A. Kết quả thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu
Kết quả thực hiện các chỉ tiêu năm 2014
1. Các chỉ tiêu kinh tế:
(1) * Theo giá so sánh 1994: Tổng sản phẩm xã hội ước khoảng 17.148 tỷ đồng; tăng 8,4% so với thực hiện năm 2013, đạt 98,3% KH. Trong đó:
- Giá trị ngành Nông, lâm, thủy sản ước đạt 7.471 tỷ đồng, tăng 5,1%, đạt 100,1% KH.
- Giá trị ngành công nghiệp, xây dựng ước đạt 3.174 tỷ đồng, tăng 9,9%, đạt 102,7% KH.
- Giá trị ngành dịch vụ ước đạt 6.503 tỷ đồng, tăng 11,8%, đạt 94,2% KH.
* Theo giá so sánh 2010: Tổng sản phẩm xã hội ước khoảng 37.700 tỷ đồng, tăng 9,2% so với thực hiện năm 2013, đạt 99,4% KH. Trong đó:
- Giá trị ngành nông, lâm, thủy sản 16.420 tỷ đồng, tăng 5%, đạt 100,7% KH.
- Giá trị ngành công nghiệp - xây dựng 6.440 tỷ đồng, tăng 9,9%, đạt 97% KH.
- Giá trị ngành dịch vụ 14.840 tỷ đồng, tăng 13,9%, đạt 99,1% KH.
* Cơ cấu kinh tế (theo giá hiện hành): Nông, lâm, thủy sản 45% (KH đạt 44-45%); công nghiệp - xây dựng 16,7% (KH đạt 16-17%); dịch vụ 38,3% (KH đạt 39-40%).
(2) Thu nhập bình quân đầu người theo giá hiện hành 31,4 triệu đồng, đạt 98,4% KH.
(3) Huy động vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 13.500 tỷ đồng, tăng 6,8% so với thực hiện năm 2013, bằng khoảng 23,3% tổng sản phẩm xã hội, đạt 90% KH.
(4) Tổng mức lưu chuyển hàng hóa trên địa bàn 49.425 tỷ đồng, tăng 29,8% so với thực hiện năm 2013, đạt 100%KH.
(5) Tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 730 triệu USD, tăng 20% so với thực hiện 2013, đạt 97,3% KH (KH 2014 : 750 triệu USD); Tổng kim ngạch nhập khẩu khoảng 15 triệu USD, bằng so với thực hiện 2013, bằng 75% KH (KH 2014 : 20 triệu USD)
(6) Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt khoảng 3.300 tỷ đồng, đạt 96,8% dự toán TW giao và đạt 82,5% dự toán HĐND tỉnh giao; bằng 92,2% so với năm 2013 (KH 2014 : 4.000 tỷ đồng)
(7) Phát triển hạ tầng: Thủy lợi bảo đảm tưới chủ động cho 76% diện tích cây trồng có nhu cầu tưới, đạt 100% KH; cải tạo, nâng cấp nhựa hoặc bê tông hóa 95% các tuyến đường tỉnh, tăng 13,1% so với KH (KH 2014 đạt 84%); 73% hệ thống đường huyện (đạt 100% KH); 38% đường xã và liên xã (đạt 100% KH); có 95% số thôn, buôn có điện (KH 2014 : 97%), trong đó có 96,8% số hộ được dùng điện (KH 2014 : 97,75%).
2. Các chỉ tiêu xã hội:
(8) Tỷ lệ trường đạt chuẩn Quốc gia đạt 29% (tăng 01% so với năm 2013) đạt 100% KH; Có 91,5% (KH là 95%) thôn, buôn có trường hoặc lớp mẫu giáo (tính cả thôn, buôn học ghép lớp), trong đó có 65% thôn, buôn có trường hoặc lớp mẫu giáo (không tính thôn, buôn học ghép lớp).
(9) Mức giảm tỷ lệ sinh khoảng 0,5‰ (KH là 0,5‰). Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 1,18% (KH là 1,1%). Quy mô dân số 1.847 ngàn người, đạt 100% KH.
(10) Tỷ lệ xã đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế đạt 70,1% (tăng 5,43% so với năm 2013) tăng 19,6% so với KH ; Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng 22,8% (giảm 0,6% so với năm 2013), giảm 0,2% so với KH; Số giường bệnh trên một vạn dân (không tính giường trạm y tế xã) đạt 22,34 giường/1 vạn dân, thấp hơn 0,26% so với KH.
(11) Giải quyết việc làm cho 26.500 lao động (tăng trên 500 lao động so với năm 2013), đạt 100% KH; Tỷ lệ lao động qua đào tạo so với tổng số lao động 46% trở lên, vượt 1% so với KH (KH là 45%), trong đó qua đào tạo nghề 37% trở lên (tăng 2% so với năm 2013), đạt 100% KH; Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 2,95% (bằng so với năm 2013), đạt 100% KH.
(12) Tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 12,75%, giảm 2,1% so với năm 2013 (các huyện nghèo, khó khăn giảm 3%), (KH giảm 2-3%).
(13) Có 94,9% buôn có nhà sinh hoạt cộng đồng (tăng 0,82% so với năm 2013) (KH 2014: 96%)
3. Các chỉ tiêu môi trường:
(14) Tỷ lệ dân số đô thị được sử dụng nước sạch 68,3%, tăng 3,14% so với thực hiện năm 2013, thấp hơn 1,7% so với KH (KH 2014: 70%).
(15) Tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh: 84%, tăng 3% so với thực hiện năm 2013, cao hơn 1% so với KH (KH 2014: 83%).
(16) Tỷ lệ che phủ rừng (tính cả cây cao su) còn 38,65% (Số liệu sơ bộ sau thống kê, chưa hiệu chỉnh; KH 2014: 49,5%)
(17) Tỷ lệ chất thải rắn ở đô thị được thu gom: 75,94%, tăng 1,67% so với ước thực hiện năm 2013, thấp hơn 2,06% so với KH (KH là 78%); Tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg) được xử lý đạt 100%; 100% khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường.
4. Chỉ tiêu an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội
(18) Nền quốc phòng toàn dân được xây dựng gắn với thế trận an ninh nhân dân vững mạnh. Đã tổ chức diễn tập theo cơ chế Nghị quyết số 28-NQ/TW của Bộ Chính trị ở 6/6 huyện. Tuyển quân đạt 100% chỉ tiêu trên giao và đảm bảo chất lượng. Giáo dục kiến thức quốc phòng cho các đối tượng theo quy định đạt 100%. Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giảm tai nạn giao thông trên cả 3 mặt (giảm 14,6% số vụ, giảm 19,4% số người chết và giảm 7,9% số người bị thương). Tỷ lệ điều tra làm rõ số vụ án hình sự đạt trên 85%, trong đó Tỷ lệ điều tra khám phá án hình sự rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt trên 90%.
Như vậy, trong 18 chỉ tiêu chủ yếu có 09 chỉ tiêu đạt kế hoạch và 09 chỉ tiêu không đạt kế hoạch đề ra.
B. Kết quả thực hiện nhiệm vụ trên từng lĩnh vực
I. Lĩnh vực kinh tế:
1. Sản xuất nông, lâm nghiệp, xây dựng nông thôn mới:
a. Sản xuất nông, lâm nghiệp tiếp tục phát triển khá, vượt kế hoạch đề ra; giữ vững vai trò quan trọng trong ổn định kinh tế và đời sống nông thôn, góp phần chủ yếu trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Giá trị sản xuất toàn ngành (theo giá so sánh 2010) ước đạt 34.850 tỷ đồng, tăng 6,44% so với năm 2013, tăng 8,96% so với KH (KH là 31.984 tỷ đồng).
Ngành trồng trọt phát triển khá. Công tác chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng được đẩy mạnh, các loại giống mới, giống lai cho năng suất cao được đưa vào sản xuất nhiều hơn. Công tác khuyến nông được tăng cường đã từng bước làm thay đổi tập quán canh tác của nông dân, đặc biệt ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Công tác bảo vệ thực vật được chú trọng đã góp phần hạn chế các loại dịch bệnh, sâu bệnh hại trên cây trồng. Việc áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp ngày càng được mở rộng, nhất là ở các khâu làm đất, gieo trồng và thu hoạch đã góp phần làm tăng năng suất lao động . Sản lượng lương thực năm 2014 ước đạt 1.258.000 tấn/1.105.017 tấn KH, tăng khoảng 153.000 tấn, đạt 113,8% KH; đặc biệt, vụ Đông –Xuân được mùa, năng suất bình quân đạt 69,47 tạ/ha, có nơi đạt tới 75 tạ/ha. Diện tích cao su, hồ tiêu,...tăng khá. Sản lượng cà phê đạt 457.000 tấn, cao su đạt 30.000 tấn, tiêu đạt 21.000 tấn. Thực hiện chương trình tái canh cây cà phê phê được 3.118 ha trên tổng số 27.775 ha, đạt 82,97% KH năm 2014 và bằng 11,2% so với diện tích đề án xây dựng.
Tình hình chăn nuôi gia súc, gia cầm tương đối ổn định. Đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào công tác cải tạo giống, nhân giống... đã góp phần nâng cao chất lượng đàn giống, tiến tới đáp ứng yêu cầu về giống tốt trong chăn nuôi. Dự án phát triển chăn nuôi bò thịt tại huyện M’Đrắk của Công ty TNHH Liên hiệp Công - Nông nghiệp phát triển bền vững Sao Đỏ đã đi vào hoạt động, kết quả khả quan; Một số nhà đầu tư đang khảo sat, làm công tác chuẩn bị đầu tư dự án chăn nuôi bò thit, bò sữa như: Công ty Thái Thành, TH Milk, Đức Long, Hoàng Anh Gia Lai…Ngành thú y đã triển khai đồng bộ, kịp thời các biện pháp phòng, chống và kiểm dịch, do đó đã phát hiện, xử lý kịp thời, cơ bản kiểm soát được dịch bệnh của gia súc, gia cầm .
Năm 2014, tổng đàn gia súc toàn tỉnh là 941.000 con (đàn trâu: 34.000 con, đạt 101%KH; đàn bò: 167.000 con, đạt 100%KH; đàn lợn: 740.000 con, đạt 100%KH). Sản lượng thịt hơi các loại khoảng 133,4 ngàn tấn; tổng đàn gia cầm khoảng 8,92 triệu con, đạt 126% KH, sản lượng trứng khoảng 201 triệu quả.
Diện tích nuôi trồng thủy sản được 9.522 ha, sản lượng khoảng 16.500 tấn; sản lượng khai thác cá tự nhiên 2000 tấn. Đặc biệt, nuôi được khoảng 40 ngàn con giống cá tầm, phát triển tốt.
Công tác quản lý, bảo vệ rừng đã được sự quan tâm nhiều hơn, mang lại kết quả tích cực, số vụ vi phạm có xu hướng giảm, mức độ và tính chất, hành vi vi phạm nhỏ, ít nghiêm trọng . Diện tích trồng rừng ước thực hiện được 4.000 ha/ 5.000 ha KH, đạt 80% KH , trong đó trồng rừng sản xuất: 3.778 ha, trồng rừng phòng hộ, đặc dụng 78 ha, trồng rừng thay bù lại cho các công trình thủy điện 144 ha; trồng được 750.000 cây phân tán.
Về Tỷ lệ che phủ rừng: Theo kết quả kiểm kê rừng (số liệu đến tháng 11/2014): Tổng diện tích đất có rừng là 507.274 ha; trong đó, rừng tự nhiên 476.322 ha; rừng trồng: 30.952 ha. Độ che phủ rừng còn 38,65% (KH là 49,5%). So với số liệu năm 2013 thì độ che phủ rừng giảm 9,6% tương ứng diện tích 136.591,8 ha (rừng tự nhiên giảm: 74.167,2 ha, rừng trồng giảm 51.885,8 ha).
b. Chương trình xây dựng Nông thôn mới: Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, huy động sự tham gia của toàn xã hội, đặc biệt là nâng cao được vai trò chủ thể của người dân; Nhờ đó, người dân ở nhiều địa phương đã phấn khởi, nhiệt tình hơn trong công cuộc xây dựng nông thôn mới như: hiến đất, tự giải phóng mặt bằng, đóng góp công sức, tiền của vào chỉnh trang, nâng cấp giao thông nông thôn, tu sửa nơi ở và các công trình công cộng khác…
Đến nay 152/152 xã đã lập và phê duyệt xong quy hoạch chung cấp xã; 15/15 huyện, thị xã, thành phố đã lập và phê duyệt đề án xây dựng nông thôn mới cấp huyện. Có 02 xã đạt 19/19 tiêu chí (xã Hòa Thuận và Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột) . Toàn tỉnh đã đạt 1.159/2.888 tiêu chí, chiếm tỷ lệ 40%; bình quân đạt 7,6 tiêu chí/xã. Số xã tăng thêm trong năm đạt 13 tiêu chí trở lên là 5 xã.
Tuy vậy, quá trình triển khai thực hiện Chương trình còn nhiều tồn tại hạn chế như: việc triển khai thực hiện và giải ngân vốn sự nghiệp còn chậm; vướng mắc trong thủ tục thanh toán vốn Trái phiếu chính phủ (TPCP) chậm được tháo gỡ; các địa phương chưa bố trí được vốn đối ứng trong việc đầu tư xây dựng các công trình mà chủ yếu là vốn ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh; việc huy động sức dân còn nhiều hạn chế; một số Sở, ngành, địa phương chưa thực sự quyết liệt trong việc chỉ đạo thực hiện Chương trình; việc tổng kết, rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện Chương trình còn chậm, việc nhân rộng các mô hình điển hình, tiên tiến chưa được sâu rộng.
Mặc dù giá trị sản xuất ngành nông – lâm – ngư nghiêp đạt được tương đối cao (34.850 / 31.984 tỷ đồng) nhưng vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế đó là: Sản xuất nông nghiệp ở Đắk Lắk, nhất là đối với ngành trồng trọt vẫn là sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, trong khi trình độ canh tác của phần lớn nông dân còn hạn chế, khó áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ vào sản xuất; trình độ chế biến, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch còn nhiều yếu kém dẫn đến năng suất thấp, chất lượng sản phẩm chưa tốt, không đồng đều, sức cạnh tranh kém kể cả ở thị trường nội địa. Công tác quản lý quy hoạch ngành, quy hoạch sản phẩm của ngành nông nghiệp còn kém, thậm chí không quản lý được quy hoạch như: diện tích cà phê tăng cao hơn nhiều so với diện tích được định hướng theo chỉ dẫn địa lý cà phê; quy hoạch cây cao su không thực hiện được theo tiến độ; do giá cao nên người dân trồng nhiều cây hồ tiêu không đúng quy trình, kỹ thuật dẫn đến sâu bệnh, không kiểm soát được. Công tác quản lý, sử dụng, khuyến cáo, tuyên truyền cho người dân, cũng như chưa kịp thời ngăn chặn việc tiêu thụ, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng. Chưa tích cực vận động, tuyên truyền cũng như đề xuất chính sách thỏa đáng để người trồng cà phê hưởng ứng mạnh mẽ công tác tái canh. Công tác quản lý, bảo vệ rừng tuy có tốt hơn trước nhưng rừng vẫn bị xâm hại nghiêm trọng; việc quản lý, thống kê diện tích rừng còn bất cập nên sau kiểm kê năm 2014, diện tích rừng chỉ còn 507.274 ha, thiếu so với số liệu trước đây 136.591,8 ha. Việc quản lý các dự án trồng rừng, trồng cao su trên đất rừng còn lỏng lẻo, dẫn đến tình trạng dự án được giao nhưng không triển khai đầu tư hoặc có triển khai rất chậm và không đảm bảo quy trình, đảm bảo yêu cầu; thậm chí còn có hiện tượng mua, bán dự án gây dư luận bất bình trong nhân dân (như các dự án ở địa bàn huyện Buôn Đôn, Ea Súp, Krông Năng).
2. Công nghiệp - Xây dựng:
a) Công nghiệp:
Một số sản phẩm công nghiệp vẫn duy trì được mức độ tăng trưởng khá cao so với năm 2013, như: công nghiệp khai khoáng, công nghiệp chế biến, chế tạo; công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt. Đặc biệt một số sản phẩm có mức tăng mạnh như: sản phẩm chế biến đường (tăng 46,3%); các sản phẩm cà phê bột (tăng 22,3%), cà phê hoà tan (tăng 28,6%); Các sản phẩm phát triển ổn định như: bia chai, tinh bột sắn, chế biến thức ăn gia súc... Các doanh nghiệp như Công ty TNHH cà phê Ngon, Công ty TNHH An Thái, Công ty mía đường 333, các nhà máy thủy điện…có đầu tư mở rộng sản xuất, giữ được thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tỉnh đã cho chủ trương một số nhà đầu tư khảo sát, chuẩn bị đầu tư dự án chế biến tinh bột sắn, chăn nuôi bò thịt, bò sữa, cụm công nghiệp mía đường ở Ea Súp sẽ mở ra triển vọng tăng sản lượng công nghiệp và có sản phẩm mới như sữa, bánh kẹo…
Tuy nhiên, nhìn chung sản xuất công nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn; giá trị sản xuất không đạt kế hoạch đề ra. Nhiều doanh nghiệp không duy trì được năng lực sản xuất, một số doanh nghiệp hầu như ngưng hoạt động; nhiều doanh nghiệp thiếu vốn, khó tiếp cận được vốn ngân hàng do không đáp ứng các điều kiện vay, trả; nguồn nguyên liệu hạn chế, thị trường xuất khẩu thu hẹp, sản phẩm sản xuất khó tiêu thụ, thậm chí không tiêu thụ được. Các lĩnh vực sản xuất bị ảnh hưởng bởi các tồn tại này như: Phân vi sinh, hạt điều nhân xuất khẩu, sản xuất sắt thép, các sản phẩm chế biến gỗ … một số sản phẩm xuất khẩu phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung quốc, không ổn định về giá cũng như số lượng. Do tình hình khó khăn chung của doanh nghiệp, kết cấu hạ tầng còn yếu kém, nhất là giao thông; mặt khác, khu vực Tây nguyên nói chung, tỉnh Đắk Lắk nói riêng vẫn còn chịu ảnh hưởng yếu tố nhạy cảm về chính trị, về vấn đề biên giới nên việc thu hút đầu tư, nhất là đối với đầu tư nước ngoài cho phát triển công nghiệp còn nhiều hạn chế.
Tình hình đầu tư, hoạt động của các khu, cụm công nghiệp:
Khu công nghiệp Hòa Phú đã cơ bản đầu tư hạ tầng thiết yếu như san nền, giao thông, xử lý nước thải tập trung. Đến nay đã có 14 dự án đi vào hoạt động (chiếm 45,76ha). Tuy nhiên, hiệu quả sản xuất của một số dự án không cao, có 06 dự án (34ha) phải ngừng hoạt động hoặc hoạt động không hiệu quả như: Dự án kho ngoại quan, dự án sản xuất thép Đông Nam Á, sản xuất chỉ thun, chế biến nông sản Nhật Tân, cán thép dập đinh Tây Nguyên…
Đối với các cụm công nghiệp: Có 05 cụm công nghiệp đã được phê duyệt dự án đầu tư, đã đi vào hoạt động, trong đó Cụm công nghiệp Tân An 1, 2 (Thành phố Buôn Ma Thuột) có 59 dự án đầu tư với tổng diện tích đất đăng ký và cho thuê 69,4 ha, đạt tỷ lệ lấp đầy 90,62%; Cụm công nghiệp Ea Đar - Huyện Ea Kar có 12 dự án đầu tư với tổng diện tích đất đăng ký thuê khoảng 45 ha đạt tỷ lệ lấp đầy 93%; Cụm công nghiệp Krông Búk (huyện Krông Búk) và Cụm công nghiệp Ea Ral (huyện Ea H’leo) có rất ít dự án đầu tư hoạt động.
Việc đầu tư hạ tầng của các cụm công nghiệp rất khó khăn, chủ yếu trông chờ vào ngân sách nhà nước, trong khi ngân sách tỉnh rất khó khăn, ngân sách TW chỉ hỗ trợ 6 tỷ đồng/cụm nhưng cũng không được bố trí đủ, kịp thời. Do đó, các cụm công nghiệp chưa được đầu tư hạ tầng đầy đủ, ảnh hưởng lớn cho công tác thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp. Riêng Cụm công nghiệp Ea Ral do nhà đầu tư hạ tầng là Công ty Trường Thành thiếu năng lực tài chính nên tỉnh đã thu hồi chủ đầu tư, giao cho Ủy ban nhân dân huyện Ea H’leo quản lý và đầu tư.
b) Xây dựng:
Ngành xây dựng tập trung chỉ đạo công tác xây dựng, quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn đạt được kế hoạch đề ra. Công tác quy hoạch xây dựng và quản lý xây dựng theo quy hoạch, quản lý nhà và thị trường bất động sản được thực hiện đúng quy định. Công tác quản lý chất lượng, quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình được thực hiện nghiêm túc, thường xuyên. Giá trị sản xuất ngành xây dựng ước đạt 3.595 tỷ đồng (giá so sánh năm 2010), đạt 100 % kế hoạch.
Do ngân sách nhà nước còn hạn chế, trong khi chưa có chính sách phù hợp, nhất là về giá nước, giá xử lý chất thải rắn nên việc kêu gọi, xúc tiến đầu tư, xã hội hóa đầu tư cho lĩnh vực này khó khăn, dẫn đến chỉ tiêu về xử lý chất thải rắn và cấp nước cho khu vực đô thị không đạt kế hoạch đề ra.
3. Thương mại, dịch vụ:
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 49.425 tỷ đồng, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước, đạt 100% KH. Nhìn chung, mặc dù kinh tế có nhiều khó khăn nhưng tình hình lưu thông hàng hoá, giá cả thị trường tương đối ổn định, hàng hóa đa dạng đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng, các siêu thị Metro, CoopMart, Nguyễn Kim hoạt động ổn định. Tình hình cung cầu hàng hóa cho các đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa được đảm bảo, không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa.
Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 730 triệu USD, đạt 97,3% so với kế hoạch, tăng 12,3% so với năm 2013. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 15 triệu USD, đạt 75% kế hoạch năm; mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là nguyên nhiên liệu, vật liệu phục vụ sản xuất và máy móc thiết bị.
Dịch vụ vận tải cơ bản đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hóa và đi lại của nhân dân trên địa bàn. Có 52 doanh nghiệp kinh doanh vận tải, trong đó 48 doanh nghiệp kinh doanh vận tải khách với 226 tuyến liên tỉnh và 8 tuyến nội tỉnh. Vận tải hàng hoá đạt 4,5 triệu tấn (tăng 39,6% so với KH, tăng 53,7% so với năm 2013); đạt khoảng 496 triệu tấn.Km (tăng 65,9% so với KH và tăng 69% so với năm 2013). Vận tải hành khách: 11,6 triệu hành khách (tăng 2% so với KH, tăng 4,2% so với năm 2013); đạt 3.435 triệu Hk.Km (tăng 164,84% so với KH và tăng 170,04% so với năm 2013).
Hoạt động du lịch tăng khá. Tổng số khách du lịch ước đạt 467.000 lượt, đạt 100,43% kế hoạch (KH: 465.000 lượt), tăng 13,9% so với cùng kỳ. Trong đó khách quốc tế ước đạt 47.000 lượt, tăng 17,5% so với cùng kỳ; khách trong nước đạt 420.000 lượt, tăng 13,51% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu ước đạt 360 tỷ đồng, tăng 15,94% so với cùng kỳ năm 2013; công suất sử dụng buồng ước đạt 60,21%, đạt 94,08% so với kế hoạch (KH: 64%). Tuy nhiên hoạt động du lịch còn nhiều hạn chế, chưa khai thác hết tiềm năng sẵn có của địa phương; các sản phẩm về du lịch còn đơn điệu, chưa đủ sức hấp dẫn các du khách, nhất là khách quốc tế.
Các hoạt động dịch vụ viễn thông luôn được đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Tích cực xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, tạo đà phát triển ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bàn toàn tỉnh vào công tác quản lý, điều hành của Nhà nước, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân . Tổng số thuê bao điện thoại: 1.706.832 thuê bao (cố định: 81.230 thuê bao, di động: 1.625.602 thuê bao), đạt mật độ 95 thuê bao/100 dân; Dịch vụ Internet: 43.500 thuê bao, mật độ Internet đạt 15 thuê bao/100 dân.
Dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe, dịch vụ đào tạo, tiếp tục phát triển đa dạng, ở nhiều địa bàn; chất lượng dịch vụ của các hoạt động này ngày một nâng lên, đáp ứng tốt hơn cho nhân dân.
4. Công tác quản lý tài nguyên, môi trường
Tỷ lệ dân cư đô thị được sử dụng nước sạch ước đạt 68,3% (KH là 70%), tăng 3,14% so với năm 2013; Tỷ lệ thu gom chất thải rắn đô thị được xử lý ước đạt 75,94% (KH là 78%), tăng 1,67% so với năm 2013.
Đã phê duyêt Quy hoạch sử dụng đất (QHSDĐ) đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011-2015) của 15 đơn vị cấp huyện và các phường, thị trấn. Tính đến nay, đã cấp 711.639 Giấy chứng nhận lần đầu với diện tích khoảng 957.349 ha/1.042.739 ha, đạt tỷ lệ 91,81% diện tích cần cấp .
Nhìn chung, việc thực hiện công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã cơ bản hoàn thành, tuy nhiên tiến độ thực hiện còn chậm so với kế hoạch và ảnh hưởng đến việc thẩm định, phê duyệt QHSDĐ đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 05 năm kỳ đầu (2011-2015) của các phường, thị trấn. Nguyên nhân là do các cấp lãnh đạo của một số huyện, thị xã, thành phố chưa thực sự quan tâm đúng mức đến công tác chỉ đạo thực hiện, chưa phối hợp chặt chẽ với đơn vị tư vấn; bên cạnh đó, một số đơn vị tư vấn lập quy hoạch còn hạn chế về năng lực nên chất lượng quy hoạch còn chưa cao và thời gian còn chậm so với yêu cầu.
5. Thu, chi ngân sách và Tín dụng, ngân hàng:
Thu – chi ngân sách:
Ước thu cân đối NSNN là 3.300 tỷ đồng, đạt 96,8% dự toán TW giao, bằng 82,5% dự toán HĐND tỉnh giao; bằng 92,2% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó: Thu thuế, phí và lệ phí là 2.550 tỷ đồng; Thu biện pháp tài chính là 525,5 tỷ đồng (trong đó thu tiền đất 390 tỷ đồng); Thu thuế XNK là 224 tỷ đồng .
Để chống thất thu thuế, đặc biệt là thuế tài nguyên trong lĩnh vực khai thác khoáng sản. Cục Thuế đã xây dựng, ban hành Đề án chống thất thu thuế tài nguyên và đang triển khai thực hiện, tổ chức các đoàn thanh, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý những hành vi vi phạm. Đồng thời, chỉ đạo các Chi cục Thuế tăng cường công tác quản lý hộ kinh doanh, đưa các hộ thực tế có kinh doanh vào lập bộ, điều tra doanh thu để điều chỉnh mức thuế cho phù hợp với thực tế kinh doanh, giám sát chặt chẽ hộ tạm ngừng kinh doanh. Thực hiện việc phối hợp giữa Chi cục Thuế với Chi cục Thống kê, Phòng Tài chính - Kế hoạch để đối chiếu số hộ kinh doanh, làm rõ số chênh lệch từ đó có biện pháp xử lý. Thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra, rà soát lại toàn bộ số hộ hiện đang kinh doanh trên địa bàn từng xã, phường.
Ước chi ngân sách địa phương năm 2014 khoảng 11.787 tỷ đồng, tăng 26,2% dự toán TW giao và tăng 18,9% dự toán HĐND tỉnh giao đầu năm; tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước .
Hoạt động tín dụng, ngân hàng: triển khai đồng bộ, kịp thời các cơ chế, chính sách của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước về tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng đến các tổ chức tín dụng trên địa bàn. Với sự nỗ lực, quyết tâm cao của hệ thống ngân hàng trên địa bàn đã góp phần trong việc tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, hộ gia đình trong hoạt động sản xuất kinh doanh . Tổng nguồn vốn huy động ước đạt 25.293 tỷ đồng; tăng 22,3% so với đầu năm, vượt 8,3% kế hoạch đề ra từ đầu năm. Tổng dư nợ cho vay nền kinh tế ước đạt 45.119 tỷ đồng; tăng 12% (tăng 4.838 tỷ đồng) so với đầu năm, đạt kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2014.
6. Công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản:
Tổng nguồn vốn đầu tư XDCB thuộc NSNN và trái phiếu Chính phủ năm 2014 đã phân bổ và giao kế hoạch đến hết tháng 31/10/2014 khoảng 2.774,938 tỷ đồng (trong đó: giao chi tiết cho dự án khoảng 1.944,828 tỷ đồng) . Đã giải ngân được 1.113,969 tỷ đồng/1.944,828 tỷ đồng, đạt 57,28% kế hoạch.
Để đảm bảo sử dụng vốn hiệu quả, tiết kiệm, chống lãng phí trong đầu tư xây dựng ngân sách nhà nước, UBND tỉnh đã chỉ đạo các Sở, ngành tích cực phối hợp tháo gỡ khó khăn trong việc giải ngân vốn đầu tư; yêu cầu chủ đầu tư chủ động rà soát nhu cầu sử dụng vốn để đề xuất điều chỉnh kế hoạch, cùng với việc tổ chức giao ban XDCB định kỳ hàng quý...UBND tỉnh đã tổ chức đoàn kiểm tra tiến độ thi công của các dự án, hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị thực hiện nhằm đẩy nhanh tiến độ nâng cao hiệu quả đầu tư.
Về nợ đọng trong xây dựng cơ bản:
Tính đến 31/10/2014, tổng nợ đọng XDCB (nợ khối lượng) là khoảng 1.197 tỷ đồng/340 dự án , bao gồm:
- Nguồn vốn ngân sách Trung ương: 79 dự án với số vốn còn nợ khối lượng chưa bố trí là 206,3 tỷ đồng (trong đó: 116,5 tỷ đồng/51 dự án đã bàn giao đưa vào sử dụng; 89,8 tỷ đồng/28 dự án đang thực hiện)
- Nguồn vốn ngân sách địa phương: 236 dự án với số vốn còn nợ khối lượng chưa bố trí là 796,8 tỷ đồng (trong đó: 496,3 tỷ đồng/165 dự án đã bàn giao đưa vào sử dụng; 300,5 tỷ đồng/71 dự án đang thực hiện) ;
- Nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ (phần Trung ương không giao kế hoạch giai đoạn 2012-2015): 25 dự án với số vốn còn nợ khối lượng chưa bố trí là 194,3 tỷ đồng (trong đó: 117,6 tỷ đồng/20 dự án đã bàn giao đưa vào sử dụng; 76,7 tỷ đồng/05 dự án đang thực hiện).
7. Hoạt động kinh tế đối ngoại và xúc tiến đầu tư:
Trong kỳ, đã thu hút được 32 dự án đầu tư tư nhân (trong đó có 13 dự án vào các Khu, cụm công nghiệp) với số vốn đăng ký 3.454 tỷ đồng; so với cùng kỳ năm 2013, Tăng 10 dự án thu hút được và tăng 354 tỷ đồng vốn đăng ký. Đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 12 dự án với tổng mức đầu tư đăng ký là 1.973 tỷ đồng, tăng 07 dự án so với năm 2013.
Cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho một dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nâng tổng số các dự án FDI trên địa bàn tỉnh lên 10 dự án với tổng vốn đăng ký 173,7 triệu USD . Công tác vận động tài trợ ODA tiếp tục được quan tâm, phát huy hiệu quả. Tỉnh tiếp tục theo dõi, tăng cường vận động các dự án đã gửi đăng ký tài trợ, đặc biệt là các dự án thuộc danh mục kêu gọi tài trợ tại Diễn đàn đối tác phát triển khu vực Tam giác phát triển CLV (do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp ADB tổ chức vào tháng 4/2014 . Vận động và tiếp nhận viện trợ phi chính phủ nước ngoài (NGO) có chuyển biến tích cực, vận động thành công 03 dự án với tổng vốn 770.000 USD.
Hợp tác Tam giác phát triển: đã tổ chức Hội nghị sơ kết tình hình hợp tác với tỉnh Mondulkri tại thành phố Buôn Ma Thuột (tháng 01/2014) và ký 01 Biên bản ghi nhớ. Các dự án đầu tư của doanh nghiệp Đắk Lắk tại Campuchia và Lào được triển khai đúng tiến độ .
Các chương trình hợp tác, liên kết vùng: đã ký 01 Văn bản ký kết hợp tác giữa các 05 tỉnh Tây Nguyên và Khánh Hòa, Phú Yên (tháng 2/2014) và tiếp tục theo dõi, chỉ đạo việc triển khai thực hiện 03 Chương trình đã ký kết trước đây.
Các hoạt động đối ngoại của tỉnh được triển khai một cách chủ động, tích cực. Triển khai Chương trình xúc tiến vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài của tỉnh giai đoạn 2013 - 2017. Công tác quản lý về biên giới, lãnh thổ được thực hiện theo kế hoạch đề ra . Quan hệ đối ngoại với các nước láng giềng Lào và Campuchia được tăng cường đẩy mạnh góp phần xây dựng mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa 03 nước ngày càng bền vững.
8. Tình hình hoạt động của doanh nghiệp:
Năm 2013 và đầu năm 2014, do ảnh hưởng của tình hình suy thoái kinh tế nên số lượng doanh nghiệp thành lập vẫn tăng chậm, trong khi số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động tăng lên rất nhiều (670 doanh nghiệp) . Đến nay, có 680 doanh nghiệp dân doanh đăng ký mới (bằng 67,93% so với cùng kỳ năm trước) với tổng số vốn đăng ký 1.500 tỷ đồng (bằng 65,35% so với cùng kỳ năm trước) .
Hiện có 5.800 doanh nghiệp đang còn hoạt động (57 doanh nghiệp nhà nước, 5.743 doanh nghiệp dân doanh) và 06 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; 887 chi nhánh và 216 văn phòng đại diện còn hoạt động của các doanh nghiệp thuộc nhiều tỉnh thành phố trong cả nước.
Tình hình kinh tế tập thể: toàn tỉnh có trên 5.000 Tổ hợp tác (THT) và 350 Hợp tác xã (HTX) đăng ký, còn 236 hợp tác xã đang hoạt động. Nhìn chung, các HTX đã từng bước được cũng cố, tổ chức và hoạt động theo luật HTX năm 2012; HTX tồn tại hình thức, HTX danh nghĩa cơ bản đã được xử lý, làm cho hình ảnh của HTX được cải thiện, quy mô HTX được mở rộng. Nhiều HTX đã đầu tư đổi mới trang thiết bị, cơ sở vật chất kỹ thuật, làm cho chất lượng sản phẩm và dịch vụ ngày càng tốt hơn.
II. Lĩnh vực xã hội
1. Giáo dục - Đào tạo
Năm học 2013 - 2014, toàn tỉnh tăng 18 trường so với năm học 2012 - 2013. Tỷ lệ trường chuẩn Quốc gia ước đạt 29% (KH 2014 là 29%). Đến nay, có 164/184 xã phường, thị trấn đạt phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, đạt 89,13%, tăng 36,42% so với cùng kỳ năm 2013.
Kết quả tốt nghiệp THPT đạt 97,98%, tăng 2% so với năm trước; tốt nghiệp GDTX đạt 85,43%, tăng 29% so với năm trước. Kết quả đào tạo học sinh giỏi được nâng cao qua các kỳ thi khu vực và Quốc gia.
Tuy nhiên tình trạng dạy thêm, học thêm chưa được quản lý chặt chẽ; chất lượng và hiệu quả giáo dục và đào tạo trong vùng đồng bào DTTS còn thấp so với mặt bằng chung của tỉnh, đặc biệt là cấp mẫu giáo mầm non; cơ sở vật chất trường học tuy được đã được quan tâm đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu.
2. Y tế
Hệ thống khám, chữa bệnh từng bước được củng cố; chất lượng khám, chữa bệnh từng bước được nâng cao; tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh có chuyển biến tích cực; các trang, thiết bị kỹ thuật cao tiếp tục được triển khai ứng dụng; tình trạng quá tải của các bệnh viện có chiều hướng giảm. Tỷ lệ xã đạt chuẩn quốc gia về y tế đạt 70,1% (KH 2014 là 50,5%). Tỷ lệ giường bệnh trên một vạn dân đạt 22,34% (tăng 2,37% so với cuối năm 2013). Công tác quản lý chất thải y tế đã triển khai ở tất cả các bệnh viện trong tỉnh.
Công tác truyền thông dân số, kế hoạch hóa gia đình được đẩy mạnh, mạng lưới chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em được củng cố; nhận thức của người dân về chăm sóc sức khoẻ sinh sản, kế hoạch hoá gia đình, phòng chống suy dinh dưỡng ở trẻ em ngày càng tốt hơn.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác y tế vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe chưa thực sự đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của nhân dân; đội ngũ cán bộ y tế có trình độ chuyên sâu còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng; tình hình dịch bệnh tăng, diễn biến phức tạp, nhất là dịch tay chân miệng, sốt xuất huyết, sởi...; công tác phòng chống và điều trị còn nhiều khó khăn; tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh còn diễn biến khá phức tạp, ảnh hưởng đến tâm lý tiêu dùng cũng như sức khỏe của nhân dân.
3. Lĩnh vực Văn hoá, Thông tin:
- Ngành văn hóa thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của các dân tộc. Sưu tầm, bảo tồn, phục dựng các giá trị di sản văn hóa phi vật thể như: Lễ cúng sức khỏe cho voi, Lễ cúng bến nước của người Êđê… Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” tiếp tục được triển khai sâu rộng, đạt được một số kết quả nhất định . Công tác phát triển thể dục thể thao quần chúng được chú trọng; thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”.
- Hệ thống phát thanh, truyền hình trong toàn tỉnh có sự phát triển nhanh cả về nội dung, chất lượng chương trình, hạ tầng kỹ thuật và phương thức truyền dẫn, phát sóng. Hệ thống phát thanh truyền hình 04 cấp đã phủ sóng hầu hết các địa bàn dân cư của tỉnh; Các chương trình thời sự bằng tiếng Êđê, M’nông và các chuyên mục, chuyên đề thiết thực bổ ích khác, đặc biệt là chuyên mục xây dựng nông thôn mới đã được tuyên truyền đến tận người dân .
4. Lao động, Thương binh và Xã hội:
Công tác giải quyết việc làm, dạy nghề, đặc biệt là dạy nghề cho lao động nông thôn ngày càng được chú trọng; toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho khoảng 26.500 người (trong đó việc làm tăng thêm 14.200 người), đạt 100% kế hoạch để ra (nữ: 12.800 người, dân tộc thiểu số: 8.300 người). Tuy nhiên, việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các Trung tâm dạy nghề, nhất là ở cấp huyện không phù hợp với ngành nghề cần đào tạo; nội dung, ngành nghề chưa đáp ứng được nhu cầu của người học và thị trường lao động; chưa giải quyết được đầu ra sau đào tạo.
Công tác giảm nghèo được các cấp, các ngành, các địa phương tích cực triển khai thực hiện và tiếp tục có kết quả tích cực ; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 12,75% (giảm 2,1% so với năm 2013), đạt kế hoạch đề ra (KH 2-3%). Song nguồn lực đầu tư cho mục tiêu giảm nghèo còn nhiều hạn chế; tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn cao so với mặt bằng chung của tỉnh và vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ tái nghèo.
Tiếp tục thực hiện tốt chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sỹ và người có công, tăng cường công tác vận động ủng hộ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa. Công tác bảo trợ xã hội, công tác Bảo vệ và chăm sóc trẻ em có nhiều tiến bộ. Các hoạt động tuyên truyền, tập huấn về bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ ngày càng được quan tâm hơn.
5. Khoa học và Công nghệ:
Công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và đời sống được chú trọng; nổi bật là việc tiếp thu, ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả trong ngành nông nghiệp. Công tác quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn đo lường chất lượng sản phẩm hàng hóa, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến được quan tâm hơn, đã góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, tăng khả năng cạnh tranh và năng lực xuất khẩu. Bên cạnh những kết quả đạt được, còn một số hạn chế như: Đề tài, dự án xin gia hạn còn nhiều; dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2014-2020” triển khai còn chậm; đề án quỹ gen đã được phê duyệt nhưng triển khai thực hiện còn ít, một phần là do kinh phí sự nghiệp còn hạn chế; việc xây dựng dự án trại thực nghiệm khoa học và công nghệ còn kéo dài.
6. Công tác dân tộc:
Cùng với việc tăng cường công tác tuyên truyền, vận động; đẩy mạnh khuyến nông, khuyến lâm; các Sở, ngành, địa phương tích cực triển khai thực hiện các nguồn vốn TW hỗ trợ cho các chương trình trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), như: Chương trình 135 ; Chương trình 655/CTr-UBND của UBND tỉnh về Phát triển kinh tế thôn, buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ của tỉnh đến năm 2015; Chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh, định cư cho đồng bào DTTS theo Quyết định số 33/2007/QĐ-TTg (CT 33); Chính sách đối với người có uy tín ở vùng dân tộc thiểu số; Đề án giải quyết đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, hộ nghèo tại các xã vùng III và thôn buôn đặc biệt khó khăn (CT 755); Chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân theo Quyết định số 102/QĐ-TTg.
Nhìn chung, việc tích cực thực hiện các chính sách trên đã góp phần giúp cho đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo có cơ hội thoát nghèo; tiếp cận được với các dịch vụ xã hội và vươn lên làm giàu, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo chung của tỉnh và phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh chính trị và xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, nguồn vốn Trung ương hỗ trợ cho các chương trình quá thấp dẫn đến đầu tư manh mún, dàn trải, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư thấp; tỷ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn cao so với bình quân chung của tỉnh, khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa vùng đồng bào DTTS so với các vùng khác còn cao, đặc biệt là đối với đồng bào DTTS tại chỗ; năng suất, hiệu quả sản xuất, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp của đồng bào còn hạn chế; số hộ thiếu đất sản xuất còn rất lớn; chất lượng giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khoẻ cho đồng bào ở vùng sâu, vùng xa một số nơi chưa tốt; một số tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan trong đồng bào vẫn còn tồn tại; việc bảo tồn và phát huy một số bản sắc văn hóa tốt đẹp chưa được quan tâm đầy đủ; công tác quy hoạch, đào tạo, sử dụng cán bộ là dân tộc thiểu số còn nhiều bất cập; tỷ lệ cán bộ là dân tộc thiểu số trong cơ quan, tổ chức, đoàn thể chưa đảm bảo theo quy định của Tỉnh ủy.
(Nguồn: www.daklak.gov.vn)