Năm 2015 có ý nghĩa hết sức quan trọng, là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015, tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Trong bối cảnh kinh tế, chính trị khu vực, quốc tế có nhiều biến động, diễn biến phức tạp; tình hình kinh tế - xã hội trong nước vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức; nhưng được sự quan tâm giúp đỡ của Trung ương, cùng sự nỗ lực trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng các doanh nghiệp, nhà đầu tư và nhân dân, tình hình kinh tế - xã hội năm 2015 tiếp tục đạt kết quả cao. Các lĩnh vực sản xuất có nhiều chuyển biến tích cực. Hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được tăng cường, từng bước đi vào chiều sâu; công tác cải cách hành chính được tập trung chỉ đạo. Hoàn thành việc điều chỉnh địa giới huyện Kỳ Anh để thành lập thị xã Kỳ Anh, kịp thời đưa tổ chức bộ máy của các đơn vị ổn định và đi vào hoạt động. An sinh xã hội được đảm bảo, quốc phòng - an ninh được giữ vững.
Những kết quả đạt được:
Tăng trưởng GRDP năm 2015 ước đạt 17,5%, trong đó công nghiệp, xây dựng tăng 19,6%, nông lâm thủy sản tăng 7,7%, thương mại-dịch vụ tăng 19,7%. GRDP bình quân đầu người năm 2015 đạt trên 38,9 triệu đồng. Tái cơ cấu nền kinh tế đạt kết quả bước đầu, mô hình kinh tế chuyển đổi theo hướng phát triển chiều sâu. Kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp.
1.1. Sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng nhanh. Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 37,2% so với cùng kỳ năm trước; trong đó công nghiệp phân phối điện, nước bằng 4,87 lần so với cùng kỳ; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 15%; công nghiệp xử lý rác thải, nước thải tăng 9,4%. Nhiều dự án, cơ sở sản xuất tiếp tục nâng cao công suất, phát huy hiệu quả: Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 hòa lưới điện quốc gia 2 tổ máy với sản lượng cả năm ước đạt 4.130 triệu kwh; hoàn thành Tổ máy số 1 - Nhà máy Nhiệt điện Formosa; Nhà máy Bia Sài Gòn - Hà Tĩnh hoạt động với công suất tối đa; Nhà máy cọc sợi Vinatex Hồng Lĩnh đầu tư thêm dây chuyền 1,2 vạn cọc sợi; Dự án Khu liên hợp gang thép Formosa dự kiến cuối tháng 12 nhập phôi thép để chạy thử lò cao số 1. Khánh thành giai đoạn 1 nhà máy chế biến rác thải công nghiệp và sinh hoạt tại xã Kỳ Tân. Khởi công các dự án lớn như xây dựng bến số 3 cảng Vũng Áng, dự án Cảng tổng hợp quốc tế Hoành Sơn (bến số 4),...
Cùng với việc thu hút đầu tư, triển khai các dự án lớn trên địa bàn, tỉnh đã quan tâm ưu tiên phát triển công nghiệp nông thôn theo hướng tập trung gắn với xây dựng nông thôn mới; tiếp tục huy động nguồn vốn đầu tư các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đồng thời rà soát, lập hồ sơ thành lập mới các cụm công nghiệp. Từng bước triển khai kế hoạch di dời các cơ sở vào sản xuất tập trung trong các cụm công nghiệp. Thực hiện đầu tư, nâng cấp hệ thống điện, di dời cột điện ảnh hưởng đến quy hoạch xây dựng nông thôn mới.
1.2. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tiếp tục được tập trung chỉ đạo quyết liệt; các cơ chế, chính sách được ưu tiên nguồn lực và tổ chức thực hiện có hiệu quả; thu hút được một số doanh nghiệp lớnđầu tư phát triển sản xuất sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực, ứng dụng công nghệ cao, từng bước xây dựng chuỗi liên kết, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả trên đơn vị diện tích.
Giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích đạt 70 triệu đồng/ha. Tỷ trọng chăn nuôi chiếm 48,2% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp. Sản lượng lương thực ước đạt 55,3 vạn tấn, tăng 2,8%; sản lượng thịt hơi đạt 105.000 tấn, tăng 17,6% so với năm 2014; sản lượng thủy sản ước đạt 48.885 tấn (tăng 10,3%); tỷ lệ độ che phủ rừng 52,9%.
Tiếp tục mở rộng chuỗi liên kết trong chăn nuôi lợn. Thu hút được một số doanh nghiệp lớn đầu tư dự án chăn nuôi bò sữa Vinamilk, bò thịt chất lượng cao quy mô lớn. Khởi công xây dựng Trung tâm hươu giống Quốc gia, Nhà máy chế biến nhung hươu. Công tác quản lý giết mổ gia súc, gia cầm được tập trung chỉ đạo.
Phát triển nhanh nuôi tôm thâm canh, công nghệ cao, đạt 820ha, tăng 86% so với năm 2014. Triển khai các dự án thí điểm nuôi cá mú công nghệ cao, đạt kết quả bước đầu. Phát triển thêm 55 tàu đánh bắt xa bờ, nâng tổng số lên 230 chiếc; tập trung thực hiện chính sách phát triển thủy sản theo Nghị định số 67/NĐ-CP của Chính phủ, phê duyệt đóng mới 15 tàu vỏ thép, đã khởi công đóng mới 04 tàu.
Mở rộng sản xuất rau, củ, quả công nghệ cao trên đất cát hoang hóa ven biển, bãi bồi ven sông, theo chuỗi liên kết với doanh nghiệp. Chuyển giao diện rộng phương pháp thụ phấn bổ sung, kỹ thuật ổn định ra hoa đậu quả bưởi Phúc Trạch, đồng nhất giống cam chất lượng cao. Chuyển đổi mạnh cơ cấu mùa vụ, diện tích lúa Xuân muộn chiếm trên 92%, diện tích lúa hàng hóa, chất lượng cao tăng nhanh, đạt 38.500 ha, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2014. Tiếp tục mở rộng chuỗi liên kết sản xuất chè theo hướng VietGAP, đạt trên 980ha, sản phẩm chè Hà Tĩnh đã xuất khẩu vào một số thị trường có yêu cầu cao như Anh, Pháp, Nhật Bản. Công tác quản lý, bảo vệ rừng tiếp tục được tăng cường.
Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tiếp tục được chỉ đạo quyết liệt. Số mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, hình thức tổ chức sản xuất, khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu tăng nhanh: Trong 11 tháng đầu năm, phát triển mới 1.734 mô hình, nâng tổng số lên trên 9.000 mô hình, xây dựng 424 khu dân cư kiểu mẫu, 860 vườn mẫu. Kết cấu hạ tầng tiếp tục được đầu tư xây dựng, nhất là các công trình thiết yếu ở thôn xóm, đã cứng hóa được 719,72 km đường giao thông nông thôn, kiên cố hóa 177,27 km kênh mương nội đồng theo cơ chế hỗ trợ xi măng. Dự kiến phấn đấu đến cuối năm có thêm 24-26 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn lên 50-52 xã (chiếm 22% tổng số xã) và không còn xã dưới 8 tiêu chí.
1.3. Hoạt động thương mại, du lịch, dịch vụ, xuất nhập khẩu tiếp tục phát triển. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ ước đạt 37.965 tỷ đồng, tăng 14,38% so với năm 2014. Tập trung phát triển thương mại nội địa, ổn định thị trường. Thực hiện các biện pháp khuyến khích tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong tỉnh; triển khai chuyển đổi mô hình quản lý chợ, xã hội hóa đầu tư chợ (đến hết tháng 10 đã chuyển đổi được 50/81 chợ, đạt 61,7% kế hoạch, dự kiến đến hết năm 2015 chuyển đổi được 67/81 chợ, đạt 82,7% KH); một số chợ đầu tư theo hình thức xã hội hóa đã đi vào hoạt động hiệu quả và được nhân rộng: Tiếp tục thực hiện quyết liệt các biện pháp bình ổn giá cả thị trường; thực hiện tốt Đề án nâng cao công tác quản lý thị trường đến năm 2020; việc niêm yết giá, bán theo giá niêm yết, vệ sinh an toàn thực phẩm kiểm tra, kiểm soát và từng bước thực hiện khá nghiêm túc tại các khu du lịch, nhà hàng....
Kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn năm 2015 ước đạt 2.882 triệu USD, trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 122,05 triệu USD, đạt 43%KH, giảm 11,4% so cùng kỳ, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 2.760 triệu USD, tăng 10,6% so với năm 2014.
Các hoạt động phát triển dịch vụ, du lịch tiếp tục được quan tâm triển khai, chất lượng được cải thiện. Tổ chức tốt các hoạt động xúc tiến, quảng bá và tập huấn nghiệp vụ du lịch. Cơ sở lưu trú du lịch có bước phát triển, tổng lượt khách du lịch trong năm 2015 ước đạt 1,49 triệu lượt người (tăng 189,6 nghìn lượt người so với năm 2014).
Hoạt động vận tải trong thời gian qua có bước phát triển khá, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại và sản xuất của người dân cũng như doanh nghiệp; đưa vào hoạt động mới 3 tuyến xe buýt, nâng tổng số lên 6 tuyến xe buýt, 3 hãng xe taxi và đưa vào vận hành, khai thác bến xe khách mới Hà Tĩnh theo hình thức xã hội hóa.
1.4. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2015 ước đạt 91.191 tỷ đồng, tăng 6,9% so với năm 2014, bằng 100% kế hoạch, trong đó nguồn vốn FDI dự kiến đạt 70.455 tỷ đồng (tương đương 3,355 tỷ USD).Các dự án đầu tư trên địa bàn được tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt; các nhà đầu tư được tạo điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, đặc biệt là các dự án lớn trong Khu kinh tế Vũng Áng. Dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa đang được triển khai quyết liệt và dự kiến quý I năm 2016 hoàn thành giai đoạn 1; Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 2 đang hoàn thiện các thủ tục để triển khai. Dự án cấp nước Khu kinh tế Vũng Áng và Hệ thống thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang được triển khai quyết liệt, tiến độ cơ bản đáp ứng yêu cầu,...
1.5. Thu ngân sách trên địa bàn đến ngày 30/11/2015 đạt 10.437 tỷ đồng, bằng 72% kế hoạch HĐND tỉnh giao, bằng 106,8% kế hoạch Trung ương giao; trong đó thu nội địa đạt 5.647,8 tỷ đồng, bằng 80,7% kế hoạch HĐND tỉnh giao, bằng 129,5% kế hoạch Trung ương giao; thu từ XNK: 4.779,6 tỷ đồng; năm 2015 dự kiến đạt trên 12.500 tỷ đồng, tăng 8,68% so với năm 2014, gấp 6,3 lần so với năm 2010 (1.985 tỷ đồng), đạt 86,2% kế hoạch HĐND tỉnh giao, bằng 128,7% Kế hoạch Trung ương giao; trong đó, thu nội địa đạt 7.000 tỷ đồng, thu xuất nhập khẩu đạt 5.500 tỷ đồng. Chi ngân sách cơ bản đáp ứng yêu cầu chi thường xuyên và an sinh xã hội.
1.6. Hoạt động tín dụng ngân hàng đáp ứng nhu cầu vay vốn và các dịch vụ. Tổng nguồn vốn huy động và quản lý của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đến cuối năm 2015 ước đạt 31.344 tỷ đồng, tăng 15,8% so với đầu năm. Tổng doanh số cho vay năm 2015 ước đạt 50.000 tỷ đồng, tăng 25% so với năm trước. Tổng dư nợ ước đạt 26.697 tỷ đồng, tăng 18,5% so với đầu năm. Các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã tiếp tục triển khai quyết liệt và kịp thời các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về chi phí vay vốn, tăng khả năng tiếp cận vốn vay ngân hàng để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đến nay đã thực hiện cơ cấu lại nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ cho 22.094 khách hàng, với dư nợ 5.633 tỷ đồng. Số khách hàng được miễn giảm lãi đến 30/9/2015 là 286 khách hàng với số lãi được miễn, giảm là 3.061 triệu đồng. Doanh số cho vay hỗ trợ lãi suất từ đầu năm đến nay đạt trên 2.000 tỷ đồng, dự kiến hỗ trợ hơn 61,11 tỷ đồng lãi vay cho các hộ gia đình, các tổ chức kinh tế theo chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh vào nông nghiệp, nông thôn.
1.7. Công tác đổi mới, phát triển doanh nghiệp Năm 2015 dự kiến chấp thuận chủ trương đầu tư và cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 79 dự án, thành lập mới cho 750 doanh nghiệp (tăng 26% so với năm 2014), vốn đăng ký bình quân 4,6 tỷ đồng/doanh nghiệp, nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn trên 5.000 doanh nghiệp; giải thể 87 doanh nghiệp. Thành lập mới 300 hợp tác xã, tăng gấp 2 lần so với kế hoạch, gấp 2,4 lần cùng kỳ 2014. Thông báo chấm dứt hiệu lực chủ trương đầu tư 25 dự án và thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư 06 dự án.
Công tác cổ phần hóa, đổi mới, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước theo đúng lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; năm 2015 tập trung thực hiện các bước còn lại cổ phần hóa Công ty cấp nước, các Công ty môi trường đô thị, sắp xếp đổi mới các công ty lâm nghiệp; thực hiện cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Đăng kiểm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
1.8. Hoạt động đối ngoại và xúc tiến đầu tư tiếp tục được đẩy mạnh
Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện đề án Tăng cường mở rộng, hợp tác và phát triển kinh tế đối ngoại của tỉnh giai đoạn 2013-2015 và những năm tiếp theo; tổ chức thành công hội nghị xúc tiến đầu tư tại CHLB Đức và gặp mặt các doanh nghiệp Nhật Bản tại Hà Nội.
Thực hiện tốt công tác tổ chức, quản lý các đoàn khách nước ngoài vào làm việc tại tỉnh. Tăng cường, mở rộng các hoạt động giao lưu, hữu nghị, hợp tác phát triển với nước ngoài. Thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý các vụ việc có liên quan đến yếu tố nước ngoài xảy ra trên địa bàn tỉnh. Hoàn thành công tác cắm mốc biên giới Việt Nam - Lào trên địa bàn tỉnh. Việc thu hút, quản lý và thực hiện các nguồn vốn đầu tư nước ngoài đạt kết quả khá.
1.9. Hoạt động khoa học công nghệ và công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu tiếp tục được tăng cường
Hoạt động khoa học và công nghệ đạt nhiều kết quả: chú trọng và nâng cao hiệu quả hoạt động ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, đời sống qua các đề án; phát triển và nhân rộng các mô hình sản xuất mới có hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập cho người lao động; đặc biệt, mô hình sản xuất nấm cho lãi 2-2,5 tỷ đồng/ha lán trại; Đã kiểm tra tiến độ và nghiệm thu giai đoạn đối với các đề tài, dự án tiếp nối cấp tỉnh và các dự án thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới. Công tác quản lý nhà nước về khoa học công nghệ được tăng cường trên các lĩnh vực.
Công tác quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và quản lý tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường được quan tâm triển khai. Tiến hành lập dự án điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) cấp tỉnh, huyện. Giải quyết 105 hồ sơ giao đất, hoàn thành công tác đo đạc bản đồ địa chính cho 234/234 xã, phường, thị trấn với diện tích 221.792ha. Thẩm định đo vẽ bản đồ đất lâm nghiệp theo Đề án giao đất, giao rừng với diện tích đạt 95%, diện tích cấp giấy CNQSD đất đạt 51,4%. Phêduyệt kết quả khoanh định khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh và kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của Cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh. Tiếp tục thực hiện dự án cải tạo, xử lý môi trường bãi rác và môi trường ô nhiễm do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu trên địa bàn.
2.1. Giáo dục - đào tạo tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Chiến lược và các nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, dạy nghề. Giáo dục toàn diện và mũi nhọn phát triển và đạt kết quả khá; phổ cập giáo dục các cấp học được quan tâm, các kỳ thi được tổ chức an toàn và đúng quy chế. Tiếp tục rà soát, kiểm tra các trường đạt chuẩn, nâng cao chất lượng; triển khai có hiệu quả Chương trình Tiếng Việt lớp 1 - công nghệ giáo dục, nhân rộng mô hình mới tại 48 trường tiểu học đạt kết quả khá. Đại học Hà Tĩnh tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo và tuyển sinh; hiện đang đào tạo cho6.875 sinh viên, với 51 mã ngành, trong đó đang đào tạo và liên kết đào tạo cho gần 500 sinh viên cho Khu kinh tế Vũng Áng và hơn 1.331 lưu học sinh Lào. Hợp tác quốc tế trong đào tạo và nghiên cứu khoa học không ngừng được đẩy mạnh.
2.2. Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm có nhiều chuyển biến tích cực, các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh đã chủ động trong việc đào tạo, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn, hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau tốt nghiệp. Triển khai xây dựng và hoàn thiện Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030. Trong năm đã đào tạo cho 21.750 lượt người và tuyển mới 16.650 người (đạt 101%KH). Đẩy mạnh việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn và đào tạo theo nhu cầu. Tỷ lệ lao động qua đào tạo ước đạt 51% kế hoạch Chương trình Việc làm - Dạy nghề năm 2015 và những năm tiếp theo; trong năm giải quyết việc làm cho 32.550 lượt người, đạt 101% kế hoạch năm và bằng 86,3% so với năm 2014; đã tổ chức nhiều hội nghị tư vấn, giới thiệu việc làm, định hướng đào tạo nghề; kiểm tra an toàn vệ sinh lao động, thực hiện pháp luật lao động tại các doanh nghiệp; triển khai rà soát, đánh giá năng lực và hiệu quả hoạt động của các cơ sở dạy nghề.Hoàn thành và công bố kết quả tổng điều tra lao động, việc làm làm cơ sở để xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng, đào tạo gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.
2.3. Lĩnh vực y tế: Chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ nhân dân và y đức chuyển biến tích cực; xây dựng các quy trình chuyên môn, kỹ thuật theo Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện ở các tuyến, đặc biệt Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã áp dụng các công nghệ mới trong chẩn đoán, điều trị. Chú trọng đầu tư cơ sở vật chất cho các bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến huyện, công suất giường bệnh tuyến tỉnh đạt 134%, tuyến huyện đạt 140%. Thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm soát được tình hình dịch bệnh trên địa bàn. Các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế triển khai đạt hiệu quả đảm bảo các mục tiêu và một số chỉ tiêu vượt kế hoạch đề ra.
2.4. Văn hoá, thể thao: Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết 33/TW ngày 9/6/2014 Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa được quan tâm đầu tư. Tổ chức tốt các hoạt động chào mừng thành công Đại hội Đảng bộ các cấp; các hoạt động Kỷ niệm 250 năm Ngày sinh và vinh danh danh nhân văn hóa thế giới, Đại thi hào Nguyễn Du; vinh danh Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; hình thành nhiều câu lạc bộ dân ca Ví, Giặm ở cơ sở và trường học. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” gắn với xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh được triển khai tích cực, có hiệu quả. Các hoạt động văn nghệ và thể thao quần chúng được các cấp, các ngành và đông đảo nhân dân quan tâm; tổ chức nhiều giải đấu thể thao chào mừng các sự kiện quan trọng.
2.5. Công tác thông tin truyền thông Công tác thông tin tuyên truyền trước, trong và sau đại hội Đảng các cấp được đẩy mạnh; Trung tâm báo chí phục vụ Đại hội Đảng bộ tỉnh thực hiện tốt nhiệm vụ; kịp thời bám sát và phối hợp tuyên truyền tốt các sự kiện lớn diễn ra trên địa bàn nêu trên. Chất lượng dịch vụ bưu chính, viễn thông, hệ thống phát thanh truyền hình, thông tin cơ sở, thông tin đối ngoại được nâng cao đáp ứng yêu cầu phục vụ các nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
2.6. An sinh xã hội: Triển khai kịp thời, đồng bộ các chế độ, chính sách về giảm nghèo; đến hết năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 5,82%; Tỷ lệ hộ cận nghèo còn 8,89%. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách cho các đối tượng người có công, bảo trợ xã hội, đảm bảo an sinh xã hội; giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp 2.300 người. Triển khai đồng bộ rà soát và xử lý kết quả sau tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công. Tổ chức trang trọng, chu đáo Lễ phong tặng và truy tặng danh hiệu cho 620 Bà mẹ Việt Nam anh hùng . Tổ chức lễ tiếp nhận, truy điệu và an táng 25 hài cốt liệt sỹ, chuyên gia và quân tình nguyện hy sinh tại Lào về nước... Công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em, phòng chống tệ nạn xã hội, hoạt động bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ được quan tâm.
(Trích: Báo cáo số 681/BC-UBND của UBND tỉnh trình tại Kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh khóa XVI ngày 10-12/12/2015)