I. NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC
1. Về lĩnh vực kinh tế:
Kinh tế tăng trưởng ổn định và cao hơn các năm trước, tổng sản phẩm trong tỉnh (GDP) quý I tăng 7,7%, 6 tháng tăng 8,1%, 9 tháng tăng 8,1%, ước cả năm tăng 8,5% (chỉ tiêu năm 2014 tăng 8,5 - 9%; năm 2013 tăng 7,96% và năm 2012 tăng 7,93%). Trong đó, khu vực ngư, nông, lâm nghiệp tăng 6,9%; khu vực công nghiệp, xây dựng tăng 8,7%; khu vực dịch vụ tăng 10,4%.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2014 đạt khoảng 10.300 tỷ đồng (bằng chỉ tiêu), tăng 13,8% so với năm 2013.
a) Sản xuất ngư, nông, lâm nghiệp phát triển ổn định, phong trào xây dựng nông thôn mới tiếp tục được quan tâm thực hiện:
- Tổng sản lượng thủy sản 10 tháng đạt 418.230 tấn, tăng 9% so cùng kỳ, đạt 91% kế hoạch; trong đó: sản lượng tôm 139.305 tấn, tăng 8% so với cùng kỳ, đạt 90% so kế hoạch. Tổng sản lượng thủy sản cả năm ước đạt 480.000 tấn, tăng 6% so năm 2013, vượt 5% kế hoạch; trong đó có 170.000 tấn tôm, tăng 11,7% so năm 2013, vượt 10% kế hoạch.
- Diện tích tôm nuôi công nghiệp, nuôi quảng canh cải tiến phát triển nhanh, năng suất thu hoạch đạt khá. Đến ngày 12/11/2014, diện tích tôm nuôi công nghiệp đạt 7.911ha, tăng 1.919ha so cuối năm 2013, vượt 911ha so kế hoạch; dự kiến đến cuối năm đạt 8.200ha, tăng 2.208ha so cuối năm 2013, vượt 1.200ha so kế hoạch. Nuôi tôm quảng canh cải tiến đạt 59.395ha, tăng 20.395ha so cuối năm 2013, đạt 99% kế hoạch; dự kiến cả năm đạt 60.200ha, tăng 21.200ha so cuối năm 2013, vượt 0,3% kế hoạch. Tôm nuôi quảng canh truyền thống ổn định. Dịch bệnh trên tôm nuôi còn xảy ra, đã có 1.245ha tôm công nghiệp bị nhiễm bệnh, tăng 333ha so cùng kỳ. Riêng tôm quảng canh và quảng canh cải tiến, có 11.256ha, giảm 1370ha so cùng kỳ, mức độ thiệt hại giảm năng suất từ 10% - 60%. Năng suất thu hoạch tôm nuôi đạt khá (tôm sú công nghiệp 5-6 tấn/ha, tôm thẻ công nghiệp 7-10 tấn/ha; quảng canh cải tiến 0,4 - 0,5 tấn/ha). Khai thác biển thuận lợi, 10 tháng tăng 15% so cùng kỳ, đạt 99,7% kế hoạch; ước cả năm tăng 2,1% so với năm 2013, vượt 4,1% kế hoạch, góp phần tăng tổng sản lượng thủy sản so cùng kỳ.
- Về triển khai thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện; phân giao định mức số lượng phương tiện được hỗ trợ đến các huyện, thành phố, với tổng số 90 tàu cá và 10 tàu dịch vụ; đồng thời triển khai đầy đủ các văn bản hướng dẫn của Trung ương. Tuy nhiên, do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện chính sách tín dụng, nhưng không quy định trình tự, thủ tục thực hiện, nên các ngân hàng thương mại mất khá nhiều thời gian để xây dựng, công bố trình tự, thủ tục riêng; một số nội dung về quy trình chọn lựa, xem xét, thẩm định đối tượng thụ hưởng chưa rõ ràng nên khó khăn trong áp dụng;….dẫn đến chưa giải ngân được nguồn vốn. UBND tỉnh đã chỉ đạo đơn vị chức năng tiếp tục rà soát, báo cáo các khó khăn, vướng mắc về Trung ương để xem xét, chỉ đạo tháo gỡ kịp thời.
- Sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, đã thu hoạch lúa hè thu đạt 36.474ha, bằng 99,4% diện tích xuống giống, diện tích còn lại đã bị thiệt hại trong quá trình sản xuất. Việc xuống giống lúa mùa, lúa vụ 2 và lúa trên đất nuôi tôm được nông dân tích cực thực hiện, tuy nhiên do thời tiết không thuận lợi dẫn đến thay đổi lịch thời vụ, nên tiến độ xuống giống các trà lúa nêu trên nhìn chung còn chậm. Đến ngày 12/11/2014, đã xuống giống 36.207ha lúa mùa và lúa vụ 2, đạt 71% kế hoạch (trong đó xuống giống lúa mùa 16.232ha, vượt 7,5% kế hoạch), giảm 2% so cùng kỳ; 36.973ha lúa trên đất nuôi tôm, đạt 85% kế hoạch, bằng 87% so cùng kỳ. Tuy năng suất lúa bình quân ước đạt 4,4 tấn/ha (kế hoạch 4,51 tấn/ha), nhưng dự báo diện tích xuống giống các trà lúa năm 2014 sẽ vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, dẫn đến sản lượng lúa ước đạt 586.500 tấn, đạt 100,1% chỉ tiêu. Nguyên nhân năng suất lúa đạt thấp do thời tiết không thuận lợi (nắng hạn cục bộ thường xảy ra), nhiều hộ dân sử dụng lúa giống không phù hợp và ảnh hưởng thiệt hại của bệnh đạo ôn cổ bông.
Cơ cấu cây trồng, vật nuôi từng bước được chuyển đổi phù hợp với điều kiện sản xuất từng vùng, tiểu vùng trong tỉnh, hiệu quả ngày càng cao. Sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn từ khi triển khai đến nay được 8.490ha (năm 2012 đạt 553ha, 2013 đạt 4.637ha, 2014 đạt 3.300ha), năng suất bình quân đạt 5,7 tấn/ha (tăng trên 01 tấn/ha so với sản xuất bình thường). Mô hình này đang được nông dân tích cực hưởng ứng do mang lại hiệu quả thiết thực, xu hướng sẽ tiếp tục phát triển nhanh trong thời gian tới. Diện tích rau màu tăng so cùng kỳ, do nông dân chú trọng mở rộng sản xuất để tăng thu nhập, nhất là trồng màu trên đất liếp vuông tôm. Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau đến năm 2020 đã được phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện, đây là cơ sở để tiếp tục chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng bền vững và hiệu quả.
Dịch bệnh trên gia súc, gia cầm được kiểm soát khá tốt, không để lây lan (kịp thời phát hiện, xử lý 07 ổ dịch cúm gia cầm, tiêu hủy 2.520 con; bệnh heo tai xanh 06 con). Chăn nuôi gia súc, gia cầm theo quy mô trang trại được quan tâm nhưng số lượng chưa nhiều, phần lớn còn chăn nuôi quy mô hộ gia đình, giá thành sản xuất cao, khó kiểm soát dịch bệnh, nên hiệu quả không cao, dự kiến đến cuối năm tổng đàn heo đạt khoảng 310.000 con, giảm 4,4%, tổng đàn gia cầm đạt khoảng 2,8 triệu con, tăng 12,5% so với năm 2013.
- Công tác tuần tra, kiểm tra quản lý, bảo vệ rừng được các ngành, đơn vị chức năng duy trì thực hiện thường xuyên, nên không xảy ra điểm nóng, tuy nhiên số vụ vi phạm vẫn còn cao so cùng kỳ (phát hiện, xử lý 334 vụ vi phạm, tăng 67 vụ so cùng kỳ). Công tác trồng rừng có bước chuyển biến tích cực và đạt kết quả khá tốt, đã trồng 2.996ha rừng, trong đó: trồng mới 502ha, vượt 0,4% kế hoạch và trồng sau khai thác 2.494ha. Phong trào trồng rừng (keo lai, tràm) thâm canh, gắn với chế biến lâm sản thu hút sự quan tâm đầu tư của doanh nghiệp và hộ dân, đến nay đã trồng trên 7.700ha, hiện rừng đang phát triển tốt, dự báo hiệu quả mang lại rất cao. Tổng diện tích có rừng tập trung đến cuối năm 2014 là 104.665ha, tỷ lệ che phủ rừng và cây phân tán bằng 23% diện tích tự nhiên (đạt chỉ tiêu). Công tác phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô 2013 - 2014 đạt kết quả khả quan, chỉ xảy ra 02 vụ cháy, với tổng diện tích thiệt hại 0,92ha.
- Chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục triển khai, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các ngành, các cấp và sự tham gia tích cực của người dân, kết cấu hạ tầng nông thôn được chú trọng đầu tư bằng nhiều nguồn vốn, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn. Đến nay, bình quân mỗi xã đạt 8,7/19 tiêu chí nông thôn mới, tăng bình quân 5,18 tiêu chí so với thời điểm xuất phát (3,52 tiêu chí), trong đó có 03 xã: Tắc Vân, Lý Văn Lâm (thành phố Cà Mau) và Tân Dân (huyện Đầm Dơi) đã được công nhận hoàn thành tiêu chí nông thôn mới, dự kiến trong tháng 12 sẽ tổ chức lễ công bố; 33 xã đạt 09 - 16 tiêu chí, 43 xã đạt 05 - 08 tiêu chí và 03 xã đạt dưới 05 tiêu chí (Nguyễn Huân, Tân Duyệt, Tam Giang Đông).
- Thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp: Đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường đối với 1.940/1.940 vụ bị thiệt hại, diện tích 610ha, với tổng số tiền 101,1 tỷ đồng.
- Trong 10 tháng, thiên tai đã làm chìm 22 phương tiện, sập 161 căn nhà dân (sạt lở đất làm sập 49 căn nhà, lốc xoáy làm sập 112 căn nhà); hư hỏng 501 căn nhà và 46 bể sản xuất tôm giống (sạt lở đất: 47 căn nhà, 46 bể sản xuất tôm giống; lốc xoáy: 454 căn nhà); đỗ ngã 817ha lúa hè thu và 12 trụ điện trung thế; chết 06 người (02 người do cây ngã đè, 03 người do chìm phương tiện, 01 người do sét đánh), bị thương 02 người (do sét đánh); tổng giá trị tài sản thiệt hại khoảng 11,6 tỷ đồng. UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo các ngành, địa phương, đơn vị có liên quan tăng cường các giải pháp phòng, tránh thiệt hại do thiên tai gây ra.
b) Năng lực sản xuất công nghiệp không ngừng tăng lên:
- Giá trị sản xuất công nghiệp tăng khá so với cùng kỳ, sản phẩm một số ngành công nghiệp không chỉ đóng góp vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh, còn góp phần đem lại nguồn thu ngoại tệ (chế biến thủy sản, đạm) và điều tiết cung - cầu trên thị trường cả nước (điện, đạm). Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp 10 tháng đạt 36.084 tỷ đồng (giá so sánh năm 2010), tăng 10% so với cùng kỳ, đạt 82% kế hoạch; ước cả năm đạt 42.778 tỷ đồng, tăng 6,1% so năm 2013, đạt 96,9% kế hoạch. Nguyên nhân đạt thấp so kế hoạch, do sản xuất của cụm khí - điện - đạm chiếm tỷ trọng lớn của toàn ngành, nhưng đường ống dẫn khí gặp sự cố trong tháng 3 và các Công ty Khí, Điện thực hiện đại tu, bão dưỡng trang thiết bị trong tháng 7 và tháng 8. Mặt khác, Công ty Khí đã hoạt động hết công suất nhưng vẫn không đảm bảo lượng khí cung ứng theo kế hoạch sản xuất điện, đạm. Một số sản phẩm chủ yếu như: Sản lượng chế biến thủy sản ước đạt 131.500 tấn, tăng 23,9% so năm 2013, tăng 15,4% so kế hoạch; sản lượng đạm đạt 777.000 tấn, tương đương với năm 2013, bằng 99% kế hoạch; sản lượng điện đạt 7,3 tỷ KWh, bằng 89,7% năm 2013, bằng 89,9% kế hoạch.
- Công tác khuyến công được các cấp, các ngành quan tâm tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện. Tuy nhiên, chương trình khuyến công chưa đủ mạnh, sức hấp dẫn, thu hút và lan tỏa chưa cao; đối tượng thụ hưởng chưa nhiều; năng lực tài chính và quản trị doanh nghiệp của chủ đầu tư còn hạn chế, không đủ điều kiện tiếp cận chính sách khuyến công.
- Điện phục vụ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân tiếp tục được quan tâm đầu tư, tỷ lệ hộ dân sử dụng điện đạt 96,4% tổng số hộ trong toàn tỉnh, dự kiến cuối năm đạt 96,5%. Việc đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới đường dây trung, hạ thế và trạm biến áp phục vụ nuôi tôm công nghiệp tiếp tục triển khai thực hiện, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất của nhân dân (từ đầu năm đến nay, ngành điện đã triển khai thực hiện đầu tư tăng cường công suất trạm biến áp phục vụ nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn tỉnh với tổng vốn đầu tư 18 tỷ đồng, khối lượng 284 trạm, trong đó tỉnh ứng vốn cho ngành điện 15 tỷ đồng, để đầu tư 204 trạm; phần còn lại ngành điện đầu tư). Tai nạn gây ra do điện từ đầu năm đến cuối tháng 10 là khá lớn (chết 43 người, bị thương 03 người, trong đó sử dụng điện nuôi tôm công nghiệp gây chết 17 người), mặc dù các cấp, các ngành đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra an toàn trong sử dụng điện.
c) Khu vực dịch vụ đạt tốc độ tăng trưởng khá và đóng góp quan trọng trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế:
- Nhiều ngành dịch vụ có hàm lượng giá trị gia tăng cao ngày càng phát triển như: thương mại, ngân hàng, vận tải, bảo hiểm, viễn thông, du lịch… Thị trường xuất khẩu ngày càng được xúc tiến mở rộng, nhu cầu thị trường tăng, ngoài yếu tố tăng khối lượng, sản phẩm giá trị gia tăng tăng 18%, giá mặt hàng xuất khẩu thủy sản tăng 2,5 USD/kg so cùng kỳ, đã góp phần nâng kim ngạch xuất khẩu đến ngày 12/11/2014 đạt 1.160 triệu USD, vượt 3% kế hoạch, tăng 28% so với cùng kỳ; ước cả năm đạt 1.300 triệu USD, vượt 16,1% kế hoạch, tăng 20,4% so cùng kỳ, trong đó xuất khẩu thủy sản ước đạt 1.260 triệu USD, vượt 16,7% kế hoạch, tăng 20,7% so với cùng kỳ; xuất khẩu đạm đạt 33 triệu USD, vượt 10% kế hoạch, tăng 17,9% so cùng kỳ; còn lại là xuất khẩu nông sản. Kim ngạch nhập khẩu đến ngày 12/11/2014 đạt 152 triệu USD, chủ yếu là nhập nguyên liệu thủy sản để chế biến xuất khẩu và nhập máy móc, thiết bị, phụ liệu dùng trong chế biến.
Tuy nhiên, rào cản thương mại xuất khẩu ngày càng nghiêm ngặt hơn, đã có 1.146 tấn hàng của doanh nghiệp bị trả về, do dư lượng kháng sinh vượt chuẩn quy định; Bộ Thương mại Hoa kỳ (DOC) đã công bố cuối cùng giữ nguyên mức thuế chống bán phá giá đối với tôm Việt Nam; trong đó Cà Mau có 08 doanh nghiệp bị áp thuế bình quân 6,37%, đã tác động xấu đến xuất khẩu tôm vào thị trường Mỹ; giá tôm sú nguyên liệu trên địa bàn tỉnh giảm 3 - 5%, thẻ chân trắng giảm 12 - 14% so thời điểm trước khi Mỹ công bố áp thuế. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, các ngành chức năng và doanh nghiệp đang tích cực thực hiện các giải pháp thích hợp để hạn chế thiệt hại trong thời gian tới.
- Dư nợ cho vay đến nay đạt 29.835 tỷ đồng, tăng trưởng tín dụng 9,5% so đầu năm; ước đến cuối năm tổng dư nợ cho vay 29.950 tỷ đồng, tăng 10%. Việc xử lý, thu hồi nợ được các chi nhánh ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn tích cực triển khai, đến nay nợ xấu chiếm 5,2% so tổng dư nợ cho vay toàn tỉnh, giảm 1,81% so cùng kỳ (kể cả nợ xấu của Chi nhánh Ngân hàng Phát triển Việt Nam khu vực Minh Hải).
- Công tác quản lý giá cả, thị trường được tiến hành thường xuyên, giá cả nhìn chung khá ổn định. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 tăng 2,62% so tháng 12 năm 2013, giảm 0,32% so tháng trước, tăng 3,99% so cùng kỳ; bình quân 10 tháng tăng 5,1%. Hàng hoá trên thị trường đa dạng, phong phú, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, dịch vụ tiếp tục phát triển khá. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ 39.179 tỷ đồng, tăng 16% so cùng kỳ, đạt 76% so với kế hoạch (nếu loại trừ yếu tố giá tăng 10,5%); cả năm ước đạt 45.800 tỷ đồng, tăng 14,3% so cùng kỳ, bằng 88,8% kế hoạch (do nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và giá một số mặt hàng nguyên, nhiên liệu giảm).
d) Công tác thu - chi ngân sách:
- Thu ngân sách Nhà nước đến ngày 12/11/2014 được 2.740 tỷ đồng, đạt 52% dự toán, giảm 16% so cùng kỳ. Ước tổng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) cả năm trên địa bàn tỉnh 3.320 tỷ đồng, đạt 62,64% dự toán HĐND tỉnh giao (5.300 tỷ đồng), giảm 25,3% so cùng kỳ. Trong đó, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 80 tỷ đồng, đạt 100% dự toán năm; thu nội địa 2.670 tỷ đồng, đạt 59,73% so dự toán năm, giảm 28,03% so cùng kỳ; thu quản lý qua ngân sách 570 tỷ đồng, đạt 76% so dự toán.
Nếu loại trừ yếu tố giảm thu do thực hiện chính sách như: Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ 800 tỷ đồng; thực hiện chủ trương giảm giá khí của khu khí điện đạm Cà Mau 1.030 tỷ đồng, không ghi thu viện phí 230 tỷ đồng, thì thu ngân sách năm 2014 đạt 101,51% so dự toán năm.
Về nguồn thu, có 07 nguồn thu vượt dự toán như: Thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 130%; thuế sử dụng đất nông nghiệp đạt 130,85%; thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đạt 115,38%; thu phí, lệ phí đạt 131,06%; thu tiền bán nhà thuộc SHNN đạt 121,57%; thu khác ngân sách đạt 105% so dự toán; thu từ xổ số kiến thiết đạt 110,64% so dự toán… Một số nguồn thu đạt thấp so dự toán, đặc biệt một số nguồn thu chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu ngân sách nhưng đạt thấp như: DNNN Trung ương đạt 56,03%; DNNN địa phương đạt 75,50%; thuế công thương nghiệp ngoài quốc doanh 43,43%; thuế bảo vệ môi trường đạt 73%; tiền sử dụng đất đạt 91,57%, …
Về đơn vị thu: So dự toán đầu năm, hầu hết các đơn vị thu không đạt dự toán. Nếu loại trừ yếu tố giảm thu do thực hiện chính sách, có 11/11 đơn vị ước thu đạt và vượt dự toán.
- Chi ngân sách 5.240 tỷ đồng, bằng 81% dự toán, giảm 5% so cùng kỳ. Ước tổng chi ngân sách địa phương 6.165,32 tỷ đồng, đạt 95,09% dự toán HĐND giao (6.483,92 tỷ đồng), giảm 21,69% so cùng kỳ. Trong đó, chi cân đối ngân sách địa phương 5.595,324 tỷ đồng, đạt 97,58% dự toán và chi quản lý qua ngân sách 570 tỷ đồng, đạt 76% dự toán năm 2014. Nguyên nhân tổng chi ngân sách địa phương không đạt dự toán năm, chủ yếu do thực hiện chủ trương không ghi chi viện phí 230 tỷ đồng và thực hiện cắt giảm một số khoản chi theo Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 13/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 07/CT-UBND ngày 09/9/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh,.…
đ) Đầu tư xây dựng cơ bản:
Công tác đầu tư xây dựng được quản lý chặt chẽ hơn, công tác kiểm tra, giám sát đánh giá đầu tư, quyết toán dự án được tăng cường; khó khăn, vướng mắc được tập trung tháo gỡ, từ đó khối lượng thực hiện và giá trị giải ngân đạt tăng so cùng kỳ. Tổng giá trị giải ngân đến ngày 12/11/2014 đạt 1.689 tỷ đồng, bằng 63% kế hoạch (2.680 tỷ đồng), tăng 16% so cùng kỳ (cùng kỳ giải ngân 1.462 tỷ đồng). Ước cả năm tổng giá trị giải ngân đạt khoảng 80 - 90% tổng kế hoạch vốn (không đạt 100% do một số nguồn vốn bổ sung trong năm được phép kéo dài thời gian giải ngân đến hết tháng 6/2015).
Nhiều chương trình, dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng quan trọng trên địa bàn tỉnh được tập trung xây dựng như: tuyến đường Hành lang ven biển phía Nam, tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn - Đất Mũi (đã hoàn thành cầu Năm Căn và cầu Kinh Tắc), dự án nâng cấp đô thị vùng ĐBSCL - Tiểu dự án thành phố Cà Mau, Khu tưởng niệm Bác Hồ giai đoạn 2, các tuyến đường ô tô đến trung tâm xã, các công trình thủy lợi, các công trình lưới điện, các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện, các trường học xây dựng đạt chuẩn quốc gia, các thiết chế văn hóa - thể thao cấp huyện, xã…; khởi công xây dựng mới các công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Cà Mau lần thứ XV (đường Phan Ngọc Hiển nối dài; cầu Bàu Chấu; Trường THPT Quách Phẩm; khu A, B, C Bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng), góp phần cải thiện kết cấu hạ tầng của tỉnh, là động lực thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nâng cao đời sống của nhân dân.
e) Phát triển doanh nghiệp, thu hút đầu tư:
- Số lượng doanh nghiệp thành lập mới tiếp tục tăng (có 329 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký 888 tỷ đồng), nhưng so cùng kỳ thấp hơn cả về số doanh nghiệp và số vốn đăng ký (cùng kỳ 379 doanh nghiệp, với tổng số vốn 1.480 tỷ đồng). Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký 3.867 doanh nghiệp, với tổng số vốn đăng ký 22.595 tỷ đồng.
- Thu hút được 18 dự án đầu tư, với tổng số vốn 2.300 tỷ đồng (cùng kỳ 11 dự án, với tổng số vốn 1.083 tỷ đồng), nâng tổng số đến nay đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư 161 dự án, với tổng số vốn đầu tư 74.823 tỷ đồng. Khu vực doanh nghiệp nhà nước cơ bản đã được sắp xếp, cổ phần hóa.
- Kinh tế hợp tác tiếp tục phát triển, mở rộng cả về quy mô và lĩnh vực hoạt động, toàn tỉnh hiện có 260 hợp tác xã với 4.940 xã viên và 3.600 tổ hợp tác với hơn 80.000 tổ viên tham gia, có khoảng 75% hợp tác xã hoạt động có hiệu quả.
g) Giao thông vận tải:
Hoạt động vận tải đảm bảo yêu cầu phục vụ vận chuyển hành khách và hàng hóa. Công tác thu phí bảo trì đường bộ đối với ô tô và mô tô tiếp tục duy trì thực hiện và đạt kết quả khá. Việc đầu tư xây dựng đường ô tô đến trung tâm xã được quan tâm chỉ đạo, từ đầu năm đến cuối tháng 10 đã hoàn thành 01 tuyến, dự kiến đến cuối năm 2014 hoàn thành thêm 06 tuyến theo kế hoạch, nâng tổng số có 75/82 xã có đường ô tô đến trung tâm, đạt tỷ lệ 91%. Phong trào xây dựng giao thông nông thôn, công tác quản lý kỹ thuật và quản lý phương tiện được thực hiện khá tốt. Đã xây dựng mới 267km lộ bê tông và 255km lộ đất đen, ước đến cuối năm hoàn thành khoảng 300km mặt đường bê tông, đạt 75% kế hoạch lộ bê tông 400km, nguyên nhân đạt thấp do khó khăn về vốn đầu tư, nhất là huy động vốn dân còn nhiều khó khăn.
h) Tài nguyên và Môi trường:
- Tiếp tục tập trung triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn có liên quan; đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu trên địa bàn tỉnh. Đến cuối tháng 10, đã cấp 308.259 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu, với diện tích 447.574 ha/476.496 ha diện tích hiện trạng cần phải cấp, đạt tỷ lệ 94%.
- Công tác quản lý bảo vệ môi trường đã được chính quyền các cấp, các ngành quan tâm, chỉ đạo kịp thời và có sự phối hợp tốt hơn trong việc tăng cường giải quyết các vấn đề bức xúc trong cộng đồng, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp trong việc hạn chế các hành vi gây ô nhiễm môi trường. Dự kiến đến cuối năm có 49/54 cơ sở sản xuất kinh doanh quy mô lớn có hệ thống xử lý nước thải, đạt tỷ lệ 90% (đạt chỉ tiêu). Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế cần sớm khắc phục, như: việc kiểm soát xả thải nơi công cộng và trên tuyến sông rạch chưa được chặt chẽ; công tác kiểm tra, xử lý hành vi gây ô nhiễm môi trường nơi công cộng chưa được thường xuyên; hầu hết các khu công nghiệp trong tỉnh chưa có khu xử lý nước thải, chất thải rắn tập trung; một số lò đốt chất thải rắn y tế đã xuống cấp, hư hỏng, nên xử lý chất thải không đạt yêu cầu...
2. Về lĩnh vực văn hóa - xã hội:
a) Lĩnh vực khoa học và công nghệ:
- Đầu tư và nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất có nhiều tiến bộ. Các đề tài, dự án, mô hình đã bám sát mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; một số đề tài, dự án nghiên cứu trên các lĩnh vực được ứng dụng vào thực tiễn, phát huy hiệu quả. Trong năm kiểm tra 70 đề tài, dự án và đã xét duyệt 22 đề tài, dự án.
- Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa được quan tâm, người dân và doanh nghiệp ngày càng có ý thức về quyền lợi của việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Từ đó, 10 tháng đã có 131 cơ sở yêu cầu tư vấn lập hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và đã có 72 hồ sơ xin bảo hộ nhãn hiệu được hoàn chỉnh. Công tác quản lý về tiêu chuẩn, đo lường chất lượng được thực hiện chặt chẽ, đáp ứng được nhu cầu quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm hàng hóa lưu thông trên thị trường (10 tháng, thanh tra, kiểm tra đo lường, chất lượng 111 cơ sở, phát hiện, xử lý 07 cơ sở vi phạm).
b) Lĩnh vực giáo dục và đào tạo:
- Tỷ lệ học sinh lên lớp năm học 2013 - 2014 đạt khá cao, cấp tiểu học đạt 99,63%, trung học cơ sở 98,89% và tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông đạt 98,27%. Số học sinh đến trường tăng so với năm học trước (trung học cơ sở tăng 8,09%, trung học phổ thông tăng 1,21%); riêng học sinh mẫu giáo và tiểu học giảm 2,08%.
- Quy mô các cấp học, ngành học được mở rộng; đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên các cấp học, bậc học được tăng cường cả về số lượng và chất lượng. Tiếp tục triển khai công tác phổ cập Giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi giai đoạn 2011 - 2015, đã quyết định công nhận thành phố Cà Mau đạt chuẩn phổ cập Giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Thực hiện tốt công tác dạy và học theo Đề án “Dạy ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020”. Tổ chức thành công Hội thi Olympic Tiếng Anh tiểu học năm học 2014 - 2015.
- Cơ sở vật chất và các điều kiện nâng cao chất lượng giáo dục được quan tâm, công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia được chú trọng và triển khai tích cực. Trong 10 tháng, đã công nhận 23 trường đạt chuẩn quốc gia, nâng tổng số có 179 trường đạt chuẩn quốc gia. Đến cuối năm 2014 dự kiến sẽ có 182 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 33% tổng số 548 trường (đạt chỉ tiêu). Công tác quản lý, kiểm tra việc dạy thêm, học thêm, các khoản thu - chi năm học 2014 - 2015 được tăng cường thực hiện.
c) Lĩnh vực y tế:
Công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân và chất lượng khám chữa bệnh được quan tâm chỉ đạo từ tỉnh đến cơ sở. Cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế được quan tâm đầu tư và trang bị; các dự án xây dựng bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh (Sản - Nhi, Điều dưỡng và Phục hồi chức năng) và các bệnh viện đa khoa tuyến huyện đang được đẩy nhanh tiến độ, một số khoa phòng đã được đưa vào sử dụng, đáp ứng tốt công tác khám chữa bệnh và góp phần giảm quá tải bệnh viện. Công tác giáo dục, giám sát việc thực hiện, y đức của đội ngũ y, bác sĩ ở các cơ sở y tế công lập được tăng cường, có chuyển biến khá tốt.
Công tác y tế dự phòng được chú trọng, thường xuyên kiểm tra thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm như: sốt xuất huyết, sởi, tay chân miệng và Ebola. Tiêm chủng mở rộng ngừa các bệnh truyền nhiễm cho trẻ em dưới 01 tuổi đạt 89% chỉ tiêu. Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng đến cuối năm dự kiến giảm còn 13,5% (đạt chỉ tiêu). Số giường bệnh/vạn dân đạt 23 giường (đạt chỉ tiêu). Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt khoảng 65%.
d) Lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch; thông tin và truyền thông:
Công tác xây dựng đời sống văn hóa tiếp tục quan tâm chỉ đạo thực hiện. Đã ban hành và triển khai quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn tỉnh. Phong trào thể dục thể thao quần chúng được duy trì. Phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” giai đoạn 2012 - 2020 đã thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Tổ chức thành công Đại hội Thể dục Thể thao tỉnh Cà Mau lần thứ IV.
Hoạt động du lịch tại các điểm du lịch khá sôi động, 10 tháng đã đón trên 804.165 lượt khách đến tham quan, du lịch, đạt 88% kế hoạch, tăng 19% so cùng kỳ. Ước cả năm thu hút khoảng 910.000 lượt khách du lịch, tăng 1,1% cùng kỳ, đạt 100% kế hoạch. Mô hình du lịch sinh thái cộng đồng khu vực rừng ngập mặn đã được hình thành tại một số hộ dân, bước đầu đạt hiệu quả khá, nên cần tiếp tục quan tâm, chỉ đạo nhân rộng.
Hoạt động thông tin và truyền thông được tổ chức tốt. Các cơ quan thông tin đại chúng đã hoạt động tích cực, bám sát các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh, thực hiện tốt các nội dung định hướng tuyên truyền, góp phần tạo sự thống nhất về tư tưởng chính trị trong Đảng và nhân dân. Mạng lưới bưu chính, viễn thông được mở rộng, internet tiếp tục phát triển, đáp ứng nhu cầu thông tin, liên lạc của xã hội.
đ) Lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội:
- Các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, chăm lo đối tượng người có công, người nghèo, cận nghèo, bảo trợ xã hội tiếp tục duy trì thực hiện tốt và đúng quy định. Công tác đền ơn đáp nghĩa đối với người có công được toàn xã hội quan tâm, các đối tượng chính sách được chăm sóc tốt hơn; đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện. Vận động Quỹ đền ơn đáp nghĩa được 10,19 tỷ đồng, vượt 7% mức dự kiến năm (9,5 tỷ đồng). Đến cuối tháng 10, cơ bản hoàn thành giai đoạn 1 Đề án hỗ trợ nhà theo Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ, đã thực hiện được 1.141/1.200 căn, trong đó xây mới 942 căn và sửa chữa 199 căn. Dự kiến tỷ lệ hộ nghèo trong năm giảm khoảng 1,59% (chỉ tiêu giảm từ 1,7 - 2%).
- Giải quyết việc làm, đào tạo nghề tiếp tục được quan tâm chỉ đạo thực hiện và đạt nhiều kết quả tích cực. Đến ngày 14/11/2014, đã giải quyết việc làm 35.107 lao động, đạt 100,3% kế hoạch, tăng 5,8% so cùng kỳ; đào tạo nghề 32.709 lao động, đạt 96% kế hoạch, tăng 42% so cùng kỳ. Ước cả năm giải quyết việc làm vượt 10% kế hoạch, tăng 3,2% so năm 2013; đào tạo nghề đạt 100% kế hoạch, bằng 94% so cùng kỳ; tỷ lệ lao động qua đào tạo (không kể bồi dưỡng, truyền nghề) đạt 23% (bằng chỉ tiêu).
(Trích Báo cáo số 215/BC-UBND của UBND tỉnh Cà Mau ngày 24/11/2014)