Trong điều kiện kinh tế trong nước vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng UBND tỉnh đã phấn đấu thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách năm 2014...
Đánh giá kết quả đạt được cho thấy, hầu hết các chỉ tiêu ước đạt và vượt so với kế hoạch được giao, nổi bật là tổng sản phẩm của tỉnh tăng 8,75% (kế hoạch 8,7%), sản lượng lương thực đạt 778.237 tấn (kế hoạch 710.000 tấn), sản lượng hải sản khai thác 188.800 tấn (kế hoạch 187.000 tấn), kim ngạch xuất khẩu đạt 400,037 triệu USD (kế hoạch 380 triệu USD), tổng thu ngân sách nhà nước 7.100 tỷ đồng (kế hoạch 6.466 tỷ đồng), trong đó thu nội địa là 3.975 tỷ đồng, chi đầu tư phát triển từ nguồn vốn ngân sách tập trung là 661 tỷ đồng.
Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng ngành nông lâm - thủy sản, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp - dịch vụ. Giá trị sản xuất công nghiệp và nhiều sản phẩm chủ yếu tăng so với năm trước như: khai thác cát xây dựng, đá xây dựng, thuỷ sản, hàng may mặc. Tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các dự án điện được đẩy nhanh, thu hút các dự án đầu tư. Các KCN thu hút thêm 9 dự án, lũy kế đến nay có 47 dự án đầu tư trong đó có 14 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn là 125,9 triệu USD.
Hoạt động du lịch tiếp tục tăng lên cả về số lượng du khách, thời gian lưu trú, doanh thu và chất lượng dịch vụ, trong năm có gần 3,8 triệu lượt (tăng 7,5%), đặc biệt khách quốc tế tăng gần 8% (khoảng 410.000 lượt khách), doanh thu đạt 6.459 tỷ đồng.
Hệ thống thủy lợi được khai thác và phát huy tốt, diện tích gieo trồng, sản lượng lương thực vượt kế hoạch và tăng so với năm trước. Cụ thể, tổng diện tích gieo trồng thực hiện 203.515ha, sản lượng lương thực thực hiện 778.237 tấn. Diện tích cây thanh long tăng gần 13%, ước trồng 23.200ha, trồng rừng đạt kế hoạch đề ra, sản lượng hải sản khai thác đạt 188.800 tấn.
Hoạt động thương mại nội địa ổn định, chỉ số giá tiêu dùng tăng 1 con số là 5,62% so với năm trước. Trong năm các ban, ngành của tỉnh đã tham gia nhiều hội chợ trong nước và quốc tế để quảng bá thương hiệu, sản phẩm lợi thế và mở rộng thị trường xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 5,1% so với năm trước đạt 277 triệu USD, trong đó nhóm hàng thủy sản và hàng may mặc tăng khá; kim ngạch nhập khẩu (ước 120,2 triệu USD) giảm 9,5% so với năm trước. Các dịch vụ vận tải, viễn thông tiếp tục phát triển. Công tác quản lý thị trường, kiểm soát giá cả được tăng cường.
Tổng thu ngân sách ước đạt 7.100 tỷ đồng, vượt kế hoạch đề ra, thu nội địa đạt 3.975 tỷ đồng, đạt kế hoạch và tăng so năm trước. Tổng vốn đầu tư phát triển thuộc ngân sách Nhà nước và trái phiến Chính phủ ước thực hiện 2.154,3 tỷ đồng, đạt 108,4% kế hoạch; công tác thu hút các dự án thuộc nguồn vốn ngoài ngân sách được đẩy mạnh, đến nay có 41 dự án đầu tư ngoài ngân sách được cấp giấy CNĐT với tổng vốn đăng ký 2.635 tỷ đồng, trong đó có 5 dự án FDI với tổng vốn 51,47 triệu USD.
Các hoạt động văn hóa, xã hội có chuyển biến tiến bộ. Chất lượng dạy và học ở các cấp học được nâng lên; công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực được tập trung thực hiện. Trong đó, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT đạt 98,56%, tỷ lệ học sinh bỏ học giảm 24,83%.
Công tác phòng, chống dịch bệnh được tăng cường; các chương trình y tế quốc gia được triển khai đều ở các tuyến. Hoạt động khoa học công nghệ được chú trọng hơn vào ứng dụng thực tiễn. Công tác giải quyết việc làm cho người lao động, đào tạo nghề nhất là đào tạo nghề cho lao động nông thôn triển khai tích cực, đạt kế hoạch. Các chính sách an sinh xã hội được thực hiện khá tốt. Hoàn thành công tác rà soát thực hiện chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với người có công với cách mạng.
Hoạt động thể thao phát triển mạnh, tổ chức thành công các giải thể thao truyền thống và quốc tế, bên cạnh đó, hoạt động văn hoá với cuộc thi “Hoa hậu Đại Dương Việt Nam năm 2014” đã đem đến cơ hội quảng bá du lịch Bình Thuận và phục vụ nhu cầu hưởng thụ đời sống tinh thần của nhân dân.
Công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí được tăng cường chỉ đạo, nhất là thu hồi các khoản thất thoát và xử lý các đối tượng vi phạm. Công tác chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh có nhiều cố gắng, nhất là tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc để hỗ trợ các doanh nghiệp trong tổ chức sản xuất kinh doanh và thúc đẩy kinh tế phát triển.
Quốc phòng, an ninh chính trị cơ bản được giữ vững và ổn định; những vụ việc phức tạp phát sinh đều được tập trung chỉ đạo, xử lý kịp thời. Trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; tai nạn giao thông được kiềm chế.
Tuy nhiên, vẫn phải nhìn nhận tình hình kinh tế xã hội của tỉnh vẫn còn một số khó khăn, yếu kém. Tốc độ tăng trưởng kinh tế tuy vượt so với kế hoạch nhưng chưa vững chắc, tiến độ đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các dự án công nghiệp, thu hút các dự án thứ cấp vào các khu công nghiệp còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu. Giao thông còn yếu và chưa đồng bộ, việc mở rộng Quốc lộ 1A đã gây khó khăn trong giao thương hàng hoá trong và ngoài tỉnh, lượng khách du lịch đến Bình Thuận.
Sản xuất nông nghiệp còn gặp khó khăn do nắng hạn cục bộ kéo dài, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số; diện tích cây thanh long tiếp tục phát triển khá nhanh, trong khi thị trường tiêu thụ còn bấp bênh, còn phụ thuộc vào một thị trường. Tình hình vi phạm bảo vệ nguồn lợi thủy sản, lâm nghiệp vẫn còn diễn biến phức tạp, đặc biệt tình trạng phá rừng ở các vùng giáp ranh.
Giá xuất khẩu giảm, thị trường thu hẹp, nhiều rào cản kỹ thuật đã ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt thấp và giảm so với năm trước. Thu ngân sách tuy có cố gắng nhưng vẫn còn không ít khó khăn, tiến độ thực hiện và giải ngân một số dự án còn chậm. Chất lượng giáo dục toàn diện có mặt còn hạn chế. Một số dự án chính sách giảm nghèo triển khai còn chậm. Đời sống một bộ phận nhân dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng bãi ngang ven biển còn khó khăn.
Tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở một số nơi diễn biến phức tạp; tình trạng khiếu kiện đông người còn xảy ra, chưa giải quyết dứt điểm.
(Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Bình Thuận)