I. LĨNH VỰC KINH TẾ:
Kinh tế của tỉnh duy trì tốc độ tăng trưởng đạt 14,3% đạt KH giao; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, tỷ trọng ngành nông nghiệp chiếm 16,07%, công nghiệp và xây dựng chiếm 42,77%, dịch vụ chiếm 41,16%.
1. Về sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản và phát triển nông thôn:
a. Trồng trọt: Cây lương thực đúng khung thời vụ; ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất[1]; thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, nên diện tích và sản lượng cây trồng cơ bản đạt kế hoạch giao ... Diện tích cây trồng đạt 68.970 ha, bằng 106,5% KH (trong đó lúa 30.355 ha, ngô 38.615 ha). Do tình hình diễn biến thời tiết bất thường nắng hạn vào tháng 5, tháng 6 nên ảnh hưởng đến năng xuất và sản lượng cây trồng: Năng suất lúa 48,6 tạ/ha, bằng 99,3% KH , tăng 1% so CK, năng suất ngô 31,4 tạ/ha, bằng 86,7% KH, giảm 11% so CK; tổng sản lượng lương thực có hạt năm 2014 dự kiến đạt 265,8 nghìn tấn, bằng 97,4% KH[2].
Sản xuất tăng vụ được đẩy mạnh, diện tích các loại cây ngắn ngày đạt 14.291 ha, bằng 106% KH, tăng 13,2% so CK (trong đó tăng vụ Xuân 3.641 ha, bằng 103% KH; tăng vụ Thu Đông 9.920 ha, bằng 108,2% KH). Cây đậu tương 5.007 ha, bằng 100,5% KH, tăng 3% so CK, sản lượng 5.528 tấn, bằng 100,5% KH. Diện tích rau các loại 9.500 ha; các loại cây trồng như chuối, dứa, chè tiếp tục được duy trì và phát triển ổn định,...
Chè trồng mới được các địa phương tích cực triển khai, diện tích đạt 430,7 ha, bằng 142,6 % kế hoạch. Các địa phương, đơn vị tích cực xây dựng phương án đầu tư thâm canh chè theo chính sách hỗ trợ của tỉnh; sản lượng đạt 15.659 tấn, tăng 32% so CK.
b. Chăn nuôi: Công tác phòng chống rét, dự trữ thực ăn cho gia súc được chủ động thực hiện, nên không xảy ra tình trạng gia súc bị chết hàng loạt như các năm trước; dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm có phát sinh nhưng được kiểm soát và khống chế kịp thời[3]; công tác kiểm soát vận chuyển và kiểm soát giết mổ được thực hiện tốt nhờ đó đàn gia súc phát triển ổn định.
Tổng đàn gia súc, gia cầm đạt kế hoạch giao, đàn gia súc trên địa bàn đang trở thành hàng hóa; sản xuất chăn nuôi đã đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của tỉnh và một phần ra ngoài tỉnh, lượng xuất ngoài tỉnh đạt 8.503 gia súc, gia cầm (trâu, bò, ngựa, lợn 1.533 con; gia cầm các loại 6.970 con) gấp 2,5 lần so CK 2013, sản lượng hơi xuất chuồng đạt 28.500 tấn, bằng 92% KH, tăng 20,5% so CK. Nhìn chung chăn nuôi phát triển tương đối ổn định; hiện nay các hộ dân chăn nuôi đang tái cơ cấu đàn gia súc, gia cầm để chuẩn bị cung cấp thực phẩm cho tết Nguyên đán.
Thủy sản: Diện tích mặt nước ao nuôi đạt 1.880 ha, bằng 104,2% KH, sản lượng đạt 5.178 tấn, bằng 105,3% KH, tăng 22,2% so CK; sản xuất, ươm nuôi được 4 triệu con giống các loại đảm bảo chất lượng, đạt 108% KH, tăng 10% so CK; lượng giống cung ứng, xuất bán 3,7 triệu con, đạt 100% KH giao.
c. Lâm nghiệp: Triển khai bảo vệ 111.275 ha rừng đạt 112,5% KH; trồng rừng mới được tích cực thực hiện, cả năm ước trồng 9.711 ha (7.210 ha nhà nước hỗ trợ, 2.501 ha doanh nghiệp và dân đầu tư) bằng 128% KH giao. Công tác tuyên truyền quản lý, bảo vệ rừng được tăng cường, kiểm tra; xảy ra 14 vụ cháy rừng, làm thiệt hại 40,7 ha rừng. Các địa phương tích cực và chủ động bàn giao đất cho các đơn vị thực hiện trồng cao su, diện tích trồng mới cao su đạt 601,5 ha, bằng 60% KH tỉnh giao, bằng 107,4% KH điều chỉnh[4] (Do Công ty cao su Dầu Tiếng điều chỉnh KH trồng cao su năm 2014 nên KH trồng 1.000 ha chỉ được 560 ha).
d. Phát triển nông thôn: Chương trình xây dựng nông thôn mới được các cấp, các ngành tích cực triển khai. Tiếp tục duy trì và củng cố các tiêu chí ở 3 xã hoàn thành NTM năm 2013 (Quang Kim, huyện Bát Xát; Nậm Cang, huyện Sa Pa; Vạn Hoà, thành phố Lào Cai). Rà soát và xây dựng kế hoạch các xã NTM phấn đấu hoàn thành trong năm 2014 và năm 2015, trong đó tập trung cho 8 xã đăng ký hoàn thành năm 2014[5]. Các địa phương đã phát huy tốt vai trò trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia chương trình xây dựng nông thôn mới; nhận thức của người dân thay đổi rõ rệt, đặc biệt trong công tác vệ sinh môi trường, phát triển sản xuất; trọng tâm là thực hiện 3 phong trào thi đua chuyên đề năm 2014[6].
Tổng nguồn lực đầu tư cho chương trình xây dựng nông thôn mới được quan tâm, năm 2014 huy động và cân đối trên 1.881 tỷ đồng, chiếm 63% tổng vốn ngân sách để triển khai thực hiện, đến nay đã giải ngân được 1.110 tỷ đồng bằng 59% vốn giao. Các nhiệm vụ ưu tiên xây dựng nông thôn mới được tích cực triển khai, Tính đến hết tháng 10 năm 2014 thực hiện được 529 km đường GTNT, đạt 45,2% KH (BTXM 60 km; rải cấp phối 86km; mở mới 70 km), lũy kế toàn tỉnh thực hiện được 1.759 km đạt 77,6% KH (BTXM 1.051 km; cấp phối 265 km; mở mới 443 km); 8.033 nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 33% KH nâng tổng số hộ có nhà tiêu lên 98.796 hộ; 5.525 chuồng trại chăn nuôi được sửa chữa, làm mới đạt 38% KH, nâng tổng hộ chăn nuôi có chuồng trại đảm bảo lên 65.917 hộ....
Kết quả thực hiện 19 tiêu chí: Tính đến hết năm 2014, tổng số 144 xã có 5 tiêu chí có số xã đạt được từ 58% đến 100%KH: (1) Tiêu chí quy hoạch và thực hiện quy hoạch hoàn thành 100% KH giao (2) Tiêu chí tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên 140/144 xã đạt chuẩn NTM bằng 97,2%; (3) Tiêu chí thủy lợi có 132/144 xã đạt chuẩn NTM bằng 91,6%; (4) Tiêu chí Bưu điện có 85/144 xã đạt chuẩn NTM bằng 59%; (5) Tiêu chí An ninh nông thôn có 83/144 xã đạt chuẩn NTM bằng 58%... (Chi tiết theo phụ lục 17)
Sắp xếp dân cư tiếp tục đẩy mạnh, tập trung thực hiện sắp xếp 148 hộ, giải ngân 3.000 triệu đồng, đạt 100% KH giao. Tổ chức rà soát các hộ sắp xếp dân cư thiên tai phát sinh năm 2014, di chuyển 293 hộ đến nơi an toàn. Tình trạng di cư tự do vẫn còn xảy ra, tuy nhiên có chiều hướng giảm so cùng kỳ năm 2013: Lũy kế từ đầu năm 21 hộ/103 khẩu di cư đi, giảm 12 hộ/75 khẩu so CK; hồi cư 04 hộ/20 khẩu, giảm 1 hộ/3 khẩu so CK.
Công tác phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai được chú trọng; các địa phương chủ động ứng cứu, khắc phục theo phương châm 4 tại chỗ, 24/24 giờ. Tuy nhiên do diễn biến thời tiết bất thường, gây thiệt hại không nhỏ đến sản xuất và đời sống dân cư của các địa phương trong tỉnh... làm thiệt hại nhiều nhà cửa, tài sản, hoa màu, gia súc, gia cầm, các công trình đường quốc lộ, tỉnh lộ, giao thông nông thôn, các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt, trường học...[7] Tổng giá trị thiệt hại ước tính khoảng 389 tỷ đồng; ngân sách Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, ngân sách địa phương đã hỗ trợ kịp thời với giá trị 70 tỷ đồng..., ngoài ra các huyện, thành phố đã chủ động dùng nguồn ngân sách dự phòng để khắc phục giảm bớt những thiệt hại xảy ra.
2. Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng cơ bản:
a. Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp:
Các cấp, các ngành đã tích cực, chủ động gặp gỡ, trao đổi và giải quyết kịp thời những khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh; hoạt động sản xuất công nghiệp, TTCN duy trì ổn định, có nhiều chuyển biến tích cực: Sản xuất công nghiệp đạt mức tăng trưởng cao, các sản phẩm tiêu thụ tốt, giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp dự kiến cả năm đạt 5.233 tỷ đồng, bằng 111% KH, tăng 33% so CK; Giá trị sản xuất tăng cao so với CK năm 2013, trong đó mạnh nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 48%; ngành khai thác tăng 34% và ngành sản xuất, phân phối điện tăng 32%. Các dự án trọng điểm ngành tiếp tục được hỗ trợ và đôn đốc đẩy nhanh tiến độ; năm 2014 một số dự án trọng điểm đã được hoàn thành và đi vào hoạt động: Nhà máy gang thép Lào Cai, công suất GĐ 1: 500.000 tấn/năm; Tổ hợp hóa chất Đức Giang Lào Cai[8]; nhà máy thủy điện Ngòi Phát công suất 72 MW[9], Nhà máy DAP số 2 công suất 330.000 tấn/năm...
Hoạt động tại các khu, cụm công nghiệp được duy trì và phát triển, hiện có 186 dự án hoạt động tại các khu, cụm công nghiệp, vốn đăng ký 23.195 tỷ đồng, chiếm 42% số dự án toàn tỉnh; trong đó 96 dự án hoạt động sản xuất, 32 dự án đang xây dựng, 58 dự án hoàn thành các thủ tục đầu tư; tạo việc làm cho trên 5.700 lao động, tăng 53% so CK. Giá trị sản xuất các khu, cụm công nghiệp chiếm 40% tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp (TTCN) sản xuất ổn định, có 6.113 cơ sở, với 13.323 lao động; trong đó chế biến lâm sản ngày càng phát triển chiếm 30% trong tổng các cơ sở sản xuất TTCN; giá trị sản xuất TTCN dự kiến cả năm đạt 414 tỷ đồng, bằng 110,2% KH, tăng 19,5% so với CK năm 2013.
b. Xây dựng cơ bản:
Huy động vốn đầu tư toàn xã hội năm 2014 đạt khá cao, với giá trị đạt khoảng 18.824 tỷ đồng, tăng 12% so CK 2013, trong đó Vốn Ngân sách do tỉnh quản lý: Kế hoạch vốn giao 4.324 tỷ đồng; Giá trị khối lượng hoàn thành XDCB ước cả năm đạt 4.834,4 tỷ đồng, bằng 111,8% KH; giá trị giải ngân 4.250,4 tỷ đồng, bằng 98,3% KH. Hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư 141danh mục, quyết toán 987 công trình (gồm cả các công trình giao thông liên thôn), bàn giao đưa vào sử dụng 382 công trình (bằng 54% danh mục giao, tăng 5% so CK), khởi công mới 477 công trình, đạt 99,4% KH giao. (có báo cáo chi tiết riêng).
Tiến độ thực hiện các công trình chào mừng Đại hội Đảng của tỉnh:
(1) Cầu Phố Lu: Tổng mức đầu tư 339 tỷ đồng, công trình dự kiến hoàn thành trong tháng 1 năm 2015.
(2) Cầu Giang Đông: Tổng mức đầu tư công trình 361 tỷ đồng, dự kiến công trình hoàn thành trước tháng 10/2015.
(3) Nhà văn hóa Trung tâm tỉnh Lào Cai: Tổng mức đầu tư 143 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trước Đại hội Đảng bộ tỉnh.
(4) Dự án đường Kim Thành - Bản Vược - AMúSung: Đoạn Bản Vược – AmuSung đã bàn giao đi vào sử dụng, đoạn Kim Thành – Ngòi Phát (tổng mức đầu tư 598 tỷ đồng, đã giải ngân 448 tỷ đồng, vốn còn thiếu khoảng 150 tỷ đồng).
(5) Nhà máy DAP số 2: Tổng mức đầu tư dự án 5.171 tỷ đồng, dự kiến sản xuất tháng 12/2014.
(6) Dự án cáp treo lên đỉnh Phan Xi Păng: Tổng mức đầu tư 4.500 tỷ, đang triển khai thi công các hạng mục: Cáp công vụ, cáp chính, nhà ga đi; nhà ga đến; Đền trình; đường Nguyễn Chí Thanh; Đường điện 35Kv lên đỉnh FansiPan; hạ tầng ga đi. ... dự kiến hoàn thành trước Đại hội Đảng bộ tỉnh.
(7) Sân vận động tỉnh: Tổng mức đầu tư 139 tỷ đồng, dự kiến sẽ hoàn thành các thủ tục khởi công trước tháng 10/2015.
3. Hoạt động thương mại, dịch vụ:
a. Hoạt động thương mại:
Thương mại nội địa: Hàng hóa cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, không để xảy ra hiện tượng thiếu hàng, nâng giá... trong dịp lễ tết. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ năm 2014 dự kiến đạt 12.000 tỷ đồng, bằng 100% KH, tăng 8,6% so với CK.
Hoạt động xuất nhập khẩu: Do thực hiện kiểm tra tải trọng xe trên các tuyến Quốc lộ, nên giá cước vận tải quý 2 tăng ảnh hưởng đến giá thành xuất khẩu; một số nhóm hàng xuất khẩu bị hạn chế,… Tuy nhiên các hoạt động xuất, nhập khẩu, đặc biệt là hoạt động biên mậu không bị ảnh hưởng nhiều. Giá trị xuất nhập khẩu năm 2014 phấn đấu cả năm đạt 2.000 triệu USD (bao gồm cả kim ngạch tạm nhập tái xuất), bằng 138% KH, tăng 3% so CK năm 2013 (trong đó: Xuất khẩu 1.068 triệu USD, nhập khẩu 932 triệu USD). Kim ngạch XNK của tỉnh đạt 630 triệu USD, bằng 102,3% KH giao, tăng 5,9 lần so CK[10] .
Các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ thị trường, thực hiện các biện pháp bình ổn giá; chống sản xuất và kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng quá hạn sử dụng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; tập trung kiểm tra, kiểm soát an toàn thực phẩm; ngăn chặn vận chuyển và kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép; kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng cấm, hàng nhập lậu[11]...
Các hoạt động xúc tiến du lịch được tăng cường, chất lượng của hệ thống cơ sở lưu trú du lịch ngày một nâng cao, đáp ứng được nhu cầu của nhiều đối tượng khách du lịch đến với Lào Cai; nhiều hoạt động liên kết, hợp tác phát triển du lịch được đẩy mạnh... do vậy lượng khách du lịch đến Lào Cai tăng khá, ước cả năm đạt 1.470 nghìn lượt khách, bằng 105% KH, tăng 22,5% so CK; doanh thu du lịch đạt 3.276 tỷ đồng, bằng 102,6% KH, tăng 25,6% so CK. Hiện nay toàn tỉnh có 402 cơ sở lưu trú với khoảng 5.400 phòng đảm bảo chất lượng (trong đó SaPa có 2.509 phòng chiếm 46,5%). Số phòng nghỉ đạt tiêu chuẩn 3 đến 5 sao 649 phòng, chiếm 12,5%; 39 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế; trên 200 hướng dẫn thuyết minh viên du lịch...
Tuy nhiên so với tiềm năng, lợi thế sản phẩm du lịch còn đơn điệu; tour, tuyến, điểm, dịch vụ du lịch chưa phong phú; nhân lực du lịch có trình độ cao còn thiếu; công tác quản lý khu, tuyến, điểm du lịch vẫn còn tồn tại các vấn đề về bán hàng rong, đeo bám khách, tăng giá, một số dịch vụ du lịch chưa ổn định trong các ngày nghỉ lễ, tết,...
c. Dịch vụ khác:
Dịch vụ vận tải hành khách, vận tải hàng hóa được chú trọng và quan tâm. Tháng 9 năm 2014 đã hoàn thành và thông xe toàn tuyến đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai, nhìn chung vận chuyển hàng hoá, khách du lịch cơ bản đáp ứng yêu cầu đi lại. Dịch vụ bưu chính, viễn thông phát triển đảm bảo phục vụ sản xuất, đời sống của nhân dân, luỹ kế năm 2014 phát triển khoảng 525,2 nghìn thuê bao điện thoại các loại, bình quân đạt 79 máy/100 dân; thêm khoảng 51,3 nghìn thuê bao internet băng rộng, bình quân 7,7 thuê bao/100 dân.
4. Thu, chi ngân sách nhà nước; tín dụng và giá cả thị trường:
a. Hoạt động thu, chi ngân sách: Các khoản thu chuyển tiếp cũng như các khoản thu phát sinh được chỉ đạo, triển khai, đôn đốc ngay từ những tháng đầu năm. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 5.000 tỷ đồng, bằng 104,2% KH, tăng 20,5% so CK. Tổng thu, chi ngân sách địa phương đạt 9.900 tỷ đồng, bằng 103% KH, tăng 7,3% so CK.
b. Hoạt động tín dụng được kiểm soát chặt chẽ; các giải pháp nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ thanh toán và đẩy mạnh hoạt động thanh toán qua thẻ tín dụng; Tổng nguồn vốn huy động đến cuối năm 2014 đạt 24.000 tỷ đồng, tăng 22,4% so với 31/12/2013. Tổng dư nợ 22.500 tỷ đồng, tăng 24% so với 31/12/2013. Tỷ lệ nợ xấu ở mức an toàn 1,32%.
c. Giá tiêu dùng: Thực hiện triển khai có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Trung ương về thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, quản lý chặt chẽ chi tiêu, cắt giảm vốn đầu tư và nâng cao hiệu quả đầu tư công; đồng thời thực hiện nhiều biện pháp phù hợp với điều kiện thực tế trên địa bàn toàn tỉnh để kiểm soát giá cả thị trường, lạm phát được kiểm soát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 11 tháng tăng 3,61% so với bình quân CK năm 2013 (Quý IV nhóm các mặt hàng thiết yếu giảm như: Xăng dầu, phương tiện đi lại, nên đã tác động tích cực đến CPI chung của tỉnh).
5. Phát triển các thành phần kinh tế và thu hút đầu tư.
a. Phát triển các thành phần kinh tế: Các thành phần kinh tế phát triển tương đối ổn định, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và giải thể giảm so CK; nhiều doanh nghiệp đã mở rộng thị trường, ngành nghề, chuyển hướng kinh doanh để phát triển, đến hết tháng 10 năm 2014 thực hiện thay đổi bổ sung cho 464 doanh nghiệp, gấp 4,5 lần CK năm 2013. Cấp mới đăng ký kinh doanh (ĐKKD) cho 270 doanh nghiệp với tổng vốn 1.383 tỷ đồng, tăng 9,9% về số lượng DN; bình quân vốn/doanh nghiệp đạt 5,9 tỷ đồng, tăng 20% so CK; có 34 doanh nghiệp giải thể, bằng 50% so CK năm 2013 (giảm 34 DN); 52 doanh nghiệp xin tạm ngừng hoạt động, giảm 39% so CK năm 2013 (giảm 30 DN). Lũy kế đến nay trên địa bàn toàn tỉnh có 2.631 doanh nghiệp đăng ký hoạt động tổng vốn 16.380 tỷ đồng[12], 270 hợp tác xã, 4.466 tổ hợp tác, 16.950 hộ kinh doanh cá thể.
Công tác sắp xếp DNNN tiếp tục duy trì, đã thực hiện chuyển đổi xong 9/12 Công ty TNHH MTV nhà nước[13]; tiếp tục triển khai thực hiện cổ phần hóa, giải thể số DNNN trong giai đoạn 2014 - 2015 và giai đoạn 2016 - 2020 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu: Năm 2014 UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh thông qua kế hoạch số 91 ngày 30/5/2014 về triển khai thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 18/3/2014 của Chính phủ; cụ thể hóa Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 21/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ về giải quyết khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh của DN; tổ chức thực hiện trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa của tỉnh Lào Cai giai đoạn 2011-2015 theo tinh thần Quyết định số 1231/QĐ-TTg ngày 07/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 của Chính phủ,... Tổ chức các hội nghị gặp mặt, làm việc, đối thoại theo từng chuyên đề, lĩnh vực: Nông lâm nghiệp; thương mại, dịch vụ, thủy điện, XNK; tài nguyên môi trường; văn hóa du lịch; công nghiệp xây dựng; dịch vụ vận tải và các ngân hàng thương mại để trao đổi, bàn biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giúp đỡ các DN trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Các chính sách miễn, giảm, giãn thuế cho doanh nghiệp theo quy định của Chính phủ được thực hiện nghiêm túc và kịp thời. Các khoản gia hạn, bao gồm các loại thuế, phí, tiền thuê đất cho doanh nghiệp, hỗ trợ theo Thông tư 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài Chính... đạt 38,8 tỷ đồng.
b. Thu hút đầu tư: Thực hiện điều chỉnh chứng nhận đầu tư trong nước cho 23 dự án/vốn điều chỉnh tăng 1.730 tỷ đồng; cấp mới 26 dự án trong nước/tổng vốn 3.861 tỷ đồng; lũy kế đến nay đã cấp 456 dự án với tổng vốn đăng ký 57.512 tỷ đồng. Việc rà soát các dự án đã cấp chứng nhận đầu tư được chú trọng quan tâm; thu hồi 14 dự án đầu tư trong nước với vốn 607 tỷ đồng[14], nguyên nhân chủ yếu là do các dự án vi phạm Luật Đầu tư, không thực hiện triển khai theo tiến độ đã cam kết. Đưa ra khỏi quy hoạch 53 dự án thủy điện do không đảm bảo khả năng thực hiện, tác động xấu đến môi trường và đời sống dân cư; thông báo hết hiệu lực chủ trương đầu tư đối với 16 dự án do không triển khai theo quy định.
Toàn tỉnh hiện có 30 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tổng vốn đăng ký 505 triệu USD; 19 chương trình, dự án ODA, tổng mức đầu tư 5.229 tỷ đồng giai đoạn 2011 – 2015; 18 chương trình, dự án, khoản viện trợ phi chính phủ nước ngoài (NGO) với tổng vốn cam kết tài trợ 130 tỷ đồng. Giải ngân các dự án FDI đạt 120 triệu USD; vốn nước ngoài (ODA) 600 tỷ đồng; các dự án NGO đạt 30 tỷ đồng, đạt KH giao.
6. Các hoạt động giáo dục - đào tạo, y tế chăm sóc sức khỏe, xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, văn hóa, thông tin và các vấn đề xã hội
a. Hoạt động giáo dục:
Chất lượng giáo dục và đào tạo có nhiều chuyển biến; ngành giáo dục đã triển khai tích cực, đồng bộ, nhiều giải pháp đặc thù, sáng tạo, hiệu quả để nâng cao chất lượng dạy và học nên đã tạo ra được sự chuyển biến rất rõ nét và toàn diện về chất lượng giáo dục ở tất cả các cấp học, vùng thấp, vùng cao. Năm học 2013 – 2014, số học sinh đạt giải trong các kỳ thi cấp tỉnh, cấp quốc gia 601 học sinh, tăng 14% so với CK; đạt giải nhì Quốc gia, giải nhất khu vực trong cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật. Xây dựng trường chuẩn quốc gia gắn với Chương trình xây dựng Nông thôn mới được đẩy mạnh, toàn tỉnh hiện có 255 trường (đạt 95,5% KH đề án), tăng 25 trường so với năm học 2012-2013; các mô hình giáo dục, mô hình quản lý giáo dục tiên tiến được xây dựng và thực hiện đã phát huy được ưu thế, đạt kết quả tốt, có ý nghĩa rất quan trọng thúc đẩy nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đổi mới quản lý, phương pháp giáo dục theo tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.
Công tác chuẩn bị các điều kiện và tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT[15], tuyển sinh lớp 10, tuyển sinh Đại học, Cao đẳng và Trung cấp chuyên nghiệp thực hiện tốt đảm bảo yêu cầu. Tăng cường làm việc với các Bộ, ngành liên quan để trình Chính phủ cho phép thành lập Trường Đại học Phan Xi Păng. Cơ sở vật chất trường học tiếp tục được chú trọng đầu tư và từng bước được tăng cường theo hướng kiên cố hoá, hiện đại hóa và chuẩn hóa[16]. UBND tỉnh tập trung huy động các nguồn lực đầu tư và ưu tiên các nguồn lực thực hiện các mục tiêu quan trọng, nhiệm vụ lớn của ngành: Xây dựng trường, lớp học thực hiện PCGDMN5T; kiên cố hóa trường, lớp học, xây dựng phòng ở cho học sinh bán trú, nhà công vụ cho giáo viên. Công tác xã hội hóa giáo dục tiếp tục được đẩy mạnh và triển khai thực hiện dưới nhiều hình thức, giải pháp cụ thể, thiết thực đạt hiệu quả. Chỉ đạo cơ sở triển khai tổ chức tiếp nhận gạo hỗ trợ học sinh của Chính phủ đảm bảo theo đúng quy định.
b. Hoạt động văn hoá, thể thao, thông tin, truyền thông:
Hoạt động văn hóa: Các hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế về văn hoá, nghệ thuật và thể thao được tăng cường. Chương trình xây dựng đời sống văn hoá, thể thao ở khu dân cư tiếp tục củng cố và phát triển. Công tác thông tin tuyên truyền, phát thanh truyền hình, quản lý hoạt động báo chí, xuất bản được chú trọng quan tâm; duy trì tốt phát sóng trên Vinasat 1. Các đội chiếu phim lưu động, tuyên truyền lưu động tập trung phục vụ nhân dân ở vùng sâu, vùng xa; các xã trong chương trình xây dựng nông thôn mới; các xã, thôn bản chưa có điện lưới quốc gia. Thực hiện chiếu phim lưu động trên toàn tỉnh 700 buổi; thực hiện 630 buổi tuyên truyền lưu động; cấp mới 4.020 thẻ bạn đọc, đạt 100% KH, phục vụ trên 9,2 nghìn lượt bạn đọc với 18.140 lượt sách báo luân chuyển.
Hoạt động thể thao: Tiếp tục phát triển phong trào thể dục thể thao trên địa bàn của tỉnh; tổ chức các giải: Cầu lông, bóng bàn, Taekwondo trẻ toàn quốc,... Đồng thời luôn chú trọng và quan tâm các nội dung thể thao thành tích cao: Năm 2014 đã tổ chức 22 đoàn vận động viên tham gia thi đấu các giải khu vực và toàn quốc, đạt 65 huy chương các loại (16 HCV; 23 HCB; 26 HCĐ), đạt 100% KH; tỉnh đã có vận động viên đạt huy chương bạc Asiad 17 ở môn boxing.
Hoạt động thông tin, truyền thông tập trung tuyên truyền các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa của đất nước cũng như của tỉnh; tiếp tục tuyên truyền việc học tập, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay, gắn với thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; tuyên truyền 7 chương trình công tác trọng tâm, 27 đề án của Đảng bộ tỉnh Lào Cai và chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới; tuyên truyền đưa Hiến pháp năm 2013, Luật Đất đai sửa đổi vào cuộc sống; về chủ quyền biển đảo Việt Nam, các thông tin liên quan đến tình hình biển Đông; các phong trào thi đua kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ; Quốc Khánh 02/9/2014; Công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, trấn áp tội phạm, kiềm chế tai nạn giao thông, an ninh biên giới, phòng, chống buôn lậu, giân lận thương mại, các thông tin trong và ngoài nước...
c. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân: Các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế được tích cực triển khai, công tác giám sát, tuyên truyền phòng chống dịch bệnh nguy hiểm ở người được quan tâm và chú trọng. Trong các tháng giữa năm, tại một số huyện, thành phố trong tỉnh đã xảy ra dịch sốt phát ban dạng sởi[17], bệnh quai bị, thủy đậu, chân tay miệng, tiêu chảy, đau mắt đỏ… tuy nhiên ngành y tế đã chủ động theo dõi tình hình dịch bệnh, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, chỉ đạo và thực hiện đồng bộ các biện pháp khống chế dịch, nên không xảy ra tình trạng dịch lây lan diện rộng, khoanh vùng và kiểm soát, không có biến chứng và diễn biến nặng. Công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm được tăng cường, thực hiện kiểm tra 4.783 cơ sở, có 3.981 cơ sở đạt tiêu chuẩn vệ sinh, chiếm 82,4%; 9 tháng 2014 xảy ra 08 vụ ngộ độc tại các huyện Bát Xát, Bắc Hà, Mường Khương, Bảo Yên làm 52 người mắc, nguyên nhân là do ăn uống không đảm bảo vệ sinh (02 người tử vong - Bắc Hà, Mường Khương). Công tác tiêm chủng 8 loại vắc xin cho trẻ dưới 1 tuổi đạt KH giao.
Công tác khám chữa bệnh được thực hiện tốt ở các tuyến, hạn chế đáng kể tình trạng điều trị vượt tuyến, giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên. Chất lượng phục vụ và hoạt động tại các bệnh viện (bệnh viện Đa khoa tỉnh, bệnh viện Sản – Nhi, bệnh viện Nội Tiết) đã ổn định và nâng lên, tạo điều kiện cho mọi người dân trong tỉnh, đặc biệt là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người có công,... được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ y tế có chất lượng, từng bước tạo sự công bằng trong khám chữa bệnh. Công suất sử dụng giường bệnh tại bệnh viện bình quân đạt 125%, tăng 12% so CK, tại phòng khám đa khoa khu vực đạt 99,2%, giảm 7% so CK. Các đơn vị y tế công lập đảm bảo cung ứng đủ thuốc phục vụ cho nhân dân. Giá thuốc trên địa bàn tỉnh ổn định.
d. Công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội: Ngay từ đầu năm, tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành tích cực triển khai thực hiện các chính sách đối với hộ nghèo gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới và các chương trình mục tiêu quốc gia. Thực hiện cấp phát thẻ BHYT cho người nghèo, dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng khó khăn[18]. Thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với các gia đình chính sách, người có công với cách mạng, cựu chiến binh tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, tham gia chiến đấu tại chiến tranh biên giới năm 1979; rà soát các đối tượng nhiệm chất độc da cam, hoàn thiện hồ sơ và tổ chức lễ trao danh hiệu, truy tặng Bà mẹ Việt Nam anh hùng đợt 1; các đối tượng xã hội, các xã khó khăn, gia đình nghèo, các hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi giông lốc, thiên tai...[19]. Chú trọng công tác rà soát các đối tượng là người già, cô đơn và trẻ em mồ côi không nơi nương tựa. Dự kiến hết năm 2014 tỷ lệ giảm nghèo đạt 4%, đạt KH giao, tỷ lệ hộ nghèo còn lại 18,21%, tuy nhiên tỷ lệ hộ cận nghèo còn cao (12,52%), phát sinh số hộ tái nghèo, nhất là ở khu vực vùng xảy ra thiên tai, hạn hán...
e. Đào tạo và giải quyết việc làm được đẩy mạnh:
Công tác dạy nghề và giải quyết việc làm mới được triển khai đồng bộ và đạt được nhiều kết quả: Thực hiện giải quyết việc làm mới cho 11.500 lao động, đạt KH giao, trong đó lao động nữ trên 5.900 người chiếm 51,3%. Một số đơn vị tạo việc làm mới cho nhiều lao động: Công ty TNHH Khoáng sản và luyện kim Việt Trung: 1.000; Khách sạn Quốc tế Lào Cai 400; Công ty DAP số 2: 500; Công ty CP Cao su Dầu tiếng LC: 301; Công ty CP Vàng Lào Cai: 150; Công ty CP Đầu tư xây dựng LC: 100... Cấp giấy phép lao động cho 235 lao động người nước ngoài; giải quyết trợ cấp thất nghiệp cho 411 lao động.
Tuyển sinh và đào tạo nghề cho 14.040 người[20], đạt 100% KH, trong đó đào tạo cao đẳng và trung cấp nghề 2.410 người, sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng 11.630 người; trong đó đào tạo nghề cho lao động nông thôn chiếm 85,3% (riêng đào tạo nghề theo QĐ 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ là 1.840 người).
Theo dõi, quản lý thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội của các thành phần kinh tế, toàn tỉnh có 53.000 lao động tham gia BHXH bắt buộc, tăng 2.777 người so CK năm 2013, trong đó 41.100 lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp, tăng 2.585 người so CK; thẩm định giải quyết trợ cấp thất nghiệp cho 218 lao động. Các chế độ về bảo hiểm xã hội cơ bản được thực hiện đúng, đủ, kịp thời, không có tranh chấp lao động phức tạp.
7. Hoạt động khoa học, công nghệ:
Tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện 22 đề tài, dự án nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, 05 dự án thuộc chương trình nông thôn miền núi, 11 dự án thực hiện chính sách khuyến khích ứng dụng khoa học và công nghệ. Quản lý, đảm bảo an toàn theo đúng quy định đối với 23 cơ sở hoạt động về an toàn bức xạ, công nghệ và tiêu chuẩn chất lượng; cấp mới và gia hạn 19 giấy phép sử dụng. Công tác sở hữu trí tuệ đã nhận được nhiều sự quan tâm và trú trọng của các tổ chức cá nhân trên địa bàn tỉnh, hiện nay có 150 nhãn hiệu sản phẩn, nhãn hàng hóa và kiểu dáng công nghiệp đã được cấp văn bằng bảo hộ sản phẩm (năm 2014 cấp 16 nhãn hiệu bằng bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm). Công tác thanh tra, kiểm tra về khoa học và công nghệ được đẩy mạnh. Hoạt động kiểm định và kiểm nghiệm về khoa học và công nghệ đã được đẩy mạnh, kiểm định 38.755 phương tiện đo các loại, tăng 74% so CK.
8. Tài nguyên và môi trường:
Đẩy nhanh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn, đã thực hiện đo vẽ bản đồ địa chính 18.649 ha; đo đạc chỉnh lý bổ sung bản đồ địa chính 6.953 thửa đất đạt KH giao; công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức, doanh nghiệp và các hộ gia đình, cá nhân có nhiều thay đổi tích cực về thời gian và các thủ tục được thực hiện thuận lợi hơn: Thực hiện đăng ký cấp chứng nhận quyền sử dụng đất 963 tổ chức với diện tích 88,9 ha; cấp 4.997 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân, bằng 112% KH.
Công tác quản lý và thanh tra việc khai thác khoáng sản được tăng cường[21]. Bảo vệ môi trường được coi trọng: Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU về đẩy mạnh công tác quản lý và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu...; triển khai Kế hoạch thực hiện Quyết định số 160/QĐ-TTg ngày 15/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch hành động Quốc gia về phát triển bền vững giai đoạn 2013 – 2015; Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020 ... thực hiện thông qua báo cáo đánh giá tác động môi trường của 19 dự án; thực hiện 8 cuộc giám sát môi trường tại 28 cơ sở sản xuất kinh doanh, nhìn chung các cơ sở đã bắt đầu nâng cao nhận thức và trách nhiệm của đơn vị về bảo vệ môi trường. Thực hiện xây dựng khu tái định cư cho 71 hộ dân trong khu vực ảnh hưởng của môi trường tại khu công nghiệp Tằng Loỏng.
9. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và phòng, chống tham nhũng:
Thực hành tiết kiệm chống lãng phí, tăng cường huy động vốn cũng như sử dụng hiệu quả nguồn vốn trong đầu tư phát triển kinh tế xã hội luôn được tỉnh quan tâm, chỉ đạo; [22]tiến hành 220 cuộc thanh tra, kiểm tra trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, trong đó thanh tra hành chính 96 cuộc, thanh tra chuyên ngành [23]124 cuộc. Kiểm tra, phát hiện sai phạm, kiến nghị xử lý thu hồi nộp ngân sách trên 7,5 tỷ đồng; qua đó công tác quản lý được chấn chỉnh, các sai sót trong quản lý kinh tế được khắc phục. Viện kiểm sát đã phê chuẩn khởi tố các bị can về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (Sa Pa) và lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Bảo Yên), tăng 01 vụ so với cùng kỳ năm 2013. Hiện toàn tỉnh đã có 8.160/8.163 người thực hiện kê khai tài sản, thu nhập theo quy định (đạt 99,96%).
Công tác phòng, chống tham nhũng được các ngành, các cấp thường xuyên quan tâm chỉ đạo, góp phần nâng cao nhận thức về phòng, chống tham nhũng trong cán bộ, công chức và nhân dân. Nghiêm túc công khai các thủ tục hành chính, bãi bỏ các thủ tục hành chính rườm rà, gây phiền hà cho nhân dân.
10. Xây dựng chính quyền, cải cách hành chính và thi đua khen thưởng tiếp tục đẩy mạnh thực hiện. Nhìn chung đã có nhiều chuyển biến tích cực từ việc nhận thức, quan tâm chỉ đạo của các sở, ban, ngành,... bước đầu đi vào nề nếp, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Công tác cán bộ được thực hiện đảm bảo đúng theo Luật và các văn bản hướng dẫn của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương. Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, luân chuyển cán bộ, rà soát quy hoạch cán bộ ngành, địa phương: Phê duyệt quy hoạch diện Trưởng, phó phòng các cơ quan, đơn vị quản lý 1.631 người; cán bộ diện UBND tỉnh quản lý 224 người; cán bộ diện Thường trực, Ban thường vụ Tỉnh ủy quản lý theo phân cấp. Bổ nhiệm cán bộ thực hiện theo quy định (03 Phó Chủ tịch UBND tỉnh); điều động, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển 74 lãnh đạo tại các cơ quan đơn vị; Thực hiện tốt công tác tiếp nhận, điều động, giải quyết chế độ cho cán bộ diện tỉnh quản lý (tiếp nhận 02; điều động 02; nghỉ hưu 14 người). Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức cấp xã được đẩy mạnh, bám sát thực hiện mục tiêu đề án số 18. Năm 2014 thực hiện đào tạo, bồi dưỡng CBCC 38.670 người, đạt 100% KH[24].
Triển khai có hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông, gắn với ứng dụng công nghệ thông tin. Tiếp tục triển khai kiểm soát thủ tục hành chính theo Nghị định 63/2010/NĐ-CP ngày 08/6/2010 của Chính phủ; nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc họp, hội nghị theo Chỉ thị số 09/CT-UBND ngày 14/6/2011. Xây dựng kế hoạch duy trì và nâng cao chất lượng các chỉ số thành phần chỉ số năng lực canh tranh PCI của tỉnh, và chỉ số điều hành cấp huyện, thành phố DCI.
Đánh giá kết quả thi đua khen thưởng năm 2013[25], phát động công tác thi đua khen thưởng năm 2014 đến các cấp, các ngành và doanh nghiệp.
11. Quốc phòng - An ninh và Đối ngoại:
a. Quốc phòng tiếp tục được củng cố và giữ vững, an ninh biên giới ổn định. Biên giới, mốc giới, cửa khẩu, đoàn ra, đoàn vào được quản lý chặt chẽ. Công tác quân sự địa phương thực hiện đảm bảo kế hoạch, chế độ thường trực sẵn sàng chiến đấu, thông tin liên lạc thông suốt. Tổ chức và triển khai thực hiện tốt công tác huấn luyện, giáo dục quốc phòng theo kế hoạch. Hoàn thành việc giao tân binh đợt 1 năm 2014 đạt 100% chỉ tiêu giao. Chỉ đạo thực hiện diễn tập khu vực phòng thủ huyện Sa Pa, Bảo Thắng đạt kết quả tốt.
b. An ninh, trật tự an toàn xã hội:
Các cấp các ngành và lực lượng công an đã tích cực, chủ động triển khai kế hoạch đảm bảo an ninh các địa bàn phức tạp về an ninh trật tự, không để xảy ra bị động bất ngờ, không để gây rối, bạo loạn, không để xảy ra điểm nóng; bảo vệ tốt nội bộ, an ninh kinh tế, an ninh tư tưởng, an ninh thông tin, an ninh nông thôn, đô thị, hỗ trợ cơ quan điều tra phá được các vụ án trọng điểm, đặc biệt nghiêm trọng[26]. Các cơ quan chức năng tiến hành nhiều biện pháp kiềm chế tai nạn giao thông, nhìn chung giảm đáng kể so CK; [27]toàn tỉnh xảy ra 190 vụ tai nạn giao thông (giảm 43 vụ so CK); chết 86 người (giảm 9 người so CK); 272 người bị thương (giảm 9 người so với CK); đặc biệt nghiêm trọng là vụ tai nạn thảm khốc xe khách Sao Việt ngày 01/9/2014 làm chết 14 người, bị thương 39 người); kiểm tra và lập biên bản xử lý vi phạm TTATGT 20.798 trường hợp, tổng số tiền phạt trên 18,3 tỷ đồng, tước 2.728 giấy phép lái xe các loại, tạm giữ 3.958 phương tiện; tích cực triển khai kiểm soát tải trọng trên các tuyến đường, đẩy mạnh các giải pháp chống xe cơi nới, thực hiện nghiêm việc đăng ký, đăng kiểm phương tiện, tổ chức kiểm soát tải trọng từ gốc. Nguyên nhân TNGT chủ yếu vẫn là do ý thức chấp hành luật giao thông của người điều khiển phương tiện chưa cao.
c. Công tác giải quyết đơn thư, khiếu nại tố cáo được tiếp tục chú trọng. Ngoài những vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương, đa số các trường hợp khiếu nại, tố cáo đã được các cấp chính quyền và một số Bộ, ngành Trung ương kiểm tra xem xét, vụ việc giải quyết đúng chính sách pháp luật. Nội dung khiếu nại của công dân chủ yếu về đất đai, giải tỏa đền bù, GPMB, hành vi hành chính… tiếp 3.112 lượt /3.459 người với 2.623 đơn thư[28], trong đó có 631 đơn khiếu nại, tố cáo; 1.992 đơn phản ánh. Số các vụ việc thuộc thẩm quyền là 319 đơn... Nhìn chung công dân đều có thái độ đúng mực, chấp hành nghiêm túc nội quy, quy chế tiếp công dân...; tuy nhiên vẫn còn tình trạng khiếu kiện vượt cấp, khiếu kiện đông người và lập đoàn về Trung ương khiếu kiện (Sa Pa, Bát Xát, Chợ Cốc Lếu A – TP Lào Cai).
d. Hoạt động đối ngoại phát triển cả chiều rộng và chiều sâu. Duy trì các chuyến thăm và công tác với các nước, vùng lãnh thổ có mối quan hệ hợp tác…Quan hệ với vùng, lãnh thổ, tổ chức quốc tế được duy trì và mở rộng[29] tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển trên địa bàn. Ngoài ra, Lào Cai tăng cường quan hệ hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp trong nước (VCCI, BIDV, VietinBank, Tổng công ty Khoáng sản, Tập đoàn Hoá chất, Tổng công ty Thép VN…), với các địa phương trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh và các tỉnh giáp ranh: Yên Bái, Hà Giang, Lai Châu hỗ trợ, tạo điều kiện cùng nhau phát triển kinh tế xã hội và giảm nghèo.
[1] Tỷ lệ giống lúa lai và kỹ thuật chất lượng cao chiếm 85,3%; ngô lai chiếm 92,7%. Lúa lai chiếm 57,5% (giống Lào Cai tăng từ 24,5% năm 2013 lên 42,5%, giống Trung Quốc giảm từ 27,7% năm 2013 xuống còn 14,6%); diện tích lúa chất lượng cao chiếm 27,7%, tăng 20% so với năm 2013.
[2] Tổng sản lượng lương thực có hạt năm 2014 giảm khoảng 16.369 tấn, trồng bù vào vụ Mùa đạt 9.200 tấn; nên tổng sản lượng lương thực có hạt năm 2014 ước đạt 265.831 tấn (giảm 7,169 nghìn tấn so KH – Giảm chủ yếu là sản lượng Ngô).
[3] Tháng 8, phát hiện virus H5N6 trên dàn chim Trĩ hơn 500 con của 1 gia đình tại thị trấn Phố Lu, huyện Bảo Thắng. Tháng 10, dịch LMLM đã xảy ra tại 08 thôn bản thuộc 03 xã, thị trấn (huyện Mường Khương) làm 109 con gia súc mắc bệnh, trong đó: Trâu 04 con, lợn 105 con. Số lợn mắc bệnh phải tiêu hủy là 71 con.
[4] Đến hết năm 2014, cả tỉnh đã trồng được 2.117 ha cây cao su, trong đó: Đại điền 1800,6 ha; tiểu điền 316,4 ha.
[5] 8 xã NTM phấn đầu hoàn thành trong năm 2014: MK: Bản Lầu; Bát Xát: Cốc San; TPLC: Hợp Thành, Đồng Tuyển, Cam Đường; Văn Bàn: Văn Sơn; Bảo Thắng: Phú Nhuận; Bắc Hà: Tài Chải.
[6] 3 phong trào gồm: Phong trào thi đua chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, phát triển sản xuất, nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị đất canh tác; Phong trào vệ sinh môi trường nông thôn; Phong trào đảm bảo, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội nông thôn.
[7] Cụ thể: Chết 08 người, bị thương 07 người, chết rét 974 gia súc, đổ, hư hỏng và ảnh hưởng 2.327 ngôi nhà, nhiều công trình đường quốc lộ, tỉnh lộ, giao thông nông thôn, các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt, trường học bị ảnh hưởng... (riêng tháng 5 do tình hình thời tiết nắng nóng kéo dài, nên đã làm thiệt hại 13.589,3 ha diện tích lúa, ngô, rau màu các loại[7] tại các huyện Mường Khương, Si Ma Cai, Văn Bàn, Bảo Thắng, Sa Pa)...
[8] Tổ hợp hóa chất Đức Giang Lào Cai gồm 5 nhà máy: Nhà máy axit sulfuric công suất 400.000 tấn/năm, nhà máy axit photphoric công suất 160.000 tấn/năm, nhà máy TSP 100.000 tấn/năm, nhà máy phân bón MAP 60.000 tấn/năm, nhà máy phụ gia thức ăn gia súc DCP 50.000 tấn/năm). Tổng vốn đầu tư trên 2.000 tỷ đồng.
[9] Lũy kế đến nay toàn tỉnh có 32 dự án thủy điện đi vào khai thác sử dụng với công suất 528,1 MW, trong đó một số nhà máy có công suất lớn: Nhà máy Thủy điện Bắc Hà với công suất 90 MW, Nhà máy Thủy điện Ngòi Phát công suất 72 MW, Nhà máy thuỷ điện Tà Thàng công suất 60 MW...
[10] Nguyên nhân kim ngạch XNK của tỉnh tăng cao so KH là do có nhiều hợp đồng lớn về xuất khẩu: Đường, phốt pho vàng, rau quả....; nhập khẩu nhiều về phân bón, máy móc TB, than cốc....
[11] Hàng cấm, hàng nhập lậu: Đồ chơi kích động bạo lực, văn hoá phẩm đồi trụy, vũ khí thô sơ và công cụ hỗ trợ, rượu, thuốc lá, thực phẩm không rõ nguồn gốc.
[12] Gồm 430 CT cổ phần, 840 công ty TNHH 2 thành viên, 1.051 DNTN, 280 công ty TNHH 1 thành viên.
[13] Còn 3/9 Công ty TNHH MTV nhà nước: In báo Lào Cai, Du lịch Lào Cai và Công ty Kinh doanh nước sạch Lào Cai sẽ tiếp tục thực hiện CPH theo kế hoạch đề ra.
[14] 14 dự án thu hồi: Thủy điện Can Hồ SaPa, thủy điện Phố Cũ Bát Xát, Trồng cao su tại xã Vạn Hòa TP Lào Cai, Nhà máy Phốt Pho Vàng Nam Tiến TP Lào Cai, thủy điện Minh Lương, thủy điện Nậm Củn, Khu Resort điện lực cao cấp tại SaPa, Siêu thị và nhà hàng Hải Yến, Phòng giao dịch Kim thành NH TMCP Sài Gòn Công thương chi nhánh Lào Cai, TTTM Phú Hưng tại Khu TMCN Kim Thành, Văn phòng kết hợp dịch vụ thương mại của Tổng công ty Thép VN, Khu KD thương mại của Công ty HH Côn Gang Hà Khẩu, khai thác chế biến đá xây dựng mỏ đá Tòng Chú Cốc San Bát Xát, Khu Resort & Spa huyện Sa Pa.
[15] Kết quả thi tốt nghiệp THPT: Khối trường THPT đạt 99,13%; khối trung tâm GDTX đạt 90,81%.
[16] Toàn tỉnh hiện có 4.950 phòng học được kiên cố; 2.510 phòng ở công vụ cho giáo viên được kiên cố; 1.646 phòng ở cho học sinh bán trú được kiên cố...
[17] Có 829 ca mắc bệnh sốt phát ban dạng sởi, 377 ca bệnh chân tay miệng, 1.113 ca đau mắt đỏ.
[18] Cấp 364 nghìn thẻ BHYT cho người nghèo, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng khó khăn theo quyết định 30/2007/QĐ-TTg, đạt 98,3% KH.
[19] Cấp phát 390 tấn gạo cứu đói của Chính phủ cho 6.259 hộ/26.005 nhân khẩu.
[20] Các ngành nghề chủ yếu: Điện công nghiệp, sửa chữa ô tô; kỹ thuật xây dựng, may dân dụng, gò hàn, kỹ thuật nông lâm nghiệp...
[21] Kiểm tra sử dụng đất tại khu công nghiệp Đông Phố Mới, Bắc Duyên Hải; kiểm tra đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai; kiểm tra việc đóng cửa mỏ khai trường 8B của Công ty TNHH Một thành viên Apatit Việt Nam, xử phạt hành chính về chấp hành pháp luật về tài nguyên và môi trường, thanh tra đột xuất các lò mổ trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
[22] Tính đến hết tháng 11/2014
[23] Những lĩnh vực thanh tra chủ yếu: Giao thông, xây dựng,tư pháp, công thương...
[24] Cụ thể: - Đào tạo 4791 người: Lý luận chính trị 1.350 người (240 cao cấp, 1.011 trung cấp, 99 sơ cấp); tiến sỹ 8 người; Thạc sỹ 24 người (01 đào tạo ở nước ngoài); 02 chuyên khoa cấp II; Đại học 2.222 người ; Cao đẳng 141 người; Văn hóa 319 người; Tại chức chuyên môn 725 người (pháp lý 605 người; hành chính 72 ; sơ cấp hành chính 48)….
- Bồi dưỡng: 19.298 người: Lý luận chính trị 7.340 người; Đoàn thể 1.523 người; QLNN theo ngạch 284 người (04 CVCC ; 101 CVC ; 179 CV); QPAN 1.760 người (ĐT2 : 46 ; ĐT3 :276 ; ĐT4 : 1438); thôn bản tổ dân phố, hội khuyến học 1.051 người; chuyên môn cho CB,CC xã 1.133 lượt người; kiến thức chuyên ngành 6.107 lượt người…
[25] Năm 2013: đề nghị Nhà nước phong tặng Anh hùng Lao động thành phố Lào Cai; Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động 8 tập thể và 35 cá nhân; Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua 9 tập thể, Bằng khen 14 tập thể và 67 cá nhân; UBND tỉnh tặng Cờ thi đua 76 tập thể, Bằng khen 500 tập thể và 754 cá nhân, Tập thể Lao động xuất sắc 245; Chiến sỹ thi đua cấp tỉnh 48 cá nhân; Bằng khen đột xuất 20 tập thể và 37 cá nhân có thành tích đóng góp, ủng hộ; đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen cho 04 tập thể, 01 cá nhân có thành tích xây dựng Nông thôn mới; 03 trường hợp kiến nghị về khen thưởng thành tích tham gia kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
[26] Năm 2014 trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra 983 vụ việc tội phạm, vi phạm pháp luật, tai tệ nạn xã hội (Ma tuý 180 vụ: Ngày 18/6 đã bắt vụ vận chuyển 42 bánh heroin tại bản Phiệt, Bảo Thắng; vi phạm pháp luật về quản lý kinh tế 59 vụ; tội phạm hình sự 320 vụ, vi phạm tai tệ nạn xã hội 113 vụ....) , giảm 107 vụ so với CK; 188 phụ nữ bỏ khỏi địa phương, giảm 286 trường hợp so CK...
[27] Số liệu 11 tháng/2014 (BC của Ban ATGT tỉnh).
[28] Số liệu 11 tháng/2014.
[29] Vùng Aquitaine (Cộng hòa Pháp), các Đại sứ quán nước ngoài tại Hà Nội (Pháp, Đức, Hàn Quốc, Đan Mạch, Phần lan, Nhật Bản, Israen..), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA); Oxfam Anh; ký biên bản hợp tác phát triển kinh tế xã hội với tỉnh Vân Nam - Trung Quốc, biên bản hợp tác 3 bên AFD - Vùng Aquitaine - Lào Cai
(Nguồn: laocai.gov.vn)