I. Những kết quả chủ yếu đạt được
1. Về kinh tế
Ước tính tốc độ tăng trưởng kinh tế (theo giá năm 1994-GRDP) tăng 7,64% (KH 8,5%). Trong đó, khu vực nông nghiệp tăng 3,81%, khu vực công nghiệp-xây dựng tăng 8,69% (công nghiệp tăng 8,81%, xây dựng tăng 8,07%), khu vực thương mại-dịch vụ tăng 10,4%. GRDP bình quân đầu người ước đạt 29,7 triệu đồng (1.402 USD) theo giá thực tế và ước đạt 12,4 triệu đồng (1.126 USD) theo giá năm 1994 .
a. Về nông nghiệp, nông thôn
Sản xuất nông nghiệp tiếp tục chuyển biến, đi dần vào chiều sâu, nâng cao hiệu quả, chất lượng sản phẩm hàng hóa, hình thành các mối liên kết giữa sản xuất với tiêu thụ làm tiền đề cho liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị ; tăng cường đưa tiến bộ khoa học công nghệ, cơ giới hoá vào sản xuất, áp dụng quy trình sản xuất mới đối với cây trồng, vật nuôi, gắn với củng cố, phát triển hợp tác xã. Cùng với việc nhân rộng cánh đồng liên kết lúa, kết quả thí điểm thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp ở xã Phú Đức, các địa phương đã xây dựng nhiều mô hình sản xuất hiệu quả: chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng bắp, luân canh mè trên nền đất lúa Hè thu, sản xuất rau an toàn, mô hình canh tác xoài rải vụ, các mô hình chăn nuôi, thuỷ sản an toàn, sạch bệnh…, đã có 08 sản phẩm nông nghiệp được cấp bằng bảo hộ nhãn hiệu, sản phẩm rau màu của Hợp tác xã rau an toàn xã Hòa An, xã Long Thuận và Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn xã Mỹ An Hưng B đã được bán trong Siêu thị Đồng Tháp. Các ngành, đơn vị chức năng chuẩn bị tốt các điều kiện cho việc thực hiện hợp tác với các đối tác Hà Lan, Nhật Bản về phát triển hoa kiểng, lúa, thuỷ sản, cây ăn trái, với Tập đoàn Phát triển nông thôn Hàn Quốc (KRC) về dự án Hợp tác công tư (PPP) trong lĩnh vực nông nghiệp (dự kiến diện tích thực hiện 30 nghìn ha), mở ra nhiều triển vọng mới cho phát triển nông nghiệp của địa phương .
Chương trình xây dựng nông thôn mới được thực hiện tích cực, các cấp, các ngành, đoàn thể đã chủ động hơn trong xây dựng, triển khai kế hoạch thực hiện chương trình, phát động sâu rộng các cuộc vận động để nhân dân tham gia thục hiện các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng; đẩy mạnh phát triển sản xuất; giữ gìn an ninh trật tự xã hội và chăm lo đời sống cho người dân…; tạo bước chuyển biến đáng kể, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân nông thôn. Ước cuối năm 2014, có 05 xã đạt chuẩn nông thôn mới , 18 xã cơ bản đạt chuẩn, 84 xã đạt từ 10-15 tiêu chí và 12 xã còn lại đạt từ 7-9 tiêu chí. Lĩnh vực kinh tế hợp tác được tăng cường thực hiện, đã xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch chuyển đổi hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp theo Luật Hợp tác xã năm 2012 và mô hình thí điểm bán cổ phần cho thành viên hợp tác xã nông nghiệp .
b. Về công nghiệp, thương mại-dịch vụ và du lịch
Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn nhưng với sự hỗ trợ tích cực của các cấp, các ngành, đặc biệt là sự linh hoạt sử dụng, phát huy hiệu quả các nguồn lực, doanh nghiệp kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để duy trì, phát triển sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm theo chuỗi giá trị ngành hàng, phát triển sản phẩm mới như: chế biến các sản phẩm từ bột gạo, bột nếp, tinh luyện dầu cám, dầu cá…. Các làng nghề được hỗ trợ cải tiến, đổi mới máy móc thiết bị, nâng cao chất lượng, mẫu mã, tính cạnh tranh của sản phẩm, trong năm 2014 có 11 sản phẩm công nghiệp được Uỷ ban nhân dân Tỉnh quyết định công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh. Những kết quả trên đã tăng thêm động lực đáng kể cho ngành công nghiệp duy trì và phát triển sản xuất. Giá trị sản xuất của ngành công nghiệp ước đạt 16.427 tỷ đồng (giá năm 1994), tăng 8,65% so với năm 2013.
Hoạt động thương mại nội địa khá ổn định, sức mua của người dân tăng so năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ ước đạt 56.227 tỷ đồng, tăng 16,2% so với năm 2013. Xuất khẩu hàng hoá tuy có bị sức cạnh tranh gay gắt về giá và chất lượng và nhiều rào cản của các nước nhập khẩu, nhưng với sự tích cực, năng động của doanh nghiệp trong mở rộng thị trường, kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng khá, ước đạt 683 triệu USD (không tính tái xuất xăng dầu), vượt kế hoạch 7,7%, tăng 14,9% so với năm 2013; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 559 triệu USD, tăng 4,4% so với năm 2013.
Hoạt động du lịch được quan tâm, hỗ trợ phát triển. Đã xây dựng, triển khai thực hiện Đề án phát triển du lịch Tỉnh giai đoạn 2015-2020, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các thành phần kinh tế tham gia thực hiện. Hình ảnh Bé Sen, biểu trưng của Đồng Tháp đã được nhiều du khách trong nước và quốc tế biết đến. Năm 2014, ước có khoảng 1,85 triệu lượt khách đến tham quan và du lịch. Tổng doanh thu du lịch ước đạt 297 tỷ đồng.
c. Về tài chính, ngân hàng, doanh nghiệp, đầu tư
Công tác tổ chức điều hành ngân sách nhà nước đã được triển khai tích cực và chủ động. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 2.748 tỷ đồng, bằng 69,1% dự toán năm. Tổng chi ngân sách địa phương ước đạt 7.206 tỷ đồng, bằng 102,2% dự toán năm, trong đó, chi đầu tư phát triển 623 tỷ đồng.
Huy động vốn tín dụng đạt 25.361 tỷ đồng, tăng 28,17% so với đầu năm; dư nợ cho vay đạt 37.457 tỷ đồng, tăng 12,5% so với đầu năm; trong đó, dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn chiếm 51,42% tổng dư nợ; cho vay đầu tư 30 xã điểm nông thôn mới chiếm 22,83% tổng dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn, nợ xấu 500 tỷ đồng, chiếm 1,33% tổng dư nợ.
Doanh nghiệp, hộ kinh doanh được duy trì phát triển, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, mở rộng quy mô sản xuất, gắn với xây dựng thương hiệu; dự kiến năm 2014 có 250 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 56% so với năm trước (do năm 2013 các hộ kinh doanh vàng chuyển sang doanh nghiệp theo Nghị định số 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về hoạt động kinh doanh vàng) và có 4.336 hộ đăng ký kinh doanh, tăng 12,2%. Có 257 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, bỏ địa chỉ kinh doanh hoặc giải thể, có 2.006 hộ kinh doanh ngưng hoạt động và có 31 doanh nghiệp tái hoạt động.
Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước thực hiện đạt 9.350 tỷ đồng, chiếm 18,7% GDP. Trong đó, vốn đầu tư công ước đạt 2.737 tỷ đồng, chiếm 29,3% tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội; tập trung đầu tư cho các công trình giao thông, thủy lợi, kè chống sạt lở, hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu, khu, cụm công nghiệp, hạ tầng giáo dục, y tế, hạ tầng xã nông thôn mới…
2. Về văn hóa-xã hội, môi trường
a. Về bảo đảm an sinh xã hội, việc làm
Nhiều kế hoạch, nhiệm vụ được đẩy mạnh thực hiện, nhất là các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, tập trung chăm lo kịp thời các đối tượng người có công với cách mạng, hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, đối tượng xuất khẩu lao động, nhất là công tác chăm lo đời sống cho cán bộ, chiến sĩ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo ; tổ chức nhiều sự kiện kỷ niệm 60 năm Ngày tập kết chuyển quân tại Cao Lãnh. Công tác xuất khẩu lao động có bước chuyển biến tích cực, Tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ cho người lao động tham gia xuất khẩu lao động; quan niệm, nhận thức của người dân có sự đổi mới, xuất khẩu lao động không chỉ vì mục tiêu giảm nghèo mà còn là đầu tư cho nguồn nhân lực, là điều kiện để thu hút đầu tư, tăng thêm động lực cho phát triển kinh tế-xã hội của Tỉnh. Kết quả thực hiện trong năm: tạo việc làm cho 31.875 lao động, trong đó xuất khẩu lao động 125 người, trợ cấp thất nghiệp cho 4.846 lao động; tỷ lệ hộ nghèo còn 5,38%, giảm 2,1% so với năm 2013; xây dựng mới 112 căn nhà tình nghĩa.
b. Về dân số, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân
Công tác giám sát dịch bệnh được thực hiện tốt; các ổ dịch được phát hiện kịp thời và xử lý hiệu quả, khống chế được các bệnh truyền nhiễm, nhất là 02 bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng, mặc dù 02 bệnh này vẫn còn lưu hành ở mức cao. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực y tế được quan tâm đầu tư, nâng dần khả năng khám chữa bệnh cho nhân dân; công tác tuyên truyền giáo dục sức khỏe, phòng chống dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm, BHYT được tăng cường thực hiện. Tuy nhiên, tình trạng quá tải giường bệnh chưa được khắc phục hiệu quả, chính sách khám chữa bệnh BHYT chưa thu hút người dân tham gia BHYT, tỷ lệ người dân tham gia BHYT chưa đạt kế hoạch (58%/65%)
c. Về giáo dục và đào tạo
Quy mô, mạng lưới trường lớp học các cấp học, bậc học tiếp tục được củng cố và phát triển đáp ứng được nhu cầu học tập của con em nhân dân địa phương; tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi đến trường đều tăng, trong đó tiểu học đạt 99,9%, THCS đạt 95,8%, THPT 53,1%. Các giải pháp của Đề án nâng cao chất lượng giáo dục các cấp học được tập trung thực hiện hiệu quả, giảm số lượng học sinh học lực yếu, kém và bỏ học, duy trì tỷ lệ tốt nghiệp các cấp trên 98%.
Đề án sáp nhập Trường Trung cấp nghề- Giáo dục thường xuyên, Trung tâm Giáo dục Thường xuyên và Trung tâm dạy nghề ở các huyện, thị xã, thành phố thành Trung tâm Giáo dục thường xuyên và dạy nghề cấp huyện đã triển khai thực hiện, kết quả đến nay đã ổn định tổ chức, bộ máy và đi vào hoạt động, Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành điều lệ mẫu các trường, trung tâm để thực hiện. Tổ chức tuyển mới đào tạo cho 14.175 người, đạt 65% so kế hoạch năm, đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 52,4%, trong đó, qua đào tạo nghề 37,2%.
d. Về khoa học, công nghệ; bảo vệ môi trường
Hoạt động khoa học, công nghệ bám sát tình hình thực tế và yêu cầu phát triển của địa phương. Công tác quản lý nhà nước về công nghệ và sở hữu trí tuệ được quan tâm, đến nay toàn Tỉnh có 08 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu và 03 sản phẩm đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở nước ngoài .
Công tác bảo vệ môi trường được quan tâm chỉ đạo tốt hơn, thông qua tuyên truyền, giáo dục đã nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các ngành, các cấp và người dân trong việc ứng phó biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai. Việc cấp phép thăm dò và khai thác tài nguyên đúng theo quy định hiện hành, từng bước tăng cường, nâng cao công tác quản lý nhà nước trong khai thác và bảo vệ tài nguyên.
đ. Về văn hóa, thể thao
Hoạt động văn hóa, thể thao thực hiện tốt, công tác xã hội hóa đã và đang mang lại một luồng sinh khí mới trong các lĩnh vực hoạt động văn hóa, thể thao tỉnh nhà, phù hợp với xu hướng phát triển chung của xã hội, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, giải trí trong nhân dân: Lễ hội văn hóa Xuân, Lễ hội Giao thừa mừng Đảng – mừng Xuân, Lễ giỗ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, Lễ giỗ ông bà Đỗ Công Tường, tổ chức hoạt động thể thao gắn với thực hiện cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, thực hiện sâu rộng chương trình phổ cập bơi phòng chống đuối nước cho trẻ em.
(Trích Báo cáo số 247/BC-UBND của UBND tỉnh Đồng Tháp ngày 19/11/2014)