I. Tăng trưởng kinh tế
Tổng sản phẩm trong tỉnh (GDP) năm 2014 đạt 19.524,6 tỷ đồng (theo giá cố định 1994), tốc độ tăng trưởng 11% (KH 11,5%), bằng với tăng trưởng năm trước nhưng chưa đạt kế hoạch đề ra; trong đó: khu vực I tăng 3,1% (KH 3,5%); khu vực II tăng 14,7% (KH 15,5%) khu vực III tăng 11,8% (KH 12%).
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: khu vực I chiếm tỷ trọng 27,3% giảm 2,8% so với năm 2013; khu vực II chiếm 41,5% tăng 1,6% so với năm 2013; khu vực III chiếm 31,2% tăng 1,2% so với năm 2013.
GDP bình quân đầu người năm 2014 khoảng 44,5 triệu đồng/người/năm (KH 45 triệu đồng/người/năm, năm 2013 là 40 triệu đồng/người/năm).
II. Các lĩnh vực kinh tế chủ yếu
1. Khu vực nông, lâm, thủy sản (khu vực I): tăng trưởng 3,1% (KH 3,5%), trong đó: nông nghiệp tăng trưởng 3,2% (trồng trọt tăng 3,3%, chăn nuôi tăng 3,4%, dịch vụ nông nghiệp tăng 2,2%); lâm nghiệp tăng trưởng 0,1%, thủy sản tăng trưởng 3,5%.
a) Nông nghiệp:
Tình hình lũ: đầu tháng 7/2014 nước lũ từ thượng nguồn đổ về vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh, sớm hơn so với cùng kỳ năm 2013 khoảng nửa tháng. Đến ngày 21/9/2014 mực nước tại các huyện vùng Đồng Tháp Mười cao hơn so với cùng kỳ năm 2013 từ 0,01-0,82m, sau đó xuống dần. Giữa tháng 7/2014, do lũ cộng hưởng với triều cường và mưa lớn kéo dài nên mực nước lên nhanh, làm ngập úng, thiệt hại khoảng 1.000 hecta lúa hè thu và thu đông trên địa bàn huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng (những khu vực trũng chưa có đê bao); huyện, xã và nhân dân đắp bờ bao bơm nước ra chống úng cho lúa, tình hình trở lại ổn định.
Trồng trọt: tổng diện tích lúa gieo trồng năm 2014 được 518.168 hecta đạt 100% KH, giảm 2,0% so với cùng kỳ; năng suất bình quân đạt 55,1 tạ/hecta, tăng 03 tạ/hecta so với cùng kỳ; sản lượng 2.856.162 tấn đạt 101,4% KH, tăng 1,4% so với cùng kỳ. Trong đó lúa đặc sản 744.042 tấn (tăng 97.316 tấn), lúa thông dụng 2.112.120 tấn (giảm 57.227 tấn).
Tiêu thụ lúa mùa và đông xuân không được thuận lợi, giá lúa giảm so với cùng kỳ năm trước, nhưng nhờ năng suất tăng nên nông dân thu lợi nhuận khá, từ 15-20 triệu đồng/hecta. Lúa hè thu giá cao hơn cùng kỳ, nông dân thu lợi nhuận từ 6-10 triệu đồng/hecta.
Xây dựng “cánh đồng lớn” theo hướng liên kết 4 nhà: trong năm 2014 đã triển khai 40 lượt cánh đồng với diện tích 17.479 hecta; năng suất và hiệu quả cao hơn bên ngoài, cụ thể:
- Vụ đông xuân 2013/2014 triển khai 21 cánh đồng, diện tích 10.134 hecta. Trong đó 13 doanh nghiệp tham gia cung ứng vật tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm trên diện tích 6.175 hecta; mua cao hơn thị trường 100-200 đồng/kg, lợi nhuận cao hơn ngoài cánh đồng 2-4 triệu đồng/hecta.
- Vụ hè thu 2014 triển khai 19 cánh đồng, diện tích 7.131 hecta. Trong đó 08 doanh nghiệp tham gia, mua cao hơn thị trường 100 đồng/kg, lợi nhuận cao hơn ngoài cánh đồng từ 1-2 triệu đồng/hecta.
Diện tích, năng suất và sản lượng các loại cây trồng như mía, bắp, dưa hấu, đậu phộng, khoai mỡ, chanh... nhìn chung ổn định, không có sự tăng giảm đột biến. Triển khai cánh đồng lớn trên 323,2 hecta bắp lai vụ đông xuân, hè thu ở huyện Đức Hòa theo hướng liên kết 4 nhà, nông dân thu lợi nhuận khá cao (có nơi trên 25 triệu đồng/hecta). Diện tích trồng thanh long tăng nhanh, hiện có 5.568 hecta tập trung chủ yếu ở huyện Châu Thành, Đức Huệ, sản lượng thu hoạch tăng 27,4% so với cùng kỳ năm trước; giá tiêu thụ biến động theo thời vụ, nông dân thu lợi nhuận khoảng 200-500 triệu đồng/hecta/năm.
Chăn nuôi: năm 2014 trên địa bàn tỉnh phát sinh một số ổ dịch cúm gia cầm, dịch tả, lỡ mồm long móng gia súc, đã kịp thời thực hiện các giải pháp dập dịch không để lây lan rộng. Triển khai 06 kế hoạch truyền thông, phòng chống dịch bệnh và khử trùng tiêu độc trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, hướng dẫn chăn nuôi an toàn sinh học, bảo đảm vệ sinh môi trường.
Những tháng đầu năm do dịch cúm gia cầm tái phát nên giá sản phẩm gia cầm giảm mạnh, gần đây đã ổn định nên giá tăng trở lại, đàn gia cầm đang phục hồi và phát triển. Chăn nuôi heo, bò sữa thuận lợi hơn do giá sản phẩm ổn định ở mức cao, hầu hết người nuôi đều có lãi. Ước cả năm 2014, tổng đàn heo 265.000 con, trâu 13.200 con, bò 80.500 con, gia cầm 9,5 triệu con.
b) Lâm nghiệp:
Diện tích rừng đến cuối năm 2014 có 25.771 hecta (gồm 2.041 hecta rừng phòng hộ, 2.095 hecta rừng đặc dụng, 21.635 hecta rừng sản xuất) giảm 9,8% so với đầu năm, do các hộ gia đình và cá nhân sau khi khai thác rừng chuyển sang sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn (trồng lúa, chanh, khóm, đu đủ, nuôi trồng thủy sản, công nghiệp và mục đích khác). Trồng được 3,5 triệu cây phân tán các loại đạt 100% KH và 2.000 hecta rừng tập trung sau khai thác.
Công tác phòng chống cháy rừng được tập trung, từ đầu năm đến nay không có xảy ra cháy rừng trên địa bàn tỉnh. Thường xuyên kiểm tra các cơ sở kinh doanh lâm sản và các hộ gây nuôi động vật hoang dã, vận động nhân dân chấp hành các quy định của pháp luật về gây nuôi, vận chuyển, buôn bán… lâm sản và động vật hoang dã.
c) Thủy sản:
Diện tích thả nuôi tôm nước lợ toàn tỉnh 6.580 hecta đạt 109,7% KH, bằng 96% so với cùng kỳ; trong đó: tôm sú 920 hecta đạt 46,1% KH, tôm chân trắng 5.660 hecta đạt 141% KH. Hiện đã thu hoạch 5.750 hecta, sản lượng ước 12.255 tấn, đạt 94,3% kế hoạch năm 2014.
Ước cả năm sản lượng tôm các loại 12.506 tấn đạt 96,2% KH; sản lượng thủy sản khai thác trong năm ước đạt 13.430 tấn, tăng 1,7% so cùng kỳ.
Những năm gần đây có xu hướng chuyển dịch từ tôm sú sang tôm thẻ chân trắng vì sức đề kháng của tôm sú yếu hơn tôm thẻ, không thích nghi môi trường nước và hay bị nhiễm dịch bệnh; mặt khác giá tôm thẻ luôn duy trì ở mức cao và ổn định. Tăng cường kiểm soát hóa chất, kháng sinh cấm và hạn chế sử dụng trong nuôi trồng thủy sản, thường xuyên thông tin, khuyến cáo giải pháp kỹ thuật, xây dựng mô hình nuôi tôm an toàn dịch bệnh theo hướng VietGAP. Do dịch bệnh giảm hơn năm trước và tiêu thụ tương đối thuận lợi, giá cao, diện tích thu hoạch đúng tuổi nông dân thu lợi nhuận từ 100-200 triệu đồng/hecta.
Quản lý nhà nước lĩnh vực nông nghiệp: kiểm tra 23 đợt 1.291 lượt cơ sở sản xuất kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật tư nông nghiệp và thuốc thú y; xử lý 173 trường hợp vi phạm số tiền 862,8 triệu đồng. Tổ chức 18 lớp tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm cho 1.067 công nhân của các cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản; kiểm tra, đánh giá phân loại 166 cơ sở; cấp 160 giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm; kiểm tra an toàn thực phẩm 329 lượt cơ sở, xử lý 06 trường hợp vi phạm số tiền 90 triệu đồng.
d) Chương trình xây dựng nông thôn mới:
Tập trung chỉ đạo, đầu tư thực hiện chương trình, toàn tỉnh đã có 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới, gồm: Dương Xuân Hội, Bình Quới, Hòa Phú - huyện Châu Thành; Khánh Hưng - huyện Vĩnh Hưng; Hậu Thạnh Đông - huyện Tân Thạnh; Mỹ Lệ, Tân Lân - huyện Cần Đước; Mỹ Yên - huyện Bến Lức.
Số tiêu chí đạt bình quân/xã hiện nay 12,7 tiêu chí (tăng 6,7 tiêu chí so với năm 2010); riêng 36 xã phấn đấu đạt chuẩn năm 2015 đạt bình quân 16 tiêu chí/xã (tăng 9 tiêu chí so với năm 2010).
Kinh phí thực hiện chương trình năm 2014 khoảng 2.243,5 tỷ đồng, trong đó vốn trực tiếp của chương trình 183 tỷ đồng (Trung ương 97,5 tỷ, ngân sách tỉnh 80 tỷ, huyện 2,2 tỷ, xã 3,3 tỷ); vốn lồng ghép 748,9 tỷ đồng; vốn tín dụng 40 tỷ đồng; vốn doanh nghiệp 23,9 tỷ đồng; vốn dân 1.247,5 tỷ đồng.
Dự kiến đến cuối năm 2014 toàn tỉnh có thêm 16 xã đạt chuẩn, gồm: Bình Tâm, An Vĩnh Ngãi (thành phố Tân An); Bình Hiệp (thị xã Kiến Tường); Thái Bình Trung (huyện Vĩnh Hưng); Hưng Thạnh (huyện Tân Hưng); Bình Lãng (huyện Tân Trụ); Nhơn Ninh (huyện Tân Thạnh); Mỹ Hạnh Nam, Đức Lập Hạ (huyện Đức Hòa); Tân Tây (huyện Thạnh Hóa); Phước Tân Hưng, Long Trì (huyện Châu Thành), Mỹ Lộc (huyện Cần Giuộc), Long Trạch (huyện Cần Đước); Bình Thạnh (huyện Thủ Thừa) và Phước Lợi (huyện Bến Lức); nâng tổng số lên 24 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo đảm bảo chất lượng các tiêu chí nông thôn mới và cảnh quan môi trường nông thôn.
Tái cơ cấu ngành nông nghiệp (Quyết định số 1039/QĐ-UBND ngày 02/4/2014 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2014 -2020): đã triển khai xây dựng các mô hình chuyển đổi cây trồng, hỗ trợ sản xuất giống lúa, mè... với tổng kinh phí 5,990 tỷ đồng; triển khai các dự án ứng dụng công nghệ cao, dự án mời gọi đầu tư, tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất và xây dựng nông thôn mới theo kế hoạch đề ra. Tập trung triển khai các quy hoạch đã được phê duyệt: Quy hoạch vùng lúa chất lượng cao phục vụ chế biến gạo xuất khẩu vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh; Quy hoạch phát triển vùng rau an toàn; Quy hoạch vùng nguyên liệu mía; Quy hoạch phát triển chăn nuôi; Quy hoạch phát triển thủy sản; Quy hoạch thủy lợi phục vụ chuyển đổi sản xuất đến năm 2020; rà soát, bổ sung hoàn chỉnh Quy hoạch phát triển nông lâm ngư nghiệp theo kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Ban hành kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn giai đoạn 2014-2015 và định hướng đến năm 2020.
đ) Kinh tế tập thể:
Duy trì và thúc đẩy phát triển các hình thức kinh tế hợp tác, kinh tế trang trại. Đến nay toàn tỉnh có 02 liên hiệp hợp tác xã (Long An, Cần Giuộc); 101 hợp tác xã với 47.613 thành viên (đang hoạt động 90, ngưng hoạt động 11); 2.251 tổ hợp tác với 39.260 thành viên, trong đó 1.395 tổ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Thường xuyên thông tin tuyên truyền về kinh tế tập thể gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới, phổ biến các văn bản pháp luật liên quan đến kinh tế tập thể. Trong năm 2014 tổ chức tuyên truyền 19 cuộc với 400 lượt người tham dự; 13 lớp tập huấn, bồi dưỡng với 1.118 lượt học viên; in ấn cấp phát 500 quyển Luật Hợp tác xã năm 2012... Đang xây dựng Đề án phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2014-2020.
2. Khu vực công nghiệp, xây dựng (khu vực II): tăng trưởng 14,7% (KH 15,5%), trong đó: công nghiệp tăng 15,4% và xây dựng tăng 9,1% (cùng kỳ khu vực II tăng 14,4%, trong đó: công nghiệp tăng 15% và xây dựng tăng 8,9%).
Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2014 tăng 12,5% so với năm 2013. Giá trị sản xuất công nghiệp 36.320 tỷ đồng (giá cố định 1994) đạt 99,2% KH, tăng 15,6% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 15%). Trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo 35.940,6 tỷ đồng tăng 15,6%, công nghiệp điện 261,2 tỷ đồng tăng 12,6%, công nghiệp cung cấp nước và xử lý rác thải 117,4 tỷ đồng tăng 13% so với cùng kỳ.
Tốc độ tăng trưởng công nghiệp chưa đạt kế hoạch đề ra, nhưng có mức tăng khá so cùng kỳ; một phần do nền kinh tế đang có dấu hiệu phục hồi, một số doanh nghiệp quy mô lớn đi vào hoạt động. Tuy vậy vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn về thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu (cạnh tranh với sản phẩm ngoại).
Điện lực: thường xuyên kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, tình hình an toàn điện trên địa bàn tỉnh. Tỷ lệ hộ sử dụng điện toàn tỉnh đến nay 99,6%, trong đó khu vực nông thôn 99,52%; toàn tỉnh tiết kiệm được 54,630 triệu kwh chiếm 2,55% điện thương phẩm.
Công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị:
Chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác lập, thẩm định, phê duyệt và triển khai thực hiện các quy hoạch trên địa bàn tỉnh; rà soát, đánh giá các vấn đề bất cập trong quy hoạch nhất là đối với các khu, cụm công nghiệp đã được phê duyệt để chấn chỉnh quản lý phù hợp với xu thế phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và cả khu vực, đảm bảo phát triển bền vững.
Công bố Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Thông qua Quy hoạch chung thành phố Tân An giai đoạn 2011-2030, tầm nhìn sau năm 2030, Quy hoạch xây dựng chi tiết 1/500 Khu trung tâm chính trị - hành chính tỉnh Long An, Quy hoạch chung thị xã Kiến Tường đến năm 2030; điều chỉnh đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Cần Giuộc đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; chỉ đạo tập trung xây dựng khối Đoàn thể trong năm 2014. Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ tỉnh Long An đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Xây dựng Chương trình phát triển nhà ở đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Thẩm định Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của các huyện.
Ban hành quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh. Kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng 42 trường hợp với số tiền 826,250 triệu đồng. Tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý việc xây dựng trái phép, lấn chiếm lòng lề đường, hành lang bảo vệ đường bộ, đường điện, bờ sông, họp chợ tự phát… lập lại trật tự mỹ quan đô thị trên địa bàn tỉnh.
3. Khu vực thương mại - dịch vụ (khu vực III): tăng trưởng 11,8% (KH 12%), trong đó: thương mại tăng 11,7% và dịch vụ tăng 11,8% (cùng kỳ khu vực III tăng 11,6%, trong đó: thương mại tăng 11,6% và dịch vụ tăng 11,7%).
Tình hình kinh tế khó khăn, thu nhập người dân không tăng nhiều nhưng sức mua tương đối ổn định và có tăng so cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 40.433 tỷ đồng đạt 99% KH, tăng 20,7% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu 3.300 triệu USD đạt 95,7% KH, tăng 15,8% so với cùng kỳ, chủ yếu là gạo, hạt điều nhân, hàng may mặc, giày dép, thủy sản chế biến, cơ khí, sắt thép. Kim ngạch nhập khẩu 2.540 triệu USD đạt 94,8% KH, tăng 20,2% so với cùng kỳ, chủ yếu là máy móc thiết bị và nguyên vật liệu phục vụ sản xuất.
Các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo mua gần 1,7 triệu tấn quy lúa, xuất khẩu 715.000 tấn quy gạo (cao nhất từ trước đến nay), tăng 15,5% về lượng, tăng 9,1% về kim ngạch so với cùng kỳ. Mua tạm trữ vụ đông xuân 2013/2014 hoàn thành chỉ tiêu được giao 99.000 tấn quy gạo. Ngoài ra Công ty Lương thực Long An và 02 doanh nghiệp ngoài tỉnh có đầu tư kho chứa trong tỉnh mua thêm 9.500 tấn.
Công tác kiểm tra kiểm soát thị trường, giá cả được tập trung; tăng cường kiểm tra hoạt động thu mua hàng hóa trái phép của thương nhân nước ngoài; vận chuyển buôn bán nông, lâm, thủy sản nhập lậu; việc niêm yết giá và mua, bán theo giá niêm yết trên địa bàn tỉnh. Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh chỉ đạo quyết liệt công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại trên tuyến biên giới và các địa bàn trọng điểm; lũy kế 10 tháng năm 2014 tổ chức kiểm tra 17.720 vụ, xử lý 3.013 trường hợp vi phạm, bao gồm khởi tố 18 vụ 25 bị can, thu nộp ngân sách 77,178 tỷ đồng, thu giữ 2,011 triệu gói thuốc lá ngoại và nhiều hàng hóa, phương tiện vi phạm khác; trong đó riêng lực lượng quản lý thị trường kiểm tra 2.227 vụ, xử lý 1.046 trường hợp vi phạm, thu nộp ngân sách 5.035,8 triệu đồng (100,7% KH);
Chỉ số giá cả hàng tiêu dùng so tháng 12 năm trước tăng 2,06%, so cùng kỳ tăng 2,78% và sau 10 tháng chỉ số giá bình quân tăng 4,38%.
4. Đầu tư phát triển
a) Đầu tư xã hội:
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2014 ước 23.433,3 tỷ đồng tăng 9,8% so với cùng kỳ, chiếm 35,6% GDP (năm 2013 chiếm 36,5% GDP), đầu tư giảm chủ yếu do sản xuất kinh doanh khó khăn, các doanh nghiệp hạn chế đầu tư mới và mở rộng quy mô.
b) Đầu tư xây dựng cơ bản:
Kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2014 là 1.885,3 tỷ đồng (chưa kể 63,5 tỷ đồng vốn nước ngoài và 1,5 tỷ đồng đầu tư hỗ trợ doanh nghiệp nhà nước). Giá trị khối lượng thực hiện 10 tháng khoảng 1.416,246 tỷ đồng đạt 75,1% KH; giá trị giải ngân khoảng 1.445,851 tỷ đồng đạt 76,7% KH. Ước khối lượng thực hiện và giải ngân cả năm đạt 100% KH. Cụ thể:
- Phần vốn tỉnh quản lý 1.561,947 tỷ đồng. Giá trị khối lượng thực hiện 10 tháng khoảng 1.101,425 tỷ đồng đạt 70,5% KH; giá trị giải ngân khoảng 1.131,029 tỷ đồng đạt 72,4% KH. Ước khối lượng thực hiện và giải ngân cả năm đạt 100% KH.
- Phần vốn phân bổ cho huyện quản lý 323,353 tỷ đồng, bao gồm vốn xây dựng cơ bản tập trung 109,353 tỷ đồng và vốn tiền sử dụng đất 214 tỷ đồng. Giá trị khối lượng thực hiện và giải ngân 10 tháng khoảng 314,822 tỷ đồng đạt 97,4% KH. Ước khối lượng thực hiện và giải ngân cả năm đạt 100% KH.
Thực hiện các nguồn vốn khác:
- Vốn trái phiếu Chính phủ năm 2014 được phân bổ 702,495 tỷ đồng. Giá trị khối lượng thực hiện 10 tháng khoảng 479,754 tỷ đồng đạt 68,3% KH; giá trị giải ngân khoảng 541,814 tỷ đồng đạt 77,1% KH. Ước khối lượng thực hiện và giải ngân cả năm 692,495 tỷ đồng đạt 98,6% KH.
- Vốn ngoài nước (ODA) năm 2014 được giao 63,5 tỷ đồng. Giá trị khối lượng thực hiện và giải ngân 10 tháng khoảng 12,41 tỷ đồng đạt 19,5% KH. Ước khối lượng thực hiện và giải ngân cả năm 18,121 tỷ đồng đạt 28,5% KH.
- Vốn đầu tư thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2014 là 32,64 tỷ đồng (chưa tính 3,5 tỷ đồng vốn nước ngoài). Giá trị khối lượng thực hiện 10 tháng khoảng 27,159 tỷ đồng đạt 83,2% KH; giá trị giải ngân khoảng 27,407 tỷ đồng đạt 84% KH. Ước khối lượng thực hiện và giải ngân cả năm đạt 100% KH.
Chỉ đạo đẩy mạnh công tác quyết toán vốn đầu tư các dự án hoàn thành; thanh toán nợ đọng các công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh.
c) Thu hút đầu tư trong, ngoài nước:
- Đầu tư trong nước: năm 2014 có 700 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, bằng 87,8% so với cùng kỳ, vốn đăng ký 5.000 tỷ đồng bằng 57,8% so với cùng kỳ; giải thể 110 doanh nghiệp, giảm 3,5% so với cùng kỳ; 90 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, tăng 60% so với cùng kỳ. Lũy kế đến cuối năm trên địa bàn tỉnh có 6.000 doanh nghiệp hoạt động với tổng vốn đăng ký 109.300 tỷ đồng. Trong năm cấp Giấy chứng nhận đầu tư 107 dự án có vốn đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 7.980 tỷ đồng, tăng hơn 5 lần về số dự án và tăng 76% về số vốn so với cùng kỳ, nâng tổng dự án đầu tư trong nước đến nay lên 872 dự án với tổng vốn 93.374 tỷ đồng.
- Đầu tư nước ngoài: năm 2014 cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 90 dự án đầu tư nước ngoài với vốn đăng ký 646 triệu USD, bằng 173% về số dự án và tăng gần 3,5 lần về vốn so với cùng kỳ. Lũy kế đến cuối năm tổng số dự án FDI đăng ký trên địa bàn tỉnh là 581 dự án với tổng vốn 3.788 triệu USD; trong đó 365 dự án đi vào hoạt động chiếm 63% tổng số dự án đăng ký, vốn thực hiện 2.240 triệu USD đạt 59% tổng vốn đăng ký.
Công tác xúc tiến đầu tư: Năm 2014 triển khai thực hiện kế hoạch xúc tiến đầu tư gắn với chương trình hoạt động đối ngoại của tỉnh, theo hướng tập trung, hiệu quả. Triển khai thực hiện Quyết định số 03/2004/QĐ-TTg ngày 14/1/2014 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý nhà nước đối với hoạt động xúc tiến đầu tư. Tổ chức họp mặt doanh nghiệp đầu năm 2014, họp mặt doanh nhân tỉnh Long An nhân ngày doanh nhân Việt Nam 13/10; hội thảo nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2014, triển khai thực hiện Chỉ thị số 10/CT-UBND ngày 23/5/2014 về việc tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2014; tổ chức 02 hội thảo về xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và 01 hội thảo xúc tiến đầu tư vào khu công nghiệp; tọa đàm về môi trường đầu tư với tổ chức Jetro - Nhật Bản tại TP.HCM, tọa đàm với doanh nghiệp về chính sách thuế, chuẩn mực kế toán và kết hợp trình bày “Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp”; tổ chức Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Nam lần thứ IV năm 2014 tại Long An, hội nghị “Kết nối cung - cầu hàng hóa giữa các cơ sở sản xuất hàng công nghiệp nông thôn với hệ thống phân phối” khu vực phía Nam- năm 2014, hội nghị công tác khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam lần thứ V năm 2014; tổ chức các cuộc đối thoại, thăm và làm việc với các doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hội chợ triễn lãm ngoài tỉnh; tổ chức 06 khóa đào tạo và 01 hội nghị tuyên truyền phổ biến pháp luật cho doanh nghiệp. Tiếp và làm việc với Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc và một số doanh nghiệp nước ngoài thăm và tìm hiểu môi trường đầu tư tại Long An. Tổ chức chuyến xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản.
d) Phát triển khu, cụm công nghiệp:
Toàn tỉnh hiện có 28 khu công nghiệp đang có nhà đầu tư với diện tích 10.216,2 hecta; 24 khu đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư với diện tích 8.242,5 hecta, tổng vốn đầu tư 62,7 triệu USD và 35.336,68 tỷ đồng; 19 khu đã được cấp quyết định thành lập với diện tích 5.805,8 hecta; 16 khu đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy 49,84%. Các khu công nghiệp đã thu hút 911 dự án đầu tư, thuê lại 1.392,886 hecta đất và 555.936m2 nhà xưởng, trong đó có 328 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn 2.180,394 triệu USD và 568 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn 32.515,142 tỷ đồng.
Toàn tỉnh hiện có 32 cụm công nghiệp có chủ đầu tư hạ tầng, diện tích 3.368 hecta, trong đó 18 cụm đã có quyết định thành lập với diện tích 640 hecta; 14 cụm đã đi vào hoạt động với diện tích 618,22 hecta. Các cụm công nghiệp thu hút 232 doanh nghiệp đăng ký thuê đất với diện tích 444,6435 hecta, tỷ lệ lấp đầy 79,64%, sử dụng hơn 15.000 lao động.
Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được quan tâm thực hiện. Việc kiểm tra, thanh tra về tiến độ đầu tư, môi trường được các cơ quan chức năng thực hiện thường xuyên, xử lý nhiều trường hợp vi phạm. Trong năm 2014 thu hồi 20 dự án đầu tư với tổng diện tích 650 hecta.
5. Tài chính - Tín dụng
a) Tài chính, ngân sách:
Trước tình hình sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn, đồng thời thực hiện các giải pháp miễn, giảm, giãn thuế để giảm bớt khó khăn cho sản xuất kinh doanh, Ban Chỉ đạo thu thuế tỉnh có sự tập trung chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc, các ngành, địa phương tích cực công tác thu nên thu ngân sách nhà nước năm 2014 vượt dự toán đề ra, đáp ứng được yêu cầu chi theo kế hoạch và triệt để tiết kiệm theo quy định.
Tổng thu ngân sách nhà nước ước 6.208 tỷ đồng đạt 117,5% dự toán Trung ương và HĐND tỉnh giao, đạt 112,3% so dự toán phấn đấu và bằng 112% so với cùng kỳ. Trong đó: thu nội địa 5.065 tỷ đồng đạt 115,1% so với dự toán Trung ương và HĐND tỉnh giao, đạt 109,6% dự toán phấn đấu, bằng 108,8% so với cùng kỳ (nếu loại trừ tiền sử dụng đất thì thu nội địa 4.345 tỷ đồng, đạt 110% so với dự toán, đạt 105,6% dự toán phấn đấu, bằng 105,9% so với cùng kỳ); thu thuế xuất nhập khẩu 1.143 tỷ đồng đạt 129,3% so với dự toán Trung ương và HĐND tỉnh giao, đạt 125,6% dự toán phấn đấu và bằng 128,1% so với cùng kỳ. Thu xổ số kiến thiết 1.000 tỷ đồng đạt 133,3% dự toán và bằng 122,1% so với cùng kỳ (bao gồm 193 tỷ đồng từ nguồn Quỹ ĐTPT nộp vào NS tỉnh).
Tổng chi ngân sách địa phương ước 7.611,855 tỷ đồng đạt 121% so dự toán Trung ương và dự toán HĐND tỉnh giao, bằng 120% so với cùng kỳ. Chi đầu tư phát triển (không bao gồm chi từ nguồn thu xổ sổ kiến thiết) 2.009,133 tỷ đồng, trong đó chi theo dự toán HĐND tỉnh giao (gồm cả chi từ chương trình mục tiêu quốc gia) 1.241,940 tỷ đồng, đạt 100% dự toán. Chi đầu tư từ nguồn xổ số kiến thiết 957,206 tỷ đồng, bằng 128% so với cùng kỳ, trong đó thực hiện theo kế hoạch 750 tỷ đồng, đạt 100% dự toán HĐND tỉnh giao, phần còn lại được chi từ nguồn vượt thu. Chi thường xuyên 5.601,462 tỷ đồng, đạt 121% so với dự toán Trung ương giao, đạt 115% so với dự toán HĐND tỉnh giao, bằng 106% so với cùng kỳ.
b) Tín dụng:
Tổng nguồn vốn hoạt động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đến cuối năm 2014 ước 48.925 tỷ đồng tăng 12,9% so với đầu năm, trong đó nguồn vốn huy động 27.778 tỷ đồng, chiếm 56,8% tổng nguồn vốn, tăng 10,9% so với đầu năm, các nguồn vốn khác (vốn điều chuyển và ủy thác) tăng 15,7% so với đầu năm. Tổng dư nợ đến cuối năm ước 32.235 tỷ đồng tăng 12,2% so với đầu năm. Nợ xấu của các tổ chức tín dụng đến cuối năm chiếm tỷ lệ 3,01% tổng dư nợ, giảm 0,23% so với đầu năm.
Các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh cho vay ưu đãi lãi suất theo chủ trương của Chính phủ đến tháng 10/2014 đạt 16.119 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 52% dư nợ cho vay, tăng 14,1% so với đầu năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng trên địa bàn (9,56%).
III. Tài nguyên và Môi trường
Tổ chức triển khai Luật Đất đai năm 2013, Luật Môi trường năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành; thành lập Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh Long An; ban hành kế hoạch thực hiện Kế hoạch số 51-KH/TU ngày 28/8/2013 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 06/3/2013 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về "Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường".
Triển khai thực hiện Quy hoạch sử dụng đất tỉnh Long An giai đoạn 2011-2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu 2011-2015 được Chính phủ phê duyệt. Cấp huyện đã phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 05 năm kỳ đầu (2011-2015) của 14/15 huyện, thị xã, thành phố (còn huyện Đức Huệ đã thẩm định, đang hoàn chỉnh trình phê duyệt). Toàn tỉnh có 64 xã triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, trong đó 44 xã hoàn thành và tích hợp vào cơ sở dữ liệu đất đai cấp huyện, cấp tỉnh, 20 xã dự kiến đến 30/4/2015 hoàn thành đưa vào sử dụng.
Đến ngày 30/8/2014 toàn tỉnh đã cấp giấy 1.189.999 thửa đất, diện tích 381.085,88 hecta đạt tỷ lệ 95,8% so với tổng diện tích cần cấp giấy; trong đó nhóm đất nông nghiệp đạt 95,6%; nhóm đất phi nông nghiệp đạt 97,6%.
Tiếp tục thực hiện công tác quản lý, bảo vệ môi trường, theo dõi, giám sát chặt chẽ việc khắc phục tình trạng ô nhiễm của các điểm đen, điểm nóng về môi trường. Theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Long An có 07 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đến nay có 7/7 cơ sở hoàn tất các biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để. Hoàn thành xử lý 15/16 điểm đen, điểm nóng về môi trường, còn 01 đơn vị đang tiếp tục theo dõi, đôn đốc thực hiện (xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải của Công ty TNHH Hoàng Gia Long An - Cụm công nghiệp Hoàng Gia).
Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được các ngành, địa phương quan tâm thực hiện; đa số người dân đồng thuận với chủ trương nhà nước thu hồi đất nhằm mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; trong đó giá là yếu tố quyết định cao nhất của công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Phần lớn các chủ đầu tư tích cực phối hợp, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như còn vụ việc người dân khiếu nại hoặc yêu cầu tăng giá bồi thường, nhà đầu tư không đảm bảo năng lực tài chính, chậm triển khai dự án hoặc thay đổi, bổ sung mục đích đầu tư.
Đã thực hiện 12 cuộc thanh tra về đất đai với 31 đơn vị, 40 cuộc thanh tra về bảo vệ môi trường với 52 đơn vị; xử phạt vi 03 đơn vị vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đất đai với số tiền 46 triệu đồng; xử phạt 02 đơn vị vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản với số tiền 80 triệu đồng; xử phạt 08 đơn vị vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường với số tiền 129 triệu đồng;
IV. Lĩnh vực văn hóa - xã hội
1. Giáo dục và Đào tạo
Triển khai thực hiện kế hoạch, chương trình hành động của ngành giáo dục và đào tạo thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; tiếp tục triển khai thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục tỉnh Long An giai đoạn 2011-2020, định hướng đến 2030 và những đề án lớn của ngành như: phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; phát triển và hiện đại hóa trường THPT chuyên Long An giai đoạn 2013-2015, định hướng năm 2020; dạy và học ngoại ngữ trong các trường phổ thông giai đoạn 2011-2020…
Mạng lưới trường lớp tiếp tục được đầu tư, mở rộng theo hướng đạt chuẩn quốc gia, đáp ứng nhu cầu phát triển sự nghiệp giáo dục. Toàn tỉnh hiện có 634 trường từ mầm non đến phổ thông và 22 cơ sở giáo dục khác, trong đó có 275 trường đạt chuẩn quốc gia chiếm tỷ lệ 43,7%. Dự kiến đến cuối năm 2014 công nhận thêm 64 trường, nâng tổng số lên 338 trường đạt chuẩn, chiếm tỷ lệ 53,3%. Tỷ lệ huy động học sinh đúng độ tuổi từng cấp học đạt và vượt chỉ tiêu đề ra.
Tiếp tục chỉ đạo, quản lý, tổ chức dạy và học theo đúng chương trình, kế hoạch, chú trọng giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, đổi mới phương pháp giảng dạy, kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên (đạt chuẩn và trên chuẩn chiếm 99,2%).
Củng cố và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục: toàn tỉnh tiếp tục đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học - chống mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, đến cuối năm 2014 có 114/192 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn mức độ 2 (60,3%); tiếp tục đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở (192/192 xã đạt chuẩn, tỷ lệ 100%); có 88 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học chiếm 45,8% (vượt chỉ tiêu); có 133 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi, chiếm tỷ lệ 69,7% (tăng 55 xã so với năm 2013).
2. Y tế
Chủ động giám sát, phòng chống dịch bệnh, tập trung các loại dịch bệnh nguy hiểm như: cúm A (gia cầm lây sang người), sởi, tay chân miệng, sốt xuất huyết, Ebola... nhằm phát hiện, xử lý kịp thời, hạn chế lây truyền. Triển khai chiến dịch tiêm vắc xin sởi - rubella cho trẻ em từ 1-14 tuổi trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe trong cộng đồng, thường xuyên thông báo tình hình, dự báo dịch bệnh, hướng dẫn các biện pháp phòng chống, giám sát, hỗ trợ chuyên môn cho cơ sở y tế tuyến dưới... Năm 2014 nhiễm cúm A và bệnh sốt xuất huyết giảm so cùng kỳ, bệnh sởi, bệnh tay chân miệng còn tăng so cùng kỳ.
Ban hành kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về an toàn vệ sinh thực phẩm giai đoạn 2011-2015 và tầm nhìn đến năm 2020. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm, nhất là trong dịp lễ tết, sự kiện đông người.Triển khai thực hiện Tháng An toàn vệ sinh thực phẩm định kỳ hàng năm. Duy trì công tác thanh tra, kiểm tra và hậu kiểm chất lượng thực phẩm, giám sát nguy cơ ô nhiễm. Trong năm 2014 xảy ra 05 vụ ngộ độc thực phẩm.
Tiếp tục triển khai các biện pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, cải tiến quy trình khám bệnh, thực hiện chăm sóc toàn diện, nâng cao y đức, tinh thần trách nhiệm và thái độ phục vụ bệnh nhân; duy trì “đường dây nóng” tại các cơ sở điều trị. Tiếp tục tập trung các nguồn vốn đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị y tế, thực hiện nhiều giải pháp chống quá tải, giảm dần tình trạng nằm ghép. Triển khai Đề án bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2013-2020 tại Bệnh viện Đa khoa Long An. Điều chỉnh bổ sung Đề án nguồn nhân lực ngành y tế đến năm 2020, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng chuyên môn đội ngũ cán bộ y tế. Năm 2014 số lần khám bệnh, số người bệnh điều trị, số ngày điều trị nội, ngoại trú đều tăng so với cùng kỳ 2013. Số ca xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh cũng tăng do một số bệnh viện huyện được bổ sung thiết bị y tế. Đến nay đạt 5,2 bác sĩ/vạn dân; 161/166 xã có bác sĩ đạt 98% (7 xã có 2 bác sĩ); 945 y tế ấp/1.023 ấp.
Tăng cường hoạt động y, dược cổ truyền trong bệnh viện, kết hợp khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền tại trạm y tế xã. Quản lý chặt chẽ hành nghề y, dược tư nhân.
Tiếp tục triển khai mô hình không có người sinh con thứ 3 trở lên, mô hình tư vấn và kiểm tra tiền hôn nhân, đưa chính sách dân số vào quy ước ấp, khu phố. Triển khai chiến dịch tăng cường tuyên truyền, vận động lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình năm 2014. Tổng số trẻ sinh, trẻ sinh là con thứ 3 trở lên đều giảm so với cùng kỳ, chênh lệch giới tính khi sinh: 110 nam/100 nữ. Tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi tiêm chủng đủ liều đạt 98% (đạt KH), tiêm ngừa sởi đạt trên 96%.
3. Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Văn hóa: hoạt động thông tin tuyên truyền, văn hóa văn nghệ phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị và các công tác trọng tâm tại địa phương, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh chuyên đề năm 2014, xây dựng nông thôn mới, kỷ niệm các ngày lễ lớn. Tổ chức tốt các hoạt động văn hóa kỷ niệm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và mừng Xuân Giáp Ngọ, kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, kỷ niệm 60 năm Chiến thắng trận Hiệp Thạnh - Phú Ngãi Trị - Miễu Bà Cố, phục vụ Đại hội Thể dục thể thao tỉnh Long An lần thứ VII, Đại hội Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh, Đại hội Hội Doanh nhân trẻ tỉnh, Liên hoan Tuyên truyền lưu động về An toàn giao thông năm 2014 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Giỗ tổ Hùng Vương tại tỉnh Phú Thọ…
Củng cố Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” các cấp; tổ chức phúc tra và khen thưởng thành tích 14 xã, thị trấn đạt chuẩn văn hóa; tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ cấp cơ sở. Thực hiện tốt công tác nghiên cứu sưu tầm, bảo tồn và phát huy tác dụng của các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh. Nâng cao chất lượng các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình; củng cố gia đình văn hóa; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam; tổ chức Hội thi gia đình văn hóa tỉnh Long An lần thứ V năm 2014; hưởng ứng Tháng hành động phòng, chống bạo lực gia đình.
Tổ chức 23 cuộc kiểm tra tại 95 cơ sở trên các lĩnh vực hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa, xử phạt vi phạm hành chính 25 vụ việc với số tiền trên 105 triệu đồng; kiểm tra 07 cơ sở hoạt động thể dục, thể thao; các hoạt động lễ hội, việc lắp đặt quảng cáo, biển hiệu trên địa bàn tỉnh.
Thể thao: số người tập luyện thể dục thể thao thường xuyên, số hộ gia đình thể thao đạt trên 100% so với chỉ tiêu; số học sinh đạt tiêu chuẩn rèn luyện thân thể, công trình giáo dục thể chất đạt 100% so với chỉ tiêu. Cấp tỉnh, cấp huyện tổ chức nhiều giải thi đấu thể thao, các lớp tập huấn chuyên môn, lớp năng khiếu, góp phần thúc đẩy phong trào trên địa bàn tỉnh.
Du lịch: triển khai chương trình xúc tiến kích cầu du lịch năm 2014, khảo sát, tích cực quảng bá, giới thiệu những điểm đến du lịch trong tỉnh.
4. Lao động - Thương binh và Xã hội
Tập trung công tác giải quyết việc làm - giảm nghèo; kiểm tra, hướng dẫn thực hiện công tác giảm nghèo bền vững. Đến nay 132/192 xã, phường, thị trấn có cộng tác viên làm công tác giải quyết việc làm - giảm nghèo. Tổ chức 02 lớp đào tạo trung cấp xã hội cho cán bộ cấp xã, cộng tác viên giải quyết việc làm - giảm nghèo.
Công nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2014: có 14.533 hộ nghèo tỷ lệ 3,81% (trong đó theo chuẩn Trung ương 14.034 hộ tỷ lệ 3,68%); 14.516 hộ cận nghèo tỷ lệ 3,8% (trong đó theo chuẩn Trung ương 13.960 hộ tỷ lệ 3,66%). Cấp 79.769 thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội, 47.196 thẻ cho người cận nghèo; hỗ trợ tiền điện 14.533 hộ nghèo với kinh phí 3,924 tỷ đồng. Đang xây dựng phương án nâng chuẩn nghèo của tỉnh cho phù hợp tình hình thực tế.
Giải quyết việc làm cho 28.306 lao động đạt 91,7% KH, ước cả năm đạt trên 100% KH. Giải quyết bảo hiểm thất nghiệp 12.147 trường hợp với số tiền trợ cấp 96,039 tỷ đồng, góp phần giảm bớt khó khăn, ổn định cuộc sống và giúp người lao động tìm việc làm mới. Thành lập và ban hành Quy chế quản lý, sử dụng Quỹ giải quyết việc làm tỉnh Long An.
Trên địa bàn tỉnh có 41 cơ sở dạy nghề (26 cơ sở công lập chiếm 63%, 15 cơ sở ngoài công lập chiếm 37%); gồm 3 trường cao đẳng nghề, 6 trường trung cấp nghề, 7 trung tâm dạy nghề, 19 đơn vị công lập, 5 doanh nghiệp và 1 hợp tác xã có tham gia dạy nghề. Có 4 trường được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chọn hỗ trợ đầu tư nghề trọng điểm với 11 nghề (2 nghề cấp độ quốc tế, 2 nghề cấp độ khu vực, 7 nghề cấp độ quốc gia) từ nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015. Đến nay tuyển sinh đào tạo nghề 17.783 người lao động đạt 94,6% KH, trong đó có 5.002 lao động nông thôn, ước cả năm đạt 100% KH. Tổ chức Hội thi tay nghề cấp tỉnh năm 2014 có 25 thí sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi nghề cấp tỉnh; cử 4 thí sinh tham gia Hội thi tay nghề cấp quốc gia năm 2014 đều đạt giải.
Triển khai và kiểm tra việc thực hiện tiền lương tối thiểu vùng tại các doanh nghiệp; điều tra thu thập thông tin cơ sở dữ liệu thị trường lao động năm 2014; khảo sát tình hình lao động tiền lương 100 doanh nghiệp; kiểm tra về quản lý nguồn lực lao động trong khu, cụm công nghiệp; kiểm tra thực hiện pháp luật lao động 22 doanh nghiệp, phúc tra 13 doanh nghiệp, xử phạt 03 doanh nghiệp 112,314 triệu đồng. Kiểm tra phòng chống cháy nổ 30 doanh nghiệp, phúc tra 08 doanh nghiệp, xử phạt 01 doanh nghiệp 11,5 triệu đồng. Tổ chức hưởng ứng “Tuần lễ quốc gia An toàn vệ sinh lao động - Phòng chống cháy nổ” lần thứ 16 năm 2014, khen thưởng 15 tập thể và 06 cá nhân.
Triển khai Nghị định số 102/2013/NĐ-CP ngày 05/9/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam cho 125 doanh nghiệp. Tổng số người nước ngoài được cấp giấy phép lao động là 1.463 người, làm việc tại 318 doanh nghiệp. Trước tình hình diễn biến phức tạp ở Biển Đông, đã chủ động thăm và làm việc với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, in 40.000 tờ rơi tuyên truyền cấp phát đến doanh nghiệp và người lao động. Tập trung giải quyết các vụ tranh chấp lao động, từ đầu năm đến nay xảy ra 12 cuộc đình công, nguyên nhân chủ yếu liên quan đến lợi ích (lương, thưởng, thời giờ làm việc, nghỉ phép…) đã giải quyết ổn định.
Vận động Quỹ đền ơn đáp nghĩa được 9,539 tỷ đồng, đạt 318% KH, xây mới 123 nhà tình nghĩa - kinh phí 5,525 tỷ đồng, sữa chữa 40 căn - kinh phí 763 triệu đồng. Tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho người có công và đối tượng chính sách xã hội nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 với tổng kinh phí 48,415 tỷ đồng (Trung ương 8,567 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 39,848 tỷ đồng); nhân kỷ niệm 67 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-2014) với kinh phí 8,744 tỷ đồng (Trung ương 7,353 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 1,091 tỷ đồng, vận động xã hội hóa 300 triệu đồng). Tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh.
Tổ chức Lễ công bố, trao tặng và truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” cho 1.097 trường hợp (02 đợt), tiếp tục thẩm định 838 hồ sơ (đợt 03). Kiểm tra, lập danh sách đề nghị cấp lại 60 bằng Tổ quốc ghi công.
Triển khai các hoạt động hỗ trợ đối với người thuộc diện bảo trợ xã hội và hỗ trợ đột xuất cho người dân di cư tự do từ Campuchia về Việt Nam gặp khó khăn về đời sống (gạo, nhà bạt, y tế). Toàn tỉnh có 48.931 đối tượng bảo trợ xã hội hưởng trợ cấp thường xuyên tại cộng đồng với kinh phí chi trả 97, 686 tỷ đồng; trợ cấp đột xuất cho 379 trường hợp có hoàn cảnh khó khăn 1,007 tỷ đồng; tổ chức khám và phẫu thuật đục thủy tinh thể, chữa răng miễn phí cho 386 người nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật. Trợ cấp Tết cho 349 hộ Việt kiều Campuchia chưa có quốc tịch 174,5 triệu đồng; tiếp nhận cấp phát 72.540kg gạo (Trung ương hỗ trợ 64.000kg, tỉnh mua bổ sung 8.540kg) cho 1.612 người dân di cư tự do từ Campuchia về Việt Nam chưa đăng ký hộ tịch; hỗ trợ nhà ở, y tế cho 550 hộ Việt kiều Campuchia chưa có hộ tịch, hộ khẩu gặp khó khăn về đời sống 1,319 tỷ đồng (Trung ương phân bổ 1,229 tỷ đồng, tỉnh hỗ trợ 90 triệu đồng).
Tiếp tục thực hiện tốt công tác bảo vệ trẻ em và bình đẳng giới. Triển khai Quyết định số 34/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em.
Tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành quy định của pháp luật về phòng, chống tệ nạn xã hội, có 100% hộ gia đình và 100% khu dân cư cam kết không vi phạm tệ nạn xã hội. Tổ chức 24 cuộc kiểm tra tại 97 cơ sở kinh doanh dịch vụ, phát hiện 14 vụ vi phạm, xử phạt 41,450 triệu đồng. Triển khai công tác cai nghiện ma túy tại cộng đồng tại 10 xã, phường, thị trấn thực hiện thí điểm.
Triển khai Quyết định số 1237/QĐ-TTg ngày 27/7/2013 của Thủ tướng Chính phủ về tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo; sơ kết công tác quy tập mộ liệt sĩ hy sinh ở Campuchia giai đoạn XIII (2013-2014); ban hành kế hoạch quy tập giai đoạn XIV (2014-2015); phê duyệt kế hoạch tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ hy sinh trên địa bàn tỉnh lần 1 năm 2014. Tiếp nhận 24 hài cốt liệt sĩ hy sinh ở Campuchia về an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Vĩnh Hưng; lũy kế đến nay đã tiếp nhận và an táng 2.008 hài cốt liệt sĩ.
(Nguồn: www.baochinhphu.vn)