Triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2014 trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước vừa có những thuận lợi, nhưng cũng không ít thách thức, tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp và diễn biến khó lường. Trong tỉnh, sức mua trên thị trường thấp; khả năng tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp chưa được cải thiện; thời tiết, dịch bệnh diễn biến phức tạp... Song với sự tập trung cao trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự nỗ lực phấn đấu của các doanh nghiệp và toàn thể nhân dân trong tỉnh, tình hình kinh tế-xã hội năm 2014 của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
I. KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC
Các chỉ tiêu ước đạt: Tổng sản phẩm (GDP) tăng 7,1% (KH 7,2 - 7,5%); giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 1,45% (KH 2 - 2,5%), chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,45% (KH 9%), giá trị sản xuất thương mại-dịch vụ tăng 9,0% (KH 10-11%); GDP bình quân đầu người 35,52 triệu đồng (KH 35 triệu đồng); cơ cấu kinh tế nông nghiệp 14,93% - công nghiệp, xây dựng 47,92% - dịch vụ 37,15% (KH 17% - 48% - 35%); kim ngạch xuất khẩu 2.098 triệu USD (KH 2.000 triệu USD). Tổng thu ngân sách trên địa bàn 6.608 tỷ đồng (KH 6.350 tỷ đồng), trong đó: thu nội địa 4.500 tỷ đồng (KH 4.464 tỷ đồng); thu thuế xuất, nhập khẩu 2.100 tỷ đồng (KH 1.878 tỷ đồng), thu xổ số kiến thiết 8 tỷ đồng (KH 8 tỷ đồng).
Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 0,91% (KH dưới 1%); tỷ lệ hộ nghèo còn 4% (KH 4,5%); tỷ lệ lao động qua đào tạo 52% (KH 52%), tạo thêm việc làm mới 2 vạn lao động (KH 2 vạn); tỷ lệ xã đạt chuẩn quốc gia về y tế 23% (KH 40%); số làng, khu phố văn hoá 84% (KH 83%), gia đình văn hoá 87%.
1. Về nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới
Sản xuất nông nghiệp-thủy sản chịu ảnh hưởng bất lợi của thời tiết, đầu vụ Xuân rét đậm, rét hại kéo dài, sâu bệnh gây hại trên cây trồng, dịch cúm gia cầm xảy ra trên địa bàn xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm; sản xuất vụ Mùa bị ảnh hưởng của cơn bão số 3, mưa lớn kèm theo gió mạnh làm đổ hơn 22.000 ha lúa và hàng trăm ha cây ăn quả, rau mầu. Với sự tập trung chỉ đạo quyết liệt của các cấp, các ngành, sản xuất nông nghiệp vẫn duy trì phát triển ổn định và tăng trưởng. Giá trị sản xuất nông nghiệp - thủy sản ước đạt 10.715 tỷ đồng, tăng 1,45% so với năm 2013.
Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm 107.891 ha, đạt 99% kế hoạch, giảm 918 ha. Diện tích lúa 78.962 ha, đạt 99,07% kế hoạch, giảm 1.800 ha, năng suất bình quân cả năm 62,01 tạ/ha/vụ, đạt 96,7% kế hoạch, sản lượng 490 nghìn tấn, đạt 94,65% kế hoạch, giảm 12,5 nghìn tấn so với năm 2013. Diện tích lúa chất lượng cao 45.182 ha, chiếm 57,21%. Diện tích ngô 8.993 ha, đạt 98,82% kế hoạch, tăng 614 ha so với năm 2013, năng suất ước 56,37 tạ/ha, tăng 1,56tạ/ha, sản lượng 50,7 nghìn tấn, đạt 92,84% kế hoạch, tăng 10,39%. Diện tích cây công nghiệp hàng năm 3.416ha, tăng 110 ha. Sản lượng nhãn, vải 41,1 nghìn tấn, tăng 203 tấn so với năm 2013, chuối đạt trên 35,6 nghìn tấn, tăng 9%, cam, quýt trên 32,5 nghìn tấn, tăng 2,15% so với năm 2013.
Đàn trâu, bò có 41 nghìn con, tăng 1,17%; đàn lợn có 589 nghìn con, tăng 2,34%; đàn gia cầm có 8,5 triệu con, tăng 1,41%. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng 126 nghìn tấn, tăng 0,25%; sản lượng thịt lợn 102 nghìn tấn, tăng 2,47%. Diện tích nuôi trồng thủy sản 4.500 ha, sản lượng 32 nghìn tấn, tăng 5,2% so với năm 2013.
Sản xuất nông nghiệp được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo và đầu tư hỗ trợ. Đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, kiểm tra, đôn đốc việc chấp hành cơ cấu giống và thời vụ gieo, cấy. Công tác chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất được duy trì và phát huy hiệu quả. Thực hiện các đề án, dự án hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất giống lúa, giống cây trồng vật nuôi chất lượng cao tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2011-2015; triển khai mô hình áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong canh tác lúa, các mô hình sản xuất cho hiệu quả cao như mô hình trồng bí, trồng dưa chuột; mô hình thuê ruộng trồng đậu tương, trồng ngô nếp,... Thường xuyên theo dõi, dự báo tình hình và phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng, góp phần duy trì và phát triển sản xuất. Chăn nuôi, thuỷ sản phát triển khá ổn định; công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Kinh tế trang trại, các làng nghề, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp phát triển khá. Toàn tỉnh hiện có 635 trang trại theo chuẩn mới, góp phần giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ, tăng thu nhập cho người dân.
Thực hiện cải tạo nâng cấp và xây dựng mới 15 công trình thủy lợi, trong đó có 5 trạm bơm; tu bổ và nạo vét 74 km kênh mương, khơi thông dòng chảy, điều hành tưới tiêu hợp lý. Thực hiện Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và Kế hoạch của UBND tỉnh, các địa phương đã tích cực kiểm tra, xử lý, giải toả các điểm vi phạm các công trình thủy lợi. Toàn tỉnh đã xử lý, giải tỏa được 1.290 trường hợp vi phạm các công trình thủy lợi, bằng 21,3% tổng số vi phạm; chủ động xây dựng các phương án và triển khai thực hiện công tác phòng chống lụt, bão, úng, đảm bảo an toàn hệ thống đê, kè trong mùa mưa lũ.
Các cấp, các ngành trong tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện và được nhân dân tích cực hưởng ứng Chương trình xây dựng nông thôn mới. Trong năm, các cấp hội đã tổ chức được hơn 1.000 buổi tuyên truyền cho khoảng 150 nghìn lượt người, vận động hội viên, nhân dân hiến đất với tổng diện tích gần 97 nghìn m2, đóng góp hơn 26,7 tỷ đồng và hàng vạn ngày công lao động để xây dựng nông thôn mới. Tổ chức được 10 lớp tập huấn tại 10 huyện, thành phố cho gần 1.500 cán bộ hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, nhằm thúc đẩy việc tổ chức sản xuất, đẩy nhanh tiến độ đạt tiêu chí tổ chức sản xuất và thu nhập. Các đoàn thể đã phối hợp với các địa phương tổ chức được 519 lớp tập huấn cho 44 nghìn lượt hội viên. Tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới đạt trên 3.900 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn ngân sách tỉnh và trung ương 142 tỷ đồng, vốn ngân sách huyện, xã khoảng 151 tỷ đồng, vốn lồng ghép các chương trình, dự án 528 tỷ đồng, vốn huy động từ doanh nghiệp, nhân dân gần 2.800 tỷ đồng, các nguồn vốn khác gần 300 tỷ đồng để đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống người dân. Toàn tỉnh đã đầu tư làm mới được gần 132,7km và nâng cấp 135km đường giao thông nông thôn. Tiến hành xây mới được 328 phòng học mầm non và phổ thông, 27 công trình văn hóa, cải tạo, nâng cấp 12 trạm y tế xã,... Các xã tích cực phát triển sản xuất, đa dạng hóa ngành nghề nông thôn, giảm nghèo bền vững. Đến nay bình quân toàn tỉnh đạt được 12,5 tiêu chí nông thôn mới/xã. Trong đó, số xã cơ bản đạt 19 tiêu chí là 5 xã; số xã cơ bản đạt 18 tiêu chí là 7 xã; số xã cơ bản đạt từ 15- 17 tiêu chí là 15 xã; số xã cơ bản đạt 13- 14 tiêu chí là 30 xã.
2. Sản xuất công nghiệp, xây dựng
Sản xuất công nghiệp tuy còn nhiều khó khăn, song vẫn tăng trưởng khá. Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 7,45% so với năm 2013, trong đó công nghiệp khai khoáng tăng 9,71%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,36%; sản xuất và phân phối điện tăng 13,41%; cung cấp nước, hoạt động quản lý, xử lý nước thải, rác thải tăng 6,12%. Một số sản phẩm công nghiệp tăng khá như: Cát tự nhiên tăng 9,71%; mỳ thanh, mỳ ống, mỳ xoắn tăng 14,35%; thức ăn gia súc, gia cầm tăng 10,92%; quần áo các loại tăng 14,11%, bao bì và túi bằng giấy tăng 13,42%; thép cán các loại tăng 13,62%,....
Hoạt động thu hút đầu tư đạt được kết quả tích cực, nhất là thu hút doanh nghiệp FDI, tăng 1,95 lần về số dự án, tăng 2,62 lần về tổng vốn đầu tư đăng ký so với năm 2013. Năm 2014, tăng thêm 86 dự án (45 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký 3,67 nghìn tỷ đồng và 41 dự án nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký 192,2 triệu USD). Đưa tổng số dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh lên 1.172 dự án (872 dự án trong nước, 300 dự án nước ngoài), tổng vốn đăng ký 70,64 nghìn tỷ đồng và 2,61 tỷ USD. Có thêm 65 dự án đi vào hoạt động, đưa tổng số dự án đi vào hoạt động 740 dự án, giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 12 vạn lao động.
Hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, chi phí sản xuất tăng cao, hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp, sức mua của thị trường chưa được cải thiện nhiều. Năm 2014, có 527 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 5,6% so với năm 2013; 38 doanh nghiệp giải thể, tăng 52%; 22 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, giảm 12%. Đến nay, trong tổng số 5.936 doanh nghiệp đăng ký hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh có 4.638 doanh nghiệp đã đăng ký hoạt động trên Hệ thống thông tin đăng ký kinh doanh quốc gia, chiếm 78,5%; 984 doanh nghiệp ngừng hoạt động nhưng chưa đóng mã số thuế, chiếm 16,5%; 84 doanh nghiệp ngừng hoạt động đã đóng mã số thuế, chiếm 1,4%; 208 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động có thời hạn, chiếm 3,5%.
Công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực hoạt động xây dựng được tăng cường. Tích cực triển khai thực hiện Chương trình phát triển đô thị huyện Mỹ Hào, Chương trình phát triển đô thị thành phố Hưng Yên giai đoạn 2014-2020 định hướng đến năm 2030. Hoàn thành, trình phê duyệt chương trình phát triển nhà, chương trình phát triển đô thị tỉnh; quy hoạch chung xây dựng huyện Văn Lâm, Văn Giang; quy hoạch xây dựng Khu công nghiệp Phố Nối A mở rộng; quy hoạch Khu Đại học Phố Hiến. Đã trình Bộ Xây dựng quyết định công nhận Đô thị Mỹ Hào đạt tiêu chuẩn loại IV. Tập trung tháo gỡ khó khăn, tiếp tục triển khai nhanh các dự án xây dựng hạ tầng chợ, khu đô thị, các dự án giãn dân, tái định cư tạo nguồn vốn xây dựng nông thôn mới.
3. Thương mại và dịch vụ
Giá trị sản xuất thương mại, dịch vụ đạt 16.110 tỷ đồng, tăng 9,0% so với năm 2013; tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ đạt 18.487 tỷ đồng, tăng 10,61%. Triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động kinh doanh thương mại và dịch vụ như: Tổ chức các hội chợ thương mại giới thiệu, quảng bá sản phẩm hàng hóa ở các huyện, thành phố; tổ chức chương trình thương mại điện tử năm 2014 và các hoạt động xúc tiến thương mại; triển khai Kế hoạch tổ chức Hội chợ Công Thương Đồng bằng Sông Hồng - Hưng Yên năm 2014; tăng cường thanh tra, kiểm tra, quản lý thị trường, chống đầu cơ, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả và các hành vi gian lận thương mại. Không để xảy ra tình trạng khan hiếm, thiếu hụt hàng hóa, gây sốt giá, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Năm 2014, nhu cầu tiêu dùng tăng chậm, tập trung nhiều vào nhóm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm ước tăng 4,0% so với năm 2013.
Hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục có mức tăng trưởng khá, giá trị xuất khẩu tăng nhanh. Kim ngạch xuất khẩu ước 2.098 triệu USD, đạt 105% kế hoạch, tăng 22,94% so với năm 2013. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu như: Hàng dệt may 882 triệu USD, tăng 16,82%; giầy dép các loại 93 triệu USD, tăng 22,94%; hàng điện tử 184 triệu USD, tăng 0,18%; hàng hóa khác 846 triệu USD, tăng 34,71%. Kim ngạch nhập khẩu 2.812 triệu USD, tăng 16,23%.
4. Hoạt động tài chính, tiền tệ
4.1. Thu, chi ngân sách:
Thu ngân sách nhà nước trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi chậm, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn; đồng thời phải thực hiện các giải pháp hỗ trợ thuế, gia hạn chậm nộp thuế, ưu đãi, miễn, giảm thuế của Chính phủ để hỗ trợ doanh nghiệp đã làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước của địa phương. Tổng thu ngân sách trên địa bàn ước 6.608 tỷ đồng, đạt 104% dự toán giao. Trong đó: Thu nội địa 4.500 tỷ đồng, đạt 100,8% dự toán, bao gồm: Thu từ doanh nghiệp nhà nước Trung ương 200 tỷ đồng, đạt 88,8% dự toán; thu từ doanh nghiệp nhà nước địa phương 18,5 tỷ đồng, đạt 115,6%; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 1.185 tỷ đồng, đạt 134,6% (thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng cao do phát sinh khoản thu tiền thuê đất Khu công nghiệp Thăng Long II 313,4 tỷ đồng); thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh 1.840 tỷ đồng, đạt 100%; thuế thu nhập cá nhân 380 tỷ đồng, đạt 105,5%; thu tiền sử dụng đất 520 tỷ đồng, đạt 67,5%; thu thuế, phí bảo vệ môi trường 59 tỷ đồng, đạt 80,8%; thu phí và lệ phí 21 tỷ đồng, đạt 100%. Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 2.100 tỷ đồng, đạt 111,8% dự toán; thu từ xổ số kiến thiết 8 tỷ đồng, đạt 100% dự toán.
Thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 13/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành trong tỉnh đã tăng cường điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2014 bảo đảm chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả và đúng quy định. Tổng chi ngân sách địa phương ước thực hiện 6.450 tỷ đồng, tăng 16,5% so với dự toán giao đầu năm. Trong đó, chi đầu tư phát triển 1.805 tỷ đồng, tăng 26,3%, chi thường xuyên 4.486 tỷ đồng, tăng 13,2%, chi Chương trình mục tiêu quốc gia 53 tỷ đồng, chi bổ sung Quỹ dự trữ tài chính 1 tỷ đồng, dự phòng ngân sách 105 tỷ đồng. Chi ngân sách tăng cao so với dự toán chủ yếu do được bổ sung từ ngân sách Trung ương để hỗ trợ tiền điện, trợ cấp bổ sung theo chế độ cho các đối tượng bảo trợ xã hội, cấp bù kinh phí miễn giảm học phí, kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi, chi chuyển nguồn năm 2013 sang năm 2014.
4.2. Tín dụng và ngân hàng:
Công tác quản lý tiền tệ, tín dụng, thị trường ngoại tệ, hoạt động kinh doanh vàng được tăng cường. Mặc dù trần lãi suất huy động giảm, nhưng mức độ tăng trưởng vốn huy động tương đối cao. Dự kiến đến 31/12/2014, tổng nguồn vốn của các tổ chức tín dụng đạt 37.800 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2013. Trong đó, vốn huy động tại địa phương 28.600 tỷ đồng, tăng 20,1%. Dư nợ cho vay liên tục giảm trong 3 tháng đầu năm nhưng bắt đầu tăng trưởng từ tháng 4 đến nay. Ước đến 31/12/2014, tổng dự nợ cho vay 31.300 tỷ đồng, tăng 16,5% so với đầu năm. Trong đó: cho vay trung, dài hạn tăng 27% và chiếm 29% dư nợ; cho vay ngắn hạn tăng 12,7%, chiếm 71% dưn nợ; cho vay nông nghiệp nông thôn tăng 9,6% và chiếm 40,3% tổng dư nợ; cho vay xuất khẩu tăng 18,3%. Nợ xấu chiếm khoảng 2% tổng dư nợ.
5. Đầu tư phát triển
Tổng số vốn huy động cho đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 22.309 tỷ đồng, tăng 13,44% so năm 2013; trong đó, vốn đầu tư của Nhà nước chiếm 19,4%, vốn của khu vực ngoài nhà nước chiếm 55,3%, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 25,3%.
Trong năm tỉnh đã tích cực chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thực hiện rà soát và đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án, tập trung nguồn vốn cho các công trình cấp bách, trọng điểm phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế và an sinh xã hội. Vốn đầu tư phát triển ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ kế hoạch giao trong năm 2.664 tỷ đồng. Ước khối lượng thực hiện 2.708 tỷ đồng, cấp phát 2.680,5 tỷ đồng (bao gồm cả vốn chuyển nguồn từ năm 2013 sang năm 2014). Năm 2014 có 125 dự án hoàn thành đưa vào sử dụng.
Toàn tỉnh hiện có 7 chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, bao gồm các dự án do các Bộ, ngành Trung ương và địa phương quản lý, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực như: xây dựng công trình thủy lợi; cấp thoát nước, bảo vệ môi trường; quản lý đất đai; phát triển toàn diện kinh tế xã hội tại thành phố Hưng Yên; xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn. Các dự án đang được các cấp, các ngành tích cực triển khai thực hiện. Tuy nhiên, một số dự án tiến độ triển khai quá chậm, phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc như: Dự án cấp nước thành phố Hưng Yên vốn vay Phần Lan. Theo kế hoạch vận động vốn ODA năm 2014 là 133,5 tỷ đồng, dự kiến đến 31/12/2014 khối lượng thực hiện và giải ngân 150 tỷ đồng, đạt 112% kế hoạch vận động.
6. Tài nguyên môi trường, khoa học và công nghệ
Công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường được tăng cường. Đã chỉ đạo triển khai quán triệt, tổ chức thực hiện Luật Đất đai năm 2013. Thực hiện đo đạc, lập bản đồ địa chính cho 9/10 huyện, thành phố. Đến nay, toàn tỉnh đã đo đạc, lập bản đồ địa chính được 150/161 xã, phường, thị trấn với diện tích lập được 67.864 ha, chiếm 73,3% diện tích đất tự nhiên của toàn tỉnh. Thực hiện kê khai đăng ký được trên 1,24 triệu thửa đất với diện tích 66.170 ha. Đã xét duyệt, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được trên 1,1 triệu thửa, đạt 88,9%, trong đó đất nông nghiệp được 772.785 thửa, đạt tỷ lệ 90,87% so với số thửa cần cấp; đất ở 327.301 thửa, đạt 85,15%; các loại đất còn lại cấp được khoảng 87%. Hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai tại huyện Khoái Châu và thành phố Hưng Yên, đang triển khai tại 4 huyện Phù Cừ, Tiên Lữ, Kim Động và Yên Mỹ. Làm tốt thủ tục thông báo thu hồi đất 49 hồ sơ, với diện tích 89,47 ha; quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất cho 1.165 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước với tổng diện tích 138,7 ha, cho 03 tổ chức nước ngoài thuê đất với diện tích 12,36 ha; chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp 39,23 ha. Đang triển khai dồn thửa đổi ruộng đất nông nghiệp tại 93 xã thuộc 10 huyện, thành phố, trong đó có 19 xã đã giao ruộng ngoài thực địa cho nông dân sản xuất vụ xuân 2014 với 26.818 hộ, diện tích đất đã giao 4.439 ha, đạt 87,12%. Chỉ đạo tích cực xử lý đất dôi dư trong khu dân cư để tạo vốn xây dựng nông thôn mới.
Công tác bảo vệ môi trường đã đạt được một số kết quả quan trọng. Đến nay có 15/20 cơ sở đã đầu tư lắp đặt lò đốt rác thải y tế; 7/20 cơ sở đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải lỏng y tế; có 2/6 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đã được hoàn thành biện pháp xử lý triệt để, 4/6 cơ sở đã giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Năm 2014, lập danh sách và đề xuất xử lý 6 cơ sở gây ô nhiễm môi trường. Đã tổ chức triển khai các mô hình thu gom, phân loại, xử lý rác thải hữu cơ quy mô hộ gia đình, mô hình thu gom rác thải dân sinh hàng ngày. Xây dựng được 7 bãi chôn lấp rác thải hợp vệ sinh và 13 điểm tập kết rác thải; hỗ trợ 47,5 tỷ đồng để thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải. Hiện nay, có 02 khu xử lý chất thải tập trung đã đi vào hoạt động là Khu xử lý chất thải Đại Đồng (10,2ha) và Khu xử lý chất thải thành phố Hưng Yên (12,54ha). Các tổ đội vệ sinh môi trường tự quản hoạt động ngày càng hiệu quả. Thành lập được thêm 15 tổ đội vệ sinh môi trường tại các thôn, xóm, nâng tổng số thôn thành lập tổ, đội vệ sinh môi trường tự quản 815 thôn; 417 thôn đã có điểm tập kết, bãi chôn lấp rác thải hợp vệ sinh; có 02 xã của huyện Văn Giang thành lập được hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp trong đó có dịch vụ môi trường. Công tác quản lý khai thác khoáng sản và tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh được tăng cường. Thực hiện dự án điều tra, xác định khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.
Công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ tiếp tục được đẩy mạnh, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Đã tổ chức triển khai thực hiện 36 đề tài, dự án; tổ chức hội nghị nghiệm thu, tổng kết cấp tỉnh đối với 22 đề tài, dự án, nhiệm vụ khoa học và công nghệ thực hiện trong năm 2013. Tổ chức 26 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hơn 2.000 lượt người; xây dựng 12 mô hình trình diễn áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất. Công tác quản lý về tiêu chuẩn đo lường chất lượng, quản lý về công nghệ, an toàn bức xạ và sở hữu trí tuệ được tăng cường. Hoàn thành và duy trì áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2008 đối với các cơ quan hành chính. Thẩm tra công công nghệ của 49 dự án đầu tư trên địa bàn. Thực hiện kiểm định đối với 7.347 phương tiện đo các loại, trong đó đã phát hiện và loại bỏ 146 phương tiện đo không đạt yêu cầu, chiếm 2%. Đã hiệu chỉnh, kiểm định và cấp giấy nhứng nhận kiểm định, tem kiểm định cho 7.201 phương tiện đo các loại, bao gồm 4.843 công tơ điện, 263 thiết bị đo xăng dầu, 701 cân khối lượng, 300 taximet. Đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 215 cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa, xăng dầu và bức xạ, phát hiện và xử phạt số tiền 53 triệu đồng.
7. Giao thông vận tải
Hạ tầng giao thông vận tải tiếp tục được quan tâm đầu tư, phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi lưu thông hàng hóa, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Năm 2014, tiếp tục triển khai cải tạo, nâng cấp nhiều tuyến đường giao thông quốc lộ, đường tỉnh, huyện quản lý và giao thông nông thôn. Đã hoàn thành, đưa vào sử dụng Dự án nâng cấp, mở rộng QL39 đoạn qua thành phố Hưng Yên, đoạn từ Cổng chào thành phố đến Dốc Suối và nhánh phụ phân tải từ Dốc Suối đến ngã ba Đinh Điền; tiếp tục triển khai và hoàn thành các dự án GTNT 3; đẩy nhanh tiến độ dự án nâng cấp đường 200...
Hoạt động vận tải đã dần đi vào nề nếp, công tác quản lý vận tải đường bộ, đường thuỷ, đặc biệt là quản lý hoạt động vận tải hành khách được quan tâm hơn. Khối lượng hàng hóa vận chuyển ước đạt 19,7 triệu tấn, tăng 5,03% so với năm 2013; hàng hóa luân chuyển ước 723,4 triệu tấn.km, tăng 6,56%; hành khách vận chuyển ước 9,3 triệu người, tăng 5,07%; hành khách luân chuyển ước 576,7 triệu người.km, giảm 5,6% so với năm 2013. Triển khai các Trạm cân lưu động trên một số tuyến đường bước đầu phát huy hiệu quả. Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực vận tải được tăng cường. Trong năm đã xử phạt 199 trường hợp vi phạm hành chính với tổng số tiền 700 triệu đồng; tước giấy phép kinh doanh 09 doanh nghiệp vận tải hành khách bằng ô tô theo tuyến cố định; tước quyền sử dụng GPLX có thời hạn đối với 36 trường hợp, đình chỉ 12 bến khách ngang sông, 12 phương tiện thuỷ không đảm bảo các điều kiện hoạt động theo quy định. Chấn chỉnh công tác cấp giấy phép lái xe, đăng kiểm xe ô tô; tổ chức khám sức khỏe cho 1.370 lái xe trên địa bàn tỉnh, phát hiện và loại khỏi danh sách 01 lái xe nghiện ma túy. Trên địa bàn tỉnh đã xẩy ra 173 vụ tai nạn giao thông (giảm 9 vụ), làm chết 119 người (giảm 11 người), làm bị thương 130 người (giảm 01 người).
8. Giáo dục và đào tạo
Giáo dục và đào tạo đạt được nhiều kết quả tích cực. Quy mô, mạng lưới giáo dục ở các cấp học, bậc học phát triển cân đối. Toàn tỉnh hiện có 176 trường mầm non, 169 trường tiểu học, 171 trường THCS, 38 trường THPT, 10 trung tâm giáo dục thường xuyên, 161 trung tâm học tập cộng đồng, 10 trường chuyên nghiệp thuộc tỉnh. Chất lượng giáo dục toàn diện được duy trì và từng bước nâng lên, công tác giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh được coi trọng, tỷ lệ học sinh bỏ học giảm, tỷ lệ tốt nghiệp THCS đạt 98,9%, THPT đạt 99,8%, học sinh giỏi quốc gia đạt 39 giải, trong đó có 6 giải nhì, 14 giải ba; tỷ lệ học sinh đỗ vào các trường đại học đạt 42,28%. Hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi và phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2, kết quả phổ cập giáo dục THCS được duy trì. Đang triển khai Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh uỷ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Đã hoàn thành chuyển đổi 159 trường mầm non bán công sang công lập.
Cơ sở vật chất các nhà trường được tăng cường. Toàn tỉnh có 8.826 phòng học, trong đó phòng học kiên cố cao tầng 7.490 phòng, chiếm 84,8%. Năm 2014, xây mới được hơn 300 phòng học, nâng tỷ lệ phòng học kiên cố cao tầng ở mầm non đạt 69,7%, tiểu học 90,6%, trung học cơ sở 94,6%, trung học phổ thông 89,2%, giáo dục thường thuyên 73,7%. Công tác xã hội hóa giáo dục được tăng cường, bước đầu đạt hiệu quả. Công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia được quan tâm, trong năm đã có thêm 21 trường được công nhận, nâng tổng số trường đạt chuẩn quốc gia trong toàn tỉnh lên 244 trường (MN 49, Tiểu học 117, THCS 67, THPT 11).
9. Y tế, dân số và chăm sóc sức khỏe nhân dân
Công tác y tế, dân số và chăm sóc sức khỏa nhân dân tiếp tục được tăng cường. Chất lượng khám, chữa bệnh ở các tuyến từng bước được nâng lên; khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế, trẻ em dưới 6 tuổi, người nghèo, đối tượng chính sách được quan tâm. Công tác y tế dự phòng, giám sát các bệnh truyền nhiễm gây dịch được thực hiện thường xuyên. Chỉ đạo kịp thời ngành Y tế và các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện tuyên truyền và phòng chống các dịch bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết do virut Ebola, dịch sởi, viêm não virut, dịch cúm ở người. Dịch sởi xảy ra tại 10/10 huyện, thành phố với số ca mắc thấp so với các tỉnh trong cả nước, dịch đã được khống chế, có 03 ca tử vong. Không xảy ra các bệnh gây dịch nguy hiểm như: Tả, Viêm não Nhật bản B, Sốt xuất huyết. Các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế được triển khai kịp thời và có hiệu quả. Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng theo cân nặng còn 13,5%. Quản lý nhà nước về y, dược tư nhân, phẫu thuật thẩm mỹ được tăng cường, thực hiện bảo đảm tốt các quy định. Đã chỉ đạo chẩn chỉnh, tăng cường kiểm tra hoạt động đầu tư, sử dụng trang thiết bị y tế. Quản lý các bệnh xã hội, an toàn vệ sinh thực phẩm được bảo đảm.
Công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình được duy trì. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 0,91%. Các dịch vụ nâng cao chất lượng dân số, sàng lọc trước sinh và sơ sinh, tư vấn sức khoẻ thành niên và vị thành niên được quan tâm. Tỷ lệ phụ nữ có thai được khám trước khi sinh trên 98%; có 33 trường hợp tai biến sản khoa được kịp thời xử lý, không để xảy ra tử vong.
10. Văn hóa, thể thao và du lịch
Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao đã bám sát nhiệm vụ chính trị, chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, của tỉnh. Tổ chức trưng bày chuyên đề “Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước”, “Chủ tịch Hồ Chí Minh với vấn đề xây dựng chỉnh đốn Đảng”, “45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh” và trưng bày hiện vật, hình ảnh, giới thiệu sách về chủ quyền biển đảo, góp phần tăng cường công tác tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ đời sống tinh thần của người dân. Tiếp tục đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Phong trào xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở tiếp tục được quan tâm với nhiều hình thức phong phú, gắn với xây dựng nông thôn mới, số làng khu phố văn hóa đạt 84%, số gia đình văn hóa đạt 87%. Các hoạt động biểu diễn, giao lưu văn nghệ và chiếu phim diễn ra sôi nổi trong toàn tỉnh. Tổ chức 39 lượt tuyên truyền cổ động bằng xe lưu động; kẻ vẽ hàng nghìn mét vuông Pano, dàn tranh cổ động, 5.650 băng rôn tuyên truyền; tổ chức 485 buổi chiếu phim, biểu diễn nghệ thuật, trên 700 buổi giao lưu, biểu diễn văn nghệ quần chúng. Công tác quản lý lễ hội được quan tâm, đảm bảo vui tươi, lành mạnh. Dự án Tượng đài Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh cơ bản hoàn thành.
Phong trào thể dục thể thao tiếp tục được duy trì và phát triển. Tổ chức Đại hội thể dục thể thao toàn tỉnh lần thứ VII đảm bảo thiết thực và hiệu quả. Phong trào thể thao quần chúng được đẩy mạnh, số người tập luyện TDTT, số gia đình thể thao tiếp tục phát triển. Thể thao thành tích cao có nhiều chuyển biến tích cực. Đã hoàn tất công tác tuyển chọn, đào tạo bồi dưỡng cho 200 vận động viên của 15 môn thể thao; môn Bóng chuyền Nữ được quan tâm đầu tư, tích cực thi đấu đạt thành tích cao, được thăng hạng lên đội mạnh toàn quốc. Tham gia thi đấu 12 giải thể thao quốc gia, giành 51 huy chương các loại, trong đó có 14 huy chương vàng. Tăng cường triển khai các hoạt động tuyên truyền, quảng bá tiềm năng du lịch của tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng; đẩy mạnh xúc tiến du lịch và quản lý các hoạt động kinh doanh du lịch; số lượt khách du lịch đến thăm Hưng Yên ngày một tăng, đạt 295.000 lượt người, trong đó có trên 4.000 lượt khách quốc tế.
(Nguồn: hungyenbusiness.gov.vn)