I. Kết quả thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2014:
Hậu Giang đã thực hiện đạt 20/20 chỉ tiêu chủ yếu đã đề ra năm 2014. Trong đó: có 08 chỉ tiêu vượt kế hoạch là giá trị sản xuất theo giá thực tế, kim ngạch xuất nhập khẩu, tổng vốn đầu tư toàn xã hội, thu ngân sách, tỷ lệ hộ nghèo, y tế, huy động học sinh đến trường, đào tạo nghề lao động nông thôn và 12 chỉ tiêu đạt kế hoạch, cụ thể:
(1) Tốc độ tăng trưởng kinh theo giá so sánh 1994 đạt 12,5%, trong đó khu vực I: 3,31%, khu vực II: 13,45%, khu vực III: 17,46%, đạt KH.
(2) Giá trị sản xuất theo giá thực tế thực hiện 59.442 tỷ đồng, tăng 13% so cùng kỳ, vượt 0,13% KH. Trong đó: khu vực I tăng 5,93%, khu vực II tăng 11,35% và khu vực III tăng 22,72%.
(3) Giá trị gia tăng bình quân đầu người năm 2014 đạt 31,3 triệu đồng/người/năm (tương đương 1.477 USD, tỷ giá USD là 21.200 đồng), đạt 99,2% KH.
(4) Cơ cấu kinh tế đến cuối năm 2014 giữa 3 khu vực I, II, III là 25,76%; 33,37%; 40,87% (KH là 25,58%; 33,22%; 41,21%).
(5) Kim ngạch xuất nhập khẩu và dịch vụ thu ngoại tệ thực hiện 455 triệu USD, tăng 29,8% so cùng kỳ, vượt 21,3% KH. Trong đó: giá trị xuất khẩu và dịch vụ thu ngoại tệ đạt 382,1 triệu USD, tăng 24,5% so cùng kỳ, vượt 17,6% KH; nhập khẩu đạt 72,9 triệu USD, tăng 67,9% so cùng kỳ, vượt 45,8% KH.
(6) Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 13.228 tỷ đồng, tăng 3,58% so cùng kỳ, vượt 0,2% KH.
(7) Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 5.792,855 tỷ đồng, giảm 2,1% so cùng kỳ, vượt 9,25% kế hoạch. Trong đó: thu nội địa 1.040 tỷ đồng, giảm 9,5% so cùng kỳ, vượt 14,29% kế hoạch. Tổng chi 5.754,029 tỷ đồng, tăng 0,61% so cùng kỳ, vượt 9,17% kế hoạch, trong đó chi đầu tư phát triển 1.969,383 tỷ đồng, tăng 61,2% so cùng kỳ, vượt 17,9% kế hoạch.
(8) Mức giảm sinh 0,1%o, đạt kế hoạch; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm còn 10,7 %o, đạt kế hoạch.
(9) Giải quyết việc làm 22.000 lao động, đạt kế hoạch, tỷ lệ lao động qua đào tạo so với tổng số lao động đạt 36%, đạt kế hoạch, trong đó đào tạo nghề lao động 6.300 lao động, vượt 5% kế hoạch.
(10) Tổng số học sinh huy động 151.978 học sinh, vượt 0,65% kế hoạch. Trong đó huy động 14% trẻ trong độ tuổi đi nhà trẻ, 80% trẻ trong độ tuổi từ 3 - 5 tuổi đi mẫu giáo, trên 99% học sinh tiểu học trong độ tuổi từ 6 -10 tuổi, 90% học sinh trung học cơ sở trong độ tuổi từ 11 - 14 tuổi và 64% học sinh trung học phổ thông trong độ tuổi từ 15 - 17 tuổi đến trường; có 145 sinh viên trên 1 vạn dân; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia 38,3%.
(11) Tỷ lệ hộ nghèo còn 9,58% (giảm 2,15% so với cùng kỳ), hộ cận nghèo còn 7,18%, giảm 1,55% so cùng kỳ, vượt kế hoạch.
(12) Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng còn dưới 14,5% (KH 14,5%); tỷ lệ trẻ em tử vong dưới 01 tuổi còn 10,4%o (KH 10,4%0); tỷ lệ trẻ em tử vong dưới 05 tuổi còn 15,4%o (KH 15,4 %o); có 5,69 bác sỹ trên vạn dân (KH 5,69 bác sĩ); 25,01 giường bệnh trên 1 vạn dân (KH 25,01 giường); số trạm y tế đạt chuẩn Quốc gia theo chuẩn mới 37/74 trạm, đạt tỷ lệ 50% số xã (KH 46 %). Nhóm chỉ tiêu này đạt kế hoạch.
(13) Tỷ lệ người tham gia các hình thức bảo hiểm y tế 62%, đạt 100% kế hoạch.
(14) Tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt 98% số hộ, trong đó khu vực nông thôn 95%, tỷ lệ sử dụng điện an toàn 96%, đạt 100% kế hoạch.
(15) Tiếp tục nâng chất 55 xã, phường, thị trấn văn hóa, thực hiện mô hình có cảnh quan sáng, xanh, sạch, đẹp gắn với tiêu chí xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh, đạt 100% kế hoạch.
(16) Công nhận mới 3 xã nông thôn mới, nâng tổng số có 6 xã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới (đạt 11% tổng số xã trong toàn tỉnh), 48 xã còn lại đạt từ 8-14 tiêu chí, cơ bản đạt kế hoạch đề ra (kế hoạch từ 3 – 4 xã).
(17) Ứng dụng, chuyển giao được 3 mô hình khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp (kế hoạch 3 mô hình), đạt 100% kế hoạch.
(18) Tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 91% tổng số hộ, trong đó khu vực nông thôn đạt 84% số hộ (đạt 100% kế hoạch). Tỷ lệ chất thải rắn ở đô thị và các trung tâm xã được thu gom 80% (kế hoạch 80%), đạt 100% kế hoạch. Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đạt 99,7% (kế hoạch 99%), vượt kế hoạch.
(19) Hoàn thành 100% chỉ tiêu đưa quân cả năm, xây dựng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quân sự, quốc phòng địa phương. Tổ chức huấn luyện các đối tượng theo đúng quy định. Công tác tuyển chọn, xây dựng lực lượng dân quân tự vệ đạt 1,7% dân số, đạt kế hoạch.
(20) An ninh chính trị được giữ vững, tội phạm về trật tự xã hội và tai nạn giao thông được kéo giảm, chất lượng tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật được nâng lên, đạt và vượt kế hoạch đề ra.
II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN TRÊN CÁC LĨNH VỰC:
1. Thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh:
Thực hiện Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 19 tháng 02 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013 - 2020, UBND tỉnh Hậu Giang đã ban hành Chương trình để triển khai thực hiện theo quan điểm phát triển kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu, năm qua cùng với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng tình hình kinh tế - xã hội trong tỉnh tiếp tục phát triển, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 12,5% theo giá so sánh 1994, đạt kế hoạch đề ra; đời sống nhân dân đã có bước cải thiện, giá trị gia tăng bình quân đầu người năm 2014 đạt 31,3 triệu đồng/người (tương đương 1.477 USD), bằng 75% mức bình quân của đồng bằng sông Cửu Long (41 triệu đồng)
Cơ cấu kinh tế ngành chuyển dịch khá tích cực theo hướng công nghiệp hóa, các thành phần kinh tế tiếp tục phát triển về qui mô, tỷ trọng thành phần kinh tế có vốn nhà nước có xu hướng giảm (còn 14,75%) – kinh tế tư nhân và hộ cá thể có xu hướng tăng lên (chiếm 85%) – kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (khoảng 0,25%). Kinh tế hợp tác xã phát triển khá đa dạng, theo hướng củng cố, nâng chất, giữ được các hoạt động ổn định theo chiều hướng phát triển. Đã phối hợp tuyên truyền vận động thành lập mới 29 HTX nâng tổng số HTX toàn tỉnh lên 203 HTX, với 3.337 thành viên, tổng vốn điều lệ trên 154 tỷ đồng.
UBND tỉnh đã tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong các khu, cụm công nghiệp triển khai đầu tư các dự án đã đăng ký, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, sớm đưa dự án vào hoạt động. Tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại để các sản phẩm chủ lực của tỉnh có thêm thị trường tiêu thụ.
UBND tỉnh đã tăng cường chỉ đạo quản lý đầu tư công từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ; đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015, trong đó tập trung vốn cho các công trình, dự án bức xúc, sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng để phát huy hiệu quả.
Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Hậu Giang đã chỉ đạo hệ thống ngân hàng thương mại hoạt động bám sát kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, ưu tiên vốn vay cho khu vực nông nghiệp, nông thôn và các mô hình sản xuất có hiệu quả; tạo điều kiện để các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ sản xuất tiếp cận các nguồn vốn tín dụng, nhất là các nguồn vốn vay ưu đãi lãi suất.
2. Sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn:
Diện tích gieo trồng lúa cả năm 205.377 ha, giảm 3,1% (6.744 ha) so cùng kỳ, vượt 5,2% kế hoạch. Tuy diện tích có giảm do chuyển sang trồng hoa màu và cây ăn trái, nhưng năng suất bình quân đạt cao 6,18 tấn/ha, tăng 0,56 tấn/ha, nên sản lượng vẫn đạt 1,26 triệu tấn, tăng 6,5% so cùng kỳ (77.184 tấn) và vượt 11,9% kế hoạch. Niên vụ mía năm 2014 trồng được 12.559 ha, giảm 1.448 ha so cùng kỳ, đạt 98,1% kế hoạch, năng suất 98 tấn/ha, sản lượng 1,23 triệu tấn, tăng 3,1% so cùng kỳ, vượt 6,4% kế hoạch. Cây ăn trái: Diện tích 29.512 ha, tăng 7,3% so cùng kỳ, đạt 93,8% kế hoạch, sản lượng 262.095 tấn, tăng 20,5% so với cùng kỳ, vượt 0,02% kế hoạch. Rau màu: Diện tích 22.865 ha, vượt 20,3% kế hoạch, tăng 12,7% so cùng kỳ, sản lượng 274.735 tấn, tăng 35,6% so cùng kỳ, vượt 20,6% kế hoạch.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên việc khôi phục đàn chăn nuôi còn gặp nhiều khó khăn. Các mô hình chăn nuôi gia cầm theo hướng tập trung an toàn dịch bệnh và an toàn vệ sinh thực phẩm đang được nhân rộng; ngày càng phát triển thêm nhiều trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung với quy mô lớn, góp phần nâng cao giá trị sản xuất và hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi. Quy mô đàn năm 2014: đàn heo 131.931 con, tăng 10,1% so với cùng kỳ, đạt 94,4% kế hoạch; đàn gia cầm 3,3 triệu con, giảm 11,9% so với cùng kỳ, đạt 82,5% kế hoạch; tổng đàn trâu, bò 3.168 con, tăng 4,4% so với cùng kỳ, đạt 97,3% kế hoạch.
Diện tích thả nuôi thủy sản 8.066 ha, tăng 23 ha so cùng kỳ, vượt 4,9% kế hoạch; sản lượng đạt 61.972 tấn, tăng 0,6% so cùng kỳ, đạt 85,1% kế hoạch, chủ yếu là cá da trơn, cá rô đồng và cá thát lát..., diện tích nuôi và sản lượng tăng ít chủ yếu là do khâu giống, kỹ thuật và ảnh hưởng của dịch bệnh.
Công tác quản lý bảo vệ rừng và phát triển lâm nghiệp được thực hiện tốt, phòng chống cháy rừng mùa khô được các đơn vị triển khai thực hiện có hiệu quả. Tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 1,8%, không tăng so cùng kỳ.
Trong năm, thiên tai diễn biến khá phức tạp, nhưng do tích cực chủ động phòng chống, nên thiệt hại đã giảm khá nhiều, nhà sập hoàn toàn 144 căn, tốc mái siêu vẹo 174 căn; thiên tai làm chết 04 người, bị thương 5 người; sạt lở đất 16 điểm dài 308 m... thiệt hại vật chất khoảng 3,11 tỷ đồng (năm 2013 thiệt hại 08 tỷ đồng)
Công tác xây dựng nông thôn mới được chỉ đạo quyết liệt, lồng ghép nhiều nguồn vốn, có sự tham gia tích cực của người dân, đến nay 11 xã điểm xây dựng nông thôn mới đạt 13-19 tiêu chí (KH 14 - 19 tiêu chí), đến cuối năm 2014 công nhận thêm 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới là Thạnh Hòa (huyện Phụng Hiệp), Vĩnh Viễn (huyện Long Mỹ) và Tân Thành (thị xã Ngã Bảy), nâng tổng số 6/11 xã điểm đạt chuẩn nông thôn mới; 43 xã còn lại đạt từ 6 - 11 tiêu chí (KH 8-11 tiêu chí), tăng bình quân 3 - 4 tiêu chí so cùng kỳ.
Tỉnh tiếp tục chỉ đạo các địa phương xây dựng và triển khai thực hiện 5 cánh đồng lớn. Các cánh đồng bước đầu đã gắn kết được với doanh nghiệp tham gia đầu tư và bao tiêu sản phẩm cho dân với tổng diện tích các cánh đồng 1.660 ha/1.503 hộ.
Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang đang triển khai thực hiện các quy hoạch chi tiết, lập các dự án đầu tư và kêu gọi đầu tư. Do đây là lĩnh vực mới, văn bản quy định chưa đầy đủ nên việc triển khai gặp nhiều khó khăn, nhất là về vốn đầu tư. Các chính sách ưu đãi, cơ chế giao đất, tiêu chuẩn lựa chọn nhà đầu tư và nguồn nhân lực công nghệ cao của tỉnh chưa được ban hành, nên việc xác định lựa chọn nhà đầu tư và thu hút nguồn nhân lực gặp nhiều khó khăn.
Đã ban hành và đang triển khai 02 Đề án: Chuyển đổi cây trồng vật nuôi và nâng cao chất lượng hoạt động Hợp tác xã. Đề án cơ giới hóa trong sản xuất lúa giai đoạn 2012 - 2015 của tỉnh được triển khai hiệu quả, tính đến nay đã giải ngân 99/100 máy gặt đập liên hợp, nâng tổng số máy gặt đập liên hợp trên địa bàn tỉnh lên 297 máy, khả năng đáp ứng thu hoạch bằng máy 75% diện tích, trong đó ngân sách tỉnh đã hỗ trợ lãi suất vay cho người dân trên 6,1 tỷ đồng.
Chiến dịch Giao thông nông thôn - Thủy lợi và Trồng cây năm 2014 được các địa phương nỗ lực thực hiện, kết quả xây dựng đường 556.350 m², vượt 171% kế hoạch; xây dựng cầu 9.331 m², vượt 274% kế hoạch; thủy lợi nạo vét trên 758.680m³, khép kín thêm 21.419 ha, vượt 11,6% kế hoạch, nâng tổng diện tích được khép kín lên 65.116 ha, chiếm 48,6% diện tích đất sản xuất nông nghiệp; trồng được 470.370 cây xanh, đạt 85,5% kế hoạch. Tổng kinh phí thực hiện 507 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước 385 tỷ đồng, chiếm 75,9%, nhân dân đóng góp 122 tỷ đồng, chiếm 24,1%.
Trong sản xuất nông nghiệp tỉnh đã tập trung đầu tư, hình thành các vùng chuyên canh, tập trung với các cây trồng chủ lực và đã đăng ký xây dựng nhãn hiệu, tham gia thị trường khá tốt, đã có 9/10 nhãn hiệu được công nhận như: bưởi Năm Roi Phú Thành, cam sành Ngã Bảy, khóm Cầu Đúc, chanh không hạt, cá thát lát Hậu Giang, cá rô đồng Hậu Giang, lúa Hậu Giang 2, mía đường CASUCO, Quýt đường Long Trị.
Trong lĩnh vực nông nghiệp có 140 hợp tác xã nông nghiệp và 01 Liên hiệp HTXNN, tăng 15 hợp tác xã so năm trước. Mô hình kinh tế trang trại đang từng bước được phát triển, có 30 trang trại đang hoạt động khá hiệu quả, tăng 5 trang trại so với năm trước. Tuy nhiên, tình hình kinh tế hợp tác, HTX cũng gặp không ít khó khăn về đầu vào, đầu ra của sản phẩm, tỷ lệ HTX trung bình và yếu vẫn còn, một số cần được củng cố nâng chất hoặc giải thể. Phần đông các HTX nông nghiệp hoạt động nhỏ lẻ không tập trung, thiếu vốn đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh dịch vụ, hạn chế về quản lý điều hành.
3. Sản xuất công nghiệp - thu hút đầu tư - xây dựng:
Tổng giá trị sản xuất khu vực II theo giá thực tế được 25.395 tỷ đồng, tăng 11,35% so cùng kỳ, vượt 0,77% kế hoạch; trong đó giá trị sản xuất công nghiệp thực hiện 20.379 tỷ đồng (trong đó các doanh nghiệp trong khu công nghiệp tạo ra 78% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh), tăng 13,17% so cùng kỳ, vượt 6,7% kế hoạch; giá trị sản xuất ngành xây dựng thực hiện được 5.016 tỷ đồng, tăng 4,5% so cùng kỳ và chỉ đạt 82,2% KH
Sản lượng một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu đều tăng khá cao so cùng kỳ, như thủy sản đông lạnh tăng 16%; nước mắm tăng 15%; gạo xay xát tăng 10%; thức ăn gia súc tăng 19%; đường kết các loại tăng 13%; đường mật các loại tăng 12%; bánh kẹo các loại tăng 16%; nước đá tăng 7%; mũi giày da tăng 25%; nông cụ cầm tay tăng 13%; nước máy sản xuất tăng 9%. Riêng các nhà máy chế biến xuất khẩu gạo trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua hoạt động không hiệu quả do quá trình tái cơ cấu, thiếu vốn để sản xuất kinh doanh dẫn đến giá trị sản xuất đạt rất thấp.
Tỷ lệ hộ dân sử dụng điện được giữ vững 98%, đạt 100% KH; trong đó tỷ lệ hộ sử dụng điện ở nông thôn đạt 95%, tăng 0,2% so cùng kỳ; tỷ lệ hộ sử dụng điện an toàn đạt 96%.
Môi trường đầu tư của Hậu Giang không ngừng được cải thiện, thông qua đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh PCI, năm 2013 tỉnh được xếp hạng 20/63 tỉnh thành trong cả nước và xếp thứ 9/13 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, được xếp trong nhóm khá tốt, kết quả này cho thấy môi trường đầu tư của tỉnh tiếp tục được cải thiện và tương đối ổn định. Tỉnh đã tăng cường tổ chức đối thoại với doanh nghiệp, họp mặt nhà doanh nghiệp; tổ chức thăm và tháo gở khó khăn vướng mắc cho một số doanh nghiệp bước đầu có chuyển biến tích cực, chủ động tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước, chủ yếu giới thiệu tiềm năng và cơ hội đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp như thông qua Diễn đàn hợp tác kinh tế đồng bằng sông Cửu Long, xúc tiến ở ngoài nước như Hàn Quốc…
Sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn, nhất là về thị trường tiêu thụ, nên trong năm có 250 doanh nghiệp thành lập mới (năm 2013 cấp mới 426 doanh nghiệp), nhưng tổng vốn đăng ký vẫn đạt 1.100 tỷ đồng (tương đương năm 2013). Lũy kế từ trước đến nay cấp mới 2.840 doanh nghiệp, tổng vốn 39.394 tỷ đồng. Trong năm có 10 doanh nghiệp ngưng hoạt động, giảm 34 doanh nghiệp so cùng kỳ và 26 doanh nghiệp giải thể, tổng vốn 74 tỷ đồng, giảm 5 doanh nghiệp so cùng kỳ.
Trong năm cấp mới 09 giấy chứng nhận đầu tư, ít hơn 10 dự án so năm trước (trong nước 8 dự án, tổng vốn: 930 tỷ đồng, 1 dự án nước ngoài với số vốn 5 triệu USD), lũy kế cấp được 494 giấy chứng nhận đầu tư, trong đó có 467 dự án trong nước, có tổng mức đầu tư 72.076 tỷ đồng và 27 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, tổng vốn đăng ký 732,646 triệu USD.
Riêng các khu, cụm công nghiệp từ trước đến nay đã thu hút được 67 dự án đầu tư, có thêm 03 doanh nghiệp đi vào hoạt động, nâng tổng số có 32 doanh nghiệp đi vào hoạt động, Trong đó:
+ 02 Khu Công nghiệp Sông Hậu giai đoạn 1, Tân Phú Thạnh và 04 Cụm công nghiệp tập trung (Đông Phú giai đoạn 1, Phú Hữu A giai đoạn 1, 3 và Nhơn Nghĩa A) do Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh quản lý; đến nay đã thu hút được 44 dự án, gồm 41 trong nước và 03 nước ngoài, với quy mô diện tích đăng ký khoảng 1.074 ha. Tổng mức thu hút đầu tư trong nước là 64.387 tỷ VNĐ, tổng mức thu hút đầu tư nước ngoài là 663,7 triệu USD, giải quyết việc làm cho khoảng 15.300 lao động
+ 04 Cụm Công nghiệp - Tiểu thủ Công nghiệp do UBND các huyện, thị xã quản lý thu hút được 23 dự án đầu tư, với tổng diện tích đất thuê là 101/142,86 ha đất công nghiệp, tỷ lệ lấp đầy 70,76%, tổng số vốn đăng ký đầu tư khoảng 1.058 tỷ đồng, đã có 11 dự án đi vào sản xuất, giải quyết việc làm cho khoảng 2.885 lao động.
Trong năm UBND tỉnh đã thu hồi chủ trương dự án đầu tư của Tổng Công ty Thép tại KCN Sông Hậu – giai đoạn 1, đồng thời làm việc với hơn 70 lượt các nhà đầu tư đến tìm hiểu thị trường; chủ động nắm bắt tình hình thuận lợi và kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc, trong đó chú trọng các dự án chậm triển khai, tìm nguyên nhân khắc phục và giải quyết; phối hợp các đơn vị chức năng hỗ trợ, hướng dẫn nhà đầu tư các thủ tục liên quan đến thực hiện dự án; tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư an tâm sản xuất trước tình hình phức tạp ở biển đông, thông qua việc thành lập 02 Tổ theo dõi, hỗ trợ doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tập trung trên địa bàn huyện Châu Thành và Châu Thành A.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tỉnh huy động được 13.228 tỷ đồng, tăng 3,58% so cùng kỳ, vượt 0,2% KH; trong đó nguồn vốn đầu tư từ ngân sách là: 3.052 tỷ đồng, bằng 91,4% so cùng kỳ, vượt 32,7 % so với kế hoạch (2.300 tỷ đồng). UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15/10/2011, Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 10/10/2012 và Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 28/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Các đơn vị và địa phương đã tích cực xử lý nợ đọng XDCB, nhưng do nguồn vốn hạn hẹp, nhu cầu bức xúc trong xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội của tỉnh rất lớn, nên đến ngày 31/10/2014 tổng nợ đọng XDCB toàn tỉnh vẫn còn 971 tỷ đồng, phải tiếp tục bố trí thanh toán trong thời gian tới.
Công tác quản lý quy hoạch xây dựng được chấn chỉnh, năm 2014 đã phê duyệt 16 đồ án quy hoạch với diện tích 3.020 ha và ban hành Quy định quản lý theo đồ án quy hoạch chung xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang đến năm 2025.
Qua 3 năm thực hiện Chương trình số 02 của UBND tỉnh về xây dựng thị xã Ngã Bảy đến năm 2015 đạt đô thị loại III, đến nay thị xã đã đạt 46/49 tiêu chí; đã thông qua HĐND tỉnh Đề án “Đề nghị công nhận thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang là đô thị loại III”. Trong năm UBND tỉnh đã công nhận Trung tâm xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp đạt tiêu chuẩn đô thị loại V, nâng tổng số đô thị trên địa bàn lên 16 đô thị (trong đó có 01 đô thị loại III, 02 đô thị loại IV và 13 đô thị loại V), công nhận nhiều tuyến phố văn minh đô thị và hiện nay đang trình đề án thành lập thị xã Long Mỹ trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính huyện Long Mỹ.
Công tác quản lý nhà ở được quan tâm; Chương trình phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2010-2015 và định hướng đến năm 2020 đang được triển khai, đã tiến hành tổng hợp nhu cầu nhà ở và xây dựng kế hoạch giải quyết chỗ ở cho cán bộ công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh; điều chỉnh Quyết định phê duyệt danh sách các đối tượng người có công với cách mạng được hỗ trợ về nhà ở trên địa bàn tỉnh với tổng số 5.612 đối tượng, tổng kinh phí thực hiện là 175 tỷ đồng. Thường xuyên hướng dẫn các nhà đầu tư trong quá trình thực hiện dự án nhà ở thu nhập thấp trên địa bàn tỉnh. Công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng được chú trọng, UBND tỉnh ban hành Quy định phân công, phân cấp quản lý nhà nước về chất lượng xây dựng trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, nhằm chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý việc xây dựng nhà ở, công trình vật kiến trúc, chỉnh trang đô thị, lấn chiếm hành lang, trật tự đô thị; tỉnh đã ban hành Hướng dẫn quy trình xử lý vi phạm trong lĩnh vực trật tự xây dựng, tăng cường kiểm tra lập lại trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh.
Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ, vượt lũ giai đoạn 2: gồm 10 cụm, tuyến, với tổng mức đầu tư 235,62, bố trí cho 3.707 đối tượng, đến nay, công tác tôn nền và xây dựng hạ tầng thiết yếu hoàn thành 10/10 cụm, tuyến; đã bình xét được 3.462/3.707 hộ, đạt 93,4% kế hoạch và đã xây dựng nhà được 2.599/3.707 căn, đạt 70,1%, đến ngày 31/12/2014 sẽ kết thúc Chương trình.
4. Thương mại - giá cả và dịch vụ:
Giá trị sản xuất khu vực III theo giá thực tế thực hiện được 18.428 tỷ đồng, tăng 22,7% so cùng kỳ, đạt 99,2% kế hoạch.
Tỉnh đã tăng cường xúc tiến thương mại thông qua chuổi hoạt động các hội chợ, tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, như: Hội chợ kỷ niệm 10 năm thành lập tỉnh, Hội chợ Triển lãm và Xúc tiến đầu tư, Hội chợ triển lãm Nông nghiệp công nghệ cao và Công nghiệp thực phẩm, Hội chợ triển lãm kết nối thương hiệu Việt công nông thương nghiệp tại Hậu Giang. Tham gia trưng bày các sản phẩm tiêu biểu trên địa bàn tỉnh tại Hội chợ triển lãm Công Thương vùng kinh tế Đông Nam Bộ tại Bình Thuận; Hội chợ Thương mại – Du lịch” gắn liền với Festival đờn ca tài tử quốc gia lần thứ I – Bạc Liêu..., từ đó tiêu dùng được kích cầu, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt trên 29.624 tỷ đồng, tăng 18,1% so cùng kỳ, vượt 4,3% kế hoạch; chất lượng phục vụ của mạng lưới chợ từng bước được nâng lên, công nhận 28 chợ đạt danh hiệu chợ văn minh. Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tiếp tục phát huy hiệu quả, đã tổ chức thực hiện được 04 Phiên chợ hàng Việt … góp phần tham gia bình ổn thị trường giá cả, hàng hoá, kiềm chế lạm phát và đảm bảo an sinh xã hội.
lượng Quản lý thị trường chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng triển khai kế hoạch, tập trung kiểm tra, kiểm soát thị trường. Giá tiêu dùng ổn định, bình quân 11 tháng năm 2014 tăng 4,07% so cùng kỳ (cùng kỳ là 6,42%). Kiểm tra, khảo sát các cửa hàng xăng dầu thuộc diện cải tạo, di dời trên địa bàn tỉnh.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trực tiếp, ủy thác và các dịch vụ thu ngoại tệ thực hiện được 455 triệu USD, tăng 29,8% so cùng kỳ, vượt 21,3% KH; trong đó: xuất khẩu trực tiếp 330 triệu USD, tăng 35,8% so với cùng kỳ, vượt 21% KH; ủy thác xuất khẩu 1,125 triệu USD, bằng 22% so cùng kỳ, đạt 12,5% KH; dịch vụ chi trả ngoại tệ 51 triệu USD, tăng 18% so cùng kỳ, vượt 6% KH; nhập khẩu trực tiếp 72,92 triệu USD tăng 67,9% so với cùng kỳ, vượt 45,8% KH. Nguyên nhân vượt kế hoạch là do các doanh nghiệp lớn như: Minh Phú, Cafatex, Việt Hải đang hoạt động ổn định và trong năm có thêm nhiều doanh nghiệp mới tham gia xuất nhập khẩu trực tiếp như: Công ty Cổ phần Thủy sản Nam Sông Hậu, Công ty Cổ phần chế biến Thủy sản Long Phú và Công ty TNHH Lạc Tỷ II.
Dịch vụ vận tải hàng hóa và hành khách tiếp tục phát triển, chất lượng phục vụ từng bước được nâng lên, hoạt động vận chuyển hành khách bằng phương tiện công cộng có phát triển, đã vận chuyển 92 triệu lượt hành khách, tăng 7,2% so cùng kỳ; vận chuyển 8,05 triệu tấn hàng hóa, tăng 6,6% so cùng kỳ.
5. Tài chính, ngân hàng:
Tỉnh đã huy động hợp lý nguồn lực của các thành phần kinh tế trong và ngoài nước, đẩy mạnh công tác quản lý thu thuế, tổ chức thực hiện có hiệu quả Luật quản lý thuế, Luật thuế thu nhập cá nhân, tích cực khai thác, nuôi dưỡng nguồn thu, xử lý các khoản nợ đọng thuế, tăng cường công tác thanh, kiểm tra, chống thất thu ngân sách nhà nước; xem xét, miễn, giảm thuế, gia hạn thời gian nộp thuế theo quy định.
Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 5.792,855 tỷ đồng, giảm 2,1% so cùng kỳ, vượt 9,25% kế hoạch. Trong đó: thu nội địa 1.040 tỷ đồng, giảm 9,5% so cùng kỳ, vượt 14,29% kế hoạch. Nếu loại trừ ghi thu, ghi chi đồng thời tiền sử dụng đất và tiền thuê đất là 119,332 tỷ đồng thì tổng thu nội địa còn lại cân đối bố trí chi được là 881,842 tỷ đồng, đạt 100,38% dự toán HĐND tỉnh giao. Nguồn thu xổ số kiến thiết 469 tỷ đồng, vượt 24,4% dự toán HĐND tỉnh giao. Tổng chi 5.754,029 tỷ đồng, tăng 0,61% so cùng kỳ, vượt 9,17% kế hoạch, trong đó chi đầu tư phát triển 1.969,383 tỷ đồng, tăng 61,2% so cùng kỳ, vượt 17,9% kế hoạch.
Thời gian qua tình trạng né thuế, trốn thuế làm thất thu ngân sách nhà nước vẫn còn xảy ra và ngày càng tinh vi hơn, nhất là lợi dụng chính sách thông thoáng của Luật Doanh nghiệp, một số đối tượng thành lập doanh nghiệp không nhằm mục đích kinh doanh, chủ yếu mua bán hóa đơn để hoàn thuế, chiếm đoạt tiền thuế gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước. Công tác phối hợp, hỗ trợ của các cấp, các ngành trong việc trao đổi thông tin còn nhiều bất cập, nhất là trong một số lĩnh vực về đất đai, giá, ngân hàng, đăng ký doanh nghiệp, công tác thanh tra, kiểm tra, công tác thu hồi nợ thuế,…
Dịch vụ ngân hàng tiếp tục phát triển phục vụ cho mục tiêu kiềm chế lạm phát, bình ổn thị trường, ổn định sản xuất. Tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn 5.776 tỷ đồng, tăng 14% so với tháng 12 năm 2013. Tổng dư nợ tín dụng là 12.689 tỷ đồng, tăng 12% so với tháng 12 năm 2013. Nợ xấu trên địa bàn còn 314 tỷ đồng, chiếm 2,6% tổng dư nợ (năm 2013 là 8,93%); nợ xấu có giảm, tuy nhiên các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến thủy sản, lương thực, công nghiệp, thương nghiệp và xây dựng vẫn tiếp tục chịu ảnh hưởng lớn từ khó khăn chung của nền kinh tế.
6. Y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân:
Công tác phòng, chống dịch bệnh và khám chữa bệnh tiếp tục được quan tâm chỉ đạo thường xuyên, nhất là công tác giám sát và xử lý môi trường tại các điểm có nguy cơ xảy ra dịch, phối hợp tốt trong quản lý và đẩy mạnh truyền thông về vệ sinh an toàn thực phẩm. Thực hiện tốt chiến dịch truyền thông dân số, chăm sóc sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình, toàn tỉnh có 55.691/50.680 người áp dụng các biện pháp tránh thai lâm sàng và phi lâm sàng, vượt 9,9% KH. Mức giảm sinh 0,1%o, đạt KH; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm còn 10,7 %o. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng còn dưới 14,5%; tỷ lệ trẻ em tử vong dưới 01 tuổi còn 10,4%o; tỷ lệ trẻ em tử vong dưới 05 tuổi còn 15,4%o; có 5,69 bác sỹ trên vạn dân; 25,64 giường bệnh trên 1 vạn dân; số trạm y tế đạt chuẩn quốc gia theo chuẩn mới 37/74 trạm, đạt tỷ lệ 50% số xã. Số người tham gia các hình thức bảo hiểm y tế đạt 62% dân số.
Năm 2014, đã đầu tư nâng cấp và xây mới tổng số 37/44 trạm y tế xã. Công nhận mới 18 trạm y tế đạt chuẩn, lũy kế có 37/74 trạm y tế đạt chuẩn, đạt 50% số trạm. Tuy nhiên công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân về chất lượng có mặt chưa đáp ứng yêu cầu, do cơ sở vật chất một số trạm y tế chưa đạt tiêu chí, trình độ chuyên môn, thái độ phục vụ của đội ngũ y, bác sĩ một số nơi còn hạn chế. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế một số nơi còn rất thấp. Một số địa phương chưa có sự phối hợp tốt giữa Bệnh viện - Trung tâm Y tế - Trung tâm Dân số và vai trò tham mưu của Phòng Y tế tuyến huyện, từ đó chất lượng hoạt động của y tế một số địa phương còn ở mức thấp.
7. Phát triển giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ:
Đang triển khai, thực hiện việc đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục ở các ngành học, cấp học; chỉ đạo thực hiện đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy và công tác quản lý. Chất lượng giảng dạy và học tập từng bước được nâng lên; công tác phổ cập giáo dục các cấp giữ vững và nâng chất lượng; tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông đạt cao (đạt 99,89%, tăng 0,21% so năm trước). Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục không ngừng phát triển, từng bước hoàn thiện về cơ cấu, số lượng, chất lượng ngày càng được nâng cao, tỷ lệ đạt chuẩn và trên chuẩn của giáo viên các ngành học, cấp học được nâng lên.
Hệ thống giáo dục ngày càng được hoàn thiện với đầy đủ các ngành học, cấp học; các loại hình và phương thức đào tạo. Quy mô giáo dục tăng nhanh, mạng lưới trường lớp mở rộng đến hầu hết các xã, phường, thị trấn, đặc biệt không còn xã, phường không có trường mầm non, mẫu giáo.
Việc phát huy các nguồn lực trong xã hội thông qua chủ trương xã hội hóa giáo dục đạt hiệu quả khá cao, trong năm 2014 đã vận động trên 38 tỷ đồng để xây dựng các trường; các nguồn đầu tư cho giáo dục ngày càng được kiểm soát, đảm bảo đúng mục đích, đạt hiệu quả.
Thực hiện tốt cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn vơi cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, cuộc vận động “Hai không” và phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” nhằm tạo lập môi trường sư phạm lành mạnh, đẩy lùi các biểu tượng tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Tổng số học sinh huy động đạt 151.978 học sinh, vượt 0,65% kế hoạch. Trong đó huy động 14% trẻ trong độ tuổi đi nhà trẻ, 80% trẻ trong độ tuổi từ 3 - 5 tuổi đi mẫu giáo, trên 99% học sinh tiểu học trong độ tuổi từ 6 -10 tuổi, 90% học sinh trung học cơ sở trong độ tuổi từ 11 - 14 tuổi và 64% học sinh trung học phổ thông trong độ tuổi từ 15 - 17 tuổi đến trường; có 145 sinh viên trên 1 vạn dân; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia 38,3% (127332 trường).
Bên cạnh đó, lĩnh vực giáo dục và đào tạo còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế như: cơ sở vật chất phục vụ cho công tác giảng dạy và học tập còn thiếu, nhất là ngành học mầm non và trung học phổ thông; mạng lưới các cơ sở đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương; chất lượng giáo dục vẫn chưa đồng đều, nhất là các vùng nông thôn, điều kiện hoạt động còn hạn chế; phương pháp giáo dục còn một bộ phận giáo viên chậm được đổi mới.
Lĩnh vực khoa học và công nghệ tiếp tục được quan tâm đổi mới theo Nghị quyết hội nghị Trung ương 6, tỉnh đã tập trung chuyển giao ứng dụng các đề tài khoa học và công nghệ vào nông nghiệp, nông thôn. Trong năm đã ứng dụng 3 dự án có hiệu quả là mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nâng cao năng suất và phẩm chất quýt Đường ở huyện Phụng Hiệp nhằm cải tạo, trồng mới và mô hình tối hảo quýt Đường tại 03 xã Tân Phước Hưng, Hiệp Hưng, Phương Phú, với diện tích khoảng 1,8ha, năng suất tăng 15%, phẩm chất trái tăng 10% so với vườn đối chứng của nông dân. Mô hình sản xuất chế phẩm nấm xanh quy mô nông hộ để phòng trừ rầy nâu hại lúa, mô hình đã hỗ trợ nông dân trồng lúa ứng dụng chế phẩm sinh học quản lý dịch hại trên lúa theo hướng tăng trưởng nông nghiệp xanh. Mô hình GlobalGap trên chanh không hạt ở huyện Châu Thành.
Đã nghiệm thu 18 đề tài, dự án cấp tỉnh, vượt 28% KH. Chuyển giao 18 đề tài, dự án về các sở, ban ngành để triển khai ứng dụng vào thực tế. Công tác sở hữu trí tuệ và an toàn bức xạ được quan tâm, đã hướng dẫn thủ tục và cấp phép cho các cơ sở X- quang, cấp chứng chỉ nhân viên bức xạ, hướng dẫn doanh nghiệp đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, độc quyền sáng chế… Thực hiện tốt công tác kiểm định các phương tiện đo lường; hướng dẫn doanh nghiệp đăng ký sở hữu công nghiệp…; triển khai tốt các hội thi như: hội thi Sáng tạo kỹ thuật, Tin học trẻ, Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh Hậu Giang năm 2014.
Mặc dù có nhiều nỗ lực trong hoạt động nghiên cứu và ứng dụng, Hậu Giang còn thiếu nguồn nhân lực có tay nghề và trình độ chuyên môn cao, trình độ dân trí một số nơi trong tỉnh còn thấp; do đó việc đưa các tiến bộ khoa học và công nghệ xuống nông thôn, vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn. Số đơn vị đủ điều kiện ứng dụng, chuyển giao các thành tựu khoa học và công nghệ còn ít, chưa được trang bị đầy đủ về cơ sở vật chất, trang thiết bị nên hiệu quả hoạt động chưa cao. Thiết bị phục vụ công tác quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu.
8. Văn hóa, thể thao, du lịch, thông tin và truyền thông:
Các địa phương đã tuyên truyền kịp thời các nhiệm vụ chính trị của địa phương, nổi bật là tình hình biển đảo, an toàn giao thông, các Nghị quyết của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội, các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là tuyên truyền “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về nêu cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân, nói đi đôi với làm”.
Lĩnh vực văn hóa tiếp tục được quan tâm, đã triển khai tích cực Nghị quyết Trung ương về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, gắn với thực hiện cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở và Chương trình xây dựng nông thôn mới. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục được quan tâm chỉ đạo, đến cuối năm 2014 toàn tỉnh có 55/74 xã, phường, thị trấn đạt danh hiệu văn hóa. Các thiết chế văn hóa được đầu tư và xã hội hóa nâng cấp, xây dựng mới. Tổ chức thành công Ngày hội Văn hóa, thể thao, du lịch đồng bào Khmer Nam bộ lần thứ VI tại Hậu Giang.
Tỷ lệ người tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên chiếm 27,7% dân số, tăng 0,2% so cùng kỳ; tỷ lệ gia đình thể thao đạt 21% tổng số hộ, thành lập được 1.121 câu lạc bộ thể dục, thể thao. Tham dự một số sự kiện thể thao quan trọng như: giải Judo quốc tế Hồng Kông mở rộng năm 2014, giải Kartedo Đông Nam Á tại Cần Thơ và tham dự các giải toàn quốc, kết quả đạt 7 huy chương vàng, 5 huy chương bạc và 5 huy chương đồng. Tổ chức thành công Đại hội Thể dục, thể thao tỉnh Hậu Giang lần thứ VII năm 2014, với 18 môn thi đấu. Đăng cai tổ chức giải Bóng chuyền nữ Cúp tứ hùng LienVietPostBank năm 2014.
Hoạt động du lịch tiếp tục được quan tâm, năm 2014 có 157.000 lượt khách đến tỉnh, tăng 12% so cùng kỳ. Công tác gia đình được chú trọng, đã triển khai kế hoạch tổ chức Mô hình can thiệp phòng, chống bạo lực gia đình tại một số xã trên địa bàn tỉnh.
Bưu chính viễn thông của tỉnh tiếp tục phát triển, các loại hình dịch vụ viễn thông - tin học phục vụ nhu cầu quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội; 100% xã, phường, thị trấn có điểm phục vụ bưu chính, viễn thông, 30% các ấp có điểm phục vụ internet. Toàn tỉnh có 116 điểm hoạt động bưu chính, tăng 38 điểm so cùng kỳ; có 39.437 điện thoại cố định hữu tuyến, tăng 7.200; có 49.018 điện thoại cố định vô tuyến, tăng 4.047; có 12.330 điện thoại di động trả sau, tăng 3.723; có 1.365 đại lý giao dịch thông tin di động, tăng 899 đại lý; có 763 trạm phủ sóng thông tin di động, tăng 101 trạm, có 06 trạm điều khiển thông tin di động. Mật độ điện thoại 70 máy/100 dân; số thuê bao internet 11.501 thiết bị, tăng 2.996; số thuê bao internet băng thông rộng đạt 1,48 máy/100 dân. Tuy vậy hoạt động thông tin truyền thông còn hạn chế, nhất là chất lượng các loại hình dịch vụ viễn thông - tin học ở khu vực nông thôn còn thấp.
9. Đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội:
Năm 2014 có 22.000 lao động được giải quyết việc làm mới, đạt 100% KH; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị giảm còn 4,25%, tỷ lệ thiếu việc làm ở khu vực nông thôn vẫn còn ở mức cao 9%; cơ cấu lao động được chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng lao động trong khu vực nông, lâm, ngư nghiệp còn 62%, tăng lao động trong công nghiệp và xây dựng lên 14%; thương mại và dịch vụ lên tăng 24%. Kết quả này cho thấy cơ cấu lao động chuyển dịch chậm, số người thiếu việc làm và việc làm không ổn định còn lớn, nhất là trong thanh niên.
Về dạy nghề, số lao động được đào tạo 18.200 lao động, đạt 100% KH, trong đó: số lao động được đào tạo nghề là 6.300/6.000 học viên, vượt 05% KH. Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 19,9%. Tỷ lệ lao động được đào tạo so với tổng số lao động 36%, tăng 4% so cùng kỳ, đạt 100% KH.
Hệ thống các cơ sở dạy nghề trong tỉnh có bước phát triển, trên địa bàn tỉnh hiện có 21 cơ sở đào tạo nghề đang hoạt động, trong đó: có 01 Trường Cao đẳng nghề, 02 Trường Trung cấp nghề; 07 Trung tâm Dạy nghề và 11 cơ sở khác có tham gia dạy nghề.
Công tác thực hiện chính sách người có công luôn được quan tâm, chỉ đạo sâu sát, uốn nắn kịp thời, nhất là việc triển khai tổ chức thực hiện các quy định mới về chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Đã tổ chức phong, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng cho 565 mẹ, đến cuối năm tiếp tục tổ chức phong, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng cho 369 mẹ.
Tiếp tục triển khai hạng mục tượng đài nghĩa trang liệt sĩ tỉnh; sửa chữa, nâng cấp nghĩa trang liệt sĩ thị xã Ngã Bảy; triển khai xây dựng mới 03 nhà bia ghi tên liệt sĩ. Đã trợ cấp thường xuyên cho trên 10.000 đối tượng chính sách, cấp mới trên 13.000 thẻ bảo hiểm y tế; giải quyết chế độ mai táng phí cho 104 đối tượng, trợ cấp một lần cho 159 đối tượng; trợ cấp khó khăn đột xuất cho 44 đối tượng và điều dưỡng tại gia đình cho 3.700 đối tượng; đưa, đón 287 đối tượng người có công đi điều dưỡng tập trung....
Về công tác giảm nghèo, trong năm đã trợ cấp tiền Tết, hỗ trợ dầu hỏa thắp sáng, hộ dân tộc thiểu số, hộ chính sách; hỗ trợ tiền điện, với tổng kinh phí thực hiện trên 16 tỷ đồng. Tổ chức thực hiện tốt một số chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo như: triển khai cung cấp tín dụng ưu đãi cho 8.300 hộ nghèo, cận nghèo, với số tiền khoảng 114 tỷ đồng; xét miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho 28.912 lượt học sinh, sinh viên là con của hộ nghèo, hộ thuộc diện chính sách, với số tiền trên 9 tỷ đồng; xây dựng mới 86 căn nhà tình thương cho hộ nghèo, với số tiền trên 4,2 tỷ đồng; đào tạo nghề cho 632 lao động nghèo, với số tiền 1,2 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ nghèo còn 9,58%, giảm 2,15% so cùng kỳ; tỷ lệ hộ cận nghèo còn 7,18%, giảm 1,55% so cùng kỳ. Tuy nhiên kết quả giảm nghèo còn chưa bền vững, khoảng cách giàu nghèo giữa các nhóm dân cư còn lớn. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số còn cao. Đời sống vật chất và tinh thần của một bộ phận dân cư nông thôn, còn nhiều khó khăn.
Về bảo trợ xã hội, toàn tỉnh đã trợ cấp thường xuyên 253.912 lượt đối tượng, với số tiền 54 tỷ đồng; trợ cấp đột xuất cho 168 trường hợp, với số tiền 755 triệu đồng; giải quyết chế độ mai táng phí cho 1.211 đối tượng, với số tiền 3,6 tỷ đồng; cấp mới 24.729 thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng, với số tiền trên 8,48 tỷ đồng. Tổ chức tặng quà cho 280 người khuyết tật; 320 nạn nhân chất độc da cam; chúc thọ, mừng thọ cho 551 cụ tròn 90 và 100 tuổi và nhiều hoạt động khác.
Công tác phòng, chống AIDS và tệ nạn ma túy, mại dâm có những chuyển biến tích cực. Triển khai rộng rãi, thường xuyên việc tuyên truyền, giáo dục, phổ biến chính sách, pháp luật về phòng chống tệ nạn mại dâm. Chú trọng nâng cao hiệu quả công tác đối với người cao tuổi, trẻ em, gia đình, bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ. Toàn tỉnh có 72/74 xã, phường, thị trấn được công nhận xã, phường phù hợp trẻ em, chiếm tỷ lệ 97% tổng số xã. Xây dựng mới 04 xã, phường, thị trấn lành mạnh không tệ nạn ma tuý, mại dâm, nâng tổng số đơn vị được công nhận lên 48 đơn vị.
Quan tâm thực hiện chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Chương trình 135 về đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cho các ấp đặc biệt khó khăn đã đem lại hiệu quả khá tốt trong vùng đồng bào dân tộc, đã hỗ trợ trên 7,6 tỷ đồng đầu tư cho giao thông và sửa chữa chùa, xây dựng lò hỏa táng ở chùa dân tộc Khmer. Trong năm đã tổ chức thành công Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ 2, với sự tham dự của 200 đại biểu đại diện cho hơn 30.000 đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh.
Thực hiện tốt chính sách tôn giáo và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng theo quy định của pháp luật; đã khởi công xây dựng Thiền viện Trúc Lâm Hậu Giang, với nguồn vận động xã hội hóa 210 tỷ đồng, diện tích 4,2 ha, xây dựng tại ngã ba Vĩnh Tường, xã Long Bình, huyện Long Mỹ. Đây sẽ là nơi phục vụ chức sắc, nhà tu hành tham gia sinh hoạt tôn giáo và đáp ứng nhu cầu tâm linh hơn 94 ngàn tăng, ni, phật tử và Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hậu Giang.
(Trích Báo cáo số 160/BC-UBND của UBND tỉnh Hậu Giang ngày 19/12/2014)
Nguồn: www.baochinhphu.vn