâng cấp các xã phát triển theo hướng đô thị lên phường, nâng cao chất lượng đời sống người dân. Đã công nhận 11 xã đạt danh hiệu “xã đạt chuẩn nông thôn mới” và công bố chuyển, nâng cấp 12 xã lên phường. Đã có 49/49 xã hoàn thành xây dựng đề án xã nông thôn mới.
Công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng tiếp tục được thực hiện tốt; toàn tỉnh đã trồng được 33 ngàn cây lâm nghiệp các loại, đạt 100% kế hoạch năm; xảy ra 01 vụ cháy rừng tự nhiên (huyện Dầu Tiếng) với diện tích khoảng 03 ha. Tổ chức quản lý, khai thác và vận hành hiệu quả các công trình thủy lợi phục vụ tưới, tiêu cho sản xuất và sinh hoạt.
Thời tiết trong năm có nhiều diễn biến phức tạp; tỉnh đã chỉ đạo triển khai kịp thời các biện pháp phòng, chống bão lũ, khắc phục thiên tai, đảm bảo ổn định sản xuất và đời sống nhân dân; đẩy nhanh tiến độ các dự án thoát nước và các công trình cấp nước tập trung nông thôn. Trong năm, nhiều trận mưa lớn kèm theo lốc xoáy đã làm tốc mái 80 căn, gãy đổ hơn 95 ha cây cao su, ngập hư 654 ha lúa và hoa màu, bể, sạt lở 301m bờ bao rạch,.... với tổng giá trị thiệt hại khoảng 15,7 tỷ đồng; các ngành, địa phương đã kịp thời hỗ trợ nhân dân khắc phục thiệt hại, ổn định cuộc sống.
4. Tài nguyên, môi trường:
Hoàn thành công tác lập, phê duyệt quy hoạch sử dụng đất các cấp trên địa bàn tỉnh đến năm 2020; triển khai các văn bản thi hành Luật Đất đai và một số văn bản trên lĩnh vực tài nguyên, môi trường. Trong năm, thực hiện cho thuê đất, giao đất cho 253 dự án với tổng diện tích gần 649 ha; thu hồi đất để thực hiện 45 dự án với diện tích 122 ha. Tỷ lệ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất trên toàn tỉnh đạt 98,6% với diện tích tương ứng là 240.291 ha, trong đó cấp cho tổ chức đạt 98,3% và hộ gia đình, cá nhân đạt 98,8%. Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được triển khai tích cực đã góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình trên địa bàn tỉnh.
Đã kết nối đưa vào hoạt động 06 trạm quan trắc thuộc Dự án đầu tư xây dựng các trạm quan trắc nước thải tự động cho các Khu công nghiệp và nguồn thải lớn trên địa bàn tỉnh, nâng tổng trạm đang hoạt động lên là 33 trạm; đang tiếp tục thi công giai đoạn 2 của dự án. Triển khai nạo vét khơi thông dòng chảy tại các sông, suối, kênh rạch. Tiến hành rà soát, chấn chỉnh tình hình cấp phép, khai thác khoáng sản, hoạt động bảo vệ môi trường và kiểm tra các đơn vị hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại. Đã thực hiện thanh, kiểm tra và xử lý 28 đơn vị vi phạm trên lĩnh vực tài nguyên và môi trường, trong đó có 19 đơn vị vi phạm trên lĩnh vực môi trường.
5. Đầu tư – Phát triển đô thị:
a) Về đầu tư phát triển:
Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 59.639 tỷ đồng, tăng 13,8%; trong đó: nguồn vốn Nhà nước chiếm 16,6%, vốn ngoài nhà nước chiếm 38,5%, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm 44,8%. Đối với vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc vốn ngân sách tỉnh, ước khối lượng thực hiện đạt 5.677 tỷ đồng, đạt 126% kế hoạch và tổng giá trị khối lượng cấp phát 4.500 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch.
Tập trung giám sát tiến độ, chất lượng công trình và công tác thanh quyết toán vốn đầu tư. Đẩy mạnh công tác đầu tư đưa vào sử dụng các công trình chuyển tiếp, các công trình trọng điểm về hạ tầng giao thông, cấp điện, cấp thoát nước, môi trường, y tế, giáo dục, nhà ở xã hội,… Đối với 12 dự án trọng điểm được công bố tại Lễ khởi động và phát triển thành phố mới Bình Dương; đến nay, đã khởi công xây dựng Bệnh viện Đa khoa 1.500 giường, Nhà Bá âm FM và đã đưa vào khai thác tuyến xe buýt nhanh thành phố Thủ Dầu Một – thành phố mới Bình Dương, Trung tâm thương mại AEON, Khu kho cảng Thạnh Phước; chuẩn bị khánh thành các dự án đường Phạm Ngọc Thạch, đường 7A, Cụm cảng và Trung tâm Logistic Tân Vạn, Khu phức hợp thương mại – căn hộ cao cấp và nhà ở và 04 dự án nhà ở xã hội
b) Đầu tư trong nước: đã thu hút được 9.925 tỷ đồng vốn đăng ký kinh doanh, gồm có 1.893 lượt doanh nghiệp đăng ký mới với số vốn 7.040 tỷ đồng và 340 lượt doanh nghiệp tăng vốn với số vốn 2.855 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh hiện có 17.266 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh với tổng vốn là 129.498 tỷ đồng.
c) Thu hút đầu tư nước ngoài: đã thu hút vốn đầu tư nước ngoài được 1 tỷ 530 triệu đô la Mỹ, (trong đó trong các khu công nghiệp thu hút 1 tỷ 366 triệu đô la Mỹ, chiếm tỷ lệ 89%); gồm: 137 dự án cấp mới với số vốn 738 triệu đô la Mỹ và 116 lượt dự án tăng vốn với số vốn 792 triệu đô la Mỹ. Lũy kế đến nay toàn tỉnh có 2.367 dự án với tổng số vốn là 20,3 tỷ đô la Mỹ. Đã tổ chức 03 buổi lễ trao Giấy chứng nhận đầu tư cho 102 doanh nghiệp với tổng số vốn là 1 tỷ 295 triệu đô la Mỹ.
d) Phát triển đô thị:
Tổ chức khởi động xây dựng và phát triển Thành phố mới Bình Dương, khánh thành và đưa vào hoạt động Trung tâm Hành chính tỉnh, công bố thành lập 02 thị xã Bến Cát, Tân Uyên và 02 huyện mới Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên. Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định công nhận đô thị Thủ Dầu Một là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Bình Dương. Tổ chức công bố Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh đến năm 2020, bổ sung quy hoạch đến năm 2025.
Công tác quản lý kiến trúc đô thị từng bước đi vào nề nếp; lập hồ sơ đề xuất khu vực phát triển đô thị trên địa bàn, xây dựng Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị và xây dựng danh mục các khu vực, tuyến phố phải lập đồ án thiết kế đô thị. Xây dựng Quy định về Phân cấp đường bộ, chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây dựng trên địa bàn thành phố Thủ Dầu Một; Quy chế đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng tỉnh. Quy hoạch chuyển đổi công năng sử dụng đất và trụ sở của các cơ quan nhà nước đã di dời nhằm cải tạo, chỉnh trang đô thị Thủ Dầu Một.
Đưa vào hoạt động tuyến xe buýt chất lượng cao thành phố Thủ Dầu Một - thành phố mới Bình Dương. Công tác bảo dưỡng, bảo trì, cải tạo, sửa chữa hệ thống giao thông, chiếu sáng, cây xanh, chỉnh trang đô thị được duy trì thường xuyên; đã chỉnh trang, bó gọn hệ thống cáp viễn thông treo trên 04 tuyến đường tại Thành phố Thủ Dầu Một: Đại lộ Bình Dương, 30/4, Lê Hồng Phong, Thích Quảng Đức.
Thường xuyên kiểm tra việc đầu tư xây dựng, vận hành, duy tu, bảo dưỡng các công trình thoát nước đô thị; đang triển khai đầu tư 03 công trình thoát nước đô thị: Suối Giữa, Suối Cát, hệ thống tiêu thoát nước Khu công nghiệp Sóng Thần – Đồng An và vùng phụ cận. Chỉ đạo rà soát, xây dựng giải pháp xử lý các điểm ngập trên địa bàn tỉnh; tập trung chủ yếu ở thị xã Dĩ An, Thuận An, Bến Cát. Thực hiện nghiêm túc việc chấm dứt hoạt động sản xuất các lò gạch Hoffman theo đúng lộ trình.
Thực hiện Đề án hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở năm 2014 trên địa bàn tỉnh; rà soát tình hình đầu tư, xây dựng nhà ở cho công nhân, người lao động tại các Khu công nghiệp. Đã chấp thuận chủ trương đầu tư 05 dự án nhà ở xã hội (trong đó có 02 dự án chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang) với số lượng 2.483 căn, đáp ứng cho khoảng 6.850 người; dự kiến đến cuối năm, sẽ có 04 dự án nhà ở xã hội đưa vào sử dụng, với số căn hộ là 5.493, đáp ứng cho 13.180 người. Đến nay, đã đầu tư được tổng cộng 76 dự án đầu tư nhà ở xã hội, với tổng số căn hộ là 80.503, đáp ứng cho 236.175 người, trong đó, đã có 18 dự án đưa vào sử dụng, với tổng số căn hộ là 10.495, đáp ứng cho 36.938 người.
6. Tài chính, tín dụng:
a) Ngân sách:
Tổng thu ngân sách ước thực hiện 32.000 tỷ đồng, đạt 102% dự toán Trung ương giao và dự toán HĐND tỉnh, tăng 8% so với cùng kỳ. Trong đó: thu nội địa 22.250 tỷ đồng, đạt 108% dự toán Trung ương (nếu loại trừ các khoảng thu để lại qua ngân sách Trung ương không giao thì đạt 103% dự toán), 99% dự toán HĐND tỉnh, tăng 13% so với cùng kỳ; thu thuế xuất nhập khẩu 9.750 tỷ đồng, đạt 90% dự toán Trung ương và đạt 108% dự toán HĐND tỉnh, giảm 3% so với cùng kỳ (nếu loại trừ số thu từ xăng dầu nhập khẩu thì thu xuất nhập khẩu đạt 108% dự toán Trung ương, tăng 18% so với cùng kỳ và tổng thu tăng 15% so với cùng kỳ). Tổng chi ngân sách ước thực hiện 11.500 tỷ đồng, đạt 123% dự toán Trung ương, 100% dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh, tăng 10% so với cùng kỳ; trong đó, chi đầu tư xây dựng cơ bản chiếm 39% tổng chi.
Về tình hình nợ đọng thuế: Tỉnh đã thường xuyên chỉ đạo xử lý nợ đọng thuế theo đúng lộ trình nhằm đảm bảo cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh và huy động nguồn thu vào ngân sách. Kết quả tổng nợ đọng thuế đến tháng 10/2014 là 2.073 tỷ đồng, chiếm 9,2% dự toán thu của năm, trong đó nợ từ hoạt động sản xuất kinh doanh là 1.573 tỷ đồng, nợ các khoản thu từ đất là 500 tỷ đồng. Trong năm, đã thực hiện miễn, giảm, gia hạn tiền thuê đất, tiền sử dụng đất cho 126 doanh nghiệp với tổng số tiền trên 109 tỷ đồng.
Công tác sắp xếp đổi mới doanh nghiệp: thực hiện chủ trương của Chính phủ về phương án sắp xếp đổi mới doanh nghiệp, Tỉnh đã triển khai cổ phần hóa 02 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước trực thuộc Tổng Công ty là Công ty Vật liệu và Xây dựng Bình Dương, Công ty Cao su Bình Dương; quyết định thành lập Ban chỉ đạo về cổ phần hóa Tổng Công ty Becamex và Tổng Công ty Thanh Lễ.
b) Tín dụng:
Hệ thống các tổ chức tín dụng phát triển ổn định; đến nay toàn tỉnh có 55 chi nhánh tổ chức tín dụng, 10 Quỹ Tín dụng nhân dân cơ sở và 144 Phòng giao dịch, Quỹ tiết kiệm. Ngành ngân hàng đã phân loại, cơ cấu nợ, xử lý nợ quá hạn và giảm lãi suất theo chỉ đạo của Chính phủ; triển khai Chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp tại các huyện, thị, thành phố. Lãi suất cho vay được các ngân hàng thực hiện giảm dần, cụ thể lãi suất đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ là 7-8%/năm đối với ngắn hạn và 9,5-11%/năm đối với trung, dài hạn; lãi suất cho vay sản xuất - kinh doanh là 9-10%/năm đối với ngắn hạn và 10,5-11,5%/năm đối với trung, dài hạn. Kết quả tổng vốn huy động ước đạt 100.500 tỷ đồng, tăng 19,3% so với cùng kỳ; trong đó tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng 19,3%, chiếm 40,2%, tiền gửi dân cư tăng 20,9%, chiếm 58,5%. Dư nợ cho vay ước đạt 75.472 tỷ đồng, tăng 13,3%; trong đó: ngắn hạn tăng 10,3%, chiếm 67,4% và trung - dài hạn tăng 20,2%, chiếm 32,6%; riêng dư nợ cho vay đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 22% tổng dư nợ. Nợ quá hạn là 2.162 tỷ đồng, chiếm 2,87% tổng dư nợ (trong đó nợ xấu là 1.400 tỷ đồng, chiếm 1,85%/tổng dư nợ).
Về triển khai thực hiện Chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở: đến nay, đã cho vay khoảng 88,6 tỷ đồng; trong đó, cho vay mua nhà ở xã hội hơn 60 tỷ đồng, chiếm 67,7%. Về gói hỗ trợ tín dụng 1.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp bị thiệt hại nặng; đến nay 08 doanh nghiệp có nhu cầu vay đang tiến hành các thủ tục vay vốn với tổng số tiền là 307 tỷ đồng.
II. Về văn hóa - xã hội:
1. Công tác bảo đảm an sinh xã hội:
Công tác đảm bảo an sinh xã hội cơ bản thực hiện tốt và có hiệu quả. Tỉnh đã tập trung và huy động các nguồn lực để chăm lo cho các đối tượng chính sách, xã hội và thực hiện các giải pháp để xóa nghèo. Trong năm 2014, đã chi khoảng 570 tỷ đồng (trong đó ngân sách chi khoảng 470 tỷ đồng) cho hoạt động chăm sóc người có công, các đối tượng xã hội; xây dựng mới và sửa chữa 32 căn nhà tình nghĩa và 112 nhà đại đoàn kết; tặng trang thiết bị thiết yếu cho gia đình chính sách. Tổ chức lễ phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” cho 398 mẹ trên địa bàn tỉnh. Về số hộ nghèo theo tiêu chí mới, tỉnh đã tổ chức điều tra rà soát để làm cơ sở thực hiện các chính sách an sinh xã hội giai đoạn 2014-2015; hiện nay số hộ nghèo theo chuẩn mới là 4.186 hộ, chiếm 1,52% và hộ cận nghèo là 4.638 hộ, chiếm 1,68%. Công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe trẻ em, thực hiện bình đẳng giới, phòng chống các tệ nạn xã hội tiếp tục được quan tâm chỉ đạo và có chuyển biến tích cực.
Về lao động việc làm: tổ chức 27 phiên giao dịch việc làm, có 4.058 lượt doanh nghiệp tham gia với nhu cầu tuyển dụng trên 70.000 lao động; qua đó đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho khoảng 42.000 lượt người, trong đó giải quyết việc làm cho khoảng 37.100 người. Trong năm 2014, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho gần 46.100 người, vượt 2,4% kế hoạch năm; đào tạo nghề cho 1.425 lao động nông thôn. Về tranh chấp lao động: xảy ra 60 vụ tranh chấp lao động tập thể, đình công với khoảng 12.000 công nhân tham gia, giảm 32,6% về số vụ và giảm 67% về số người so với cùng kỳ; các ngành chức năng đã kịp thời làm việc với chủ doanh nghiệp để có giải pháp xử lý phù hợp.
Về bảo hiểm xã hội: tổng thu bảo hiểm xã hội ước đạt 10.500 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch năm; ước chi các chế độ bảo hiểm xã hội là 4.044 tỷ đồng (tăng 22,1% so với cùng kỳ), trong đó chi hưởng bảo hiểm thất nghiệp 528 tỷ đồng cho 63.924 lượt lao động (tăng 31,2%).
2. Giáo dục – Đào tạo:
Chất lượng giáo dục năm học 2013- 2014 tiếp tục được nâng lên, có nhiều chuyển biến tích cực; tỷ lệ học sinh khá - giỏi các cấp tăng so với năm học trước. Tỷ lệ tốt nghiệp khối trung học phổ thông là 99,88% (năm 2013 là 99,34%), có 26 trường có tỷ lệ đậu đạt 100%. Thực hiện tốt công tác tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh vào lớp 6, 10 và các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp. Qua đánh giá kết quả kỳ thi tuyển sinh vào các trường Đại học - Cao đẳng năm 2014, tỷ lệ trúng tuyển Đại học – Cao đẳng của học sinh trên địa bàn tỉnh là 68,4%, trong đó tỷ lệ đậu đại học là 50,3% (năm 2013 tỷ lệ trúng tuyển vào các trường Đại học - Cao đẳng là 59,2%, trong đó tỷ lệ đậu đại học là 39,5%).
Năm học 2014-2015 cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ giáo viên cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy, học theo kế hoạch và cho khoảng 27.100 học sinh tăng thêm. Đến nay, toàn ngành có 516 đơn vị, trường học (trong đó, có 167 trường tư thục), tăng 33 trường. Tỉnh đã chỉ đạo rà soát số lượng học sinh, sửa chữa, đầu tư trang thiết bị, điều chuyển cơ sở vật chất và tổ chức xét tuyển mới 1.519 viên chức để kịp thời phục vụ năm học mới. Tỷ lệ trường công lập được lầu hóa đạt 60,46% (tăng 25 trường); đã công nhận thêm 28 trường công lập đạt chuẩn quốc gia, nâng tỷ lệ đến nay đạt 58,92%. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 08 trường đại học, 01 trường cao đẳng và 09 trường trung cấp chuyên nghiệp và 59 cơ sở dạy nghề, cơ bản đáp ứng được nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh.
3. Chăm sóc sức khoẻ nhân dân:
Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân được tăng cường, áp dụng nhiều kỹ thuật mới trong khám chữa bệnh; cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực ngành y tế được quan tâm đầu tư, củng cố. Toàn tỉnh hiện có 03 bệnh viện công lập tuyến tỉnh, 02 bệnh viện theo hế thống y tế ngành, 09 trung tâm y tế tuyến huyện, 17 phòng khám đa khoa khu vực, 91 trạm y tế và 2.002 cơ sở hành nghề y dược ngoài công lập. Trong năm 2014, đã thực hiện khám chữa bệnh cho hơn 5,8 triệu lượt người, vượt 4,2% kế hoạch; công suất sử dụng giường bệnh trung bình tại bệnh viện tuyến tỉnh là 98% và tuyến huyện, thị xã, thành phố là 78%.
Thực hiện tốt kế hoạch phòng, chống và giám sát chặt chẽ dịch bệnh truyền nhiễm; diễn biến tình hình một số bệnh: bệnh tay chân miệng có 2.157 ca mắc mới, tăng 18,3% so với cùng kỳ; sốt xuất huyết có 2.105 ca mắc mới, giảm 18,6%, tử vong 01 ca; sốt rét có 56 ca mắc mới, giảm 36,4%; sốt phát ban nghi sởi là 1.472 trường hợp, bệnh sởi có 234 ca. Các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế được triển khai thực hiện có hiệu quả; tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ 8 loại vaccin đạt 96% kế hoạch năm. Tổng số người tham gia bảo hiểm y tế 1 triệu 389 ngàn người, chiếm 75% dân số của tỉnh.
Duy trì giám sát hoạt động truyền thông, tư vấn, chăm sóc, điều trị, quản lý người nhiễm HIV; tổng số người mới nhiễm trong năm là 175 người, tăng 34 người so với cùng kỳ. Về hoạt động đảm bảo vệ sinh an toàn, phòng chống ngộ độc thực phẩm: xảy ra 02 vụ ngộ độc thực phẩm với 71 ca mắc, giảm 02 vụ so với cùng kỳ, không có tử vong; đã tiến hành thanh, kiểm tra 17.016 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, phát hiện 3.263 cơ sở vi phạm, chiếm 19,2%.
4. Văn hoá, thể thao và du lịch:
Các hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao được tổ chức với nội dung, hình thức phong phú và đa dạng chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước và các sự kiện chính trị của địa phương, trong đó nổi bật là các hoạt động Mừng Đảng – Mừng Xuân Giáp Ngọ 2014, Lễ khởi động xây dựng, phát triển Thành phố mới và khánh thành Trung tâm Hành chính tỉnh Bình Dương,....
Đã tổ chức 39 hội thi, hội diễn, liên hoan và 748 buổi biểu diễn văn hóa nghệ thuật phục vụ các tầng lớp nhân dân; các đoàn nghệ thuật của tỉnh đã tham gia 04 hội diễn văn hóa nghệ thuật toàn quốc, khu vực và đạt 09 huy chương các loại. Hoàn thành tổ chức Đại hội Thể dục thể thao tỉnh lần thứ IV/2014 và tham dự Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc lần thứ VII/2014; tỉnh đã tham gia thi đấu 117 giải, đạt 482 huy chương các loại.
Hoạt động kinh doanh du lịch tiếp tục giữ mức tăng trưởng ổn định; ước tổng lượt khách du lịch đến tỉnh đạt khoảng 4,2 triệu lượt người, đạt 100% kế hoạch năm, tăng 1,7% so với cùng kỳ, doanh thu du lịch đạt hơn 1.100 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ.
5. Thông tin, truyền thông - Khoa học, công nghệ:
Các cơ quan báo, đài thực hiện cung cấp thông tin theo đúng định hướng, phục vụ tích cực công tác chỉ đạo, điều hành và tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội; đặc biệt chú trọng thông tin về việc bảo vệ chủ quyền biển – đảo, sửa đổi Hiến pháp 1992, Luật Đất đai 2013,.... Mạng lưới dịch vụ bưu chính, viễn thông, internet tiếp tục được đầu tư mở rộng, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu thông tin liên lạc của nhân dân. Đến nay, tỷ lệ thuê bao điện thoại cố định đạt 8,07 thuê bao/100 dân, thuê bao di động trả sau là 4,01 thuê bao/100 dân và tỷ lệ người dùng internet là 49 người/100 dân. Hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin được đẩy mạnh, đặc biệt là trong cơ quan nhà nước.
Hoạt động khoa học công nghệ được chủ động triển khai, đảm bảo tiến độ và chất lượng đề tài, dự án. Tổ chức nghiệm thu 37 đề tài; bàn giao sản phẩm kết quả 25 đề tài; ký hợp đồng triển khai 09 nhiệm vụ khoa học công nghệ. Tư vấn thủ tục xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho 71 lượt doanh nghiệp và hỗ trợ kinh phí phát triển tài sản trí tuệ cho 53 tổ chức cá nhân. Kiểm định, hiệu chuẩn 59.131 phương tiện đo các loại, tăng 100% so với cùng kỳ, đạt 159,8% kế hoạch năm; thường xuyên tổ chức kiểm tra về đo lường, chất lượng và nhãn hàng hóa lưu thông trên thị trường.
(Trích Báo cáo số 140/BC-UBND của UBND tỉnh Bình Dương ngày 1/12/2014)